Friday, November 19, 2021

CÓ MỘT NHÀ GIÁO XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC TÔN VINH : PHẠM TOÀN! (Mạc Văn Trang)

 


Có một nhà giáo xứng đáng được tôn vinh: Phạm Toàn!

Mạc Văn Trang

19/11/2021

https://baotiengdan.com/2021/11/19/co-mot-nha-giao-xung-dang-duoc-ton-vinh-pham-toan/

 

Ông không là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, không bằng khen, không chức vụ. Ông chỉ là Nhà giáo Phạm Toàn.

 

1. PHẠM TOÀN LÀ AI?

 

Phạm Toàn quê tại Đông Anh, Hà Nội, sinh năm 1932 (Nhâm thân); mỗi lần gặp hai người bạn đồng tuế: Nguyên Ngọc, Dương Tường, ông lại đùa: “Ba con khỉ tinh nghịch”.

Phạm Toàn qua đời ngày 26 tháng 6 năm 2019.

Năm 1946 Phạm Toàn đi bộ đội. Cuối năm 1951 ông được đi học sư phạm cao đẳng. Sau đó ông vừa dạy học, vừa viết văn với bút danh Châu Diên.

 

Phạm Toàn là nhà văn. Ông viết Truyện ngắn, Thơ, Tiểu thuyết… không nhiều lắm, nhưng bạn bè khen văn ông hay và cá tính.

 

Phạm Toàn là dịch giả. Những năm khốn khó, ông sống nhờ vào dịch thuật. Ông dịch khoảng chục sách văn học Pháp; dịch nhiều tài liệu lý luận, Triết học cho Viện Khoa học Xã hội; ông dịch tiếng Anh cũng nhiều, tiêu biểu là 2 cuốn “Nền Dân trị Mỹ” của tác giả Alexis De Tocqueville và “Cơ cấu Trí khôn” của Howard Gardner, đều do NXB Tri thức, ấn hành.

 

Phạm Toàn là nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục. Phạm Toàn nhiều năm dạy HS miền núi. Ông vừa dạy vừa nghiên cứu xây dựng nên Chương trình và viết sách cho học sinh. Sách của Phạm Toàn dạy cho HS dân tộc vùng núi đã được Giải thưởng UNESCO (1984). Cả đời Phạm Toàn vừa dạy học, vừa viết văn, vừa dịch sách, vừa nghiên cứu Văn học, Nghệ thuật, Tâm lý học, Giáo dục học.

 

Bằng con đường TỰ HỌC phi thường, Phạm Toàn thông thạo mấy ngoại ngữ, có vốn kiến thức sâu rộng nhiều lĩnh vực, nhất là về Khoa học giáo dục. Ông làm việc gần 20 năm tại Cơ sở Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, nhưng ông muốn nghiên cứu những gì sâu, rộng hơn. Vì vậy ông viết “Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục” (NXB Tri Thức, Hà Nội, 2008). Từ đây ông đặt nền móng phát triển Tủ sách Sư phạm Cánh Buồm.

 

Dẫu say mê với chuyên môn, Phạm Toàn luôn đau đáu trách nhiệm xã hội, ông cùng GS Nguyễn Huệ Chi và GS Nguyễn Thế Hùng lập ra trang web Bauxite VN nổi tiếng với những phản biện xã hội mạnh mẽ.

 

Có lần hội thảo về sách Cánh Buồm, GS Hồ Ngọc Đại nói (đại ý): Tầng lớp trí thức trong xã hội là một thực thể có tầng có lớp. Lớp trên cùng gọi là thiên tài, số cá thể đủ đếm trên đầu ngón tay: Nguyễn Du, Mozart, Einstein. Kế theo là tầng lớp người có ý tưởng, đông lắm nhưng các cá thể có thể gọi theo tên riêng cộc lốc, ví dụ Phạm Toàn. Dưới cùng gọi là lớp học trò, đông không đếm xuể, nên tên gọi cá thể bao giờ cũng phải kèm theo hư danh, chức tước, bằng cấp. Ví dụ, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Hồ Ngọc Đại! (Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, tr.184)

 

Còn Phạm Toàn nói: Anh Đại là Thầy tôi!

 

2. LÀM SÁCH CÁNH BUỒM LÀM GÌ?

 

Phạm Toàn khát khao muốn đem tất cả những gì mình đã tích lũy được, truyền đạt lại cho trẻ em bằng tình yêu và trách nhiệm lớn lao với Dân tộc. Ông tin rằng với quan điểm giáo dục tiến bộ, bằng phương pháp giáo dục mới, mà bản thân đã hướng dẫn trẻ (ông không ưa dùng từ dạy) bao nhiêu năm, ông tin chắc sẽ Đúng và Thành công. Năm 2009 ông lập ra nhóm Cánh Buồm để thực hiện ý nguyện đó.

 

Phạm Toàn bảo, Làm ra một điều tích cực là chống tiêu cực mạnh mẽ nhất!

 

Đừng chỉ có tranh cãi, góp ý, phản biện làm gì với những “cải cách”, “đổi mới” giáo dục hiện nay cho mất công, mất sức và thêm bực mình!

 

Phản biện tốt nhất là ta làm ra một sản phẩm khác, tốt hơn để xã hội chọn lựa. Từ thực tiễn dạy HS và những nghiên cứu nung nấu mấy chục năm, Phạm Toàn tin rằng, giáo dục phổ thông chỉ cần 10 năm là HS đủ trưởng thành làm người có văn hoá để học và làm một nghề gì đó phù hợp. Còn lớp 11 – 12 phải coi là “Dự bị Đại học”, HS dùng phương pháp tự học để tập nghiên cứu các chuyên đề của các môn học. Như vậy thì lên Đại học, sinh viên thực sự có năng lực học bằng nghiên cứu, sử dụng ngoại ngữ, đi sâu vào các lĩnh vực chuyên môn. Giáo Dục như vậy thì thế hệ trẻ mới trưởng thành, dân tộc này mới khá lên được.

 

Với quan niệm về giáo dục như trên, sách Cánh Buồm không theo “khung chương trình” 12 năm, nội dung, phương pháp của Bộ GD&;ĐT. Do vậy sách Cánh Buồm mà đưa vào “diện được Hội đồng thẩm định” thì bị loại ngay từ “vòng gửi xe”!

 

Tóm lại, Cánh Buồm làm ra sách như một “sản phẩm mẫu” để dâng hiến miễn phí cho xã hội, hy vọng mọi người dùng nó, từ đó “nhân ra” để thay đổi giáo dục; trước hết là việc dạy Tiếng Việt và Văn cho HS để các em học một cách vui thích, tự tin, biết phương pháp tự học, phát triển tư duy, ngôn ngữ, tâm hồn phong phú.

 

Với mục đích như vậy, nên Cánh Buồm đã thu hút được hơn 40 cộng tác viên ở trong và ngoài nước tham gia làm sách với động cơ cống hiến, không có một đồng thù lao nào.

 

3. SÁCH CÁNH BUỒM CÓ GÌ KHÁC?

 

(Tuyệt đối không được lầm lẫn với sách Cánh Diều của GS Nguyễn Minh Thuyết, 2020).

 

Quan điểm của nhóm Cánh Buồm: Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thế hệ trẻ; phương pháp giáo dục (giảng dạy) là hướng dẫn HS biết TỰ HỌC, biết phương pháp làm ra sản phẩm giáo dục của mình, cho mình. “Toàn bộ con người được khách quan hóa và được hiện ra trong các sản phẩm của nó”. (Vygotsky, Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục, tr.196).

 

Sách Cánh Buồm vừa là sách cho GV, sách giáo khoa cho HS, cũng là sách bài tập. GV và HS không cần thêm sách nào nữa! Đó là sách “ba trong một”: Là giáo án gợi ý để GV hướng dẫn, HS thực hiện Hành động học tập bằng hệ thống thao tác tường minh, hoàn thành từng Việc làm (bài tập) làm ra Sản phẩm của mình.

 

Không biết thao tác không làm được gì cả! Biết thao tác hóa thì những khái niệm trừu tượng cũng có thể hướng dẫn HS Tiểu học hành động để tự hình thành được.

 

Sách Văn Cánh Buồm đã thao tác hóa sự Đồng cảm, thao tác hóa sự Tưởng tượng, thao tác hóa sự Liên tưởng, thao tác hóa Bố cục một bài văn nghị luận để HS từ lớp 1 đến lớp 4 lần lượt biết tự làm ra từng loại sản phẩm và lĩnh hội được những điều đó; sách Tiếng Việt Cánh Buồm đã thao tác hóa cách học ngữ âm, từ vựng, cú pháp và văn bản tiếng Việt để HS am tường cách dùng ngôn ngữ mẹ đẻ, có năng lực hành dụng.

 

Khi HS biết cách tự làm ra sản phẩm bên ngoài, cũng là quá trình hình thành cái Tâm lý bên trong. Quá trình đó giúp HS lĩnh hội cả Tri thức lẫn Phương pháp làm ra Tri thức khiến cho HS thích học và biết cách Tự học. Học bằng cách này, sự phát triển tự do của mỗi HS không bị giới hạn.

 

4. SÁCH VĂN VÀ TIẾNG VIỆT THẾ NÀO?

 

Theo nghiên cứu của Hồ Ngọc Đại thì mỗi CÁI (đối tượng) phải có một CÁCH (phương pháp) để khám phá, chiếm lĩnh. Từ đó Phạm Toàn vận dụng vào Cách dạy Văn (Nghệ thuật) khác với Cách dạy Tiếng Việt (Ngôn ngữ). Cho nên ngay từ lớp Một, mỗi tuần HS học 8 tiết Tiếng Việt và 2 tiết Văn, cộng là 10 tiết. Học 4- 5 tháng, HS tự đọc được các bài tập trong sách để làm.

 

4.1. Dạy Văn, học Văn thế nào?

 

Cách học Văn Cánh Buồm không nhằm dạy HS những “mẹo” hoặc những “kỹ thuật” học giỏi văn, đặc biệt không bắt HS học thuộc các “bài văn mẫu”. Cánh Buồm giáo dục cảm xúc nghệ thuật và tạo cho HS năng lực cảm thụ nghệ thuật bằng cách hướng dẫn HS tự làm ra cái đẹp nghệ thuật.

 

– Lớp Một học về lòng ĐỒNG CẢM, để có cảm hứng làm ra tác phẩm nghệ thuật;

 

– HS lớp Hai học thao tác TƯỞNG TƯỢNG để tạo ra hình tượng nghệ thuật;

 

– HS lớp Ba học thao tác LIÊN TƯỞNG để nhào nặn cho hình tượng phong phú;

 

– HS lớp Bốn học thao tác SẮP XẾP (bố cục).

 

– HS lớp Năm đã nắm được 4 các Thao tác của ngữ pháp nghệ thuật (đồng cảm, tưởng tượng, liên tưởng, bố cục), đủ sức tự tham gia hoạt động với các loại hình nghệ thuật cơ bản: âm nhạc, nhảy múa, tạo hình, văn tự sự, thơ trữ tình, và kịch để hoạt động làm ra các sản phẩm nghệ thuật.

 

– HS lớp 6: CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT. Vì sao người ta làm ra tác phẩm nghệ thuật: làm Thơ, viết văn Tự sự, Vẽ, chơi m nhạc, chơi Kịch.

 

– HS lớp 7: GIẢI MÃ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (Trữ tình và Kịch nghệ).

 

– HS lớp 8: GIẢI MÃ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (VĂN TỰ SỰ và các phương thức biểu đạt tự sự, tác phẩm tự sự).

 

– HS lớp 9: Nghiên cứu nghệ thuật với mẫu là TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU và FAUST CỦA GOETHE.

 

Chín năm giáo dục phổ thông: HS biết cách học Văn để tạo năng lực nghệ thuật.

 

4. 2. Dạy Tiếng Việt, học Tiếng Việt thế nào?

 

– Tiếng Việt 1: NGỮ ÂM – Cách ghi và đọc tiếng Việt

 

– Tiếng Việt 2: TỪ VỰNG – Tạo ra và dùng từ ngữ tiếng Việt

 

– Tiếng Việt 3: CÚ PHÁP – Tạo ra và dùng câu tiếng Việt

 

– Tiếng Việt 4: VĂN BẢN – Tạo ra và dùng văn bản tiếng Việt

 

– Tiếng Việt 5: HOẠT ĐỘNG NGÔN NGỮ (Các dạng hoạt động ngôn ngữ trong xã hội)

 

– Tiếng Việt 6: NGỮ ÂM – GHI ÂM (Tiếng nói và chữ viết)

 

– Tiếng Việt 7: TỪ VÀ TỪ VỰNG (Từ, ngữ, từ nguyên, từ vựng tiếng Việt…)

 

– Tiếng Việt 8: CÁCH BIỂU ĐẠT NGÔN NGỮ (Ngôn ngữ Khoa học, Ngôn ngữ Nghệ thuật, ngôn ngữ Chính trị – xã hội…)

 

– Tiếng Việt 9: NGÔN NGỮ VÀ TƯ DUY (Tư duy Khoa học, Tư duy Nghệ thuật, Tư duy về các mặt của đời sống)

 

Chín năm giáo dục phổ thông: HS biết cách học để tạo năng lực tiếng Việt.

 

Tóm lại, nếu người ngoài xem sách giáo khoa Cánh Buồm sẽ sửng sốt vì nội dung tưởng chừng “quá nặng”, “quá khó” với HS, nhưng với CÁCH DẠY và HỌC của Cánh Buồm, HS không chỉ lĩnh hội được cả tri thức lẫn phương pháp một cách “ngon lành” mà còn thích thú. HS thực sự am tường Văn và Tiếng Việt cơ bản, vững chắc, phong phú và biết hành dụng chắc chắn, linh hoạt trong cuộc sống.

 

4.3. Kết quả HS học Văn và Tiếng Việt Cánh Buồm thế nào?

 

Sách Cánh Buồm đã được một số trường TƯ dạy 9 -10 năm nay rồi. Họ dạy “chui”! Nhóm Cánh Buồm không phải “báo cáo thành tích” với cấp nào. Kết quả học tập chỉ có HS báo cáo với nhau trước GV và cha mẹ trong suốt quá trình học tập vào và cuối học kỳ, cuối năm học.

 

Cách đây mấy hôm tôi có gọi điện hỏi cô Hiệu phó một trường vẫn dạy sách CB lâu nay, hỏi:

– Năm nay trường còn dạy sách Cánh Buồm không?

 

Cô trả lời: Không dạy Cánh Buồm thì HS chán không học, phụ huynh bỏ trường mất! Vẫn phải dạy “chui” thôi bác ạ!

 

Tôi đã dự một số giờ dạy của thầy Toàn và các GV cho HS lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 8, thấy GV hướng dẫn nhàn nhã, HS thích thú làm việc, tự do thắc mắc.

 

Càng lên lớp trên, HS càng chủ động, hăng say làm việc, càng tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt một cách tự tin… Đặc biệt là dự những buổi trưng bày sản phẩm và trình diễn cuối năm của HS từ lớp 1 trở lên, rất hấp dẫn.

 

Từ lớp 4 cuối năm có “Hội thảo khoa học” của HS rất ấn tượng. Tôi đã dự và viết bài về 2 cuộc Hội thảo của HS lớp 4 ở một trường và của HS lớp 8 ở một trường khác (đăng lên FB, nhưng không được nêu tên trường). Trước Hội thảo, mỗi HS đều tự chọn một đề tài nghiên cứu, có GV hướng dẫn.

 

Sau đó các em nộp sản phẩm và từng lớp trưng bày triển lãm sản phẩm của mình.


Ban tổ chức Hội thảo chọn ra chừng 15 báo cáo để trình bày

.

Lớp 4, HS đã biết làm văn nghị luận với gợi ý cấu trúc 5 câu cơ bản:

 

1/ Câu chủ đề,

2/ Câu mở rộng,

3/ Câu phản biện,

4/ Câu sơ kết,

5/ Câu kết luận.

 

HS làm đủ các để tài do các em tự nêu ra: Cha mẹ và con; Tại sao lại chặt cây; Đừng phá tổ chim; Đừng vứt rác bừa bãi; bảo vệ môi trường; Chơi Game nhưng đừng nghiện; Tại sao cần tập thể dục; Tại sao cần đọc sách; Người già khiêu vũ; Chớ vượt đèn đỏ; Nhớ đội mũ bảo hiểm.

 

Tôi ấn tượng nhất với bài trình bày của một HS Nam lớp 4 về đề tài: “Thảm họa Formosa”.

 

1/ Formosa gây thảm hoạ môi trường gây bất bình trong xã hội.

 

2/ Biển ô nhiễm làm chết bao nhiêu cá và không ai dám tắm biển nữa; bao nhiêu ngư dân mất biển biết sống bằng gì; môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, không chỉ hiện tại mà còn đến mai sau.

 

3/ Vậy nhưng có người nói, muốn có thép thì đừng ăn cá tôm nữa, phải chọn lựa thôi!

 

4/ Em chọn biển sạch và cá tôm. Biển sạch sẽ đem lại nguồn lợi cá tôm mãi mãi; sẽ đảm bảo đời sống cho bao nhiêu ngư dân; sẽ có bao nhiêu khách du lịch đến tắm biển…;

 

5/Khi biển sạch, môi trường sống sạch, con người khỏe mạnh, ta sẽ giàu lên và có tiền mua thép ở đâu cũng có. Không thể chấp nhận Formosa!

 

Em trình bày hùng hồn và tự tin đến mức tôi nghĩ, người lớn có cãi với em này chắc em cũng không chịu thua!

 

Còn lớp 8 thì ấn tượng lắm, rất nhiều đề tài về ngôn ngữ, văn học, xã hội… người lớn nghe thấy choáng! Các đề tài: Từ Thơ Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu đến sự phát triển Chữ Quốc Ngữ của Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh…; cái cười trong ca dao, Thành ngữ Việt Nam và Thành ngữ Hàn quốc, Tên phố ở quận Cầu Giấy (cho thấy gì?).

 

Ấn tượng nhất là khi các em trả lời các câu hỏi của các bạn, của GV, cha mẹ HS. Thú thực tôi ngồi nhiều Hội đồng chấm Luận án TS, Luận văn Thạc sĩ, nghe những câu trả lời được viết sẵn rồi đọc, rất chán. Tôi hay nêu những câu hỏi bất ngờ, nhiều học viên nói: Cảm ơn thầy, câu hỏi đó em xin ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu ạ!

 

Còn các HS lớp 8 Cánh Buồm, trả lời bất cứ câu hỏi nào một cách tự nhiên, rất tự tin. Chắc hẳn vì các em làm thật và nghĩ sao nói vậy, không cần theo mẫu nào, không có một áp lực nào.

 

Một hiện tượng lạ nữa cần nói, đó là tại CLB Ô XINH – tức CLB của nhóm các thầy cô giáo và cha mẹ HS yêu mến phương pháp Cánh Buồm; có hàng chục cô giáo sống bằng cái CLB này. Họ làm gì? Họ thuê nhà, mở các lớp dạy sách Cánh Buồm cho HS vào dịp hè, ngày Chủ nhật và sau giờ học buổi chiều. Tôi đến CLB này và ngạc nhiên thấy các lớp: Lớp Đồng cảm, lớp Tưởng tượng, lớp Liên tưởng, lớp Văn bản; lớp bồi dưỡng phương pháp Cánh Buồm cho GV; lớp hướng dẫn cha mẹ HS dùng sách Cánh Buồm,…

 

Có lần tôi thăm CLB Ô Xinh vào 5 giờ chiều, thấy mấy lớp học, thường mỗi lớp hơn chục HS. Các em học cả ngày ở trường, bố mẹ đón đến đây gửi học thêm, 7 giờ tối đến đón. Học cả ngày, nhưng đến các lớp Đồng cảm, Tưởng tượng, Liên tưởng, Văn bản, các em vẫn say sưa thích thú làm việc. Mấy phụ huynh bảo, các cháu ham lắm, có khi đón về, còn đòi cho con làm nốt bài đã. Bài các em sáng tác mà. CLB này lưu lại khá nhiều sản phẩm của HS, xem rất thú vị.

 

Có cô giáo ở Tây Nguyên được khen ngợi vì HS lớp 3, lớp 4 của cô làm thơ, viết văn hay quá. Cô thật thà bảo, làm theo phương pháp của Cánh Buồm đó. Sự thật là thế. Cánh Buồm không có “thi đua, báo cáo thành tích”, chỉ có sản phẩm của HS vậy thôi.

 

5. LỜI KHUYÊN CHÂN THÀNH

 

Không trông mong gì Nhà nước, Bộ Giáo dục lại công khai dùng sách Cánh Buồm! “Cái nước mình thời nay nó thế”! “Hòn vàng thì vứt, hòn đất thì ôm”!

 

Tôi chỉ chân thành khuyên những GV, cha mẹ HS có tấm lòng với con trẻ và muốn nâng cao quan điểm và phương pháp giáo dục một cách khoa học hãy chịu khó học tập, dạy cho trẻ theo sách Cánh Buồm; những người có tâm huyết làm sách giáo khoa hãy chịu khó nghiên cứu làm theo cách của Cánh Buồm (Đừng đạo văn mà công khai thừa nhận, càng vinh dự).

 

Cũng cần nói thêm, người sẵn có óc định kiến, mới đọc vào sách Cánh Buồm sẽ có thể bực mình lắm chuyện. Nhưng hãy nhớ, sách không làm cho bạn, mà làm cho HS và các em thích thú học, học đến đâu thích đến đó, phát triển trí tuệ, tư duy, tâm hồn phong phú, đàng hoàng về nhân cách. Bạn còn mong gì hơn nữa?

 

Cũng xin nói thêm, Cánh Buồm tồn tại và phát triển được là do cuộc sống chấp nhận, yêu thích và nuôi sống nó. Nó không có một “ô dù” hay thế lực nào để dựa dẫm; nó tự bươn chải và tự trưởng thành, nhờ vào sự hấp dẫn của lý thuyết và kết quả thực tiễn của việc làm.

 

Mong những ai quan tâm đến sự trưởng thành của thế hệ trẻ của dân tộc, hãy tìm hiểu cặn kẽ về giáo dục Cánh Buồm, cùng góp sức cho những Giá trị của Cánh Buồm được khẳng định và ngày càng lan tỏa.

 

                                                        ***

Những gì Phạm Toàn đã làm không xứng đáng một nhà giáo dục lớn hay sao? Thực ra tôi không thích từ “vĩ đại”, nhưng người ta quen gọi các nhà tâm lý học như J. Piaget, Lev Vygotsky… là vĩ đại; gọi những nhà giáo dục như Takasugi Shinsaku, FUKUZAWA YUKICHI, A.S. Makarenko, Maria Montessori… là những Nhà giáo dục nổi tiếng, vĩ đại… Những kết quả 10 năm để lại bộ sách và thực nghiệm môn Văn và Tiếng Việt của Phạm Toàn, tạo nên sự phát triển tuyệt vời ở học sinh bằng nội dung và phương thức giáo dục mới, cũng có thể được đánh giá như vậy lắm chứ?

 

Chỉ với 4 đề tài khoa học ở học sinh Tiểu học:

 

– Hình thành LÒNG ĐỒNG CẢM của học sinh lớp 1 thông qua học môn Văn;

 

– Phát triển TRÍ TƯỞNG TƯỢNG của học sinh lớp 2 thông qua học môn Văn;

 

– Phát triển ÓC LIÊN TƯỞNG của học sinh lớp 3 thông qua học môn Văn;

 

– PHÁT TRIỂN TƯ DUY PHẢN BIỆN CỦA HỌC SINH LỚP 4 thông qua học môn Văn, nếu được tổng kết khoa học sẽ là công trình Tâm lý học/ Giáo dục học xứng đáng mang tầm “vĩ đại”!

 

Một sự nghiệp như thế này mà không thèm quan tâm thì giáo dục còn lụn bại, mong gì xã hội phát triển, văn minh!





No comments: