Saturday, August 21, 2021

VIỆT NAM : VỀ CHUYỆN ĐẶC XÁ TÙ NHÂN và CHUYẾN THĂM CỦA BÀ KAMALA HARRIS (BBC Tiếng Việt)

 


Việt Nam: Đặc xá tù nhân và chuyến thăm của bà Kamala Harris

BBC Tiếng Việt

21 tháng 8 2021, 15:59 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58283082

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/CB51/production/_120094025_gettyimages-1234604214.jpg

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris theo lịch trình dự kiến sẽ tới Việt Nam thăm chính thức trong hai ngày kể từ ngày 24/8/2021

 

Liệu Washington và phương Tây có thể làm nhiều hơn cho nhân quyền ở Việt Nam?

 

Và đợt đặc xá tù nhân năm 2021 tại Việt Nam có chịu tác động nhân chuyến thăm chính thức dự kiến vào tuần sau của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris?

 

Đó là các câu hỏi được một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam từ trong nước và hải ngoại chia sẻ với BBC hôm thứ Sáu 20/8.

 

Nhân dịp Quốc khánh 2/9, nhà nước Việt Nam sẽ tiến hành một đợt đặc xá với nhiều tù nhân từ các trại giam khác nhau trong cả nước.

 

Còn hôm 24/8/2021, bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam trong hai ngày theo kế hoạch.

 

Bình luận trước hết về đợt đặc xá 2021, từ Paris, nhà báo tự do Tường An nói với BBC News Tiếng Việt:

 

Quan hệ Mỹ - Việt: Tính thực tế của những 'áp lực' ngoại giao thế nào?

 

Việt Nam: Afghanistan có ảnh hưởng chuyến thăm của Kamala Harris?

 

Mỹ - Việt thời Joe Biden: Cần thời gian để gần nhau hơn nữa

 

"Gần như đến ngày Quốc Khánh 2/9 (hoặc những dịp lễ quan trọng) là nhà nước Việt Nam có những đợt đặc xá cho những tù nhân, như ngày 26/8/2015, họ đã đặc xá cho 18.298 phạm nhân, thả tù trước thời hạn cho 255 người đang được hoãn. Năm 2016, họ đã đặc xá cho hơn 4000 tù nhân về ăn Tết."

 

"Theo báo chí trong nước, kể từ khi "luật đặc xá" được ban hành ngày 1/3/2008 và sau nhiều lần sửa đổi, cho đến năm 2017, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện 6 đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho 81.795 phạm nhân và 919 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù."

 

"Việc ban lệnh đặc xá trong thời điểm này có thể là vì nhân dịp sắp đến ngày 2/9 và dĩ nhiên, nó trùng hợp với chuyến đi sắp tới của PTT Hoa Kỳ Kamala Harris, có thể nói một cách nôm na, trường hợp này là "một mũi tên bắn được hai con chim."

 

Từ Hanau, CHLB Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bình luận:

 

"Đã 5 năm rồi, Việt Nam chưa có lần đặc xá nào. Đặc biệt trong suốt hơn nửa nhiệm kỳ của cựu Chủ nước Nguyễn Phú Trọng, ông ấy đã không ban hành bất cứ đợt đặc xá nào. Do vậy, ông Trọng đã bị chỉ trích rất nặng nề.

 

"Theo tôi, ông Nguyễn Xuân Phúc biết rõ sự bức xúc của dư luận, nên khi nhập chức Chủ tịch nước thì ông ta ban hành lệnh đặc xá ngay. Ông Phúc khá nhạy bén và mong muốn xoa dịu dân chúng.

 

"Tất nhiên, nhìn vào danh mục các loại tội danh được đưa vào danh sách đặc xá, tôi thấy có tội phá hoại chính sách đoàn kết dân dân tộc, thuộc chương về an ninh quốc gia. Trước đây, tôi danh này chưa bao giờ được đưa vào danh sách đặc xá.

 

"Do vậy, trong kỳ đặc xá này, sẽ có nhiều tù nhân lương tâm là người sắc tộc thiểu số H'Mong và ở Tây nguyên có liên quan tới Tôn giáo sẽ được đặc xá. Tôi xin nói thêm rằng đây là khu vực được Mỹ quan tâm, và tới thăm nhiều lần trong năm 2019 - 2020.

 

"Theo quan điểm của tôi, mặc dù thông báo công khai của chính quyền Việt Nam, đợt đặc xá này có liên quan tới nhu cầu quan hệ với Hoa Kỳ, và có thể là món quà nhân dịp bà Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam."

 

Từ Sài Gòn, ông Nguyễn Tiến Trung nêu quan điểm:

 

"Bình thường khoảng vài năm chính quyền Việt Nam lại tổ chức đặc xá. Lý do theo tôi nhận định là nhà tù ở Việt Nam quá tải. Việc công bố đặc xá lần này chưa chắc có liên hệ tới chuyến thăm của bà Kamala Harris."

 

"Tôi nhớ trong luật có ghi rõ là không đặc xá cho những người phạm tội có liên quan đến "an ninh quốc gia", một cụm từ chỉ chung những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo ở Việt Nam. Thực tế là tôi cũng chưa thấy tù nhân lương tâm nào được thả ra vào dịp đặc xá.

 

Còn từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng bình luận:

 

"Mặc dù về hình thức, đây là hai sự kiện có vẻ tách rời, độc lập với nhau, đợt đặc xá và chuyến thăm của chính khách Mỹ, song trước hết vào thời điểm này tôi cảm thấy vui mừng trước sự quan tâm của chính quyền mới ở Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

 

"Tuy nhiên, tôi phải nói là những người hoạt động nhân quyền, những nhà bất đồng, nếu họ bị bắt thì dù họ có nổi tiếng ra sao, họ đã bị bắt giữ bao nhiêu năm, tôi cho rằng quyền được cất lên tiếng nói và quyền được tự do của mỗi người là thiêng liêng như nhau. Cho nên, dù bất cứ ai được tự do trong đợt này ở Việt Nam, thì tôi đều cảm thấy rất vui mừng và tôi nghĩ rằng không ai xứng đáng hơn ai cả.

 

"Tất cả họ, tất cả những tù nhân lương tâm, những nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội xứng đáng được tự do và trao trả tự do."

 

 

Nên thả ai và vì sao?

 

Trước câu hỏi chính quyền Việt Nam nên hay cần phải trao trả tự do cho những ai, đặc biệt trong giới tù nhân lương tâm, trong đợt ân xá này, và liệu chính quyền Mỹ nên đề nghị chính quyền Việt Nam trao trả tự do cho ai nhân chuyến thăm của bà PTT Harris, các nhà hoạt động chia sẻ quan điểm và đưa ra lời giải thích với BBC.

 

EEAS nói về 'vi phạm nhân quyền' còn VN muốn 'tiếp tục đối thoại'

 

Vụ Đồng Tâm: Chủ tịch nước có ân giảm cho hai án tử?

 

VN: Hơn 1000 chữ ký phản đối ngược đãi tù nhân chính trị

 

Bà Tường An nói:

 

"Những trường hợp để được đặc xá theo tiêu chuẩn của nhà cầm quyền Việt Nam là tù nhân phải "ăn năn hối cải, nhận rõ lỗi lầm, không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, cải tạo tiến bộ..." và chúng ta cũng nhận thấy là hầu hết những tù nhân được đặc xá trong thời gian qua là tội phạm hình sự.

 

"Trước chuyến đi của bà Harris, tôi thấy rằng nhiều tổ chức, cá nhân... đã viết thư cho bà Phó Tổng Thống Hoa Kỳ và giới chức chính quyền Mỹ đề nghị trả tự do cho một số Tù Nhân Lương Tâm. Một bức thư chung của 35 gia đình Tù Nhân Lương Tâm cũng đã được gửi đến bà Harris kêu gọi bà can thiệp để nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho thân nhân của họ.

 

"Trần Huỳnh Duy Thức là một hình ảnh đấu tranh bất khuất, một tấm gương hy sinh của một doanh nhân thành đạt, một Nelson Mandela, một Lê Trí Anh của Việt Nam, vì thế, theo tôi, Trần Huỳnh Duy Thức phải là một trong những Tù Nhân Lương Tâm đầu tiên được thả và sau đó là gia đình bà Cấn thị Thêu, các nạn nhân vụ Đồng Tâm, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang v.v..."

 

Ông Nguyễn Văn Đài phát biểu:

 

"Theo tôi thì gần 300 tù nhân lương tâm phải được thả tự do và không điều kiện. Nhưng với nhà nước cộng sản, thì đây là việc khó. Vậy nên, tôi cho rằng phía chính phủ Hoa Kỳ nên đề nghị chính quyền cộng sản Việt Nam thả tự do cho các vị Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội, Trần Đức Thạch. Tạm thời là 10 người."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/C327/production/_120095994_e37b264b-59e5-4e00-a016-1c2febc03ab0.jpg

Các ông Phạm Chí Dũng (trái), Nguyễn Tường Thụy (trên, phải) và Lê Hữu Minh Tuấn (dưới, phải) đều bị truy tố về tội tuyên truyền chống nhà nước CNXHCN Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Tiến Trung nêu quan điểm:

 

"Do luật về đặc xá không cho phép thả tù nhân lương tâm nên nếu lần này có tù nhân lương tâm được thả thì hầu như chắc chắn là do phía Hoa Kỳ can thiệp."

 

"Nếu có thể, tôi đề nghị chính quyền Việt Nam cần phải thả tất cả các tù nhân lương tâm vì họ vô tội, hoặc ít nhất là nhà cầm quyền có thể thả những tù nhân lương tâm lớn tuổi, chẳng hạn như các trường hợp Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, …, hoặc có bệnh nền, chẳng hạn như Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình…, hoặc là phụ nữ, chẳng hạn như Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu…"

 

"Hoặc ít nhất là những tù nhân lương tâm mà Liên Hiệp Quốc đã xác định là bị giam giữ tùy tiện như ông Ngô Văn Dũng (nhóm Hiến Pháp) và ông Lê Hữu Minh Tuấn (Hội Nhà báo Độc lập) Việc giam cầm những tù nhân lương tâm trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành là cực kì vô nhân đạo và khắc nghiệt, hoàn toàn không cần thiết."

 

Còn ông Nguyễn Lân Thắng thì nói:

 

"Tôi không thể đưa ra lời khuyến nghị là nên tập trung vào ai, nên thả ai, mặc dù tôi cũng có khá nhiều bạn bè thân thiết bị bắt giam trong đợt vừa rồi.

 

"Nhưng kể cả là họ, những người thân thiết với tôi hay là với những người thậm chí tôi còn chưa biết trên bình diện riêng tư, kể cả những người chỉ thoáng biết tên, thì họ đều xứng đáng được tự do, cho nên việc đó hãy nhường lại sự quyết định về mặt tác động cho phía các đối tác của Việt Nam, mà vào thời điểm cụ thể này là Hoa Kỳ, để họ có thể tự cân nhắc chuyện đó, cá nhân tôi không có ý kiến bình luận cụ thể trong vấn đề này."

 

 

Nên chấm dứt 'mặc cả' với Mỹ và các đối tác?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2A6B/production/_120095801_f23a65db-8c5a-465e-903a-4cd5fae94cdf.jpg

Trịnh Bá Tư (trái) anh trai và mẹ của họ, bà Cấn Thị Thêu - bà Thêu bị bắt giữ vì đấu tranh liên quan các vụ khiếu kiện tranh chấp đất giữa chính quyền và dân

 

Được biết, trước chuyến thăm Việt Nam dự kiến vào thứ Ba tuần tới, ngày 24/8, của bà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam, đã có ý kiến trong giới dân biểu Mỹ cả ở cấp thượng nghị sỹ, lẫn hạ nghị sỹ, kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden hối thúc Việt Nam thực sự cải thiện nhân quyền.

 

Bình luận về điều này, bà Tường An từ Paris nói:

 

"Những người đấu tranh cho lý tưởng tự do, cho một xã hội Dân chủ, Nhân quyền theo tôi không bao giờ được trở thành món hàng trao đổi của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian dài vừa qua, chúng ta thấy Việt Nam và các đối tác quốc tế đã ở trong tình trạng này trên thực tế, dĩ nhiên, cả hai phía sẽ không lên tiếng chính thức để công nhận, nhưng điều này không khó để nhận ra.

 

"Để đổi lấy một thoả thuận nào đó giữa Việt Nam và một quốc gia là đối tác thì một Tù Nhân Lương Tâm được thả, với điều kiện phải ra khỏi Việt Nam, và nếu không chấp nhận bị trục xuất ra khỏi Việt Nam thì sẽ không được "đặc xá" như trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức.

 

"Việc dùng những tù nhân lương tâm để trao đổi giữa Việt Nam và các nước không giải quyết được vấn đề. Nó chỉ có lợi cho nhà nước Việt Nam và các quốc gia đối tác, và đó là điều họ mong muốn, nhưng nó không giải quyết được vấn đề của chúng ta: những người mong muốn có một nền dân chủ thực sự cho Việt Nam.

 

"Việc quốc tế kêu gọi Việt Nam cải thiện Nhân quyền là điều mà chúng ta hoàn toàn tán thành và mong muốn. Thế nhưng đừng quên rằng, quyền lợi của các quốc gia đối tác bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Quốc tế sẽ không thể và cũng không muốn làm gì mạnh hơn ngoài những ngôn ngữ ngoại giao nếu chính người dân trong nước không can đảm đứng lên cho thế giới biết mình muốn gì. Ông bà ta vẫn nói "không ai thương mình bằng chính mình"

 

"Cho nên khi nào chính những người Việt trong nước không đứng lên đòi hỏi quyền và lợi ích cho chính mình thì khó mà trông đợi người khác giúp mình."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/549/cpsprodpb/788B/production/_120095803_660534ad-e866-48fd-af2d-73f3bfc66ca0.jpg

Trần Huỳnh Duy Thức

 

Ông Nguyễn Văn Đài nói:

 

"Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng việc chính quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ các tù nhân lương tâm để biến họ thành món hàng trao đổi với các nước phương Tây. Bởi bản chất của chế độ Cộng sản Việt Nam là vậy, để đạt được một lợi ích nào đó, thì chính quyền cộng sản Việt Nam luôn luôn mang một cái gì đó để trao đổi.

 

"Trước đây, tù nhân lương tâm là món hàng có giá. Nhưng giờ đây, do vị trí chiến lược của Việt Nam rất quan trọng, nên tù nhân lương tâm không còn là món hàng quan trọng nữa. Chính quyền CSVN đánh đổi bằng cái khác.

 

Để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đi vào thực chất và thực sự đem lại lợi ích lâu dài cho người dân Việt Nam. Các nước như Mỹ, EU và các nước thành viên cần phải có chính sách chung và thống nhất về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Có các biện pháp thưởng, phạt rõ ràng và phải gắn liền với các quan hệ về chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư. Cuối cùng phải có đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam."

 

 

Từ Sài Gòn, ông Nguyễn Tiến Trung nói:

 

"Tôi rất đồng tình với ý kiến các tù nhân lương tâm đã bị biến thành món hàng trao đổi với quốc tế. Tôi mong muốn cộng đồng quốc tế cần tiếp tục thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng Hiến pháp do chính đảng cộng sản Việt Nam ban hành về đảm bảo quyền làm chủ, quyền con người của người dân, tôn trọng các công ước Quốc tế về quyền con người, quyền dân sự - chính trị mà chính nhà nước Việt Nam đã kí kết."

 

"Tôi cũng mong Liên minh châu Âu có biện pháp giám sát và chế tài cụ thể về việc chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập nói riêng, quyền tự do lập hội nói chung, đã được minh định trong Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

 

"Về lâu dài, quốc tế phải có những chương trình, dự án tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển, trong khi để có một chế độ chính trị tôn trọng nhân quyền, đảm bảo tự do cho người dân, tôi luôn cho rằng chính người dân Việt Nam cần phải đứng lên để xây dựng một chế độ như vậy chứ không thể trông chờ vào bên ngoài."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/114CB/production/_120095807_79af9d90-b42c-45c6-8ad4-8ec3a8cc23ee.jpg

Cô Phạm Đoan Trang

 

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng bình luận:

 

"Tôi nghĩ rằng việc giải thoát cho các tù nhân lương tâm là một việc làm nhân đạo, nhưng thực sự việc đó sẽ không tác động nhiều đến tiến trình nhân quyền ở Việt Nam, bởi vì những người lên tiếng trong xã hội, hết người này bị bắt, sẽ có người khác lên tiếng và tiến trình đó chắc chắn sẽ vẫn còn liên tục, dù Hoa Kỳ hay phương Tây có cứu được bao nhiêu người ở trong tù tại Việt Nam ra ngoài đi nữa.

 

"Song nhìn rộng hơn, tôi cho rằng thực chất của xã hội Việt Nam có thay đổi được hay không là do truyền thông, do mạng xã hội và rất nhiều tác động của các tổ chức ở khắp nơi trên thế giới, cộng với các tình huống về chính trị cũng như những thảm họa về kinh tế, xã hội hay như gần đây nhất là dịch Covid-19, nó sẽ tác động mạnh mẽ đến việc thay đổi quan điểm chính trị của Việt Nam, cũng như thay đổi nhận thức của ngư dân, trong đó tôi đặc biệt nhấn mạnh là sự thay đổi nhận thức của người dân.

 

"Dù người ta tức thời chưa dám lên tiếng, chưa dám mạnh mẽ làm chuyện gì đó, nhưng người ta đã hiểu được bản chất những khó khăn, những vấn đề của đất nước cũng như những thứ người ta phải đối diện hàng ngày xuất phát từ đâu, do đó những thay đổi ở bên trong của đất nước, nhất là tư duy, tầm nhìn, mới là điều quyết định sự thay đổi của đất nước này, và tôi nghĩ các bạn bè Hoa Kỳ hay quốc tế, khu vực nên chia sẻ tầm nhìn đó để giúp đỡ, hợp tác với Việt Nam được hiệu quả, thực chất hơn nữa."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/A149/production/_120098214_35ba488b-2507-434f-b69d-cdee6d9c0739.jpg

Hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, các con của ông Lê Đình Kình, bị Tòa phúc thẩm tại Hà Nội tuyên y án bản án tử hình trong vụ án Đồng Tâm, xuất phát từ một vụ tranh chấp đất đai kéo dài trong nhiều năm

 

Truyền thông nhà nước Việt Nam mới đây cho hay một quyết định về đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã được ban hành.

 

Quyết định đặc xá số 1161/2021/QĐ-CTN năm 2021 được Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 30/6/2021 là lần đầu tiên kể từ khi Luật Đặc xá được sửa đổi vào năm 2018 tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9/2021.

 

Chủ tịch nước, theo báo chí nha nước Việt Nam cho biết, quyết định đặc xá nhằm thực hiện 'chính sách khoan hồng, nhân đạo' của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.

 

Theo Quyết định công bố, Chủ tịch nước Việt Nam sẽ thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/2021). Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31/8/2021.

 

Đối tượng đặc xá bao gồm: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, vẫn theo các báo chính thống của Việt Nam.

 

                                                             ***

TIN LIÊN QUAN

.

Quan hệ Mỹ - Việt: Tính thực tế của những 'áp lực' ngoại giao thế nào?

10 tháng 8 năm 2021

.

Việt Nam : Afghanistan có ảnh hưởng chuyến thăm của PTT Mỹ Kamala Harris?

19 tháng 8 năm 2021

.

Mỹ - Việt thời Joe Biden: Cần thời gian để gần nhau hơn nữa

4 tháng 8 năm 2021

.

Đồng Tâm: Chủ tịch nước có ân giảm cho ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức?

12 tháng 3 năm 2021

.

EU nói VN còn có 'vi phạm nhân quyền' và tự do báo chí 175/180 thế giới

25 tháng 6 năm 2021

..

VN: Hơn 1000 người đã ký lời phản đối ngược đãi tù nhân chính trị

8 tháng 7 năm 2019







No comments: