100
năm ngày sinh họa sĩ Tạ Tỵ và giấc mộng con năm 2000
Ngô
Thế Vinh
18/11/2021
https://baotiengdan.com/2021/11/18/100-nam-ngay-sinh-hoa-si-ta-ty-va-giac-mong-con-nam-2000/
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ
nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng
nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu
Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh
“sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía
trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam
nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ
Tỵ [Thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 và 27.7.2000]
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-15-696x292.png
Hình 1
Hình
1: Trái, Tạ Tỵ 31 tuổi, sau 4 năm theo
kháng chiến chống Pháp và về thành (Hà Nội, 1952); giữa, Thiếu Tá Tạ Tỵ trong
quân đội Việt Nam Cộng Hoà; phải, chân dung Tạ Tỵ năm 2000. Sau 1975, ông đã phải
đi tù cải tạo 6 năm, hồi ký Đáy Địa Ngục ghi lại kinh nghiệm
ông đã trải qua trong những năm tháng nghiệt ngã tù đày với lao động khổ
sai “ăn không đủ no, đói không đủ chết”. Nguồn: Album gia đình Tạ
Tỵ, photo by Phạm Phú Minh, Đáy Địa Ngục, Nxb Thằng Mõ 1985.
TIỂU SỬ
Tạ Tỵ là bút danh, Tạ Văn Tỵ là tên thật, sinh
ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội, nhưng
trên giấy khai sinh lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn một năm.
Ngay từ khi còn là một sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương / École
Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm.
Năm 1941, ở tuổi 20, do đoạt một giải thưởng
tranh của nhà trường, Tạ Tỵ được đến thăm kinh đô Huế.
Năm 1943, Tạ Tỵ tốt nghiệp khoa Sơn Mài tại
trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương nhưng dấu ấn Hội hoạ của ông không phải là
những tác phẩm Sơn Mài. Tạ Tỵ luôn luôn đi tìm cái mới, và được xem là người
đi tiên phong vào lãnh vực Lập Thể / Cubisme và Trừu Tượng /
Abstrait của hội hoạ Việt Nam.
Và cũng năm 1943, sau khi vừa tốt nghiệp, Tạ Tỵ
đoạt ngay một giải thưởng với bức tranh “Mùa Hạ” (tân
ấn tượng / néo-impressionnisme) được giải thưởng tại phòng Triển lãm Duy nhất
(Salon Unique) “vì có một phương pháp diễn tả theo khuynh hướng mới,
tuy chưa hẳn là lập thể, nhưng các hình thể đã được biến cải theo sở thích
riêng.” [1]
Năm 1946, trong cuộc triển lãm Hội hoạ Tháng
Tám tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, với số lượng tác phẩm đông đảo, Tạ Tỵ đã tham dự với
bức tranh sơn mài “Hoa Đăng” (siêu thực / surréalisme)
được Hiệp Hội Báo Chí VN trao giải, nhưng tiền thưởng chưa lãnh thì ngay sau đó
chiến tranh toàn quốc bùng nổ. [1]
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/0-6.jpg
Hình 2
Hình
2: Tác phẩm “Hoa Đăng” sơn mài (siêu
thực / surrealisme) của Tạ Tỵ trong cuộc triển lãm
Tháng Tám 1946 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, được Hiệp Hội Báo Chí VN trao giải thưởng.
Năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Tạ Tỵ
đã cùng với nhiều văn nghệ sĩ yêu nước khác, hăng hái tham gia mặt trận kháng
chiến chống Pháp và ông là giáo sư dạy Mỹ thuật đầu tiên trong Liên Khu 3. Tác
phẩm “Nhớ Hà Nội” năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ
trong giai đoạn này.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/0-7.jpg
Hình 3
Hình
3: Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” (20
× 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ năm 1947, giai đoạn theo kháng chiến trong
Liên Khu Ba.
Năm 1948, trong một hội nghị Văn Hoá Văn Nghệ,
Trường Chinh đã mạnh mẽ lên án: “Chủ nghĩa Lập Thể, Siêu Thực, Đa Đa là
những cái nấm độc trên cái thân thể mục ruỗng của nền văn hoá đế quốc.” [Chủ
nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam, 1948].
Tháng Năm 1950, sau bốn năm đi theo kháng chiến,
thấy rõ bộ mặt thật của Việt Minh, cùng với cách suy nghĩ không hợp với họ, Tạ
Tỵ đã cùng nhiều văn nghệ sĩ khác như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Phạm Duy, Tam
Lang Vũ Đình Chí, Hoàng Công Khanh đã dứt khoát từ bỏ khu chiến để trở về Hà Nội.
Từ đầu thập niên 1950, trở về với nếp sống văn
hoá Hà Nội 36 phố phường với Năm Cửa Ô, Tạ Tỵ đã mạnh mẽ đi tiếp con đường
sáng tạo với tự do đi tìm cái mới; ngoài vẽ tranh, vẽ ký / biếm hoạ
chân dung (caricatures) các văn nghệ sĩ, ông còn cầm bút sáng tác: truyện, thơ,
kịch, bút ký, viết nhận định văn học, trình bày sách báo… chứng tỏ Tạ Tỵ là một
tài năng rất đa diện.
Năm 1951, ông mở cuộc triển lãm cá nhân đầu
tiên mang tên Hội Hoạ Hiện Đại tại Hà Nội, trưng bày 60 bức
tranh Lập thể.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-16-696x347.png
Hình 4
Hình
4: Trái, “Đàn bà” còn
có tên là “Cô đơn”, phải, “Vàng và Tím” là
hai tác phẩm tiêu biểu thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ, 1951 – Tạ
Tỵ gọi đó là chiều thứ tư (4ème dimension), chiều động trong kỹ thuật tạo
hình. [1]
Năm 1953, Tạ Tỵ nhận được lệnh động viên, ông
phải tạm xa Hà Nội và gia đình để vào Nam, gia nhập Khoá 3 Trường Sĩ Quan Trừ Bị
Thủ Đức và ra trường với cấp bậc thiếu uý. Ông phục vụ trong quân đội Việt Nam
Cộng Hoà tại Tổng Cục Chiến tranh Chính trị cho tới khi giải ngũ, với cấp bậc
sau cùng là Trung Tá.
Năm 1956, Tạ Tỵ triển lãm cá nhân lần thứ hai
với 50 hoạ phẩm lập thể, tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn, nhưng là lần đầu
tiên ở miền Nam, được đánh giá là thành công cả về nghệ thuật cũng như tài
chánh.
Trong tập sách mỏng giới thiệu cuộc triển lãm
(ngày 8/8/1956), Tạ Tỵ viết: “Mời bạn hãy vào – Cửa vườn tôi đã mở sau
5 năm trời khép kín – vườn của tôi sau khoảng thời gian giam cầm trong suy
nghĩ, trong dằn vặt, trong giận hờn để tìm những cánh màu của tâm tư chắp nối lại
và thêu dệt bằng tin tưởng, tạo thành một thế giới của hình thể, của sắc màu,
qua bức tường vách ngăn của lý trí và rung động…” [5]
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/0-8.jpg
Hình 5
Hình
5: “Nhịp Calypso” (1960), tranh lập thể sơn dầu trên
canvas, sưu tập của Mặc Đỗ, bức tranh đã phải bỏ lại khi Mặc Đỗ âm thầm di tản
khỏi Sài Gòn ngày 29/04/1975.
Tuy là họa sĩ Việt Nam tiên phong và thành
công trong Hội Hoạ Lập Thể, nhưng ông vẫn luôn luôn có ý hướng đi tìm
cái mới, từ thập niên 1960, Tạ Tỵ đã chuyển hướng sang tranh Trừu Tượng.
Năm 1961, ông triển lãm cá nhân lần thứ hai với
60 bức tranh trừu tượng và lập thể cũng tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn.
Đánh dấu một bước thành công sáng tạo mới của Tạ Tỵ.
TẠ TỴ : TẠI SAO LẬP
THỂ
Trong một Hồi ký viết ở hải ngoại Những
Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi [Nxb Thằng Mõ 1990], Tạ Tỵ đã
giải thích do cơ duyên nào mà anh đi vào Hội Hoạ Lập Thể:
“Tôi bẩm sinh là một con người thích tiến bộ, thích
cái gì mới. Khi còn học ở trường Mỹ Thuật, tôi không mấy thích lối vẽ chân
phương theo quy luật của nhà trường bắt buộc. Tôi thường đến thư viện mượn sách
đọc, lẽ dĩ nhiên, loại sách thuộc về mỹ thuật. Tôi mê các tác phẩm của Van
Gogh, Gauguin và Matisse. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu mỹ thuật tạo hình ở mỗi
tác giả. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy các nhà danh hoạ trên vẫn phải dựa
vào thiên nhiên và sự vật cũng như con người để tạo dựng tác phẩm. Tôi nghiên cứu
và tìm hiểu các hoạ phái khác nhau như Siêu Thực, DaDa và Lập Thể. Tôi
thích trường phái Lập Thể qua các tác phẩm của G. Braque hơn là Picasso. Tôi mê
chiều thứ tư (4ème dimension) của hoạ phái này – mà Tạ Tỵ gọi đó là chiều động
trong kỹ thuật tạo hình, vì nó làm cho tác phẩm trở nên sống động, chứ không
trơ trơ như các hoạ phái khác.” [1]
TẠ TỴ: TẠI SAO TRỪU
TƯỢNG
Trả lời Nguiễn Ngu Í Bách Khoa [Báo Bách Khoa, số
131, ngày 15-6-1962]:
“Hội hoạ Việt
Nam hiện có nhiều xu hướng từ Ấn tượng tới Trừu tượng, nhưng tất cả đang ở giai
đoạn tìm tòi và khai thác. Riêng tôi, từ 18 năm nay đã chọn con đường Hội
hoạ mới. Tôi đã đi qua trường phái Ấn tượng, Tân Ấn tượng, Lập thể,
Siêu thực và trong 6 năm gần đây tôi vẽ tranh Trừu tượng…
Sự nhầm lẫn và cũng là điều tai hại cho Nghệ thuật Hội
hoạ là mỗi người yêu hội hoạ khi đặt chân vào phòng Triển lãm Hội hoạ Mới,
hoặc đứng trước hoạ phẩm Trừu tượng, đều cố tìm xem hoạ sĩ vẽ cái
gì, “nói” gì ở trong kích thước đó? Sự băn khoăn thắc mắc này nhiều khi gây khó
chịu đến độ trầm trọng nếu người thưởng ngoạn không kiên tâm tìm hiểu.
Nhưng đứng trước một hoạ phẩm Trừu tượng dù cho người
thưởng ngoạn có kiên tâm, thiện chí đến đâu, nếu không biết qua về kỹ thuật
Tạo Hình do kinh nghiệm hoặc sách vở, báo chí chuyên môn về Hội hoạ, cũng
đành lắc đầu chán nản trước bức trường thành cao vút ngăn đôi thông cảm. Sự
kiện ấy có, vì chúng ta quen nhìn Hội họa với quan niệm thưởng ngoạn cũ.
Hôm nay quan niệm về cái đẹp đã đổi khác, lẽ dĩ nhiên cái nhìn cũng phải
thay đổi. Hôm nay đứng trước một hoạ phẩm trừu tượng, người thưởng ngoạn không
nên và không bao giờ nên tìm hiểu hoạ sĩ đã vẽ gì trong kích thước đó, mà
chỉ nên tìm hiểu mình đã nghĩ gì về tác phẩm trước mắt mình? Cảm giác đầu
tiên nào đã đột nhập vào trí não mình để bắt nguồn cho rung động.
Những màu sắc và hình thể kia có phải là những dấu
hiệu của riêng mình đã in vào tiềm thức? Người hoạ sĩ không có lý do để hiện
diện trong tác phẩm thuộc loại Trừu tượng, trừ cái tên ký ở góc tranh. Cái
tên này cũng chỉ được dùng như một thứ nhãn hiệu, vì trong lúc sáng tạo,
chính hoạ sĩ cũng là kẻ thưởng ngoạn có “quyền ưu tiên” vì họ có kỹ thuật,
thế thôi. Trong Nghệ thuật Hội hoạ hiện tại, không ai có quyền bắt ai lệ
thuộc vào ý nghĩ, vào kỹ thuật tạo hình do cá nhân đảm nhiệm. Mỗi người tự
tìm lấy sự say mê của mình trong từng kích thước nhất định.” [2]
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-17-696x248.png
Hình 6
Hình
6: Nguiễn Ngu Í phỏng vấn
Tạ Tỵ trên báo Bách Khoa số 131, ngày 15-6-1962, từ trái, bìa và hai trang báo
Bách Khoa số 131; phải, chân dung nhà văn nhà báo Nguiễn Ngu Í, người
thực hiện đợt phỏng vấn về Quan Niệm Hội Hoạ của khoảng 40 hoạ
sĩ Việt Nam.
Năm 1966, dự định trưng bày lần thứ ba tại Sài
Gòn 50 hoạ phẩm Trừu tượng mới nhất nhưng không thành. Năm 1971, Tạ Tỵ lại dự định
tổ chức phòng triển lãm tranh gồm 50 chân dung văn nghệ sĩ miền Nam nhưng rồi
cũng dở dang do tình hình chiến sự sôi động lúc đó.
Và gần như theo chu kỳ, cứ mỗi 5 năm, Tạ Tỵ mới
triển lãm một lần: 1951, 1956, 1961, 1966, 1971… Khi trao đổi với nhà văn Nguiễn
Ngu Í, hoạ sĩ Tạ Tỵ giải thích:
“Sở dĩ tôi phải để một thời gian lâu như thế như anh
biết những thì giờ tốt đẹp nhất trong một ngày để sáng tác tôi không được
sử dụng, tôi chỉ còn làm việc quanh năm với ánh đèn, với muỗi [Tạ Tỵ vẫn còn làm việc toàn thời gian trong quân ngũ quân lực VNCH –
ghi chú của người viết]; vả lại muốn mỗi phòng triển lãm của tôi ít nhất
phải ghi lại trong tâm người thưởng ngoạn một chút kỷ niệm về sự cố gắng của cá
nhân trong phạm vi Nghệ thuật. Muốn thâu được kết quả ấy, yếu tố thời
gian là yếu tố quyết định.” [2]
Vào đầu thập niên 1960, Tạ Tỵ vẽ một loạt chân
dung các văn nghệ sĩ Việt Nam với một phong cách rất độc đáo, anh nhạy bén bắt
được cái thần ở từng khuôn mặt, và đây là một lãnh vực tài hoa khác của Tạ Tỵ
mà chưa ai sánh được.
- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-18-696x332.png
- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/2-696x281.png
Hình 7
Hình
7: Chân dung văn nghệ sĩ qua nét vẽ Tạ Tỵ, từ trái trên
Mặc Đỗ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền; từ trái dưới Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn,
Dương Nghiễm Mậu. Đây cũng là sáu chân dung có trong Tuyển Tập
Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá của Ngô Thế Vinh, Việt Ecology
Press xuất bản 2017. Nguồn từ album gia đình Tạ
Tỵ
Tác phẩm của Tạ Tỵ còn được trưng bày tại các
bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New York và Paris.
Bức tranh “Đàn bà” còn có tên là
“Cô đơn” (1951) được nhà Sotheby’s đấu giá hồi tháng 4 năm 2000, và bán được với giá khá cao
19.550 Singapore dollars. Trong catalogue của Sotheby’s đã nhận xét bức
tranh: “Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Lập
Thể của Tạ Tỵ. Tác giả sử dụng tài tình những màu sắc mạnh mẽ, đặt nhân vật
ngay vào ngay trung tâm bức tranh, những hình thể kỷ hà, chẳng hạn như việc xử
lý mái tóc không tuân theo luật đăng đối, đường nét mạnh bạo của chiếc cổ và sự
sắp xếp của khăn quàng thành những mặt cắt của một hình kim cương… tất cả bố cục
này tạo thành một bức tranh Lập Thể độc đáo.”
Bức Mùa hè đỏ lửa (1972, 350 x
170 cm), tranh sơn dầu, phong
cách trừu tượng, được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Sài Gòn từ
năm 1998. Khi Tạ Tỵ trở về Việt Nam 2003, bức tranh được đổi tên Cất
Cánh. Đây là bức tranh sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của nhà bảo
tàng này.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/0-9.jpg
Hình 8
Hình
8: từ phải, Tạ Tỵ, Phạm Đình Chương, Nguyễn Sĩ Tế, Vũ
Khắc Khoan, Mai Thảo trong một buổi họp mặt trước 1975 ở Sài Gòn. Nguồn: Album gia đình Tạ Tỵ
TẠ TỴ: TẠI SAO VIẾT
Trả lời câu hỏi ấy trên tạp chí Hợp
Lưu (số 32, Xuân Đinh Sửu 1997, trang 216), khi Tạ Tỵ đã ở tuổi 76,
ông tâm sự:
“Tôi sinh ra đời, hình như định mệnh đã an bài, bởi
vậy tất cả những gì tôi làm ra đều có bàn tay của định mệnh dính vào. Lúc còn trẻ tôi yêu tất cả những thứ gì thuộc về văn chương
nghệ thuật, nhưng tôi mê kéo vĩ cầm hơn cả. Vào năm 1936-37 gì đó, tôi được
nghe tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Anh chơi bản Danse
Macabre với tiếng dương cầm phụ họa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu. Tất cả
nhà hát đều yên lặng để thưởng thức tiếng đàn tuyệt vời của hai nhạc sĩ trứ
danh nhất của đất Thăng Long thời đó. Tôi về nhà xin Mẹ tiền mua cây đàn và quyển Mazas,
là cuốn sách học kéo violon vỡ lòng. Tôi học kéo đàn song song với học vẽ ở trường
Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Vì mê học nhạc nên tôi quen với cố nhạc sĩ Đỗ Thế
Phiệt. Sau mấy năm học thấy không có tiến bộ, tôi bỏ đàn, chuyên về vẽ…
Còn
một trở ngại to lớn nữa là người họa sĩ chỉ vẽ tấm tranh duy nhất, nếu bán đi,
người họa sĩ không còn gì ngoài tấm ảnh chụp giữ làm kỷ niệm. Vì nhìn thấy cái
thế “yếu” của hội họa, vả lại, cuộc sống trong chiến tranh có rất nhiều sự việc
tác động mạnh và sâu đậm trong tâm cảm mà hội họa bất lực, không thể nói bằng
màu sắc được. Do đó, tôi phải nhờ tới văn chương cũng như thi ca để bày tỏ lập
trường, cùng thái độ sống trước tập thể, trước xã hội.
Biết bao nhiêu đổ vỡ, tang thương do chiến tranh gây
ra. Biết bao nhiêu tuổi trẻ đã lên đường và cũng có bao nhiêu vòng khăn tang đã
quấn ngang đầu, bao nhiêu tiếng khóc than vật vã, với đôi tay bé nhỏ xanh xao của
người góa phụ, ôm lấy chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ với vòng hoa cườm có hàng
chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn”, nhưng tôi được biết, trong chiếc quan tài đó chỉ có
chiếc bọc nylon ôm gọn thây người chiến sĩ đã nát bấy vì pháo địch, chỉ còn lại
một đống thịt xương bầy nhầy với chiếc thẻ bài lẫn lộn trong vũng máu đông đặc
vì được cất kỹ trong ô kéo của căn phòng chứa xác cực lạnh. Ngay cạnh đó, một đứa
nhỏ chừng ba tuổi gầy ốm đứng nhìn ngơ ngác!
Còn biết bao nhiêu cuộc tình tan tác như những chiếc
bong bóng thổi bằng bọt xà bông. Đại lộ kinh hoàng còn đó. Xác những chiếc xe
tăng của Trung Cộng, của Liên Xô, của Mỹ còn nằm rải rác dọc theo đường số 1
như những con quái vật thời tiền sử và còn nhiều, nhiều nữa những dấu ấn của
chiến tranh cần phải nói ra, nhưng hội họa quả tình bất lực trước vấn đề này.
Chỉ có văn chương mới đủ sức khai quật những oan khuất chìm ở đáy sâu tâm cảm.” [1]
VĂN HỌC:
– Đã cộng tác với các tạp chí văn học tại miền
Bắc và miền Nam từ năm 1950 đến 30-4-1975: Thế Kỷ, Đời Mới, Nguồn Sống
Mới, Sáng Tạo, Văn, Văn Học, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Bách Khoa và Tin Văn, và
sau 1975: Thế Kỷ 21 tại Hoa Kỳ.
Những Tác Phẩm Đã
Xuất Bản Tại Miền Nam trước 1975
1. Những Viên Sỏi, tập truyện, Nam Chi Tùng Thư, 1962
2. Yêu Và Thù, tập truyện, Phạm Quang Khai, 1970
3. Mười Khuôn Mặt
Văn Nghệ, nhận định văn học, Nam Chi Tùng Thư
1970.
4. Phạm Duy Còn
Đó Nỗi Buồn, văn sử học, 1971
5. Cho Cuộc Đời, thơ, Khai Phóng, 1971
6. Mười Khuôn Mặt
Văn Nghệ Hôm Nay, nhận định văn học, Lá Bối,
1972, Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, 1991
7. Bao Giờ, tập truyện, Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản, 1972
8. Ý Nghĩ, tạp văn, Khai Phóng, 1974.
- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-19-696x355.png
- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-20-696x352.png
Hình 9
Hình
9: Những Tác Phẩm Tạ Tỵ đã Xuất Bản Tại Miền
Nam trước 1975, trên từ trái, Những viên
sỏi, tập truyện, Nam Chi Tùng Thư, 1962. Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, văn sử
học, 1971. Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, nhận định văn học, Lá Bối,
1972. Bao Giờ, tập truyện, Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản 1972. Riêng
tác phẩm Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, do Nam Chi Tùng Thư xuất bản
năm 1970 ở Sài Gòn, đã được nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam
tái bản tại Hà Nội năm 1996, nhưng họ đã tuỳ tiện biên tập, cắt bỏ khuôn mặt
văn nghệ Mai Thảo ra khỏi cuốn sách, thay vào Trịnh Công Sơn, mà không hề có
phép của Tạ Tỵ. Tư liệu của Thành Tôn
Những Tác Phẩm Xuất
Bản Tại Hoa Kỳ:
1. Đáy Địa Ngục, hồi ký cải tạo, Cơ Sở Thằng Mõ, 1985
2. Những Khuôn
Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi, hồi ký, Thằng Mõ, 1990
3. Xóm Nhà Tôi, tập truyện viết trong những ngày tháng lưu vong nơi đất khách, Nxb
Xuân Thu, 1992
4. Mây Bay, thi phẩm, Miền Nam xuất bản, 1996
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-21-696x355.png
Hình 10
Hình
10: Những cuốn sách của Tạ Tỵ xuất bản ở hải ngoại, từ
trái, Đáy Địa Ngục, Xóm Nhà Tôi, Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi. Tư liệu Thành Tôn
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/2-1-696x513.png
Hình 11
Hình
11: Từ trái, Một Chuyến Ngao Du, truyện, nhà xuất bản
Xuân Thu, California 2000, với thủ bút đề tặng của tác giả. Tư liệu Ngô Thế Vinh]
Thơ Tạ Tỵ
Thương về năm cửa Ô xưa
Tôi đứng bên này vỹ tuyến
Thương về năm cửa Ô xưa
Quan
Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Rền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng
vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa…
Cửa Ô ơi, cửa Ô
Năm ngả đường đất nước
Trôi từ vạn nẻo sông hồ
Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội
Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!…
Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp
Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người
Tê tái tiếng cười
Từng cánh hoa đời khép lại
Thương về năm cửa Ô xưa!
…
Tạ Tỵ được giải ngũ vào tháng 6 năm 1974 theo
quy chế sau 21 năm công vụ, ở tuổi 53, vẫn còn khoẻ mạnh, đang ở cái tuổi chín
muồi của sáng tạo. Anh rất vui với ý nghĩ rằng từ nay sẽ có thời gian để phụng
sự nghệ thuật. Nhưng rồi ngày 30/4/1975 đổ ập đến, tất cả mọi dự án về nghệ thuật
đều tan biến. Đã thế, cho dù đã giải ngũ, anh vẫn bị bắt đi tù cải tạo. Cùng với
bao nhiêu đồng đội và thế hệ văn nghệ sĩ miền Nam, anh đã bị đày ải trong những
nhà tù từ Nam ra Bắc, rồi nhà tù lớn là một đất nước Việt Nam CS, tổng cộng 6
năm (1975-1981), nhưng may mắn sống sót, trong khi đó nhiều đồng đội cùng với
các nhà văn, nhà báo miền Nam bạn anh thì đã chết rũ trong tù như Hiếu Chân
Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần
Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra
khỏi nhà tù thì chết như Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường.
Vào đầu năm 1981, Tạ Tỵ được tha về với tấm
thân tàn ma dại, tóc bạc răng long. Và nơi chương cuối cuốn hồi ký Những
Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi, xuất bản tại Hoa Kỳ (1990), Tạ Tỵ viết: “Trước
khi đi tù cải tạo tôi cân được 62 kg, khi ra tù chỉ còn đúng 35 kg. Tôi gầy như
bộ xương biết đi. Răng rụng gần hết, còn vài cái kể như vô dụng trong vấn đề ăn
uống. Trong tờ “Giấy Ra Trại”, Cộng sản ghi lý do: “Quá già yếu, không
còn đủ sức lao động”! Họ tha và tin rằng, thế nào tôi cũng chết, có thể
trên đường về, và có thể gặp vợ con rồi xuống đất !” Nhưng rồi Tạ Tỵ vẫn
sống sót. [1]
Tạ Tỵ là bạn thân thiết với Lê Ngộ Châu từ hồi
báo Bách Khoa, nên hai người vẫn gặp nhau luôn. “Khi mới được tha về,
Lê Ngộ Châu bảo tôi phải đi chụp gấp tấm ảnh làm kỷ niệm, kẻo sau này, nhờ dinh
dưỡng cậu khác đi làm sao có được cái hình hài này? Tôi nghe lời, hôm sau đến
tiệm hình chụp một tấm. Mấy bữa sau, khi nhìn mình qua tấm ảnh, chính tôi cũng
không nhận ra! Sao tiều tụy như vậy được? Anh chị Châu làm bữa cơm thịnh soạn mời
tôi, gọi là bữa cơm “Mừng Người Về Từ Cõi Chết.” [1]
Sau một thời gian ra tù, được sự chăm sóc tích
cực của gia đình, sức khoẻ của anh dần hồi phục. Tạ Tỵ vẫn nuôi ý chí đi tìm tự
do. Chuyến vượt biên đầu tiên, vào đầu năm 1982, mới xuống tới Bạc Liêu bị đổ bể
may kịp quay về mà không bị bắt lại vào tù. Phải đến giữa năm 1982, cũng là lần
vượt biên thứ hai, Tạ Ty cùng gia đình đã xuống được một chiếc ghe mong manh chật
ních người, ra khơi ngày 12/6/1982, lênh đênh trên biển đúng bảy ngày, đến ngày
19/6/1982 được tàu dầu Anh quốc vớt đưa vào đảo Pulau Bidong, Malaysia. Từ đó Tạ Tỵ bắt đầu
cuộc đời tỵ nạn ở tuổi 61.[1]
ĐÁY ĐỊA NGỤC: HỒI
KÝ VIẾT TRÊN ĐẢO
Ngay từ ngày đặt chân lên đảo, Tạ Tỵ đã cầm
bút ghi lại kinh nghiệm những năm tù đày kinh hoàng mà anh và các đồng đội vừa
trải qua. Cuốn Hồi ký Đáy Địa Ngục, dày 678 trang được khởi viết
ngày 25/9/1982 và viết xong ngày 15/12/1982 tại trại Tỵ Nạn chuyển tiếp
Sungai Besi, Malaysia, được Nxb Thằng Mõ, California xuất bản năm 1985 và
tái bản một năm sau đó. Ngay trang mở đầu cuốn Hồi ký, Tạ Tỵ viết:
Cuốn “Đáy Địa Ngục” được thực hiện
trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, giữa những tiếng ồn ào, sinh động của một trại
Tỵ Nạn trên vùng đất Mã Lai… Khoảng thời gian, từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam,
tính đến hôm nay, mới gần 8 năm. Quả thực không lâu so với cuộc luân hành miên
viễn của thời gian, nhưng đích thực, đó là một chuỗi đau thương đan kết bằng
máu và nước mắt của mỗi con người Việt Nam đã và đang sống trong một bối cảnh
vô cùng khốn khổ trực diện với một chế độ mình không ưa thích, không muốn phục
vụ, vẫn phải làm như nhiệt tình, thành khẩn!
Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam là một nhà tù lớn, bên
trong nó, có rất nhiều nhà tù nhỏ, được quây kín sau dãy Trường Sơn trùng điệp,
sau những lũy tre dày đặc, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Không một
ký giả nào thuộc Thế Giới Tự Do, kể cả các ký giả thuộc các nước Cộng sản anh
em, được “tham quan” những vùng đất cấm đó. Đối với Cộng sản, cái gì cũng được
giữ bí mật tối đa, cái gì cũng được che giấu bằng dối trá, lừa bịp!
Tôi đã trải qua 8 trại Tập Trung Cải Tạo, từ Nam ra
Bắc. Tôi đã sống và đã chứng kiến bao nhiêu trạng thái bi thương…
Người
tù chính trị Việt Nam sau ngày 30-4-1975, quả thực, một vết nhơ trên “tấm thảm
lương tri nhân loại”. Họ được đối xử như những con vật, đôi khi
không bằng con vật. Họ luôn luôn sống trong lo âu, hồi hộp, chẳng biết chuyện
gì sẽ xảy đến với họ, buổi sớm mai khi thức dậy, sau một đêm trằn trọc với ác mộng
và muỗi rệp! Họ “ăn không đủ no, đói không đủ chết”, nên lúc nào miếng
ăn cũng ám ảnh, giày vò họ, làm khổ sở, ngày này qua ngày khác, mùa nắng cũng
như mùa mưa, mùa hạ cũng như mùa đông, không mùa nào họ có thể tìm thấy chút gì
để tạo nên nguồn hy vọng. Nếu ai đã trải qua một lần trong bất cứ Trại Tập
Trung Cải Tạo nào của Cộng sản Việt Nam, người đó có quyền coi thường mọi nhà
tù trên Thế Giới!
… “Nhưng trang sử đã lật. Cái gì qua, phải qua. Nó
là bài học vô cùng quý giá, miễn rằng bài học này đừng bao giờ ôn / lặp lại
trong ngày mai.” [1] (Hết trích dẫn)
Tạ Tỵ đã đặt chân tới Mỹ với tập bản thảo hồi
ký Đáy Địa Ngục vừa được viết xong.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/0-10.jpg
Hình 12
Hình
12: Tạ Tỵ và các thân hữu ở Little Saigon, hàng ngồi từ
phải: Tạ Tỵ, Ngô Bảo; hàng đứng từ trái: Thanh Chương, Phan Diên, Phạm Quốc Bảo,
Nguyễn Văn Định. Photo by Phạm Phú Minh,
do Phạm Quốc Bảo nhận diện
RA MẮT TUYỂN TẬP
VĂN – THƠ – HOẠ TẠ TỴ 2001
Trong khoảng thời gian 21 năm sống tại
California Hoa Kỳ, khi thì San Diego, khi thành phố Garden Grove, Tạ Tỵ tiếp tục
sáng tác vẽ và viết; ông hoàn tất được một số tranh với phong cách trừu tượng
và một số tác phẩm viết và xuất bản ở hải ngoại.
Tuyển Tập Văn – Thơ – Hoạ của Tạ Tỵ là cuốn sách cuối cùng được xuất bản và ra mắt tại Hoa Kỳ. Sách gồm
bốn tập truyện: Những Viên Sỏi, Yêu và Thù, Bao Giờ, Xóm Cũ,
và một tập thơ Mây Bay, đặc biệt có 12 phụ bản màu: gồm 6 bức tranh
Sơn Dầu Trừu Tượng, tất cả được vẽ tại Hoa Kỳ và 6 Ký hoạ Bột màu / Gouache các
Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ.
- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-51-648x420.jpg
- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-22-696x244.png
Hình
13: Buổi ra mắt sách Tuyển Tập Văn – Thơ – Hoạ Tạ Tỵ (2001) tại
quán cà phê Factory rất đặc biệt và cực kỳ đơn giản của “lão ông Tạ Tỵ” ở tuổi
80 Quận Cam, Thủ đô Tỵ nạn, hay còn có tên gọi là Little Saigon. Hình ảnh một Tạ
Tỵ với mái tóc bạc phơ, ngồi ký từng cuốn sách với vây quanh là đông đảo lớp
người trẻ, xúm lại vui vẻ trò chuyện với bác Tạ Tỵ. Photo by Phạm Phú Minh
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-23-683x420.png
Hình 14
Hình
14: Ký hoạ chân dung Văn Nghệ Sĩ của Tạ Tỵ; trái, nhà
thơ Vũ Hoàng Chương, Gouache 19” x 24”; phải, nhà văn, nhà báo, học giả Hồ Hữu
Tường, Gouache 19” x 24”. Sau 1975, cả hai bị Cộng sản bắt đi tù cải tạo,
và khi vừa ra tù chỉ vài ngày sau đó thì chết, Vũ Hoàng Chương (6/9/1976) và Hồ
Hữu Tường (26/6/1980). Nguồn: Tuyển Tập Tạ
Tỵ 2001
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-23-683x420.png
Hình 15a
Hình
15a: Những bức tranh sơn dầu rất đẹp được vẽ tại hải ngoại theo phong cách
trừu tượng của Tạ Tỵ, với bút pháp và màu sắc thật mạnh mẽ; trái, Trôi giạt, trừu tượng, sơn dầu 48” x
72” (1984); phải, Cơn Giận của Thượng Đế, trừu tượng, sơn dầu
48” x 72” (1985) Nguồn: Tuyển Tập Tạ Tỵ 2001
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-25-696x355.png
Hình 15b
Hình
15b: trái, Ngày Hạ, trừu tượng
sơn dầu 48” x 72” (1986); phải, Tạ Tỵ đứng trước bức tranh Những
Mảnh Đời Tỵ Nạn, sơn dầu 48” x 60” (1995); có thể coi như
bức tranh trừu tượng cuối đời của Tạ Tỵ. Nguồn: Tuyển Tập Tạ Tỵ 2001
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ:
Họa sĩ Tạ Tỵ và giấc mộng con năm 2000
Từ trước 1975, tôi đã được xem tranh, đọc thơ
văn và cả sách nhận định văn học của Tạ Tỵ (Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, Nam
Chi Tùng Thư Sài Gòn 1970, Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, Lá Bối
Sài Gòn 1972), và không thể quên các caricatures chân dung văn
nghệ sĩ được Tạ Tỵ phác thảo với những đường nét hết sức độc đáo.
Nhưng tôi chỉ thực sự được quen anh Tạ Tỵ trên
đất Mỹ từ những năm 1980, khi cả hai cùng một lứa bên trời lận đận, trong hoàn
cảnh tỵ nạn sau những năm tháng tù đày. Tạ Tỵ cùng thế hệ với Vũ Khắc Khoan, Mặc
Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng… Về tuổi tác Tạ Tỵ hơn tôi một thế hệ, đúng 20 năm nhưng
tâm hồn thì trẻ trung, và cả khiêm cung, nên trong giao tiếp tôi vẫn gọi Tạ Tỵ
là anh.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-26-696x278.png
Hình 16
Hình 16: Tác phẩm Mùa
hè đỏ lửa 1972, (350
x 170 cm), vẽ theo phong cách trừu tượng, hiện treo ở Bảo
tàng Mỹ thuật Thành phố Sài Gòn từ năm 1998. Khi Tạ Tỵ trở về Việt
Nam 2003, bức tranh được đổi tên Cất Cánh, đây là bức tranh
sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của bảo tàng thành phố. [hình
chụp tại Sài Gòn tháng 11/2019. Tư liệu Ngô Thế Vinh
Rồi Tạ Tỵ đã có dịp đọc “Giấc Mộng
Con năm 2000” và anh nồng nhiệt chia sẻ với tôi về dự án một
Công viên Văn hóa Việt Nam ở hải ngoại mà anh gọi đó
là Giấc Mộng Lớn.
…
GIẤC MỘNG CON NĂM
2000
CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM: Người đàn ông
nông dân ấy gốc lính cũ, hai mươi năm sau đã bước vào tuổi trung niên, chưa tới
tuổi năm mươi nhưng cuộc sống lao động lam lũ khiến anh ta trông xanh xao và
già sọm. Anh mất một bàn chân trái khi đã mãn lính do đạp phải mìn ngay trên ruộng
nhà. Không cần là bác sĩ cũng biết là anh ta mang trên người đủ thứ bệnh tật:
thiếu ăn suy dinh dưỡng, sốt rét kinh niên và thiếu máu. Tất cả sinh lực và
nhân cách của anh là nơi đôi mắt sáng tuy hơi buồn nhưng luôn luôn nhìn thẳng
vào mặt người đối diện. Hôm nay anh tới đây vì một lý do khác. Một mảng đen bầm
nơi lưng không đau rỉ nước vàng từ bấy lâu, trị cách gì cũng không hết. Chầu chực
lên trạm y tế huyện được y sĩ cách mạng cho ít viên thuốc tây, rồi đến thầy
đông y cho bốc thuốc nam và cả châm cứu nữa mà bệnh thì vẫn không chuyển trong
khi người anh cứ gầy rốc ra. Nay nghe có đoàn y tế thiện nguyện ở ngoại quốc về,
anh cũng muốn tới thử coi, biết đâu anh lại được gặp ông thầy cũ – người y sĩ
trưởng của anh năm nào. Và rồi anh chỉ gặp toàn những khuôn mặt trẻ lạ, nhưng anh
vẫn cứ đưa lưng ra cho người ta khám. Một tiếng ồ rất đỗi kinh ngạc của cả
toán. Tim người bác sĩ trẻ trưởng đoàn như lạc một nhịp. Không cần một chẩn
đoán phức tạp, Toản nhận ra ngay đây là một dạng ung thư
mêlanin ác tính – malignant melanoma, chắc chắn với di căn đã tràn lan. Dĩ
nhiên căn bệnh có thể trị khỏi nếu phát hiện sớm; nhưng trường hợp này cho dù với
phương tiện tiên tiến nhất trên đất Mỹ cũng đành bó tay. Chẳng phải là người bệnh
mà là người thầy thuốc trẻ nói giọng buồn bã: Ông tới trễ quá, lẽ ra bệnh có thể
trị khỏi… Bệnh nhân không tỏ vẻ bối rối, anh vẫn nhìn thẳng vào mặt người thầy
thuốc, ánh mắt tím thẫm xuống vừa giận dữ vừa nghiêm khắc: Tới trễ? Chỉ có bác
sĩ các ông là Những Người Tới Trễ chứ tôi cũng như mọi người dân vẫn ở
đây từ bao giờ… Dứt khoát không chờ đợi một điều gì thêm ở đám thầy thuốc xa lạ
ấy, anh quay lưng bước ra khập khễnh trên đôi nạng tre mắt vẫn nhìn thẳng về
phía trước, khắc khổ cam chịu và vẫn can trường như một người lính thuở nào.
***
Hội nghị Y sĩ Thế giới lần thứ 5 sẽ là một Đại
hội Y Nha Dược. Với Chính đó là một tin vui biểu hiện sức mạnh đoàn kết của
ngành y ở hải ngoại. Buổi họp cuối cùng ở Palo Alto kết thúc quá nửa khuya,
sáng hôm sau như thói quen của người có tuổi, Chính vẫn dậy rất sớm chuẩn bị
cho một ngày đi Las Vegas thăm con. Chỉ còn mấy tháng nữa Toản — đứa con trai lớn
của Chính, hoàn tất bốn năm Thường trú Giải phẫu tổng quát. Sau đó nó sẽ đi New
York học tiếp thêm bốn năm về giải phẫu bổ hình, một ngành mà đã có lần Toản
cho là một số các bác bạn của bố đã tha hóa — prostitution of plastic
surgery, biến thành kỹ nghệ sửa sắc đẹp nâng mũi đệm mông. Toản khỏe mạnh,
cao lớn hơn bố, sống như một thanh niên sinh đẻ ở Mỹ, rất năng động xông xáo
trong công việc cũng như giải trí vui chơi; suy nghĩ và hành động đơn giản.
Không phải chỉ cách suy nghĩ mà cách đặt vấn đề của tụi nó cũng khác xa với thế
hệ của Chính. Sinh đẻ ở Việt Nam sống ở nước ngoài, là công dân hạng nhất hay hạng
hai, chưa bao giờ là một “issue” đối với nó.
Tuy chỉ có một ngày để cho hai bố con gặp nhau
hàn huyên, nhưng Toản vẫn lái xe đưa bố lên một khu trượt tuyết rất xa khu giải
trí Las Vegas. Toản tâm sự với bố là không phải tình cờ mà nó chọn đi về chuyên
khoa bổ hình mà chủ yếu là phẫu thuật bàn tay. Chẳng phải chỉ vì Toản có tâm hồn
nghệ sĩ, là tay chơi guitare classique có hạng mà nó biết quý bàn tay của nó. Với
Toản chức năng đôi bàn tay là một biểu tượng vô cùng quý giá của cuộc sống lao
động và nghệ thuật. Khác với bố và các bạn đồng lứa, Toản may mắn được trời cho
đôi bàn tay vàng. Ông giáo sư dạy Toản đã phải thốt ra như vậy. Trong mọi trường
hợp từ thông thường tới những “cas” mổ đầy thử thách, qua từng nét rạch đường cắt
rất tiết kiệm, trường hợp nào cũng được đánh giá như là đạt tới mức nghệ thuật
— “state of art”. Từ lâu Toản đã bị thuyết phục bởi tên của một bác sĩ chỉnh
hình Anh Paul Brand, phục vụ tại Ấn Độ, người mà không phải chỉ với tài năng mà
còn cả với niềm tin và sự tận tụy can đảm đã có nhiều cống hiến to lớn trong
lãnh vực phẫu thuật phục hồi bàn tay cho người bệnh Hansen, đem lại hy vọng cho
hàng triệu người bệnh trên khắp thế giới. Toản đã thích thú theo dõi các công
trình của Brand trong suốt bốn thập niên qua. Gần đây Toản cũng đã vô cùng xúc
động khi lần đầu tiên được đọc một cuốn sách tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại của
một linh mục nói về thực trạng bi thảm của những trại cùi ở quê nhà nhất là ở
miền Bắc. Toản tâm niệm sẽ không phải Brand hay một bác sĩ ngoại quốc nào khác
mà chính Toản và các bạn sẽ là thành viên của Chiến dịch Phục hồi Hy vọng —
Mission Restore Hope. Toản mơ một giấc mơ năm 2000, bệnh Hansen không còn là vấn
đề y tế công cộng nơi quê nhà.
Toản tâm sự với bố là gần đây đã liên tiếp nhận
được những thư và các cú điện thoại mời mọc từ Colorado, Boston, Houston để về
làm việc tại Á châu, ưu tiên là ở Việt Nam với những điều kiện hết sức hấp dẫn:
lương khởi đầu 6 digits nghĩa là trên trăm ngàn đô la một năm, đi kèm theo bao
nhiêu những bảo đảm quyền lợi khác kể cả không phải đóng thuế khi làm việc ở hải
ngoại. Toản có thái độ dứt khoát: nếu chỉ vì mục đích làm giàu, con chẳng cần
phải trở về Việt Nam. Họ cũng cho con biết đã có những phái đoàn Bác sĩ Mỹ gốc
Việt, không phải chỉ có nhóm lớn tiếng ồn ào như Lê Hoàng Bảo Long mà còn những
toán khác “có đầu óc hơn” âm thầm lặng lẽ đi về chuẩn bị cho mạng lưới y tế thị
trường này. Cơ sở đầu tiên sẽ là bệnh viện Thống Nhất, sẽ được tân trang và
upgrade đúng tiêu chuẩn Mỹ và bác sĩ hoàn toàn được đào tạo tại Mỹ. Không có gì
thay đổi là bệnh viện ấy vẫn ưu tiên điều trị cho các cán bộ cao cấp. Chỉ có
khác và “đổi mới” cho phù hợp với kinh tế thị trường, đây còn là nơi chữa trị
cho khách ngoại quốc có bảo hiểm giàu tiền bạc thuộc bốn biển năm châu. Nam Triều
Tiên có, Tàu Đài Loan có, Tàu Hồng Kông có, Mỹ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại, có đủ cả.
Làm sao bảo đảm sức khỏe cho họ với tiêu chuẩn cao nhất để họ yên tâm khai thác
làm ăn và cả hưởng thụ trên khắp ngõ ngách của Việt Nam từ ải Nam quan cho đến
mũi Cà Mau. Và đây cũng là món lợi nhuận béo bở không phải chỉ có các hãng bảo
hiểm Mỹ đang muốn nhảy vào mà phải kể tới đám bác sĩ Mỹ gốc Việt cũng đang nao
nức rất muốn “về giúp Việt Nam”. Chưa qua tuổi 30, Toản suy nghĩ trong sáng độc
lập và tự tin trên bước đường dấn thân của nó. Không hẳn là Chính đã đồng ý,
nhưng lại rất hiểu tính cứng cỏi độc lập của con, Chính không muốn có lần đụng
độ thứ hai giữa hai bố con. Chính tạm yên tâm khi thấy con mình cho dù với chọn
lựa nào cũng thôi thúc bởi những động lực trong sáng, nó không thể lẫn vào đám
người cơ hội. Và theo một nghĩa nào đó, Chính thấy hơi ganh tỵ với tuổi trẻ và
sự cả tin đến trong suốt của con; rồi cho đó như một ý nghĩ kỳ quái anh lắc đầu
tự mỉm cười khi một mình lái xe đổ dốc trên con đường về…
Hơn một lần viếng thăm Cali, nhưng mỗi chuyến
đi đều đem lại cho Chính những cảm tưởng đổi mới của những cộng đồng Việt Nam rất
sinh động. Thay vì chỉ hơn một giờ bay, Chính đã quyết định thuê một chiếc xe của
hãng Hertz từ phi trường, đích thân lái từ Palo Alto về tới Little Saigon. Chuyến
đi hướng về một thành phố trẻ trung của tương lai nhưng cũng lại là một cuộc
hành trình ngược về quá khứ nhìn lại khoảng thời gian đã mất. Anh nghĩ cho dù
trong bối cảnh lạnh lùng của thực tế chính trị, đương đầu với những vấn đề của
Việt Nam tương lai ở ngưỡng cửa thế kỷ 21, không phải chỉ có vận dụng bộ óc mà
phải là sự hoà hợp với rung động của con tim. Quỷ dữ không chỉ là bóng ma cộng
sản mà ngay chính cõi lòng sao vẫn cứ chai đá của chúng ta.
Tuy chỉ là câu nói đùa của Thiện nhưng sao vẫn
cứ ám ảnh Chính mãi. Rằng nếu có tên quá khích điên khùng bắn chết Lê Hoàng Bảo
Long, chắc Little Saigon sẽ buồn bã biết chừng nào. Chắc rồi cũng phải tìm cho
ra một Lê Hoàng Bảo Long thứ hai. Không có chống cộng thì còn đâu là sự sinh động
của Little Saigon. Chỉ có điều cộng sản thì ẩn hiện, lúc nào mục tiêu cũng di động
và xảo quyệt, vô hình trung bọn chúng đã khiến các tay xạ thủ chống cộng cũng
di chuyển để rồi tự nguyện sắp theo đội hình vòng tròn tự lúc nào và dĩ nhiên
ngay từ loạt súng đầu tiên tổn thất có thể kiểm kê được là nơi chính các đồng bạn…
Chính có dự định sẽ gặp Thiện — tác giả của Project 2000, nhằm kết hợp toàn y
giới ở hải ngoại mà Chính cho là táo bạo và hấp dẫn với quan niệm “vận dụng và
chuyển hoá tài lực của thế giới thành tài lực của Việt Nam, khai thông những
hưng thịnh của thế giới chuyển đổ về quê hương, thực hiện vận mạng Việt Nam bằng
những phương tiện của thế giới”… Dự trù hình thành một tổ hợp vô vị lợi, mỗi y
nha dược sĩ đóng 2000 Mỹ kim như một phần khấu trừ thuế rất nhỏ trong phần thuế
khóa rất lớn mà họ đóng góp hàng năm trên các vùng đất tạm dung đang cưu mang họ,
thì với một ngàn người tham gia số tiền hành sự đã lên đến hai triệu đô la tiền
mặt, với tiềm năng ấy thì không có việc gì mà Hội y nha dược Thế giới không làm
được, từ đáp ứng tức thời như cứu trợ đồng bào nạn nhân trong bạo loạn ở Los
Angeles, nạn nhân bão lụt thiên tai ở đồng bằng sông Cửu Long, đến các công
trình dài hạn như xây dựng Convention Center – Nhà Văn hoá Công viên Việt Nam cạnh
thủ đô Little Sài gòn, tham gia dứt điểm một dự án y tế của OMS thanh toán bệnh
Hansen ở Việt Nam vào năm 2000… Chính thấy rằng chỉ ngay trong trái tim Tiểu
Sài Gòn ấy giữa đa số thầm lặng đã có biết bao nhiêu người có lòng có cái tâm
thành: ông Đại tá chỉ huy đơn vị cũ với thành tích 14 năm tù mới sang được tới
Mỹ trong tình trạng sức khỏe suy kiệt chẳng biết lo thân đã ngồi viết ngay thư
đầu tiên liên lạc với Chính yêu cầu anh với uy tín sẵn có giúp ông vận động dựng
lại được bức tượng Thương Tiếc để mọi người không quên những người lính đã chết.
Tiến người bạn đồng môn, gốc tráng sinh Bạch Mã chỉ có hai niềm say mê: phục hồi
phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại cho giới trẻ và thiết lập một bệnh
viện Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ. Nguyễn lớp đàn anh của Chính, tuổi ngót 60
rồi mà vẫn còn độc thân, vẫn bền bỉ trong bấy nhiêu năm liền là người bạn thiết
tận tụy của thuyền nhân và cũng là thầy thuốc miễn phí của giới văn nghệ sĩ các
gia đình H.O. Liên một bác sĩ muộn màng mới từ đảo qua đang sống mái ngày đêm
đèn sách để trở lại hành nghề nhưng vẫn tích cực mơ ước thực hiện một tượng đài
vĩ đại Mẹ Bồng Con lao vào đại dương theo nước non ngàn dặm ra
đi — biểu tượng cho một cuộc di dân khổng lồ của hai triệu người Việt đi khai
sinh một siêu Việt Nam trong lòng thế giới… Và còn biết bao nhiêu, bao nhiêu những
điển hình và ý nghĩ tốt đẹp khác nữa, vậy mà — Chính tự hỏi, tại sao anh và các
bạn vẫn lạc nhau trong bóng đêm của “kiêu khí, đố kỵ và mê chướng”, lại vẫn
theo ngôn từ của Thiện.
Bao nhiêu chục năm rồi, Chính vẫn là con người
trăn trở, vẫn là trí thức chứng nhân của những bi kịch của một thời nhiễu
nhương và lừa dối hào nhoáng. Giữa rất nhiều ồn ào và tiếng động của ngôn từ sa
đọa và những thực tế chính trị giả dối, nhiều lúc Chính cũng muốn tĩnh lặng, từ
bỏ những suy nghĩ khúc mắc, chỉ làm khổ chính anh và cảm tưởng như cũng chẳng
ích gì cho ai; nhưng như vậy thì anh đâu còn là Chính nữa. Trước sau anh vẫn là
anh, con người của xác tín. Dùng ngôn từ của điện toán, thì con người anh đã được thảo
chương –– programmed, chẳng thể nào mà nói đến chuyện đổi thay, chỉ có
thể anh sẽ nhạy cảm hơn, chấp nhận đối thoại với những khác biệt mà anh tin rằng
vẫn có thể có đoàn kết, cho dù đó là một liên kết nhiều màu sắc — rainbow
coalition, và theo anh sự đa dạng chính là chất men của sáng tạo. Anh hiểu
rằng số người còn theo và ủng hộ anh ngày càng ít đi. Không ra mặt chống anh
nhưng họ tách ra và mỗi người chọn đi theo hướng riêng của họ. Riêng anh chắc hẳn
rằng trong suốt phần cuộc đời còn lại, anh sẽ vẫn cứ đi trên con đường thẳng
băng đã vạch ra cho dù quạnh quẽ. Sự mau quên và thỏa hiệp của những người Việt
hải ngoại — mà anh cho là thương tổn tới nhân cách chính trị và quyền tỵ nạn của
họ, cộng thêm với sự vui mừng quá độ của người dân trong nước trước những điều
được gọi là “đổi mới” chỉ làm cho anh thêm đau lòng. Rồi ra ai thì cũng tìm
cách thích nghi để mà tồn tại, cuộc sống ngồn ngộn bản năng thì vẫn cứ dễ dàng
thay da đổi màu và bừng bừng đi tới. Số rất ít người cứng rắn nguyên tắc và nhất
quán như anh hình như đang có nguy cơ trở thành một chủng loại hiếm hoi sắp bị
tiêu diệt — endangered species. Chính còn lại bà mẹ già bên Việt
Nam, mái tóc đã trắng bạc như sương. Anh mơ một giấc mơ đơn giản, cũng chỉ mong
đất nước thanh bình để kịp về thăm mẹ, về thăm ngôi làng cũ, ngắm đàn trẻ thơ nô
đùa nơi sân trường làng, và hạnh phúc biết bao nhiêu khi được trở lại khám bệnh
chăm sóc cho những nông dân thân thuộc bao giờ cũng đôn hậu và chất phác mà y
phí có khi chỉ là một nải chuối, ít trái cây hay mấy hột gà tươi. Ước mơ có gì
là cao xa đâu nhưng sao vẫn ở ngoài tầm tay và có vẻ như còn rất xa vời. Bởi vì
anh vẫn dứt khoát tự nhủ lòng mình anh sẽ không thể và không bao giờ trở lại
quê hương như một kẻ bàng quan, một khách du lịch hay tệ hơn nữa như một tên mại
bản với xênh xang áo gấm về làng. Mặc dầu rất muốn gặp mẹ nhưng anh vẫn không
thể nào về với tâm cảnh và ngoại cảnh bây giờ.
Kể từ giữa thập niên 70, cùng với sự sụp đổ của
miền Nam, là một làn sóng ồ ạt dân tỵ nạn Đông Dương rải ra khắp nước Mỹ, nhưng
đông đảo nhất vẫn là tiểu bang Cali. Khó khăn của những người tới sớm không phải
là ít. Từ ngoài các căn cứ Pendleton, Fort Chaffee không phải chỉ có những bảo
trợ người Mỹ giàu lòng bác ái tới giúp đỡ họ mà cả không thiếu những người điạ
phương kỳ thị thù ghét trù ẻo và muốn đuổi họ về nước. “We Don’t Want
them, May They Catch Pneumonia And Die…”. Và trong đám người tỵ nạn ấy đã
có các đồng nghiệp của Chính. Cho tới nay con số bác sĩ Việt Nam lên tới 2000
chỉ riêng ở Mỹ, chưa kể một số không ít khác sống ở Canada, Pháp và Úc châu và
một số nước khác. Hơn 2500 bác sĩ trên tổng số 3000 của toàn miền Nam đã thoát
ra khỏi xứ, không khác một cuộc tổng đình công của toàn ngành y tế, liên tục
kéo dài từ 75 tới nay. Chính cũng biết rất rõ anh là một trong số ít người đã vận
động và lãnh đạo một cách có hiệu quả cuộc đình công dài bất tận một cách không
tiền khoáng hậu ấy.
Chính sẽ lần lượt ghé thăm: San Jose thung
lũng điện tử hoa vàng, Los Angeles thành phố thiên thần nhưng lại sắp kết nghĩa
với thành phố mang tên Hồ Chí Minh, Orange thủ đô tỵ nạn chống cộng với Sài Gòn
Nhỏ và San Diego nơi nổi tiếng khí hậu tốt nhất thế giới – đều là những nơi có
đông đảo người Việt, và con số ấy tiếp tục gia tăng không phải chỉ bởi những
người mới tới; mà còn do hiện tượng “di dân lần thứ hai” của những người Việt đã
tới sinh sống ở những tiểu bang khác, cuối cùng rồi cũng lựa chọn trở về Cali
nơi có nắng ấm, có khí hậu nhiệt đới giống Việt Nam như ở Đà lạt, họ nói với
nhau như thế.
Tiêu chuẩn hoá, đó là đặc tính rất Mỹ. Thành
phố lớn nhỏ nào ở Mỹ thì cũng rất giống nhau, với những trạm xăng, các siêu thị
và những tiệm fast food McDonald’s. Đi vào những phố chợ Việt Nam sầm uất ngay
trên đường Bolsa là thấy những tiệm phở, các siêu thị lớn nhỏ, phòng mạch bác
sĩ, hiệu thuốc tây, các văn phòng luật sư và dĩ nhiên cả những tòa báo.
Các đồng nghiệp của Chính đã có mặt ngay từ đầu
trong số đông đảo những người tới sớm. Họ biểu tượng cho một tập thể trí thức
khoa bảng, được sự giúp đỡ của chương trình tỵ nạn như mọi người, đa số đã mau
chóng trở lại hành nghề trong những điều kiện hết sức thuận lợi. Sau đó phải
chi ai cũng có trí nhớ tốt về những cảm xúc đầu tiên khi dứt bỏ hết mọi thứ bất
kể sống chết ra đi. Chính còn nhớ như in về những ngày ở trên đảo, Ngạn đã nhiều
lần tâm sự là chỉ mong có ngày đặt chân tới Mỹ. Anh chẳng bao giờ còn mơ ước tới
một nơi nào xa hơn nữa, cũng chẳng hề có cao vọng trở lại nghề cũ. Mà hạnh
phúc, nếu có, là được hít thở không khí tự do, được sống như một con người và
được khởi sự lại từ đầu, gây dựng mái gia đình bằng sức lao động của tay chân,
hy sinh cho tương lai thế hệ những đứa con. Nhưng sự thể lại tốt hơn với mong đợi,
chính Ngạn bằng trí thông minh nghị lực làm việc và dĩ nhiên cả may mắn nữa, chỉ
trong một thời gian ngắn anh là một trong số những người trở lại hành nghề rất
sớm. Là bác sĩ ở Mỹ có nghĩa là đã thuộc vào thành phần xã hội trung lưu trên
cao, địa vị hoàn cảnh của họ là ước mơ ngay cả đối với rất nhiều người dân Mỹ bản
xứ. Nhưng Ngạn và một số người khác đã không dừng lại ở đó. Và điều gì phải đến
đã đến. Hậu quả là một cuộc ruồng bố được mệnh danh là “gian lận y tế lớn
nhất trong lịch sử tiểu bang Cali”. Để trở thành tin tức hàng đầu nơi trang
nhất của báo chí và các đài truyền hình khắp nước Mỹ. Mới chín năm từ ngày sụp
đổ cả miền Nam đang còn là một cơn ác mộng chưa nguôi, biến cố tháng Hai 1984
là một cơn mộng dữ thứ hai nhưng với bản chất hoàn toàn khác. Chưa bao giờ hai
chữ Việt Nam lại được nhắc tới nhiều như thế trong suốt tuần lễ. Cũng chưa bao
giờ quá khứ bị đối xử tàn nhẫn đến như thế. Cảnh tượng hàng loạt bác sĩ dược sĩ
trong đó có Ngạn bị các cảnh sát sắc phục còng tay ngoài đường, bêu trước nắng
gió đã bị báo chí Tivi Mỹ khai thác triệt để. Ai cũng cảm thấy bị thiệt hại về
mặt thanh danh, cộng thêm với những cảm giác bất an và sợ hãi. Rõ ràng sau đó
đã có một làn sóng nguyền rủa của người dân bản xứ nhắm chung vào người Việt tỵ
nạn. Trong các xưởng hãng, bọn sỗ sàng trực tiếp thì xách mé gọi các đồng nghiệp
Việt Nam là đồ ăn cắp, hoặc gián tiếp hơn họ cắt những bản tin với hình ảnh
đăng trên báo Mỹ đem dán lên tường chỗ có đông các công nhân Việt Nam làm việc.
Những người dân Việt bình thường lương thiện, tới Mỹ với hai bàn tay trắng,
đang tạo dựng lại cuộc sống từ bước đầu số không, bằng tất cả ý chí và lao động
cần mẫn của đôi bàn tay, nay bỗng dưng trở thành nạn nhân oan khiên của kỳ thị
và cả khinh bỉ. Có người uất ức quá đã phải la lên: hỡi các ông trí thức khoa bảng
ơi, ngay từ trong nước bao giờ và ở đâu thì các ông cũng là người sung sướng,
sao các ông không có mặt ở đây để nhận lãnh sự nhục nhã này… Chuyện xảy ra đã
hơn mười năm rồi mà vẫn tưởng như mới hôm qua, như một flashback nặng
nề diễn ra trong đầu óc Chính. Hiện giờ anh cố chủ động thoát ra khỏi những
ngưng đọng của ký ức về một giai đoạn bi ai quá khứ. Đưa tay bấm nút tự động hạ
mở kính xe, gió biển thổi cuộn vào trong lòng xe vỗ phần phật. Trời xanh biển
xanh, vẫn màu xanh thiên thanh ấy, có gì khác nhau đâu giữa hai bờ đại dương
này. Khổ hải vượng dương, hồi đầu thị ngạn. Ở đâu thì nỗi khổ cũng
mênh mông, nhìn lại chẳng thấy đâu là bờ. Con đường 101 dọc theo bờ biển Thái
Bình dương lúc này lại gợi nhớ Quốc lộ 1 bên kia đại dương trên đất nước thân
yêu của chàng. Vẫn những giọt nước ấy là nước mắt và làm nên biển cả, những dải
cát sáng long lanh như thủy tinh, những ruộng muối trắng, những hàng dừa xanh.
Quê hương của trí nhớ đó sẽ đẹp đẽ biết bao nhiêu nếu không có những khúc phim
hồi tưởng của “dọc đường số 1”, của “đại lộ kinh hoàng”,
của “những dải cát thấm máu” ở những ngày cuối tháng Ba 1975.
Little Saigon vẫn được coi là thủ đô của những
người Việt tỵ nạn. Theo nghĩa nào đó là một Sài Gòn nối dài. Nếu khảo sát về địa
dư chí, thì như một điều trớ trêu của lịch sử, tên người Việt Nam đầu tiên đến ở
quận Cam rất sớm này lại là một người Việt xấu xí — có tên là Phạm Xuân Ẩn, một
đảng viên cộng sản. Bề ngoài anh ta là một ký giả của tuần báo Times trong suốt
10 năm, nhưng điều mà không ai được biết là từ lâu anh vốn là một điệp viên cao
cấp của Hà Nội. Ẩn đã từng được học bổng của Bộ Ngoại giao đi du học tại Mỹ vào
cuối những năm 50, học xong Ẩn đi tham quan khắp nước Mỹ rồi trở về sống ở quận
Cam; sau đó trở lại Sài Gòn làm cho hãng thông tấn Reuters của Anh, rồi tuần
báo Times của Mỹ cho tới những ngày cuối của miền Nam. Mãi sau này người ta mới
được biết Ẩn đã gia nhập phong trào Việt Minh rất sớm từ những năm 40, khởi từ
vai trò một giao liên chẳng có gì là quan trọng để rồi cuối cùng trở thành một
điệp viên chiến lược qua mắt được bao nhiêu mạng lưới CIA với danh hiệu phóng
viên rất an toàn của một tờ báo Mỹ uy tín… Hiện giờ đã có tới khoảng ba trăm
ngàn người Việt đang chiếm chỗ của Ẩn trước kia. Còn riêng Ẩn thì lại đang sống
lặng lẽ ở Sài Gòn, tiếp tục là chứng nhân cho cuộc cách mạng thất bại mà Ẩn đã
trung thành và toàn tâm phục vụ trong suốt hơn 40 năm. Trở về với thực tại của
quận Cam hôm nay, nếu Ẩn có dịp trở lại đây chắc cũng chẳng thể nào nhận ra chốn
cũ. Biến từ một khu phố chết với những vườn cam xác xơ, nay trở thành một Sài
Gòn Nhỏ trẻ trung và sầm uất. Con em của những người Việt mới tới, ngay từ thế
hệ di dân thứ nhất đã rất thành công trong học vấn và nâng tiêu chuẩn giáo dục
địa phương cao thêm một bước mới. Chúng tốt nghiệp từ đủ khắp các ngành. Hơn cả
giấc mộng Đông Du, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy hai thập niên, nước Việt
Nam tương lai có cả một đội ngũ chuyên viên tài ba để có thể trải ra cùng khắp.
Trong kiếp sống lưu dân, chưa làm được gì trực
tiếp cho quê hương nhưng Chính vẫn có thể mơ một Giấc Mộng Con Năm 2000.
Trải qua bao nhiêu hội nghị, Chính có cảm tưởng anh và các bạn vẫn như những
người không nhà cho dù các nơi tạm trú đều là những đệ nhất khách sạn không dưới
bốn sao. Chuyến đi thực tế này, dự định rằng là bước khởi đầu vận động hình
thành không phải chỉ là một mái nhà cho hội y sĩ, mà bao quát hơn là một convention
center, một toà Nhà Văn hoá, một Viện Bảo tàng, một Công viên Việt Nam. Đó
phải là công trình biểu tượng có tầm vóc, sẽ được thực hiện ưu tiên qua từng
giai đoạn. Nếu nghĩ rằng ngôi Đình là biểu tượng cho cái thiện của làng, thì
khu Công viên Văn hoá ấy là biểu tượng cho cái gốc tốt đẹp không thể thiếu của
các thế hệ di dân Việt Nam từ những ngày đầu đặt chân tới lục địa mới của cơ hội
này. Nó sẽ như một mẫu số chung rộng rãi cho một cộng đồng hải ngoại đang rất
phân hóa, giúp đám trẻ hãnh tiến hướng Việt tìm lại được cái căn cước đích thực
của tụi nó. Dự phỏng rằng Công viên Văn hóa sẽ được thiết lập trong vùng tây
nam Hoa kỳ, tọa lạc trên một diện tích rộng lớn phía bờ nam của xa lộ 22 và 405
tiếp giáp với khu Little Saigon. Đó là nơi có khả năng giới thiệu một cách sinh
động những nét đặc thù của văn hóa Việt qua những bước tái thể hiện các giai đoạn
lịch sử hào hùng và cả bi thảm của dân tộc Việt từ buổi sơ khai lập quốc. Đây
không phải thuần chỉ là công trình của một Uỷ ban Đặc nhiệm, gồm tập hợp những
tinh hoa trí tuệ của mọi ngành sinh hoạt. Đó phải là một công trình của toàn thể
những người Việt tự do ở hải ngọai, không phân biệt màu sắc cá nhân phe nhóm.
Bước khởi đầu đơn giản chỉ một đô la cho mỗi đầu người mỗi năm, thì chúng ta đã
có hơn một triệu Mỹ kim cộng thêm với hai triệu Mỹ kim nữa của Hội y nha dược,
Hội chuyên gia và các giới doanh thương. Sẽ không phải là nhỏ với ba triệu đô
la mỗi năm để làm nền móng khởi đầu cho Dự Án 2000 ấy. Ngũ niên đầu là giai đoạn
sở hữu một khu đất đủ lớn cho nhu cầu quy hoạch Công viên Văn hoá với một convention
center là công trình xây cất đầu tiên: đó như một cái nôi cho sinh hoạt
cộng đồng văn hoá và nghệ thuật. Chính cứ vẫn phải nghe một điệp khúc đến nhàm
chán rằng người Việt Nam không đủ khả năng tạo dựng những công trình lớn có tầm
vóc. Viện cớ rằng do những cuộc chiến tranh tàn phá lại cộng thêm với khí hậu ẩm
mục của một Á châu nhiệt đới gió mùa, đã không cho phép tồn tại một công trình
nhân tạo lớn lao nào. Nhưng bây giờ là trên đất nước Mỹ và Chính muốn chứng
minh điều đó không đúng. Yếu tố chính vẫn là con người. Làm sao có được một giấc
mơ đáng gọi là giấc mơ. Để rồi cái cần thiết là chất xi măng hàn gắn và nối kết
những đổ vỡ trong lòng… Chính đã hơn một lần chứng tỏ khả năng lãnh đạo một tập
thể trí tuệ nhất quán không làm gì trong suốt hai thập niên qua; bây giờ thì
anh đang đứng trước một thử thách ngược lại, vận dụng sức mạnh cũng của tập thể
ấy để phải làm một cái gì nếu không phải ở trong nước thì cũng ở hải ngoại,
trong một kế hoạch ngũ niên cuối cùng của thế kỷ trước khi bước sang thế kỷ 21.
Một ngũ niên có ý nghĩa của kế hoạch và hành động thay vì buông xuôi.
Chỉ qua một vài bước thăm dò, Chính cảm nhận
được ngay rằng quả là dễ dàng để mà đồng ý với nhau khỏi phải làm gì. Nhưng vấn
đề bỗng trở nên phức tạp hơn nhiều khi bước vào một dự án cụ thể đòi hỏi sự
tham gia và đóng góp của mỗi người, kéo theo bao nhiêu câu hỏi “tại sao và bởi
vì” từ ngay chính những người bạn tưởng là đã rất thân thiết của anh đã cùng đi
với nhau suốt một chặng đường. Hội nghị Palo Alto sẽ là một trắc nghiệm thách đố
không phải của riêng anh mà là của toàn thể y giới Việt Nam hải ngoại.
Thay vì đứng ngoài bàng quan, hội Y sĩ Thế giới
sẽ tiên phong trực tiếp tham gia ngay từ bước đầu hình thành Công viên Văn hoá ấy.
Đó là một chuẩn bị thao dượt, như một ấn bản gốc cho mô hình của Viện Bảo tàng
Chiến tranh Việt Nam của ISAW. Người Mỹ có dự án ISAW (Institute for
the Study of American Wars) thiết lập một Quảng trường Hào hùng tại
Maryland gồm một chuỗi viện bảo tàng liên quan tới bảy cuộc chiến tranh, mà người
Mỹ đã trực tiếp can dự kể từ ngày lập quốc. Dĩ nhiên trong đó có chiến tranh Việt
Nam, cũng là cuộc chiến tranh duy nhất có chính nghĩa mà miền Nam Việt Nam và Mỹ
đã bị thua. Cung cấp dữ kiện đi tìm đáp số cho những câu hỏi vấn nạn tại sao sẽ
phải là nội dung của viện bảo tàng tương lai này. Hai triệu người thoát ra khỏi
nước bằng một cuộc di dân vĩ đại, họ không thể chấp nhận cuộc thất trận lần thứ
hai khác lâu dài và vĩnh viễn tại Valor Park với lặp lại những gian dối lịch sử
cũng vẫn do người cộng sản chủ động sắp xếp. Không phải chỉ là vấn đề ai thắng
ai; nhưng đó là nhân cách chính trị của hai triệu người di dân tỵ nạn đang phấn
đấu cho một thể chế chính trị tự do nơi quê nhà. Và Chính quan niệm những bước
hình thành khâu Viện Bảo tàng Việt Nam tại ISAW phải được khởi đầu từ dự án khu
Công viên Văn hoá Việt Nam năm 2000 ngay giữa thủ đô tỵ nạn. Đó là một phác thảo
và chọn lọc tất cả các hình ảnh tài liệu và chứng tích của các giai đoạn Việt
Nam tranh đấu sử. Đó là nơi giúp thế hệ trẻ hướng Việt tìm lại khoảng thời gian
đã mất, giúp chúng hiểu được tại sao chúng lại hiện diện trên lục địa mới này.
Giữa hai bố con Chính đang âm thầm diễn ra
tranh chấp về trận địa của những giấc mơ. Giấc mơ của Toản thì xa hàng vạn dặm
mãi tận bên quê nhà. Giấc mơ nào là không thể được, bên trong hay bên ngoài? Hiện
thực của giấc mơ nào đi nữa không phải chỉ do hùng tâm của một người mà là ý
chí của cả một tập thể cùng nhìn về một hướng, cùng trông đợi và ước ao niềm
vui của sự thành tựu. Riêng Chính thì đang ao ước không phải để có một ngôi đền
thờ phụng, mà là một mái ấm của Trăm Họ Trăm Con, nơi ấy sưu tập và lưu trữ những
giá trị của quá khứ, nơi hội tụ diễn ra sức sống sinh động của hiện tại, và là
một điểm tựa thách đố hướng về tương lai, chốn hành hương cho mỗi người Việt
Nam đang sống bất cứ ở đâu trong lòng của thế giới. NGÔ THẾ VINH – Little
Saigon, 01/1995
…
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-27-659x420.png
Hình 17a
Hình
17a: Trái, thư viết ngày 1/2/1995; phải,
nhà văn Ngô Thế Vinh nhìn bởi Tạ Tỵ Garden Grove, California, Jan 1996. Tư
liệu Ngô Thế Vinh
Trong một thư riêng gửi đi từ Garden Grove
ngày 1/2/1995, anh Tạ Tỵ viết:
Anh Ngô Thế Vinh,
Trước hết, nhân dịp đầu năm mới Ất Hợi, tôi
xin gửi đến anh cũng như gia đình, một năm mới an khang thịnh vượng, gặp nhiều
may mắn, sau, xin chân thành cám ơn anh đã có lòng quý mến mà gửi cho tập bản
thảo “Giấc mộng LỚN năm 2000”.
“Tôi
chia sẻ rất nhiều với anh về những điều anh viết, dù rằng tuổi tôi đã cao, cái
sự “nhìn thấy những điều mình mơ ước” chắc cũng khó mà thực hiện,
nhưng đó cũng chẳng sao, vì tất cả đều cho mai sau và cái “mai
sau” đó so với sự luân chuyển của thời gian cũng như lịch sử nó chẳng đáng
gì. Ngọn lửa đã nhúm lên rồi, chỉ cần có thêm nhiều nguyên liệu tạo nên sự bùng
cháy trường kỳ trong lòng mỗi người tỵ
nạn có tâm huyết, bất luận trí thức hay bình dân. Mong lắm thay! Hy
vọng, hy vọng và hy vọng! Mong anh đừng bao giờ để có người nói: “Các ông là những
người đến muộn.”
Anh Tạ Tỵ cũng đã hào hứng hứa hẹn, là khi Công
Viên Văn Hoá ấy hình thành, anh sẽ tặng bộ sưu tập tranh quý giá của
anh, cùng với một bức tranh tường Mural 5m x 3m “Gửi Cho Thế
Hệ Mai Sau”.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-28-625x420.png
Hình 17b
Hình
17b: Trái, thư viết ngày
29/2/2000: Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ
tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn
tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui
vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải luỵ
phà!…; phải, thư viết ngày 27/7/2000: Chúng tôi nhất quyết về
Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình? Nhưng dù sao, tôi
cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời. Tư
liệu Ngô Thế Vinh
.
San Diego, Feb 29, 2000
Thân gửi Anh Ngô Thế Vinh,
Rất cám ơn anh đã gửi cho 2 số báo Đi Tới.
Nhìn qua, tuy chưa đọc nhưng đã thấy rất có giá trị về phương diện Sử học và Địa
lý. Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm
thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại
lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô
cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà!…
Hôm nào rảnh rỗi mời anh xuống dưới San Diego,
anh em mình tiếp nối giấc mơ café, ngồi nhìn ra biển, ở một quán nào đó chưa biết!
Riêng anh, luôn luôn khoẻ mạnh, viết nhiều. Tạ Tỵ
Nhưng rồi, khá bất ngờ vào ngày 27/7/2000 từ
San Diego cũng trong một thư riêng khác anh Tạ Tỵ cho biết quyết định sẽ về sống
ở Việt Nam.
San Diego, July 27, 2000
Thân gửi Anh Ngô Thế Vinh,
Trước hết, xin gửi nơi đây lời cầu chúc anh
cùng gia đình luôn luôn an mạnh.
Sau, xin báo tin để anh được biết đến tháng 10
này [năm 2000], chúng tôi sẽ về Việt Nam để sống… chúng tôi nhất quyết
về Việt Nam dù không biết trước cái gì sẽ xảy ra cho đời mình? Nhưng dù sao tôi
cũng muốn được an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời!
Nếu có dịp nào, anh gặp anh Bùi Khiết, anh cho tôi gửi lời thăm anh ấy. Anh Khiết
là người bạn tốt, rất tốt với tôi. Chúc anh sáng tác được nhiều tác phẩm hay để
đời thế là tôi vui rồi. Về Việt Nam, tôi vĩnh viễn rửa tay gác bút, chờ ngày đi
vào cõi Hư Không. Nhớ các anh lắm. Tạ Tỵ
Dù anh Tạ Tỵ đã có quyết định về sống ở Việt
Nam từ tháng 7 năm 2000, nhưng rồi lần lữa thêm 3 năm nữa vì lý do sức khoẻ và
chăm sóc y tế. Tới năm 2003, sau khi vợ anh mất, Tạ Tỵ đã một mình âm thầm trở
về Sài Gòn, sống những tháng ngày cuối đời, cũng vẫn trong căn nhà cũ, cùng với
gia đình người con gái út Tạ Thuỳ Châu.
Chỉ một năm sau, anh Tạ Tỵ mất, ngày 24 tháng
8 năm 2004, hưởng thọ 83 tuổi. Bạn bè văn nghệ cũ còn ở lại Sài Gòn đều tới tiễn
đưa anh. Đặc biệt có thêm một vòng hoa viếng của Đinh Cường từ Mỹ, do Dương
Nghiễm Mậu – cũng là người anh em cột chèo với Đinh Cường đại diện đem tới.
Anh Tạ Tỵ đã toại nguyện, anh được an nghỉ nơi
quê nhà, “tấm thân tứ đại” của anh được hỏa táng để trở về với
cát bụi, nhưng tên tuổi Tạ Tỵ và các tác phẩm của anh thì vẫn trường tồn trong
suốt dòng chảy của văn hóa dân tộc.
CON CÁ HỒI VỀ NGUỒN
Tạ Tỵ là hình ảnh con cá Hồi dũng
mãnh sau những tháng năm vẫy vùng ngoài đại dương, đến cuối đời
sức cùng lực kiệt, vẫn với một bộ nhớ không suy suyển, để từ biển rộng trở lại con
sông dài, bất chấp những ghềnh thác, chỉ để được trở về nguồn – nơi mảnh đất có
tên gọi rất thiêng liêng là Việt Nam, nơi anh đã được sinh ra và lớn lên, nơi vẫn
còn đó những con người đã từng đày ải anh tới “đáy địa ngục” nhưng
rồi bất kể những gì có thể xảy ra cho anh, con cá hồi Tạ Tỵ cũng đã trở về nơi
quê hương cội nguồn.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/11/1-29-696x322.png
Hình 18
Hình
18: Tạ Tỵ là hình ảnh con cá Hồi sau
những tháng năm vùng vẫy ngoài đại dương, đến cuối đời sức cùng lực kiệt,
vẫn với một bộ nhớ không suy suyển, đã bất chấp những ghềnh thác, để từ biển rộng
trở lại con sông dài, chỉ để được trở về nguồn.
NGÔ THẾ VINH
100 năm sinh [1921-2021]
Và ngày giỗ thứ 17 của Tạ Tỵ
[24/08/2004 – 24/08/2021]
__________
Tham khảo:
1/ Tạ Tỵ. Hồi ký Đáy Địa Ngục, Nxb Thằng Mõ 1986; Những
Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi, Nxb Thằng Mõ 1990; Tuyển Tập Văn Thơ Hoạ Tạ
Tỵ, Nxb Thằng Mõ 2001.
2/ Nguiễn Ngu Í phỏng vấn Tạ Tỵ. Báo Bách Khoa, số
131, ngày 15-6-1962
3/ Tạ Tỵ, Vì sao tôi viết. Hợp Lưu số 32, p. 216,
Xuân Đinh Sửu 1997
4/ Đinh Cường, Đi Vào Cõi Tạo Hình: Tạ Tỵ người hoạ
sĩ luôn ưu tư về cái mới, p.86-94. Văn Mới 2015
5/ Văn Quang. Tạ Tỵ – vườn xưa đã khép. Lẩm cẩm Sài
Gòn thiên hạ sự, ngày 26/8/2004
6/ Ngô Thế Vinh. Tuyển Tập I Chân Dung Văn Học Nghệ
Thuật & Văn Hoá, Nxb Việt Ecology Press 2017
No comments:
Post a Comment