Trong
hoảng loạn, tôn giáo đang giúp trấn an – việc mà nhà nước không làm được
Nếu không bị trói
buộc, bàn tay tôn giáo có thể chìa ra giúp nhiều người hơn nữa.
Trong những ngày này, bạn có thể đang trải qua
khoảng thời gian khó khăn chưa từng gặp. Cuộc sống của mỗi người gần như không
còn nằm trong sự kiểm soát của bản thân nữa. Nơi an toàn nhất, ngôi nhà của bạn,
cũng là nơi khó khăn nhất vì cảm giác như bị mắc kẹt, không thể tiến lên phía
trước. Tất cả hoạt động đều bị đình trệ vô thời hạn: công việc, học hành, giải
trí. Kể cả lương thực, thực phẩm cũng không dễ dàng mua được như ý muốn.
Bạn biết lo lắng cũng không giúp ích được gì
trong tình trạng hiện nay, nhưng bạn không ngừng được tâm trạng đó. Bạn thức dậy
trong lo lắng, và mang theo tâm trạng đó vào cả trong giấc ngủ. Trước kia, khi
buồn phiền, bạn có thể gặp mặt bạn bè, đi đâu đó hay mua một món quà để khuây
khỏa nhưng bây giờ thì điều đó gần như là không thể.
Nếu bạn tìm kiếm một tuyên bố nào đó mang tính
khẳng định của nhà nước về tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi không chắc bạn có
thể tìm thấy. Và dù có thể tìm thấy thì bạn biết rằng sự hứa hẹn đó cũng chỉ có
tính chất tương đối. Trong tình trạng bất an như vậy, người ta phải tìm kiếm sự
trấn an từ nơi nào?
Lời trấn an giữa
cuộc khủng hoảng
Đương nhiên, lời trấn an của các tôn giáo thường
mang màu sắc tâm linh. Nếu bạn là một tín đồ tôn giáo, sự giải nghĩa đó chắc hẳn
giúp bạn bình tĩnh hơn trước khó khăn.
Trong bài
giảng trực tuyến của Tổng Giám mục tổng giáo phận Sài Gòn Giuse Nguyễn Năng
vào ngày 8/8/2021, ông nói với các tín đồ: “Chúa đã chỉ ra cho chúng ta cái
cách giải quyết cái đói khát thân xác của chúng ta rồi. Đó là chúng ta chia sẻ
cho nhau, chúng ta tập làm tính chia, chúng ta chia cho nhau, lương thực trên
thế giới này không thiếu chỉ cần chúng ta tổ chức lại vấn đề quản lý, chúng ta
có thể giúp nhau được…”. [1]
Một tuần sau bài giảng trên, ông nói với các
tín đồ về cái chết: “Trong những ngày này, anh chị em đang chứng kiến nhiều
cái chết, có những cái chết người thân không được gặp, có những người đi cách
ly rồi bị bệnh rồi chết, rồi được đi hỏa táng, người ở nhà nhận lại một hũ
tro... Xin Đức Mẹ ôm lấy các bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân COVID đang trải qua
những giờ phút khó khăn, hoặc là đang hấp hối, xin Đức Mẹ ôm lấy và đưa về đời
sau”. [2]
Vào ngày 20/7/2020, Trưởng lão Hòa thượng
Thích Trí Quảng đã trấn an các Phật tử và kêu gọi ai có khả năng hãy giúp đỡ
những người đang gặp khó khăn: [3]
“Nếu chúng ta sanh ra trong cái thời kỳ ở
trong một cái vùng mà có dịch bệnh xảy ra hay là có nạn trời… Cái thực tế nhất
mà Đức Phật khuyên chúng ta chỗ này [trong hoàn cảnh này] là bởi vì chúng sanh
có khổ thì Bồ Tát mới có bi… Ngày nay, chúng ta sống trong một thành phố, một đất
nước mà dịch bệnh đang lan rộng đây, chúng ta phải khởi lên đại bi tâm với tất
cả khả năng chúng ta có thể đóng góp được, giúp đỡ được cho mọi người… Chúng ta
sẵn lòng làm việc này tức là chúng ta làm cái hạnh của Bồ Tát, và chúng ta tu
theo tinh thần Kinh Pháp Hoa nhất thừa của Đức Phật dạy chúng ta”. [4]
Ni cô Thích Nữ Nhuận
Bình chăm sóc một bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 12, TP. Hồ Chí
Minh. Ảnh: Nguyễn Á/ Tuổi Trẻ.
Quyền tự do tôn
giáo và phúc lợi của người dân
Có thể bạn nghĩ rằng những lời trấn an như vậy
chỉ có hiệu quả với tín đồ của tôn giáo đó. Bạn có thể đúng. Tuy nhiên, những
tín đồ tôn giáo khi được trấn an sẽ có thể giúp đỡ những người đang cầu cứu. Với
sự an lòng đó, họ có thể là tình nguyện viên y tế, có thể là những người đi
phân phát thực phẩm, thuốc men, v.v.
Hơn một tháng qua, hàng nghìn tình nguyện viên
là các tu sĩ, tăng ni, tín đồ của Công giáo, Phật giáo, Tin Lành đã tham gia chăm sóc bệnh
nhân COVID-19. [5] Người nhà của các bệnh nhân cũng có thể yên tâm phần nào khi
biết có những tình nguyện viên như vậy đang chăm sóc người thân của mình.
Cung cấp dịch vụ xã hội, hoạt động nhân đạo vốn
là tôn chỉ hàng đầu của các tôn giáo. Tại các quốc gia dân chủ, nhà nước luôn tạo
điều kiện để các tổ chức tôn giáo thực hiện sứ mệnh này.
Tuy nhiên, khả năng giúp sức của tôn giáo
trong khủng hoảng như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các tổ
chức này. Các chính sách tôn giáo của nhà nước đang chú trọng việc kiểm soát
hơn là để các tôn giáo tự do phát triển.
Nhà nước nên xét lại
việc kiểm soát khắc nghiệt các tổ chức tôn giáo
Gần đây, khi tình hình dịch bệnh trở nên căng
thẳng, nhà nước đã chính thức kêu gọi các tổ chức tôn giáo giúp đỡ. Đây là một
lời mời hợp tác hiếm hoi. Chính sách tôn giáo bao năm qua của nhà nước đã luôn
có sự dè chừng và nhằm mục tiêu siết chặt sự phát triển của các tôn giáo. Ở nhiều
nơi, quyền tự do tôn giáo hoàn toàn bị đè bẹp.
Năm 2011, một báo cáo của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) về dịch
vụ xã hội cho biết do nhà nước nghi ngờ về động cơ và xu hướng chính trị của
các tổ chức tôn giáo nên đã hạn chế họ tham gia cung cấp các dịch vụ xã hội đến
người dân. [6]
Tháng 8/2020, sau 13 năm xin phép chính quyền,
giáo xứ Lai Châu thuộc giáo phận Hưng Hóa (khu vực gồm 8 tỉnh Tây Bắc và một phần
Hà Nội) mới được cấp tư cách pháp nhân.
Theo Tổng Giám mục trưởng giáo tỉnh Hà Nội
Giuse Vũ Văn Thiên, giáo phận Hưng Hóa đã gặp rất nhiều khó khăn do các chính sách tôn giáo không
nhất quán giữa các tỉnh. [7]
“Nơi thì dễ dàng, nơi thì khó khăn, nơi thì hạn
chế, nơi thì kìm kẹp, nơi thì cán bộ tuyên bố vùng của chúng tôi là vùng trắng,
tức là không có một tôn giáo nào”, Giám mục Vũ Văn Thiên cho biết.
Việc cấm hoạt động, không công nhận một số các
tôn giáo từ sau năm 1975 như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo (đến cuối những năm
1990), Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư, Baha'i (đến những năm 2000)
đã khiến số tín đồ sụt giảm nghiêm trọng. Các số liệu của nhà nước cho thấy số
tín đồ của 11 tôn giáo đã sụt giảm từ 50% đến 90% từ sau năm 1975. [8]
Các tổ chức tôn giáo hiện nay phải chịu sự kiểm
soát khắc nghiệt từ nhà nước. Bạn có thể thấy điều này qua 3 vấn đề sau.
Thứ nhất, tổ chức tôn giáo muốn mở
rộng, xây mới cơ sở tôn giáo phải được nhà nước cấp đất. Muốn có nhiều tu sĩ,
tăng ni, tín đồ thì phải có đất đai để xây dựng cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, các
tổ chức tôn giáo không được phép tự mua đất và xây dựng cơ sở tôn giáo của
mình trên mảnh đất đó. [9] Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, từ năm 2008 đến tháng 11/2020, số
cơ sở tôn giáo đã tăng thêm 5.801 cơ sở nhưng quỹ đất dành cho tôn giáo không
tăng. [10]
Thứ nhì, nhà nước can thiệp vào
công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 và nghị định thi hành luật này buộc các tổ chức tôn giáo khi bổ
nhiệm nhân sự, sửa đổi hiến chương, thay đổi địa điểm hoạt động, tổ chức đại hội,
đào tạo chức sắc đều phải xin chính quyền cấp phép. [11] [12]
Thứ ba, các tổ chức tôn giáo
khi tổ chức quyên góp phải báo cáo cho chính quyền chi tiết về cách thức, mục
đích sử dụng, thời gian quyên góp. Các tổ chức tôn giáo vẫn chưa được phép thành lập tổ chức riêng để hoạt động bác
ái, cung cấp dịch vụ xã hội. [13]
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giới hạn sự đa dạng
tôn giáo. Việt Nam là một trong các quốc gia hiếm hoi đặt ra định nghĩa hạn hẹp
về tôn giáo, tín ngưỡng để ngăn chặn sự phát triển của các tôn giáo mới.
Trong đại dịch lần này hay các đợt khủng hoảng
không thể biết trước trong tương lai, tôn giáo có thể trở thành một bàn tay vững
chắc để trợ giúp, nâng đỡ tinh thần của người dân. Và điều đó chỉ thành hiện thực
khi nhà nước tháo bỏ các chính sách kiểm soát khắc nghiệt dành cho các tổ chức
tôn giáo.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích
1. Tổng giáo phận Sài Gòn. (2021, August
8). Lòng khao khát Chúa - ĐTGM Giuse Nguyễn Năng. Youtube.
https://www.youtube.com/watch?v=_lspxKIbAsE&t=161s
2. Tổng giáo phận Sài Gòn. (2021b,
August 15). Xin Đức Mẹ ôm lấy tất cả nhân loại - ĐTGM Giuse Nguyễn Năng.
Youtube.
https://www.youtube.com/watch?v=0PML2r13FVE
3. “Không dao động và sợ hãi” - Thông
điệp của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng trong đợt dịch Covid-19. (2021, July
20). YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=zIoiUK14Lqs
4. Giác Ngộ TV. (2021, July 20). “Không
dao động và sợ hãi” - Thông điệp của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng trong đợt dịch
Covid-19. Youtube. https://www.youtube.com/watch?v=zIoiUK14Lqs
5. Báo Tuổi Trẻ. (2021, July 21). Hơn
1.000 tu sĩ, tăng ni, phật tử tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện dã chiến.
6. Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc tại
Việt Nam. (2011, November). Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người, Báo
cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011, trang 120. https://drive.google.com/file/d/1vcftTkuq3DL23B4sJC0R2oAgpSUxxJML/
7. Luật Khoa. (2020b, September 19). Tôn
giáo tháng Tám: Bốn cách thức trấn áp các tổ chức tôn giáo hay gặp nhất.
8. Luật Khoa. (2020c, November 23). Số
tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam sụt giảm trầm trọng sau năm 1975.
https://www.luatkhoa.org/2020/11/so-tin-do-cac-ton-giao-o-viet-nam-sut-giam-tram-trong-sau-nam-1975/
9. Luật Khoa. (2021c, June 7). 4 vấn
đề đất đai gây bất công cho các tổ chức tôn giáo. https://www.luatkhoa.org/2021/06/4-van-de-dat-dai-gay-bat-cong-cho-cac-to-chuc-ton-giao/
10. B. (2021, June 3). Hội nghị trực
tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng - Tin hoạt động của
Ban Tôn giáo Chính phủ | Ban Tôn giáo Chính Phủ. BTGCP. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-co-che-quan-ly-su-dung-dat-ton-giao-tin-nguong-postjpR9lP4l.html
11. Quốc hội. (2016, November 18). Luật
Tín ngưỡng, Tôn giáo. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx
12. Chính phủ. (2017, December 30). Nghị
định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn
giáo.
13. Luật Khoa. (2021d, August 3). Sau
5 thập niên cấm cản, cánh cửa để tôn giáo làm từ thiện chuyên nghiệp có thể được
mở ra?
No comments:
Post a Comment