Hệ
thống “di biến động dân cư” của Bộ Công an hoạt động ra sao?
Luật Khoa &
Bauxite Việt Nam
Thanh Ngọc
Posted on 16/08/2021 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=77091
“DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ”
Một người bạn hỏi tôi về từ ngữ “di biến động
dân cư” đang tràn ngập trên các phương tiện truyền đại chúng mấy hôm nay. Tôi
chưa kịp trả lời thì đọc được bài sau đây của tác giả Thụy Bất Nhi, xin chia sẻ
với các bạn.
Tôi chỉ xin nói thêm: “di biến động dân cư” là
thuật ngữ quen dùng trong nội bộ ngành công an (https://cand.com.vn/…/Qua-n-ly-cu-tru-va-du-lie-u-quo…/).
Chống dịch thì ngôn từ phải trong sáng, dễ hiểu.
“Di biến động dân cư” là cách nói không quen thuộc đối với đa số người dân, đã
thế, cấu trúc của nó không phải dễ hiểu, nên việc đưa thuật ngữ này ra sử dụng
đại trà bị phản ứng và rất không có lợi cho việc chống dịch.
Phòng chống COVID-19 là cuộc chiến tổng lực,
phải huy động sức mạnh của nhiều nguồn, tập hợp trí tuệ của nhiều ngành, kể cả
đóng góp nhỏ nhoi của ngành Ngôn ngữ học.
Hoàng Dũng – PGS ngành Ngôn ngữ học
***
“DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ” – TỐI NGHĨA VÀ PHI NGỮ PHÁP
Trong khi hệ thống của Bộ Công an ghi rõ cụm từ
“Khai báo di chuyển nội địa” thì từ ngày 14.8, một số tờ báo và trang mạng xã hội
đã đăng tải các tin tức ghi nhận ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng khai báo đi lại của
người dân với từ rất lạ là “Di biến động dân cư”. Nhưng có thật đây là từ Hán
Việt chính xác, rõ nghĩa để có thể sử dụng trong thông tin dư luận như vậy?
Không ít nhà nghiên cứu ngôn ngữ, giảng viên bộ
môn Văn, và cả một số nhà báo kỳ cựu đã tỏ ra băn khoăn khi thấy xuất hiện một
cụm từ Hán Việt mới, mà tra cứu tự điển thế nào cũng không nhận dạng được.
Có nhà nghiên cứu đã bày tỏ trên mạng xã hội,
rằng cấu trúc ghép từ Hán Việt “di+biếnđộng+dâncư” không thuộc trường phái quy
tắc nào trong quy ước ngữ pháp tiếng Việt lâu nay. Việc ghép hai từ “di động”
và “biến động” để tạo ra từ mới “di biến động” là phi ngữ pháp.
Với một số người làm công tác biên dịch, phiên
dịch, cụm từ này cũng mới lạ và… không rõ nghĩa. Khi thử tra theo các công cụ
trực tuyến, cụm từ Di biến động dân cư (移變動民居) dùng trong tiếng Trung Quốc hiện đại, sẽ cho
kết quả có phần gượng ép là… tái định cư, tương đương với từ An trí (安置) của Trung văn, có nghĩa
là bố trí (chỗ ở) an toàn.
Mà kể cả có dùng nghĩa này đi, thì với ngữ cảnh
khai báo đi lại của người dân, một cụm từ về “tái định cư” chắc chắn không bao
giờ phù hợp được.
Cho nên, ngay với tiếng Trung Quốc hiện đại,
cũng sẽ không ai dùng cụm từ “Di biến động dân cư” cả.
Trong khi đó, chỉ cần đơn giản đăng nhập vào hệ
thống của Bộ Công an, ai cũng thấy rõ cụm từ “Khai báo di chuyển nội địa”, để chỉ rõ nội hàm vấn
đề cần thực hiện là gì.
Chỉ cần theo nội dung này, báo chí có thể dùng
các cụm từ “khai báo đi lại”, “khai báo di chuyển” là rõ nghĩa rồi. Xem ra,
không có lý do gì để báo chí lại sử dụng một cụm từ hoàn toàn rối nghĩa và tối
nghĩa như vậy.
Không ít người cho rằng, lâu nay việc dùng tiếng
Việt tại nhiều cơ quan, văn bản hành chính khá lỏng lẻo, từ đó đã tạo ra những “từ
mới” không nằm trong dữ liệu ngôn ngữ tiếng Việt truyền thống.
Đơn cử những từ “thanh kiểm tra” ghép lại bởi
hai từ “thanh tra” và “kiểm tra”; hay từ “phối kết hợp” ghép lại bởi “phối hợp”
và “kết hợp”. Đến khi báo chí sử dụng những từ này vào thông tin chính thống, sẽ
dễ tạo ra những ảnh hưởng sai lệch, nhầm lẫn và làm tối nghĩa, rối nghĩa tiếng
Việt trong cộng đồng xã hội.
Rõ ràng với trách nhiệm “làm trong sáng tiếng
Việt”, những kiểu “tạo từ mới” không có căn cứ khoa học, không có logic ngữ
pháp, cần phải được chấn chỉnh và loại trừ.
Mong sao báo chí chính thống đừng lạm dụng khi
dùng những từ ngữ phái sinh này nữa, để không làm rối nghĩa tiếng Việt hơn.
***
DI BIẾN ĐỘNG? KHÔNG DI, KHÔNG BIẾN VÌ KẸT CỨNG
Bảo dân khai báo “Di biến động” bằng điện thoại
thông minh, dùng QR Code ngay giữa đường. Khai báo xong mới được đi. Thế là…
không di mà cũng chẳng biến chi hết, kẹt cứng ở đúng địa điểm phải kẹt: các chốt
kiểm tra. Không biết cách sử dụng QR code, không quen khai báo, điện thoại mờ,
hết pin sau khi “mò” thiệt lâu không được (15 phút?), đứng chờ cán bộ hướng dẫn
(từng người)…
Nhiều sáng kiến… khó đỡ thiệt. Cái nào cũng cần.
Nhưng vì sao KHÔNG THÔNG
BÁO VÀ HƯỚNG DẪN TRƯỚC cho dân biết, dân tìm hiểu, thao tác và làm luôn QR Code
ở nhà, đến chốt chỉ trình thôi?
- Cũng ly kỳ không kém, trưa qua 14/8/2021.
Bình Dương, Dĩ An, ngay quốc lộ 1, bỗng từ trên trời rớt xuống 3 cục bê tông bự,
chặn bít hết cả bề ngang đường. Xe cộ phải đi vòng (toàn xe tải) ùn tắc cả 4 km
ngay cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Ai chơi ngon chiếm hết quốc lộ 1? Thì ra “do buổi
sáng, anh em triển khai chốt kiểm soát không kịp nên lấy bê tông chắn tạm trên
quốc lộ để PHÒNG DỊCH“, ông Lê Thành Tài, chủ tịch ủy ban ND TP Dĩ An giải
thích.
Hồn nhiên và thân
thiện đến thế là cùng, mà là cùng chưa, khi khỏe re coi quốc lộ lớn nhất như
sân nhà mình?
Khổ ghê, mùa này, Cô Vy hành, nhiều chuyện được
làm đều nhằm phòng dịch, chống dịch mà hiệu quả thấy ngay là TẠO TỤ TẬP cứ xảy
ra hoài, không chỉ riêng TP.HCM, mà Hà Nội, Bình Dương và hơn thế nữa. Sao vậy
kìa? Rốt cuộc ai lãnh đủ? Cần coi lại coi người thi hành mấy chuyện này có tính
tới chuyện tôn trọng dân không, có ngại làm phiền dân không?
***
Người dân quét mã
khai báo tại một chốt kiểm soát ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Sáng ngày 15/8/2021, báo chí tường thuật lực
lượng công an ở TP. Hồ Chí Minh buộc người dân khai báo, quét
mã “di biến động dân cư” – ứng dụng mới nhất của Bộ Công an – khi
di chuyển qua các chốt kiểm soát [1].
“Di
biến động dân cư” khiến nhiều người trầy trật khai báo tại các chốt kiểm soát
này là gì và hoạt động ra sao?
Chưa thống nhất
tên gọi?
Bạn không phải là người duy nhất hoang mang
khi nghe các tên gọi khác nhau của ứng dụng này. Chính các cơ quan nhà nước
cũng không biết tên chính xác của ứng dụng là gì, “di biến động dân cư” hay
“khai báo y tế” hay “quản lý dân cư vùng dịch”?
Ngày 6/8/2021, Bộ Công an thông báo ra mắt ứng
dụng này với tên gọi là “ứng
dụng khai báo y tế” [2].
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/Untitled-1.png
Thông báo về việc triển khai ứng dụng mới nhất của Bộ
Công an. Ảnh: Bộ Công an.
Năm ngày sau, ngày 11/8/2021, khi ứng dụng được
thông báo bắt đầu triển khai tại các địa phương, báo Công an Nhân dân gọi nó là
“phần
mềm quản lý công dân vùng dịch“ [3].
Đến ngày 15/8/2021, lãnh đạo Công an quận Tân
Bình, TP. Hồ Chí Minh nói
với báo Thanh Niên: “Đây là tích hợp với dữ liệu quốc gia về dân cư để
quản lý đi lại của người dân chứ không phải khai báo y tế” [4]. Cùng ngày, báo
chí tường thuật người dân sử dụng ứng dụng này là khai báo “di biến động dân
cư” khi di chuyển qua các chốt kiểm soát.
Ứng dụng hoạt động
ra sao?
Theo báo
Công an TP. Hồ Chí Minh, nếu muốn di chuyển qua các chốt kiểm soát, bạn phải
điền thông tin tại trang web suckhoe.dancuquocgia.gov.vn,
tương tự như các ứng dụng khai báo y tế của Bộ Y tế [5].
Trang web này có tên là “Khai báo di chuyển nội địa”.
Bạn phải nhập 13 trường thông tin, trả lời 5 câu hỏi, nhập một dãy ký tự
“Captcha” (nhằm xác thực bạn là người thực) để trang web trả về một mã QR có thời
hạn sử dụng trong ba ngày. Bạn phải chụp lại mã QR này để trình cho công an tại
các chốt kiểm soát.
Một người đàn ông quét mã để đăng nhập vào trang web
kê khai của Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 15/8/2021. Ảnh: Trần Tiến/Báo Thanh
Niên.
Cán bộ tại các chốt kiểm soát mà bạn đi qua sẽ
dùng tài khoản tại trang kiemdich.dancuquocgia.gov.vn để
quét mã QR của bạn, rồi đối chiếu với căn cước công dân hoặc giấy chứng minh
nhân dân của bạn, nếu thông tin trùng khớp thì bạn mới được qua chốt kiểm soát.
Nghe sơ qua thì việc khai báo này có vẻ khá suôn
sẻ. Bộ Công an còn cho biết ứng dụng này sẽ giải quyết việc ùn tắc tại các chốt
kiểm dịch.
Tuy nhiên, cả ngày 15/8/2021, báo chí tường
thuật việc lấy mã QR qua ứng dụng của bộ đã tạo
ra ùn tắc lớn tại các chốt kiểm soát, phá vỡ quy tắc 5K trong
phòng chống dịch COVID-19 [6].
Vì sao có thêm ứng
dụng này?
Bạn hẳn chưa quên về sự kiện Bộ Công an cấp thẻ
căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân gần đây [7]. Sự kiện
này gắn liền với việc khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ
liệu cư trú của Bộ Công an, tức là việc cung cấp thẻ là để bắt đầu thu thập dữ
liệu cá nhân của bạn. Ban đầu, hai cơ sở dữ liệu này được lập ra với lý do giúp
người dân đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, hai cơ sở dữ liệu này sẽ
được sử dụng vào hai ứng dụng mới [8].
Thứ nhất, Bộ sẽ liên kết hai cơ sở dữ liệu này
vào việc quản lý “di biến
động công dân vùng dịch” – chính là trang web bạn phải nhập thông tin để
qua các chốt kiểm soát.
Thứ hai, hai cơ sở dữ liệu này sẽ được ứng dụng
vào việc quản lý việc tiêm vaccine COVID-19 của người dân, và Bộ chưa nói cụ thể
sẽ thực hiện như thế nào.
Theo Bộ Công an, lý do triển khai ứng dụng “di
biến động” là thông tin mà bạn kê khai qua trang web của Bộ sẽ được đối chiếu với
dữ liệu trong hai cơ sở dữ liệu để kịp
thời truy vết di chuyển của người dân khi có yêu cầu [9].
Thông tin kê khai
sẽ được chuyển cho đơn vị nào và khi nào?
Bộ Công an cho
biết thông tin mà bạn kê khai có thể sẽ được gửi đến công an cơ sở ở
sáu nơi: nơi bạn đăng ký thường trú, nơi tạm trú, nơi lưu trú, nơi bạn đi và
nơi bạn đến (đối với mỗi hành trình di chuyển) [10].
Thông tin sẽ được chuyển về cho công an ở các
nơi đó, khi có yêu cầu truy vết của Bộ Y tế thì công an cơ sở sẽ tiến hành cách
ly các F1, F2, v.v.
Dù chuyển thông tin ngay lập tức cho công an
cơ sở ở nhiều nhất là sáu nơi trong mỗi lần kê khai như trên nhưng Bộ Công
an tuyên
bố chắc nịch là thông tin mà bạn kê khai sẽ được đảm bảo là “tuyệt đối
bí mật” [11].
Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư, thẻ căn cước gắn chip “hiện đại” sao phải nhập lại thông tin cá
nhân từ đầu?
Dù Bộ Công an liên tục quảng cáo rằng Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư đã được vận hành từ tháng 7/2021, “quản
lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân”. Tuy nhiên,
người dân khi khai báo “di biến động dân cư” phải nhập lại thông tin cá nhân của
mình [12].
Theo đó, trong 13 trường thông tin cần nhập
trên trang web “Khai báo di chuyển nội địa” của Bộ Công an có tới 9 thông tin
đã được thu nhập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (họ và tên, số
CMND/CCCD, giới tính, nhóm máu, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ thường trú, địa
chỉ tạm trú, địa chỉ lưu trú).
Việc phải nhập lại thông tin như vậy có vẻ không
giống như tính năng mà Bộ Công an quảng
cáo khi kêu gọi người dân làm thẻ căn cước công dân gắn chip: “chip thẻ
lưu trữ 14 trường thông tin”, “cho phép dùng điện thoại để quét lấy thông tin
khi cần khai báo, không phải nhập bằng tay” [13].
Từ năm 2016 đến nay, dự án Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư và thẻ căn cước gắn chip tiêu
tốn lên đến 9 nghìn tỷ đồng, cùng với đó là sự hy sinh thời gian của người
dân chầu chực đến 1-2 giờ sáng để làm thủ tục [14]. Tuy nhiên, bước ứng dụng đầu
tiên của cơ sở dữ liệu trong kiểm soát “di biến động dân cư” này vẫn chưa cho
thấy một chút tính tiện lợi nào.
Đến
chiều ngày 15/8/2021, báo Thanh Niên cho biết công an tại các
chốt kiểm soát trong nội thành TP. Hồ Chí Minh đã
tạm dừng việc khai báo “di biến động dân cư” [15].
*
Tham khảo:
1. Báo Thanh Niên. (2021,
August 15). Chốt nội thành TP.HCM quét mã “di biến động dân cư”: Xả chốt
để không dồn đông người. https://thanhnien.vn/doi-song/chot-noi-thanh-tphcm-quet-ma-di-bien-dong-dan-cu-xa-chot-de-khong-don-dong-nguoi-1430798.html
2. Bộ Công an. (2021, August 6). Bộ
Công an triển khai ứng dụng khai báo y tế. http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/bo-cong-an-trien-khai-ung-dung-khai-bao-y-te-t30128.html
3. Báo Công an Nhân dân.
(2021, August 11). Bộ Công an triển khai phần mềm quản lý công dân vùng
dịch trên toàn quốc. https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/bo-cong-an-trien-khai-phan-mem-quan-ly-cong-dan-vung-dich-tren-toan-quoc-i623858
4. Xem [1]
5. Báo Công an Thành phố Hồ Chí
Minh. (2021, August 12). Bộ Công an triển khai toàn quốc phần mềm
quản lý công dân vùng dịch. http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/bo-cong-an-trien-khai-ung-dung-khai-bao-y-te-t30128.html
6. Báo Thanh Niên. (2021b,
August 15). Khai báo “di biến động dân cư” tại TP.HCM: Cả trăm người ùn
ứ tại chốt. https://thanhnien.vn/thoi-su/khai-bao-di-bien-dong-dan-cu-tai-tphcm-ca-tram-nguoi-un-u-tai-chot-1430891.html
7. Luật Khoa. (2021, March
11). 6 vấn đề nghiêm trọng về dữ liệu cá nhân trong thẻ căn cước gắn
chip. https://www.luatkhoa.org/2021/03/6-van-de-nghiem-trong-ve-du-lieu-ca-nhan-trong-the-can-cuoc-gan-chip/
8. Xem [2]
9. Xem [2]
10. Xem [2]
11. Xem [2]
12. Bộ Y tế. (2021, August 6). Triển
khai quản lý tiêm vaccine COVID-19 trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư. https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/-/asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/trien-khai-quan-ly-tiem-vaccine-COVID-19-tren-nen-tang-csdl-quoc-gia-ve-dan-cu
13. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
(2021, May 26). Thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ thay thế sổ hộ khẩu. https://dangcongsan.vn/ban-doc/hoi-dap/the-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-se-thay-the-so-ho-khau-581592.html
14. Luật Khoa. (2021a, March
6). Bộ Công an nhận hơn 9 nghìn tỷ đồng để làm Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư: Mãi vẫn chưa xong. https://www.luatkhoa.org/2021/03/bo-cong-an-nhan-hon-9-nghin-ty-dong-de-lam-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-mai-van-chua-xong
15. Báo Thanh Niên. (2021c,
August 15). TP.HCM: Bất ngờ tạm ngưng khai báo “di biến động dân cư”
trong nội thành. https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-bat-ngo-tam-ngung-khai-bao-di-bien-dong-dan-cu-1430965.html
T.N.
*
Nguồn:
https://www.luatkhoa.org/2021/08/he-thong-di-bien-dong-dan-cu-cua-bo-cong-an-hoat-dong-ra-sao/
No comments:
Post a Comment