VI YÊN - LUẬT KHOA
21/08/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/08/my-co-that-bai-o-afghanistan/
Câu trả lời nằm ở
ưu tiên của người Mỹ.
Trực thăng của quân
đội Mỹ xuất hiện trên nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Kabul, Afghanistan hôm 15/8.
Ảnh: Rahmat Gul/ AP Photo
Khi liên tưởng Afghanistan 2021 với Việt Nam
1975, nhiều người không khỏi tỏ ra thất vọng rằng nước Mỹ vẫn như thế, với chiến
lược can thiệp hời hợt, chất lượng quân sự non kém, để rồi lại một lần nữa thất
bại một cách nhục nhã và nặng nề.
Quả thực, những gì diễn ra ở Kabul lúc này
không thể không gợi nhớ đến Sài Gòn năm xưa. Và đúng là nước Mỹ vẫn như thế.
Nhưng không phải hời hợt, không phải non kém, mà là, qua hàng chục năm, Mỹ vẫn
vậy: rất thực tế và thực dụng.
Từ Việt Nam…
Trước tiên, cần phải điểm lại những vấn đề địa
chính trị cốt lõi xoay quanh cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975.
Lúc còn là thượng nghị sỹ, John F. Kennedy
đã tin tưởng rằng Mỹ cần phải can dự sâu hơn vào
tình hình Việt Nam, qua tuyên bố “Việt Nam đại diện cho nền tảng của Thế giới Tự
do ở Đông Nam Á, là tảng đá nêm mái vòm, là ngón tay ngăn đê vỡ.” [1]
Và, khi Kennedy trở thành tổng thống Mỹ, đứng
trước những chỉ trích của Quốc hội về việc chi viện trợ nước ngoài quá nhiều,
ông tiếp tục khẳng định “nếu chúng ta ngừng giúp đỡ họ, họ sẽ
thành miếng mồi ngon cho một cuộc lật đổ nội bộ và bị Cộng sản tiếp quản, […] nếu
chúng ta có thể giữ cho các quốc gia này tự do, thì chúng ta có thể duy trì được
nền hòa bình và sự tự do của chính mình. Đó là tất cả những gì nỗ lực viện trợ
này hướng đến, và tôi hy vọng rằng Mỹ và các quốc gia ngày càng thịnh vượng ở
Tây Âu sẽ thực hiện trách nhiệm của họ. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể đánh
bại chủ nghĩa cộng sản.” [2]
Trên phương diện chính sách đối ngoại, các nhà
lãnh đạo Mỹ thời đó, bất kể thuộc đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, đều chia sẻ một
niềm tin rằng nếu Việt Nam rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản – vốn đang ngày càng
lớn mạnh trên toàn cầu do Liên Xô và Trung Quốc dẫn dắt – thì sẽ tạo ra những hậu
quả khủng khiếp đối với thế giới tự do và với riêng nước Mỹ.
Tức là, nếu tảng đá nêm bị vỡ thì mái vòm sẽ sụp,
nếu rút ngón tay ra khỏi lỗ hổng thì con đê sẽ vỡ. Tương tự, Liên Xô và Trung
Quốc đã viện trợ cho miền Bắc Việt Nam chắc chắn không phải vì những lý tưởng đại
đồng cao đẹp, mà chính vì sức ảnh hưởng và sự lớn mạnh của bản thân họ. Nói một
cách đại khái, Việt Nam, vì vị trí địa lý của mình, đã bị chọn làm bãi chiến
trường cho các tư tưởng và chủ nghĩa, giữa một bên đại diện cho cộng sản và bên
kia là tự do.
Nhắc lại hoàn cảnh trên để lý giải phần nào
nguyên nhân khiến Mỹ chọn rút khỏi Việt Nam sau đó.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/imrs.jpg
Bức ảnh biểu tượng
về Sài Gòn 1975. Một nhân viên C.I.A giúp người dân leo lên trực thăng để bỏ trốn.
Ảnh: Hubert Van Es/ Bettmann Archive.
Hãy nhìn lại sơ lược bối cảnh quốc tế vào thời
điểm cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Khối quốc tế cộng sản lung lay
khi Liên Xô và Trung Quốc nổ ra xung đột, bắt đầu từ việc quân đội Liên Xô tổ
chức các cuộc tấn công hàng loạt dọc theo biên giới Trung Quốc năm 1968 và hai
bên leo thang đối đầu.
Tiếp sau đó, Henry Kissinger bí mật đến thăm
Trung Quốc năm 1971 để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của Tổng thống Nixon ngay năm
sau. Cái bắt tay giữa Nixon và Chu Ân Lai đã được coi là “làm lay chuyển thế giới”
– mà tờ New York Times bình luận là “tượng trưng cho sự chấm dứt tẩy
chay của Mỹ đối với chính quyền cộng sản của Chu” [3] – mở đường cho Trung Quốc
bước vào thế giới của các siêu cường, hình thành nên quan hệ chính trị tam cực,
làm giảm đáng kể vị thế của Liên Xô, và tất nhiên, làm suy yếu khối cộng sản vốn
từng được coi là thống nhất.
Việt Nam ở đâu trong bối cảnh ấy?
Chắc chắn, trong tình hình chính trị phân cực
như trên, nhu cầu ngăn chặn sự lớn mạnh của cộng sản không còn cấp thiết như những
năm 1950, đồng thời, Việt Nam dần mất đi vai trò “cửa ngõ của chủ nghĩa cộng sản”
như Kennedy từng khẳng định. Mối lợi của việc ở lại miền Nam Việt Nam không còn
cao hơn những thiệt hại mà Mỹ phải chịu, từ những mất mát quân sự cho đến sự bất
tín nhiệm và áp lực đến từ phong trào phản chiến của người dân Mỹ.
Như vậy, Việt Nam dần trở nên không còn đủ
quan trọng trong tính toán lợi hại của Mỹ về địa chính trị nữa. Và Mỹ đã chọn
rút đi, không phải ngay lập tức trong ngày 30/4/1975 như nhiều người lầm tưởng,
mà trên thực tế, họ đã tuyên bố rút dần cả lực lượng quân sự lẫn viện trợ kể từ
năm 1969 – mà Nixon còn gọi quá trình này là “Việt Nam hóa cuộc chiến”
(Vietnamization of the war), tức là, giảm dần yếu tố Mỹ khỏi cuộc chiến tranh.
… đến Afghanistan
Nước Mỹ đã hành xử một cách thực tế và thực dụng
ở chiến trường Việt Nam như thế. Và cách hành xử này, một lần nữa, được thể hiện
qua những gì đã và đang xảy ra ở Afghanistan.
“Tôi không nghĩ đó là một thất bại” – Tổng thống
Joe Biden trả lời khi được George Stephanopoulos từ đài
ABC hỏi rằng tình trạng hiện giờ ở Afghanistan là thất bại của hoạt động tình
báo, lên kế hoạch, thực thi, hay việc phán đoán tình hình. [4]
Thực tế cho thấy, Mỹ hiếm khi thành công trong
việc thiết lập các nền dân chủ với thiết chế quản trị tốt lẫn quân đội mạnh ở
những nơi mà nước này có hành động can thiệp quân sự: từ việc hậu thuẫn cho
chính quyền Cộng hòa Việt Nam, đến dự án tái thiết Iraq, và nay là xây dựng
chính quyền Afghanistan. Đó có thể là những mục tiêu mà Mỹ mong muốn đạt được,
nhưng chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của họ.
Tổng thống Biden thảo
luận về Afghanistan tại Nhà Trắng hôm 16/8. Ảnh: Stefani Reynolds/ The New York
Times.
Ưu tiên của họ, thể hiện qua đại chiến lược (grand strategy) nhất quán từ thế
kỷ này sang thế kỷ khác, là đây: “sử dụng sức mạnh (quân sự) để đảm bảo an toàn
cho nhà nước”. [5] Đó là lý do khiến Mỹ tiến vào Afghanistan: trả đũa cho cuộc
tấn công 11/9, ngăn chặn mối đe dọa đang lên của các lực lượng khủng bố đối với
nước Mỹ, và tất nhiên, tận dụng những lợi ích kinh tế tại quốc gia này. Và đó,
rất có thể, cũng là lý do khiến Biden khẳng định rằng Mỹ không thất bại ở
Afghanistan, bởi vốn dĩ họ không coi việc giành chiến thắng ở chiến trường
Afghanistan là ưu tiên hàng đầu lúc này.
Vậy rốt cuộc, ưu tiên của Mỹ lúc này là gì? Để
trả lời câu hỏi đó, một lần nữa, ta phải nhìn vào mối bận tâm của Mỹ trong bối
cảnh hiện tại.
Sau khi phủ nhận rằng đây là một thất bại, Tổng
thống Biden đã lặp đi lặp lại một ý, rằng “không có thời điểm nào là ổn để rút
đi cả” – “there was no good time to leave”.
Sau hai mươi năm Mỹ hỗ trợ dựng nên chính quyền
Afghanistan, đồng thời đổ ra hơn một ngàn tỷ đô-la, và tham gia vào một cuộc
chiến gây nên cái chết của 2.448 lính Mỹ – con số được ghi nhận tính tới
tháng 4/2021, [6] sự sụp đổ gần như ngay tức khắc của chính quyền Afghanistan
đã chứng tỏ rằng hành động rút quân của Mỹ là tất yếu.
“Như một vấn đề chiến lược, không có thứ gì mà
các đối thủ cạnh tranh chiến lược của chúng tôi muốn chứng kiến hơn là thấy chúng tôi sa lầy và chìm vào vũng bùn ở Afghanistan
trong 5, 10, 20 năm nữa. Đây không còn là lợi ích quốc gia”, Ngoại trưởng
Mỹ Antony Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài ngày. [7][8]
Vậy nguồn lực của Mỹ sẽ được dồn vào đâu, nếu
không phải là Afghanistan?
Trong tuyên bố hồi tháng Tư về việc rút quân
khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden thẳng thắn thừa nhận rằng “thay vì quay lại gây chiến với
Taliban, chúng ta phải tập trung vào những thách thức phía trước. […] Chúng ta
phải tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ để đáp ứng sự cạnh tranh gay gắt mà
chúng ta đang đối mặt từ một Trung Quốc ngày càng cương quyết”. [9]
Đây không chỉ đơn thuần là một lời tuyên bố
suông. Ngay trong tuần trước, trong lúc quân Taliban tiến về Kabul, thì 25.000
lính Mỹ cùng với các lực lượng quân sự Nhật Bản, Anh, và Úc đã tổ chức các cuộc
tập trận mô phỏng việc chiếm đánh và kiểm soát các hòn đảo ở Tây Thái Bình
Dương. Đây được coi là một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ thời Chiến
tranh Lạnh. [10]
Đó chính là biểu hiện của tính thực tế và thực
dụng trong chiến lược đối ngoại của Mỹ.
Tạm kết
Cuộc chiến 1954-1975 kết thúc chưa đầy bốn
năm, Việt Nam lại bị cuốn vào một cuộc chiến khác: chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979. [11] Từ một
quốc gia được coi là “anh em”, Trung Quốc đã quay sang tấn công Việt Nam, với một
trong những mục tiêu chính trị là hòng thể hiện lập trường của mình với nước Mỹ,
ngay sau khi Việt Nam ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô. Một lần
nữa, Việt Nam đã lại bị lôi vào cuộc chơi của các siêu cường.
Giờ đây, trật tự thế giới đang được thiết lập
lại, khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Thay vì vội vã kết
luận rằng quân sự Mỹ non kém dẫn đến thất bại nhục nhã ở Afghanistan để rồi nhường
“miếng mồi ngon” cho Trung Quốc, ta cần phải nhìn nhận kỹ lưỡng những chuyển động
chính trị quốc tế, từ từng bước đi chiến lược của Mỹ cho đến cách mà Trung Quốc
đáp trả, cũng như ứng xử của các quốc gia khác xung quanh vấn đề này.
Để từ đó, trả lời cho hai câu hỏi quan trọng:
thứ nhất, Việt Nam cần làm gì để tránh rơi vào thế bị động trong cuộc cạnh
tranh giữa các siêu cường lần này; và thứ hai, Việt Nam có thể tận dụng những
biến chuyển chính trị toàn cầu như thế nào để chủ động xây dựng vị thế và kiến
thiết quốc gia.
----------------------------------------------
Chú thích
1.- Remarks
of Senator John F. Kennedy at the Conference on Vietnam Luncheon in the Hotel
Willard, Washington, D.C., June 1, 1956 | JFK Library. (1956, June 1). JFK
Library.
2.- Broadcast
Remarks on Trade and Foreign Aid. | The American Presidency Project. (1972,
February 21). Presidency.Ucsb.Edu.
https://www.presidency.ucsb.edu/documents/broadcast-remarks-trade-and-foreign-aid
3.- Frankel,
M. (1972, February 21). HISTORIC HANDSHAKE: President Nixon being welcomed
by Premier Chou En‐lal.
At the left is Mrs. Nixon. The New York Times.
4.- ABC
News. (2021, August 19). Full transcript of ABC News’ George
Stephanopoulos’ interview with President Joe Biden.
5.- R.D.
Hooker (2014) The Grand Strategy of the United State, INSS Strategic
Monograph, NDU Press,
https://ndupress.ndu.edu/Portals/68/Documents/Books/grand-strategy-us.pdf
6.- Costs
of the Afghanistan war, in lives and dollars. (2021, August 17). AP NEWS.
https://apnews.com/article/middle-east-business-afghanistan-43d8f53b35e80ec18c130cd683e1a38f
7.- Secretary
Antony J. Blinken With Chuck Todd of Meet the Press on NBC. (2021, August 15).
United States Department of State.
https://www.state.gov/secretary-antony-j-blinken-with-chuck-todd-of-meet-the-press-on-nbc/
8.- Về điểm
này, xem thêm một phân tích sâu của Haiyun Ma và I-wei Jennifer Chang, “China
Is Worried About a Post-U.S. Afghanistan”, Foreign
Policy, 16/7/2021,
https://foreignpolicy.com/2021/07/16/china-us-afghanistan-withdrawal/
9.- The
White House. (2021, April 14). Remarks by President Biden on the Way
Forward in Afghanistan. The White House.
10.- Gale,
A., Wang, J., & Norman, L. (2021, August 19). U.S. Tightens Focus on
China After Afghanistan Withdrawal. WSJ.
https://www.wsj.com/articles/u-s-tightens-focus-on-china-after-afghanistan-withdrawal-11629378244
11.- Việt
Long (2019, February 13). Chiến tranh Việt-Trung 1979: Nguyên nhân và mục
tiêu. Nghiên Cứu Quốc Tế.
http://nghiencuuquocte.org/2019/02/13/chien-tranh-viet-trung-1979-nguyen-nhan-va-muc-tieu
No comments:
Post a Comment