Monday, August 16, 2021

SỰ KHỐN KHỔ MANG TÊN “KHAI BÁO Y TẾ” (Ngô Anh Tuấn)

 


SỰ KHỐN KHỔ MANG TÊN “KHAI BÁO Y TẾ”  

Ngô Anh Tuấn

16/08/2021  09:35   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10219318143975577&id=1569759542

 

Ngày 15/8/2021, tôi có việc phải đi lên Điện Biên nên trước đó, chiều ngày 14/8/2021, tôi phải đi test nhanh Covid dù đã được tiêm vắc xin. Để được test, tất nhiên phải qua vòng khai báo y tế. Tôi được phát giấy cho ngồi ghi vì họ không chấp nhận mã QR.

 

Tôi tự lái xe từ Hà Nội lúc khoảng 13h25 ngày 15/8/2021 nhưng tới 24h cùng ngày mới tới được đến chân đèo Pha Đin, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 80km. Với khoảng cách 350km, tôi phải di chuyển tới khoảng 10h đồng hồ, phần vì đèo dốc nhưng một phần là phải tốn rất nhiều thời gian để khai báo để mà qua 3 trạm kiểm tra y tế. Cụ thể:

 

Khi chuẩn bị qua điểm ra khỏi Hà Nội, tôi phải xuất trình giấy tờ và khi được chấp thuận thủ tục được đi ra khỏi Hà Nội, tôi phải chạy qua bên kia cho người ta kiểm tra lại hồ sơ và phát cho tờ khai y tế để điền vào. Sau khi mọi thứ xong xuôi, tôi quay lại xe để đi thì anh CSGT gợi ý bảo tôi rằng anh anh nên khai online để đi lại dễ dàng hơn. Tôi vui vẻ đồng ý và mở mạng ra khai nhưng khi anh ấy check mã QR thì lại không ổn. Anh ấy bảo tôi khai lại theo mẫu do Bộ Công an vừa mới ban hành hôm qua. Tôi cũng thoải mái khai lại và sau khi khai thì anh ấy quét mã ok thật. Trước khi chào nhau, anh ấy còn dặn tôi giữ mã, cứ gặp chỗ nào quét phát là ok mà đi thôi. Tôi cảm ơn và đi.

 

Đi được khoảng 5 km, tôi lại bị dừng xe lại đề nghị khai báo y tế tiếp vì đây là địa phận của tỉnh Hoà Bình, không phải Hà Nội nữa. Nghe lời anh CSGT lúc nảy, tôi đưa mã QR ra quét nhưng những người làm việc ở đây không chấp nhận vì họ nói họ không có công nghệ đó. Tôi không nghe vì cái này có gì mà công nghệ cao siêu chứ, chỉ cần cái smart phone là làm được tất. Anh bạn đứng bên cạnh tôi cũng là người nhìn thấy tôi lọ mọ khai ở “đầu cầu Hà Nội” nên cũng góp ý là không nên bắt anh ấy ngồi ghi nữa, quét được thì quét đi cho người ta. Tuy vậy, bạn gái ngồi đó nhất quyết yêu cầu phải ghi và để thể hiện thiện chí, bạn ấy kêu tôi đọc cho bạn ấy ghi cho nhanh. Tôi đành đứng đọc cho bạn ấy ghi dù trong lòng không vui. Trước khi đi, tôi dặn bạn ấy là nên đeo bao tay vào chứ cầm giấy của người ta liên tục là có nguy cơ cao đấy. Bạn ấy cười…

 

Đi hết địa phận Hoà Bình, qua Sơn La, tôi gặp trạm khai báo y tế. Trạm này bố trí khá khoa học, gồm bàn khai báo cho người đi xe máy, bàn cho người đi xe tải và bàn cho người đi xe con. Thấy mọi người hì hục ghi giấy, tôi cũng không mang mã QR ra đòi quét nữa vì sợ họ tự ái lại chửi cho sml nữa thì mệt. Khai xong, tưởng mọi việc thế là ổn, định quay ra xe thì bạn vừa nhận thủ tục của mình kêu mình lại bảo mình ghi thêm cái bản cam kết là không dừng đỗ lại Sơn La vì cái “tội” anh tới từ Hà Nội. Vì hôm nay lái xe đường dài, sáng ăn chay, không ăn thịt nên tính tình hiền lành hơn mọi khi, tôi lại hý hoáy ngồi ghi ghi, chép chép cho hoàn tất nghĩa vụ mà tiếp tục hành trình.

 

Tổng thời lượng khai báo và chờ đợi đến lượt mình để nộp, hoàn thiện thủ tục qua 3 trạm khai báo y tế nêu trên khoảng hết 75-80 phút, chiếm khoảng trên dưới 1/7 tổng thời lượng di chuyển của tôi. Điều này không chỉ gây tốn kém thời gian, phiền hà cho tôi mà còn tăng khả năng lây nhiễm chéo từ người khác cho tôi hoặc cho chính những cán bộ phụ trách việc khai báo này. Trên suốt tuyến đường Hà Nội - Điện Biên, tất cả hàng quán đều đóng, khi ngồi viết stt nay lúc 01h05 sáng, cũng là lúc bụng tôi đói cồn cào vì suốt buổi chiều không có hạt cơm nào vào bụng (dự liệu tình hình rồi nên nấu cơm và vắt thành nắm tròn rồi nhưng khi đi ra khỏi nhà thế nào lại quên mất không mang theo); mà việc đóng hàng quán này, hơn ai hết, những người dân và cán bộ ở đây đều biết. Vậy thì, nếu ở đâu muốn kiểm tra thì chốt những lối chính vào mỗi khu dân cư khi có ai vào thì kiểm tra chứ sao lại cứ kéo khách vãng lai xuống để kiểm tra là sao? Điều này là hết sức vô lý, phản khoa học; ai cũng thấy sai mà sao mãi không chịu sửa đổi, cứ duy trì mãi thế sao?

 

Không biết các bạn có ai có cùng nổi khổ này?

 

24 BÌNH LUẬN  

 

 


No comments: