Monday, August 23, 2021

UKRAINA : HỘI NGHỊ QUỐC TẾ BÀN CÁCH THU HỒI BÁN ĐẢO CRIMEA BỊ NGA SÁP NHẬP (Trọng Nghĩa – RFI)

 


Ukraina: Hội nghị quốc tế bàn cách thu hồi bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập

Trọng NGhĩa  -  RFI

Đăng ngày: 23/08/2021 - 12:53

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210823-hoi-nghi-quoc-te-tim-cach-thu-hoi-ban-dao-crimee-cho-ukraina

 

Các cuộc họp ngoại giao nối tiếp nhau tại Ukraina. Sau cuộc gặp thượng đỉnh Đức-Ukraina ngày hôm qua giữa thủ tướng Đức Angela Merkel với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hôm nay, 23/08/2021, thủ đô Kiev lại đón tiếp đại diện hơn 40 quốc gia trong khuôn khổ cơ chế mang tên “Cương Lĩnh Crimée”. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/6d3523a2-03fb-11ec-aaa6-005056bf30b7/w:900/p:16x9/000_17Y0T3.webp

Hải quân Nga diễn tập gần cảng Sevastopol, bán đảo Crimée. Ảnh chụp ngày 26/07/2021. AFP - STR

 

Mục tiêu của hội nghị quốc tế này là tìm cách thu hồi vùng bán đảo Crimée của Ukraina, bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Matxcơva đã gây áp lực để nhiều nước không tham gia hội nghị này.

 

Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan giải thích về tầm quan trọng của cuộc họp:

 

“Cương Lĩnh Crimée là một hội nghị thượng đỉnh quốc tế quy tụ đại diện của khoảng 45 quốc gia. Đối với bộ Ngoại Giao Ukraina, mục tiêu của hội nghị là tạo ra một cơ quan tham vấn giữa tất cả các quốc gia lên án việc Nga sáp nhập Crimée, với một tuyên bố chung có thể tạo thành cơ sở pháp lý trong tương lai cho sự trở lại của Crimée dưới chủ quyền Ukraina, phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

Theo các nhà tổ chức, đây là sáng kiến quốc tế đầu tiên kể từ sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai nhằm chống lại một vụ thôn tính lãnh thổ.

 

Ngoài vấn đề chủ quyền vùng Crimée, các cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung vào vấn đề đàn áp cộng đồng thiểu số người Tatar ở Crimée, cũng như việc phong tỏa Biển Azov, và thậm chí cả Biển Đen mà Liên Bang Nga tiến hành trên thực tế. 

 

Điện Kremlin hết sức bất bình trước sáng kiến này, đến mức đã gây áp lực lên nhiều quốc gia để họ không tham gia nhóm Cương Lĩnh Crimée. Một ví dụ là Azerbaijan, dù nói chung có quan hệ tốt với Ukraina, đã phải lánh mặt vào giờ chót”.

 

 

Nord Stream 2: Kiev quan ngại, Berlin trấn an

Cũng liên quan đến Nga, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tin chắc rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối liền Nga và Đức sắp hoàn thành là "vũ khí địa chính trị nguy hiểm của Điện Kremlin". 

 

Tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel tại Kiev vào hôm qua, ông Zelensky nhấn mạnh: “Không ai có thể phủ nhận rằng khi Nord Stream 2 hoàn thành, những rủi ro chính sẽ đè nặng lên Ukraina”.

 

Thủ tướng Đức một lần nữa đã cố trấn an Kiev, lưu ý rằng bà đã đạt được một thỏa hiệp với Hoa Kỳ để dự án - mà Mỹ phản đối - vẫn được tiến hành, với điều kiện là Matxcơva không sử dụng nó nhằm làm suy yếu Ukraina, và hợp đồng vận chuyển khí đốt qua ngõ Ukraina sẽ được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào năm 2024.

 

                                                  ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Nord Stream 2 : Đức "dọa" dừng vận chuyển khí đốt nếu Nga vẫn gây áp lực với Ukraina

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel công du Ukraina

 

Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị triển hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng

 

 

 


No comments: