Sunday, November 21, 2021

BIÊN GIỚI CỦA VĂN CHƯƠNG (Lê Dũng)

 


Biên giới của văn chương

Lê Dũng

21/11/2021

https://thuymyrfi.blogspot.com/2021/11/le-dung-bien-gioi-cua-van-chuong.html#more

 

Hình :

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEgpYUDhVvgj1aygG4SR_x2ZXW_sH4epDKPA79Ukxwyx7tZW7g0se-nPM4cZF0FCipfm9_0_zujWZP2IKNg8Ke2zQVqaX-7hCl6S7H_m5ODcERq1k4cTl0_3pk9XGqiDPWY8zJ0PptBUZRvfEzAb6CkE27Bm82JN6e3oCBUz1yt-2avgRm73eQHeejJ5AA=w400-h343

 

Kể từ thời Hai Bà Trưng đến nay, chúng ta có gần hai ngàn năm hận thù với người Hán.

 

Kể từ 1858 đến nay, chúng ta có 163 năm căm ghét thực dân Pháp xâm lược.

 

Và kể từ 1955 đến nay, chúng ta có 66 năm lên án gót giày đế quốc Mỹ giày xéo quê hương.

 

Đó là ba kẻ xâm lăng, cướp bóc và chà đạp lên nền độc lập, tự do; cướp đoạt tài sản, tính mạng và sự sống của đồng bào.

 

Nhưng rất tiếc phải nói rằng, đó là ba kẻ hiếp dâm, mà những đứa con lạc loài do chúng để lại, không những làm giàu, mà còn làm nền tảng cho nền văn hóa, văn minh, học vấn của quốc gia này. Di sản của những đứa con nghiệt chủng vì bị hiếp dâm mà sinh ra, trở thành đại thi hào của dân tộc.

 

Không tin hãy đọc truyện Kiều.

 

Không tin hãy nhìn vào thế hệ khai quốc công thần của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Và nếu không tin nữa, hãy giở sách giáo khoa mà các con đang học, có quá nửa có xuất xứ từ ba kẻ ngoại bang kia.

 

Chúng ta cứ sống chung chiêng giữa đê mê và thù hận như thế, lâu thì hai ngàn năm, mà mau thì đã gần 70 năm trọn. Để làm gì?

 

Chúng ta đã thiết lập giá trị Mỹ, lối sống Mỹ, tiêu chuẩn Mỹ, giáo dục Mỹ và làm giàu kiểu Mỹ.

 

Chúng ta say đắm với thơ Đường, hầng hậc với ái tình kiểu Pháp và nụ hôn bất tận trên mọi góc giường mang tiếng rên ư hử kiểu Hoa Lệ Ước (Hollywood).

 

Rút nó đi, chúng ta còn lại gì không? Còn, còn có con bướm trắng về bên ấy rồi. Còn hội chèo làng Đặng về ngang ngõ. Tức, còn cái giậu mùng tơi.

 

Những tín đồ của mác đã nhanh chóng trở thành những kẻ trục lợi từ mác rồi chìm trong lối sống đế quốc thực dân, và những tín đồ của mác khác đã trở thành những con thiêu thân làm giàu cho mác, rồi ẩn mình trong cõi phê tê bốc đầy hoan lạc phủ phê.

 

Trong tác phẩm của mình, Krishnamurti có nói về cuộc sống con người như dòng sông.

 

“Có thể sông ấy có một bắt đầu và một kết thúc.

 

Nhưng cái bắt đầu thì không phải dòng sông, cái kết thúc cũng không phải dòng sông.

Dòng sông là dòng nước chảy ở giữa. Nó đi qua làng mạc phố thị và người ta ném mọi sự xuống nó. Sông bị ô nhiễm, rác rưởi và nước cống tuôn xuống mình, nhưng chỉ ít dặm sau, sông tự mình thanh tẩy.

 

Trong dòng sông đó mọi sự sinh sống, cá lội bên dưới và con người uống nước bên trên.

Dòng sông đó.

 

Đằng sau nó là áp suất lớn lao của nước, và dòng sông đó chính là diễn tiến tự thanh tẩy.

Tâm trí ngây thơ như dòng sông.

 

Không bắt đầu, không chấm dứt, không thời gian.”

 

Văn hóa, văn minh và văn chương, thực sự là một dòng chảy bất tận. Văn chương đóng cửa là một dòng sông thối, một xác chết bốc mùi tụng ca.

 

Để phụng sự cho sự tồn vong của nhà nước, chúng ta đã đóng khung mặc định ý thức hệ.

 

Để cải cách kinh tế, chúng ta đã mở cửa bang giao, nhẫn nhục hơn 10 năm trời để vào cho được WTO, và còng lưng vay nợ nước ngoài.

 

Để đào tạo nhân tài, chúng ta đã có đề án đưa hàng vạn người ưu tú xuất dương đào tạo bởi các nền giáo dục đế quốc thực dân.

 

Kẻ phát lệnh nhuốm máu trên bầu trời biên giới mùa xuân 1979 chúng ta đã gọi bằng một từ mang âm hưởng thân ái, trìu mến, bao dung, thiêng liêng và cảm động, gắn bó và thủy chung. Đồng chí Đặng Tiểu Bình.

 

Chúng ta bỏ qua mọi thù hận, bao mất mát, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Nhưng có một thứ mà chúng ta vẫn không làm, không hiểu, và không muốn, đó là tha thứ cho chính đồng bào mình.

 

Qua tôi đọc một để văn sát hạch ở Lào Cai mà cõi mạng buông lời hằn học, định không nói mà phải nói đôi lời. Đó là cứ nuôi mãi lòng thù hận vô lối ấy để làm gì cho cuộc sống này?

 

Vì chọn sai lẽ sống so với thời cuộc, Tô Thủy Yên đã đi tù. Vì tuổi già, Tô Thùy Yên đã về bên kia thế giới. Nhưng ông ấy là một người Việt. Và thế kỷ 20 này, không có quá 10 người có những câu thơ đẹp đến đau đớn như ông ấy. Không hiểu các vị định cầm tù văn chương ông ấy đến bao giờ.

 

Một chính thể tồn tại hơn 20 năm trong lòng dân tộc và đã mất đi hơn 40 năm. Vậy nhưng ông không có lấy một nghiên cứu nào toàn diện, để từ đó tận dụng và kế thừa những cái tốt của người ta như văn hóa, giáo dục, khoa học để làm giàu làm đẹp cho văn hóa đất nước ; vừa từ đó khoanh vùng những thứ chưa tốt để hạn chế nó đi, như tệ mê tín dị đoan, đĩ điếm, trộm cắp. Đây ông toàn làm theo hứng, bố thích bố cấm, bằng những câu hỏi ngớ ngẩn mà đến thằng thiểu năng nó cũng không dùng. Con đường xưa là con đường nào!

 

To nhất của chính thể miền Nam cũ là tổng thống, sau đó đến phó tổng thống. Vậy mà phó tổng thống của người ta, ông Nguyễn Cao Kỳ, cách đây hơn 10 năm anh còn mời về nước, thăm, nói chuyện, tiếp đãi rồi phát lên phương tiện truyền thông đại chúng. Thì hà cớ gì một cái cọng lông trên cơ thể ông ta là một câu thơ, một khúc nhạc, anh lại đi băm bổ? Chưa nói đó là cái mà bao người quen dùng, bao năm tồn tại, anh lại không có ý kiến gì. Một ngày anh đè ngửa nó ra anh hiếp dâm và gọi đó là văn hóa. Rồi giờ cũng chẳng vì cái gì, anh lại cho phép nó lưu hành?

 

Không tha bổng cho thể xác và thời gian sống của ông ấy thì đã làm. Liệu có thể tha bổng cho văn chương ông ấy không?

 

LÊ DŨNG 20.11.2021




No comments: