Chuyến
thăm của Phó TT Mỹ Harris đến Việt Nam (kỳ 1): 'Chúng tôi cần vaccine'
18/08/2021
https://gdb.voanews.com/134c384b-5641-43be-b0ef-00f7f692c9bc_cx0_cy1_cw0_w650_r1_s.jpg
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.
Chưa bao giờ một chuyến thăm của quan chức cấp
cao Hoa Kỳ lại được người Việt Nam gửi gắm những kỳ vọng vô cùng thực tế và
“sát sườn” đến như thế khi nó diễn ra giữa lúc nhiều người dân đang lao đao đối
diện với tình trạng thiếu miếng ăn hàng ngày và cái chết treo lơ lửng trên đầu
họ bởi nạn dịch COVID-19.
“Vaccine, vaccine”
Đó là câu trả lời của đa số những người mà VOA
hỏi chuyện.
“Cho vaccine đi. Cho cái đó là cứu (người) trước
đi”, bà Châu, một cư dân đang sống tại một xóm lao động nghèo với nhiều người
làm nghề phụ hồ, lượm ve chai, bán vé số… ở quận Bình Tân, TPHCM, nói với VOA về
mong muốn của chị đối với chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris đến Việt Nam.
“Người ta có sức khoẻ thì sau này người ta làm
cũng được”, người phụ nữ 49 tuổi làm nghề thủ công đang “ôm sô” mớ hàng hoá sắp
phải bỏ đi vì không thể tiêu thụ được khi thành phố bị phong toả và giới nghiêm
nhiều tháng nay, nói.
“Nước Việt Nam chỉ có hai mùa khí hậu, mình khổ
mình cũng trồng rau trồng cải mình ăn được, miễn ra có sức khoẻ, hết bịnh là mừng
rồi. Dịch hết là người ta tự lo ăn. Chỉ có mùa nắng mùa mưa, dễ gần chết! Lao động
từ xưa tới giờ rồi”, bà Châu giải thích, rồi nói thêm: “Bà Phó Tổng thống qua cứu
nước Việt Nam cũng mừng. Bịnh đau là sợ lắm! Trong khả năng của nước Mỹ thì xin
cứu nước Việt Nam, tôi thay mặt cám ơn nhiều lắm”.
Là “tâm dịch” lớn nhất Việt Nam, TPHCM hiện
đang áp dụng các biện pháp phong toả và cách ly nghiêm ngặt khi số ca mắc
COVID-19 mới hàng ngày liên tục phá kỷ lục trong những tuần lễ gần đây, với số
ca nhiễm mới từ 3.000 - 4.000 người mỗi ngày trong tổng số xấp xỉ 10.000 người
trên cả nước. Trong khi đó, số người được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine ở
TPHCM chỉ mới hơn 155.000 người trong tổng số 1,5 triệu người của cả nước (1,5%
dân số) tính đến ngày 18/8.
“Đó tới nay không thấy chích, mấy người trong
xóm cứ hỏi ‘Chị ơi, sao hổng thấy ai chích mũi đầu tiên hết vậy?’. Cứ nói cho
không mà tới giờ dân chưa có mũi đầu tiên nữa. Mà tui là ở thành phố mà còn
không có nữa đó”, bà Châu nói với VOA, đồng thời cho biết thêm rằng ngay cả con
trai bà hiện đang đi nghĩa vụ quân sự và tham gia công tác phòng chống dịch
cũng mới chỉ được tiêm có một mũi vaccine.
“Bắt nó đi tùm lum. Bắt thằng nhỏ đi kiểu như
phụ rinh (người), nói chung là đi cứu người mà chích có một mũi à. Tụi sợ, tui
run quá trời!”, bà Châu bày tỏ lo lắng.
Tình trạng khan hiếm vaccine COVID-19 trên
toàn cầu khiến cho chính quyền tại Hà Nội trong thời gian qua liên tục hối thúc
các đại diện ngoại giao đẩy mạnh công tác “ngoại giao vaccine” tại các quốc gia
và đối tác có khả năng cung cấp vaccine.
Đến nay, Việt Nam đã nhận hơn 19 triệu liều
vaccine COVID-19, trong đó chiếm phần lớn là vaccine AstraZeneca từ cơ chế
COVAX với hơn khoảng 12 triệu liều, còn lại là vaccine Pfizer, Moderna từ Mỹ,
vaccine Sinopharm do Trung Quốc tặng và vaccine Sputnik V từ Nga.
Trong khi nhiều người dân vẫn từ chối tiêm
vaccine Trung Quốc, các loại vaccine của Mỹ đang trở thành lựa chọn số một của
họ bên cạnh loại vaccine được tiêm phổ biến là AstraZeneca.
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nói với VOA rằng thông tin về chuyến thăm của Phó Tổng thống
Mỹ đến Việt Nam khiến cho nhiều người dân “tràn trề hy vọng”, đặc biệt vào thời
điểm Việt Nam đang chật vật đối phó với bùng phát dịch COVID-19 do biến thể
Delta gây nên cùng những tác động tiêu cực chưa từng có của nó.
“Việt Nam hiện cũng đang cố gắng tìm cách khắc phục
nhưng do tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi cho
nên rất trông chờ vào sự hỗ trợ quốc tế. Đặc biệt vừa rồi quyết định của chính
phủ Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine mà không đặt một điều kiện gì
kèm theo đã làm cho người Việt Nam rất hào hứng, phấn khởi và tăng độ tin cậy đối
với chính quyền của ông Biden”, nhà báo độc lập cho biết.
Linh mục Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế cũng bày tỏ sự cảm kích đối với việc Mỹ viện trợ
số vaccine trên, đồng thời hy vọng rằng “Nếu trước chuyến thăm của bà Phó tổng
thống, Mỹ tiếp tục viện trợ thên vaccine nữa thì chuyến đi của bà không chỉ là
chuyến đi cứu người dân Việt Nam”.
Cứu kinh tế
Ngoài mối lo vaccine, nhiều người bày tỏ sự lo
ngại cho nền kinh tế Việt Nam, khi bản thân họ và nhiều người đang phải đối diện
với tình trạng thiếu miếng ăn hàng ngày. Các tổ chức từ thiện trong những ngày
qua đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu thực phẩm
hàng ngày cho các khu xóm công nhân, lao động nghèo đang bị kẹt trong các quy định
kiểm dịch giữa lúc hỗ trợ của nhà nước vẫn còn chưa đến tay nhiều người dân.
“Tưởng chừng cách ly 16 ngày rồi sẽ hết, thế nhưng cứ
hết đợt này qua đợt khác nó cứ kéo dài mấy tháng nay và ảnh hưởng đến kinh tế rất
nghiêm trọng, mà miền Nam là nơi làm kinh tế chủ lực. Vì vậy nếu kéo dài như vậy
chắc chắn Việt Nam không gượng nổi kinh tế”, anh
Trực, một cư dân tại TPHCM bị thất nghiệp suốt mấy tháng qua, nói với VOA.
Chính vì vậy theo anh, việc Phó Tổng thống
Harris đến Việt Nam lần này “rất có lợi cho người dân và nhà nước” trong việc
góp phần vực dậy nền kinh tế của Việt Nam.
Anh Trực hy vọng chuyến đi của bà Harris cũng
sẽ dẫn tới việc Hoa Kỳ sẽ giúp cho Việt Nam “một gói tài trợ hoặc gói vay nào
đó”, và khoản trợ giúp này sẽ tới tay những người dân đang gặp khó khăn như
anh.
Từ Sài Gòn, LS. Nguyễn Duy Bình cũng
bày tỏ “mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ cho đất nước tôi trong giai đoạn
bệnh dịch bùng phát và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên thúc đẩy quan
hê đầu tư, thương mại”.
Theo thông báo của Nhà Trắng, Phó Tổng thống
Kamala Harris sẽ có chuyến công du đến Việt Nam và Singapore từ ngày 20/8 –
26/8. Bà Harris sẽ đến Singapore vào ngày 22/8, sau đó ghé thăm Việt Nam từ
ngày 24/8 - 26/8.
“Chuyến đi của bà được thực hiện dựa
trên thông điệp của chính quyền Biden-Harris với thế giới: Nước Mỹ đã trở lại”, CNN dẫn một thông báo của
văn phòng Phó tổng thống Mỹ nói.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức cấp
cao của Nhà Trắng cho biết thêm rằng chuyến đi của bà Harris chú trọng đến việc
bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông, tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ trong khu
vực và mở rộng hợp tác an ninh.
Tại Việt Nam, người dân và chính quyền đón nhận và
phản ứng với “thông điệp” này khác nhau như thế nào? Mời quý vị theo dõi tiếp Kỳ 2: Quan hệ Việt – Mỹ và độ chênh kỳ vọng giữa dân và chính
quyền tại Việt Nam.
***
19/08/2021
https://gdb.voanews.com/6cf64ab8-4983-49c1-b4ba-e88ee9e38c7f_w650_r1_s.jpg
Phó Tổng thống Hoa
Kỳ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24/8 - 26/8/2021.
Ngay cả khi có cùng mối quan tâm trong những vấn
đề nóng hiện nay, các nhà phân tích cho rằng vẫn có một độ chênh nhất định giữa
người dân và chính quyền tại Việt Nam đối với chuyến công du sắp tới của nữ Phó
tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam.
Biển Đông và Trung
Quốc
“Hy vọng phía Mỹ có tiếng nói, hành động mạnh hơn để
kiềm chế thói ngang ngược, bành trướng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc
tại Biển Đông nhằm góp phần đảm bảo hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, bảo vệ tự
do, an toàn hàng hải theo chính sách của Mỹ”, Luật
sư Nguyễn Duy Bình từ Sài Gòn bày tỏ mong muốn của mình với VOA về chuyến
thăm của Phó tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, Linh mục Lê Ngọc Thanh của
Dòng Chúa Cứu Thế nói: “Sau khi Mỹ, đến Anh, Đức, Nhật và Ấn Độ thực thi quyền
tự do hàng hải trên Biển Đông, tôi hy vọng trong các cuộc làm việc sắp tới bà
Phó tổng thống tuyên bố sẽ bảo vệ Việt Nam khi Tàu cộng nổ súng, và tiếp tục
lên án việc Tàu cộng xây dựng trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa”.
Nhận định về mức độ kỳ vọng của người dân Việt
Nam, TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của ISEAS (Viện
Đông Nam Á) có trụ sở ở Singapore, đưa ra nhận định với VOA: “Đa số người
dân Việt Nam mong muốn quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam được phát triển một cách tốt
nhất, mà cụ thể là sớm tiến đến mối quan hệ đối tác chiến lược giữa bối cảnh những
thách thức an ninh từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam và khu vực là “rất cao”.
Ông nói thêm rằng cả chính quyền ở Hà Nội cũng
có cùng một mong muốn như vậy nhưng ở mức độ “thấp hơn” người dân.
“Chính quyền họ khá dè dặt. Họ thận trọng, suy xét
các mặt khác nhau. Cho nên mong muốn là có nhưng thấp hơn mong muốn của người
dân”, vẫn theo TS. Hà Hoàng Hợp.
Hôm 30/7, trong thông báo về chuyến công du của
Phó tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam và Singapore vào cuối tháng này, Cố vấn
cấp cao Nhà Trắng Symone Sanders cho biết bà Harris “sẽ trao đổi với các lãnh đạo
của cả hai chính phủ về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm an ninh khu vực, ứng
phó toàn cầu với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các nỗ lực chung nhằm
thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức cấp
cao của Nhà Trắng cho biết thêm rằng chuyến đi của bà Harris chú trọng đến việc
bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông, tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ trong khu
vực và mở rộng hợp tác an ninh, tìm cách đẩy mạnh sự ủng hộ quốc tế để chống lại
ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới.
Vấn đề tế nhị của
quan hệ trục ba
Phản hồi về ý định của Washington, người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 5/8 nói Hà Nội “hoan nghênh”
chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, nhưng khẳng định “không đi với nước này
để chống nước khác”.
“Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì cứ phải
nói theo cách như vậy thôi”, TS. Hà Hoàng Hợp
đưa ra nhận xét với VOA.
Theo ông, lập trường mà Việt Nam luôn khẳng định
mỗi khi được yêu cầu bình luận về mối quan hệ Việt – Mỹ – Trung là một khái niệm
mập mờ.
“Đó là một câu nói rất nôm na và rất nhiều nghĩa,
không thể hiểu được hoặc muốn hiểu thế nào cũng được. Thế nào là ‘đi với’?”, nhà nghiên cứu đang sống tại Hà Nội nói.
“Trong thực tế người ta có các mức độ khác nhau. Với
phía Mỹ họ có một thuật ngữ đơn giản là nước Mỹ có ‘đồng minh’ và ‘có những người
bạn’. Đồng minh là sống chết có nhau, còn những người bạn là hợp tác với nhau,
giúp đỡ nhau và cùng nhau xử lý những vấn đề chung ở mức độ nào đó mà nó có thể
dẫn đến những mối quan hệ tốt hơn quan hệ bạn bè”.
Từ Nha Trang, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo
lại cho rằng những phát biểu ngoại giao của Hà Nội đôi lúc được đưa ra theo kiểu
“nói một đằng, làm một nẻo”. Theo ông, Hoa Kỳ trong những năm qua đã “rất tế nhị”
trong mối quan hệ với Việt Nam, một mặt nỗ lực tách Việt Nam ra khỏi vòng ảnh
hưởng của Trung Quốc, nhưng mặt khác không cố dồn ép để Hà Nội lại ngả về phía
Bắc Kinh.
Ông nói: “Hà Nội rõ ràng lần này không nói
chung chung như trước, ví dụ như ‘phản đối sự xuất hiện của hải quân nước ngoài
tại Biển Đông’ mà chỉ thẳng là phản đối hoạt động quân sự của hải quân Trung Quốc,
trong khi không hề phản đối phía Mỹ, Đức, Anh, Pháp… gì cả”.
Động thái này cho thấy Hà Nội “rất mong muốn”
sự hiện diện của các cường quốc trên để giúp Việt Nam và các nước láng giềng
Đông Nam Á và khu vực giữ an ninh trước những hành động hung hăng và hiếu chiến
không thể lường hết được của Bắc Kinh.
Cả hai nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp và TS.
Nguyễn Quang A, cũng là một nhà vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, đều
cho rằng chuyện Việt Nam tăng cường hợp tác và có mối quan hệ tốt hơn với Mỹ chẳng
liên quan gì đến việc “chống Trung Quốc”, “chọn phe” hay “đi với nước này để chống
nước khác” cả.
“Việt Nam mà có quan hệ tốt với Mỹ chẳng phải là để
chống lại Trung Quốc, không nhằm việc ấy. Cho nên cách nói của Bộ Ngoại giao Việt
Nam thì có thể người Trung Quốc hiểu theo một cách, mà người Việt Nam hiểu theo
cách khác”, TS. Nguyễn Quang A bình luận.
Ông nói thêm rằng Việt Nam hoàn toàn có thể
nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ lên mức độ chiến lược và thậm chí là chiến lược
toàn diện.
“Việt Nam có mối quan hệ chiến lược toàn diện với
Trung Quốc. Thế thì tại sao lại không có mối quan hệ chiến lược toàn diện với
Hoa Kỳ? Cũng như có mối quan hệ chiến lược toàn diện với Nga thì tại sao lại
không với Mỹ? Điều đó không phải là chọn bên”, nhà nghiên cứu của Việt Nam nói.
“Hào hiệp và thông
minh”
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, giữa bối cảnh cả
thế giới đang chật vật đối phó với đại dịch COVID-19, việc Hoa Kỳ tặng hàng triệu
liều vaccine cho các nước, trong đó có cựu thù Việt Nam, gần đây đã thể hiện “sự
hào hiệp” và khả năng lãnh đạo mà ông nói là “số một” của nước Mỹ.
“Trong một thời gian rất ngắn, nước Mỹ đã tặng cho
Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna. Đấy không chỉ là biểu tượng mà là một thể
hiện rất rõ ràng về năng lực lãnh đạo cũng như sự hào hiệp của nước Mỹ đối với
Việt Nam trong hoàn cảnh Việt Nam đang rất thiếu vaccine và rất khó khăn để tiến
lên có được vaccine tự làm, khả năng có được vaccine từ các nguồn khác cũng rất
khó khăn”, TS. Hà Hoàng Hợp nhận xét với VOA.
Nhà nghiên cứu này nói rằng không chỉ người
dân mà cả chính quyền tại Việt Nam cũng xem Hoa Kỳ là một siêu cường luôn có
cách đối xử “hào hiệp và thông minh” với các quốc gia khác, đặc biệt là những
nước yếu thế. Quyết định tặng hàng triệu liều vaccine của Mỹ cho Việt Nam chẳng
hạn, theo ông, là một hành động “cứu sinh” rất thiết thực đối với hàng triệu
người dân Việt Nam.
“Người Việt Nam cũng so sánh chuyện Trung Quốc tặng
cho Việt Nam 500.000 liệu vaccine của họ. Nhưng hai ngày sau, tặng xong thì họ
có những phản ứng rất không hay. Thế thì không những người dân mà cả chính quyền
Việt Nam cũng thấy rằng đấy là một sự tương phản vô cùng đơn giản nhưng rõ ràng
nói lên bản chất con người cũng như cách cư xử và sự chân thành của người Mỹ và
người Trung Quốc”, TS. Hà Hoàng Hợp
nói thêm.
Nhân quyền liệu có
được cân nhắc?
Nhận định về chuyến thăm của Phó Tổng thống
Harris, TS. Nguyễn Quang A cho đây là đỉnh điểm của chuỗi những chuyến thăm của
các quan chức cấp cao Hoa Kỳ đến Việt Nam gần đây, và nó đánh dấu “một sự nồng ấm
trong mối quan hệ Việt – Mỹ” với những tín hiệu tích cực trong việc phát triển
mối quan hệ này.
“Nhưng tôi chỉ muốn rằng không chỉ có những điểm
tích cực như vậy mà chính quyền Hoa Kỳ cũng phải lên tiếng, tất nhiên không phải
là ở hàng (ưu tiên) thứ nhất, thứ hai, thứ ba, nhưng chí ít cũng phải ở hàng thứ
tư, đó là vấn đề nhân quyền cho Việt Nam”.
Nhà vận động nổi tiếng cho xã hội dân sự tại
Việt Nam cho biết thời gian diễn ra đại dịch cũng là lúc tình trạng nhân quyền
tại Việt Nam càng trở nên “đáng lo ngại” vì chính quyền lợi dụng các quy định
trong phòng chống dịch và hoàn cảnh chung của quốc tế để trấn áp mạnh tay hơn
những tiếng nói bất đồng.
LS. Nguyễn Duy Bình, người bày tỏ mong muốn mối quan hệ Việt - Mỹ “được phát triển lên một
tầm cao hơn”, đề nghị Hà Nội “phải cởi mở hơn, phải thừa nhận quyền tự do,
dân chủ của tất cả người Việt, bỏ qua quá khứ, tạo điều kiện cho tất những người
Việt ở hải ngoại trở về quê hương và sống, làm việc theo khuôn khổ pháp luật,
được hưởng đầy đủ quyền của một công dân, trong đó có quyền ứng cử, đề cử, tham
gia vào bộ máy lãnh đạo đất nước”.
LS. Bình cho VOA biết ông được sinh ra “trong
một gia đình nông dân, cha ông và dòng họ đều ở miền bắc và theo kháng chiến”
và ông “không có quan hệ, không được lợi lộc gì ở người Việt hải ngoại”, nhưng
khi lớn lên ông “hiểu được tất cả công dân nước Việt đều có quyền đối với mảnh
đất này”.
Hôm 12/8, hàng chục nhân sĩ và các tổ chức
nhân quyền Việt Nam ở Mỹ và quốc tế cũng kêu gọi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala
Harris nêu vấn đề trả tự do cho tù nhân lương tâm trong các cuộc tiếp xúc với
giới lãnh đạo Việt Nam khi bà đến đây vào cuối tháng.
Theo lịch trình dự kiến, Phó tổng thống Harris
sẽ có chuyến công du đến Việt Nam và Singapore từ ngày 20/8 – 26/8. Bà sẽ đến
Singapore vào ngày 22/8, sau đó ghé thăm Việt Nam từ ngày 24/8 - 26/8.
No comments:
Post a Comment