Wednesday, August 26, 2020

CẢM NHẬN và SUY LÝ về KARL MARX (Nguyễn Đình Cống)

 


Cảm nhận và suy lý về Karl Marx

Nguyễn Đình Cống

26/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/26/cam-nhan-va-suy-ly-ve-karl-marx/

 

Tìm hiểu việc lên án phong trào cộng sản, tôi thấy đa số mọi người thống nhất rằng, cộng sản là tai họa của nhân loại, là thứ cần đánh đổ hoàn toàn, nhưng với ông tổ của nó là Mác và Chủ nghĩa Mác (CNM) thì có 2 loại nhận định ngược nhau, khen và chê.

 

Người khen (ca ngợi) thấy CNM tốt đẹp, nhân đạo, cao cả, ông Mác là thiên tài, phát hiện ra nhiều quy luật có giá trị. Họ cho rằng, vào thế kỷ 19 và đầu TK 20, CNM cơ bản là đúng, có tác dụng tích cực, chỉ gần đây mới thể hiện ra vài điều không phù hợp. Mác có nhiều điều tốt và hay, đặc biệt là Duy vật biện chứng với những lập luận rất xuất sắc. Sự sai lầm trong phong trào cộng sản bắt đầu từ Lê Nin trở về sau và do những người làm sai CNM.

 

Người chê (phê phán) cho rằng, Mác hoang tưởng, dựa trên những đánh giá sai về con người và xã hội, tỏ ra nhân đạo với loại người này và độc ác với loại người khác. CNM dựa trên một số tiên đề sai hoặc không đáng tin cậy, vậy nó sai từ gốc. Mác hấp dẫn một số người chỉ là dựa vào ngụy biện.

 

Thật ra, không ai khen hoặc chê hoàn toàn mà thường trong khen có chê, trong chê có khen, chỉ là một phần nặng, phần kia nhẹ.

 

Trong việc nhận thức và đánh giá mọi việc, ý kiến của người ta đến từ hai nguồn: Cảm nhận (hoặc trực giác) và suy lý. Chúng bổ sung cho nhau. Sẽ rất tốt khi cả hai nguồn đều mạnh và cân bằng. Ngược lại nếu một nguồn lấn át thì dễ bị lệch lạc. Còn với người mà cả hai nguồn đều yếu thì chỉ là loại “ba phải”, chỉ biết nghe và nói theo người khác.

 

Trong tình hình VN hiện nay, tôi sơ bộ nhận thấy rằng, khen Mác chủ yếu là những người mà cảm nhận có phần ưu thế, còn chê, chủ yếu là những người mà suy lý là cơ bản. Đó là nói về đa số chứ không phải tuyệt đối, về những người khen hoặc chê đều trung thực, không kể đến những kẻ cơ hội, nghĩ theo cách này, nói theo cách khác hoặc những kẻ a dua.

 

Gốc của suy lý tương đối rõ ràng, do học tập và thực hành các môn khoa học, do đúc rút kiến thức và kinh nghiệm từ thực tế và từ trong lịch sử, các môn toán, lôgic và những môn liên quan có tác dụng rèn luyện tư duy suy lý.

 

Gốc của cảm nhận tương đối khó tìm, đó là trực giác, không phân tích, không chứng minh, không trả lời câu hỏi từ đâu, tại sao. Nó đến từ tâm thức chứ không phải từ hoạt động suy luận của não.

 

Trí tuệ, thông tin của con người có được từ hai nguồn, ý thức và tâm thức. Ý thức thuộc về ghi nhớ và suy nghĩ của não. Tâm thức (hoặc tiềm thức) là những thông tin thuộc bản chất, thuộc lĩnh vực tâm linh, được chứa trong “Tàng thức” (tiếng Phạn là A lại da thức).

 

Con người, ngoài thể xác cấu tạo từ vật chất còn có phần tâm linh, gồm bảy tầng hào quang. Tàng thức nằm ở trung tâm các tầng hào quang đó (*)

 

Sự phát triển của con người từ hai nguồn, Tiên thiên và Hậu thiên. Tiên thiên là những thứ có trước khi sinh ra, có từ trong bào thai do di truyền từ dòng giống, do hấp thụ khí thiêng của Trời Đất. Hậu thiên là những thứ do tiếp thu, do rèn luyện trong cuộc đời.

 

Phần cơ bản của tâm thức có sẵn ngay từ tiên thiên, lúc con người mới ra đời. Nó được bổ sung bởi hậu thiên. Giữa ý thức và tâm thức có sự trao đổi qua lại. Từ ý thức vào tâm thức và từ tâm thức vào ý thức. Hai quá trình này đều tự động, não không hề biết. Trực giác là một biểu hiện của tâm thức, phản ánh vào ý thức.

 

Tâm thức được bổ sung, quan trọng nhất là trong thời còn bé. Khi trí tuệ chưa phát triển, những tiếp nhận thông tin chủ yếu đi thẳng từ giác quan hoặc từ các tầng hào quang, nhập ngay vào tàng thức, chúng được lưu giữ vững bền trong đó. Khi trí tuệ đã phát triển, tâm thức còn được bổ sung thông qua ý thức. Chính những thứ có trong tàng thức quyết định tính cách con người. Những thứ trong bộ não quyết định khả năng, còn những hoạt động vô thức (của tim, phổi, dạ dày, ruột, gan v.v…) quyết định sức khỏe, sinh mạng.

 

Tàng thức lưu giữ bền vững những thông tin, những tình cảm tiếp nhận từ bé, lúc chưa có khả năng suy lý hoặc khả năng đó còn yếu. Chính vì vậy mà những kỷ niệm thời thơ ấu là rất sâu sắc và theo ta suốt cuộc đời. Nhận biết điều này nên tuyên giáo của cộng sản rất chú ý nhồi sọ trẻ em từ mẫu giáo về ưu việt của chế độ và vĩ đại của lãnh tụ.

 

Những người khen Mác phải chăng đã được tiếp nhận những điều tốt đẹp về ông ngay từ bé và lưu giữ bền vững. Những điều này một phần có thật, phần khác được tô vẽ thêm để tuyên truyền. Người ta khi đọc hoặc nghe về Mác là nhớ ngay đến, nghĩ ngay đến một con người vĩ đại, đạo đức cao thượng, yêu thương và bênh vực giai cấp vô sản, người đặt nền móng lý thuyết để xây dựng thiên đường trên trái đất. Họ tôn sùng Mác, ca ngợi Mác vì những luận chứng rất hay, rất thuyết phục khi suy luận, họ hận thù và kết tội những người phê phán Mác.

 

Những người phê phán Mác một phần cũng được tiếp nhận thông tin từ bé, nhưng ngược lại, khi lớn lên, họ đã biết phân tích để tiếp cận sự thật. Họ cho rằng, dự đoán của ông về xã hội cộng sản “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” chỉ là ảo tưởng, là bánh vẽ để mê hoặc quần chúng, rằng lý thuyết đấu tranh giai cấp là sai lầm, rằng tiêu diệt kẻ thù giai cấp là dã man, tàn bạo, rằng “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” là khẩu hiệu trống rỗng. Trong khi suy luận Mác đã dùng những luận chứng hay, thuyết phục, nhưng lại dùng một số luận cứ là những phán đoán chủ quan, có phần giả dối (**). Suy luận của Mác mang nhiều ngụy biên bậc cao nên đánh lừa được nhiều người mặc dầu luận đề là không chính xác.

 

Trên đây bàn về khen, chê Mác của những người sống trong xã hội dưới sự thống trị của cộng sản. Cũng ở nơi này, sự khen, chê các nhân vật đối lập có thể khác, chê theo cảm tính, khen nhờ suy lý.

 

Để cho hai loại người vừa kể đối thoại, tranh luận với nhau rất khó đi đến một kết thúc đáng mong ước về nhận thức vì rằng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

 

Ngoài Mác ra, nhiều lãnh tụ cộng sản như Lê nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh cũng đều nhận được những đánh giá từ cảm nhận và suy lý.

_____

 

Chú thích:

 

(*) Xin xem sách Bàn tay ánh sáng (Hand of Light) của Ann Brenam Barbara – Lê Trọng Bổng chuyển ngữ – NXB Thông tin. Sách có trên mạng.

 

(**) Về vấn đề này tôi đã công bố trong loạt bài “Chất đất sét trong đá tảng Mac-xít”:

— Bài 1: Bản chất con người

— Bài 2: Vật chất và Ý thức 

—  Bài 3: Đấu tranh giai cấp 

— Bài 4: Giá trị thặng dư

 

 

 

 

 

 

 


No comments: