Thursday, August 26, 2021

"KHÔNG THẮNG KHÔNG VỀ" : BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG COI COVID-19 LÀ KẺ THÙ HỮU HÌNH? (Diễm Thi - RFA)

 


“Không thắng không về”: Bộ trưởng Quốc phòng coi COVID-19 là kẻ thù hữu hình? 

Diễm Thi, RFA
2021-08-25

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-of-national-defense-against-epidemic-with-slogan-dt-08252021122832.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-of-national-defense-against-epidemic-with-slogan-dt-08252021122832.html/@@images/b4b45999-437e-4e48-8242-8a45dd6fb974.jpeg

Bộ đội đứng gác trên một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23 tháng 8 năm 2021.   AFP

 

Trong chuyến thăm và làm việc với Bệnh viện Dã chiến số 5 đặt tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM hôm 23 tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tuyên bố công tác chống dịch là một cuộc chiến, không thắng không về.

 

Sở dĩ Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu như vậy vì từ hôm 23 tháng 8, TP.HCM chính thức bắt đầu bước vào giai đoạn siết chặt hơn các biện pháp chống dịch, hạn chế người dân ra đường. Bộ Quốc phòng đưa hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 và khoảng 35.000 dân quân tự vệ vào TP.HCM tham gia các chốt kiểm soát cùng các lực lượng khác như công an, hải quan, quản lý thị trường, y tế. Các cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ kiểm tra, tuyên truyền, kiểm soát ở các phố phường của thành phố. Ngoài ra, hơn 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế, 30 xe cứu thương của quân đội ở phía Bắc cũng được đưa vào TP.HCM để tham gia xét nghiệm, chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.

 

Với tuyên bố không chiến thắng trong trận chiến chống dịch sẽ không rút quân về, nhiều người cho rằng ông Giang đang ảo tưởng vì kẻ thù của ông lần này không phải là kẻ thù hữu hình.

 

Ông Võ Minh Đức, một cựu quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam bình luận:

 

“Các quan chức Việt Nam xưa nay vẫn hùng hồn tuyên bố như thế. Tôi nói thật, dân bụm miệng không kịp với những phát ngôn của mấy ổng đâu. Ông Giang phát ngôn như thế là thái quá, là ảo tưởng. Ổng nói trên tinh thần, trên tư tưởng thời chiến tranh bằng súng đạn mà kẻ thù, đối phương thấy trước mắt. Dịch bệnh thì nó khác.

Đối với dịch bệnh thì phải những người làm chuyên môn, những người làm khoa học, dịch tễ, những người có kinh nghiệm chống dịch bệnh mới có thể phán đoán được tình hình sẽ diễn biến như thế nào. Chỉ có họ mới biết bằng biện pháp nào mới chặn đứng được, hay nói một cách khác là chiến thắng được nó. Còn với một người cầm quân quân sự, nếu không chiến thắng thì ăn nói sao với dân, ăn nói sao với dư luận quốc tế?”

 

Trong khi đó, Trung tá Bác sĩ Đinh Đức Long lại có cái nhìn khác. Ông tin rằng chuyện chiến thắng là có. Ông giải thích:

 

“Nói theo Bộ Trưởng Quốc phòng thì đấy là cách thể hiện trách nhiệm, quyết tâm của quân đội đối với đất nước, đối với nhân dân. Nó cũng thể hiện ý kiến riêng của ông ấy là lần này quân đội sẽ tham gia và sẽ dập được dịch. Tôi nghĩ xác suất thắng cao vì dịch không thể kéo dài mãi mãi được. Nguyên tắc bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch là gì?

Đầu tiên là ủ bệnh rồi khởi phát bệnh. Sau đó đến toàn phát, đến đỉnh điểm rồi sẽ thoái lui. Tất cả bệnh dịch truyền nhiễm xưa nay đều theo quy luật đấy hết. Bệnh dịch ở Sài Gòn có khả năng lên đỉnh dịch rồi, tỷ lệ chết mấy hôm nay có dấu hiệu giảm rồi. Mà lên đỉnh dịch thì sẽ phải xuống thôi.

Hơn nữa bây giờ đã có vũ khí, tức là vắc xin. Bây giờ vắc-xin về rất nhiều. Như thế chuyện thắng có thể nói là chắc chắn, chỉ có định nghĩa thế nào là thắng. Tỷ lệ chết phải bằng hoặc thấp hơn thế giới thì mới gọi là thắng. Chứ hết dịch mà tỷ lệ chết cao hơn thế giới thì thắng là khó!”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/000_9lj33v.jpg/@@images/c788f28c-9232-490c-941a-52616ff36a8e.jpeg

Một quân nhân Việt Nam kiểm tra giấy tờ đi lại của một người dân tại một trạm kiểm soát ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23 tháng 8 năm 2021. AFP

 

Mới đây, một cuộc họp trực tuyến giữa Tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM Nguyễn Văn Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trong tháng 8 năm 2021 bị đưa lên mạng xã hội tiết lộ các thông tin chấn động về tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM. Theo đó, Bộ Tư Lệnh đã làm việc với thành phố và chuẩn bị 10 ha đào huyệt sẵn; 10 ha với 5.000 huyệt đã chuẩn bị xong5 ha để chôn tập thể nếu quá tải, thiêu không kịp. Bộ Tư Lệnh thành phố đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng hỗ trợ 4.000 túi đựng tử thi hoặc hơn. Bộ Tư lệnh cũng cho biết tỷ lệ tử vong ở bệnh viện dã chiến là 2,56%. Tỷ lệ tử vong ở bệnh viện điều trị, tầng đặc biệt là 94,2%. Điều trị tại nhà thì tỷ̉ lệ tử vong là 3,42%.

 

Bộ Tư Lệnh cũng yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng chi viện cho thành phố xe cứu thương chở tử thi để “bí mật hơn” chứ xe tải thì Bộ Tư lệnh có đủ.

 

Với tình hình thực tế như vậy mà Đại tướng Phan Văn Giang tuyên bố ‘không thắng không về’. Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân của mình rằng:

 

“Với tui, việc quân đội “tham chiến” vào hoạt động của một thành phố dân sự là sự bất thường và mang tính cách lâm thời. Khi nào sự bất thường này chấm dứt, khi đó là chiến thắng. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ cá nhân đầy chủ quan. Nhưng nếu vẫn giữ cách nói ẩn dụ thời chiến cho công cuộc phòng chống virus Corona, rằng phải quét sạch chúng ra khỏi cộng đồng ! Thì e rằng chúng ta đang lấy đá ghè chân mình khi đặt ra một mục tiêu bất khả thi.”

 

Tôi nghĩ xác suất thắng cao vì dịch không thể kéo dài mãi mãi được...Như thế chuyện thắng có thể nói là chắc chắn, chỉ có định nghĩa thế nào là thắng. Tỷ lệ chết phải bằng hoặc thấp hơn thế giới thì mới gọi là thắng. Chứ hết dịch mà tỷ lệ chết cao hơn thế giới thì thắng là khó!- Trung tá Bác sĩ Đinh Đức Long

 

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định thăng quân hàm từ thượng tướng lên đại tướng hôm 12 tháng 7. Tại buổi lễ trao quyết định, Chủ tịch nước phát biểu, Đại tướng Phan Văn Giang là cán bộ quân đội có lập trường quan điểm, tư tưởng kiên định, vững vàng, đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chính quy, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành từ cơ sở, trải qua chiến đấu trực tiếp có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, tác phong sâu sát, quyết đoán và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trên tất cả các cương vị công tác. 

 

Trong năm qua, không ít lần các quan chức Việt Nam phát ngôn mạnh mẽ, tự tin trong việc phòng chống dịch COVID-19, nhưng lại bị dư luận cho rằng lố bịch, ảo tưởng.

 

Hồi tháng 6 năm 2020, khi nước Mỹ chìm trong đại dịch COVID-19, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu tại Quốc hội Việt Nam đã dùng câu nói của người dân Việt về nạn bỏ nước ra đi sau 1975 để ví von ngược lại rằng, thực tại nước Mỹ những tháng qua thì “nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam”.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Trưởng Ban Phòng Chống Dịch COVID-19, cũng từng tuyên bố: “Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được".

 

 

VIDEO : Bộ Tư lệnh TPHCM họp với Bộ trưởng Quốcphòng Việt Nam  

              https://www.youtube.com/watch?v=ttLbVJRwv7U

 

 

 

---------------------

Tin, bài liên quan

·         TP.HCM tiêm gần 900.000 liều vắc-xin Sinopharm; Ý viện trợ cho VN hơn 800.000 liều AstraZeneca

·         Việt Nam nhận 300.000 liều vắc-xin từ Romania, hơn hai triệu đô la tài trợ của World Bank

·         Dao hai lưỡi: An ninh hoá việc chống dịch COVID ở Việt Nam

·         Thay chức Chủ tịch TP.HCM khi dịch COVID-19 căng thẳng

·         Ông Chính thay ông Đam làm Trưởng ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19

·         Chung sống với dịch hay chết

·         Bộ Y tế ra công điện không được nhận tiền tiêm vắc-xin COVID-19

·         Thành phố Hồ Chí Minh bầu tân Chủ tịch

·         Giải pháp nào để doanh nghiệp duy trì sản xuất khi dịch COVID-19 lan nhanh?

·         Bệnh nhân còn phải nằm ngoài sân thì bóc tách F0 rồi đưa vào đâu?

 

 

 


No comments: