Monday, August 31, 2020

MỸ - ĐẤT NƯỚC CỦA NGƯỜI NHẬP CƯ (Mai Vũ Phạm)

 


31/08/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/08/my-dat-nuoc-cua-nguoi-nhap-cu/

 

Người nhập cư (immigrant) là người rời khỏi đất nước mình để đến một quốc gia khác định cư.

 

Lý do của việc rời đi có thể là kinh tế, gia đình, tôn giáo, hoặc chính trị.

 

Người nhập cư bao gồm những người tị nạn (refugee). Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Vấn đề Tị nạn 1951 và Nghị định thư 1967, người tị nạn được định nghĩa là người không thể quay trở về đất nước mình do phải đối mặt với bạo lực, bắt bớ, hoặc nỗi sợ hãi bị phân biệt chủng tộc, bách hại tôn giáo, nguy cơ bị tước quốc tịch, hoặc bất đồng quan điểm chính trị.

 

Việt Nam có tỷ lệ người đến Mỹ xin tị nạn khá cao. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, Mỹ đón nhận khoảng 125 nghìn người tị nạn Việt Nam. Tính đến năm 2017, tổng số người Việt có gốc nhập cư tại Mỹ tăng gấp 10 lần, đạt mức 1,3 triệu người.

 

Những người nhập cư vào Mỹ thường có cùng mơ ước một cuộc sống tự do, công việc ổn định để tạo ra tương lai tốt đẹp cho con cái. Thượng nghị sĩ Mitt Romney trong bài phát biểu nhận đề cử tổng thống của Đảng Cộng hoà năm 2012 nói rằng: “Chúng ta là cháu, chắt của những người muốn có một cuộc sống tốt hơn, những người có ý chí, những người tỉnh dậy lúc nửa đêm vì nghe nói rằng cuộc sống ở Hoa Kỳ có thể tốt đẹp hơn.”

 

https://static01.nyt.com/images/2017/08/03/us/03immigration/03immigration-videoSixteenByNineJumbo1600-v3.jpg

Người nhập cư Mỹ trong một buổi lễ nhập quốc tịch tại Los Angeles. Ảnh: Mark Ralson/AFP/Getty Images.

 

Thế kỷ 16 và 17 là thời kỳ lịch sử 13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ, từ năm 1776 thì trở thành Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Trong giai đoạn này, hàng trăm ngàn người từ nhiều nước châu Âu như England (Anh), Scotland, Netherland (Hà Lan), Germany (Đức), Sweden (Thụy Điển), Spain (Tây Ban Nha) và Ireland đã nhập cư vào các thuộc địa Mỹ chủ yếu bằng đường biển. Đáng chú ý là những người nhập cư “không tự nguyện” từ châu Phi, chủ yếu là Tây Phi, đến Mỹ vì bị bắt làm nô lệ. Từ năm 1700 đến 1775, ước tính có khoảng 278.400 người châu Phi đã nhập cư tới các thuộc địa Bắc Mỹ.

 

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố giành độc lập từ Anh năm 1776, số lượng người châu Âu nhập cư vào Mỹ vì lý do chính trị, tôn giáo và kinh tế tăng đáng kể. Con số này đạt đến đỉnh điểm trong những năm 1892-1924.

 

Trong cuốn “Culture War” (Chiến tranh Văn hóa), giáo sư Fiorina (Đại học Stanford) lập luận rằng ở hầu hết các nước trên thế giới, “quyền công dân thực sự được xác định bởi chủng tộc hoặc sắc tộc.” Ngược lại, “một người Mỹ có thể thuộc về bất kỳ dân tộc nào”.

 

Thời kỳ đầu sau khi nước Mỹ thành lập, các đạo luật nhập cư có xu hướng ủng hộ người nhập cư đến từ Tây Âu và loại bỏ các nhóm khác. Chẳng hạn như đạo luật Chinese Exclusion Act 1882 cấm người lao động nam từ Trung Quốc; hoặc đạo luật Immigration Act 1917 cấm người nhập cư từ một số khu vực từ Trung Đông kéo dài đến Đông Nam Á.

 

Mãi đến năm 1965, Đạo luật Di trú (Immigration and Naturalization Act) mới đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách nhập cư Hoa Kỳ. Đạo luật này đã bãi bỏ hệ thống hạn ngạch tồn tại trước đó đối với người nhập cư và mở cửa cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc này giúp tỷ lệ nhập cư từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin tăng đáng kể.

 

Nhìn chung, những người nhập cư vào Mỹ đến từ hầu hết các quốc gia trên thế giới. Năm quốc gia có tỷ lệ người nhập cư vào Mỹ cao nhất bao gồm Mexico (25%), Ấn Độ (6%), Trung Quốc (5%), Philippines (4%) và El Salvador (3,2%). Việt Nam xếp thứ sáu trong danh sách này, chiếm tỉ lệ 3%, ngang với Cuba.

 

Mỹ: Đất nước của những người nhập cư

 

Hoa Kỳ là đất nước của những người nhập cư. Đây không còn là vấn đề tranh cãi. Dữ liệu nhập cư trong suốt chiều dài lịch sử Mỹ đã xác thực nhận định này.

 

Theo nghiên cứu của Pew Research Center, Mỹ có nhiều người nhập cư hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Có hơn 44 triệu người nhập cư sinh sống tại Mỹ vào năm 2018, tương đương gần 14% tổng dân số, theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Hoa Kì.

 

https://lh3.googleusercontent.com/NkXkKvAofMjOM476_TerGSltZKQ_X32pHtLnOUWkyHNTbEYgwhJF06YN79RQ7BR4Tawv80unPt1QJwe-8KW_-nFagAyNHSNMJSOVhUW7hZ5bmEGIWQc2ZK_JDCYiONeFWaOkSPCL

Số liệu nhập cư tại Mỹ từ 1850-2018. Nguồn: Migration Policy Institute (2020). Chú thích tiếng Việt của tác giả.

 

Theo dữ liệu dân số của Current Population Survey (CPS) năm 2019, tổng số người nhập cư và con cái của họ sinh ra tại Mỹ là khoảng 90 triệu người, tương đương 28% tổng dân số. Tức là, cứ 4 người Mỹ thì có 1 người có gốc nhập cư.

 

Trong cuốn sách nổi tiếng “A Nation of Immigrants” (Đất nước của những người nhập cư), cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cho rằng ngoại trừ một nhóm nhỏ, mọi người Mỹ đều là người nhập cư hoặc là hậu duệ của người nhập cư. Hiện nay, trung bình mỗi năm có hơn 1 triệu người nhập cư vào Mỹ, theo thống kê của Pew Research Center.

 

Năm 1886, Pháp tặng cho Mỹ tượng Nữ thần Tự do để kỉ niệm liên minh Pháp – Mỹ trong Cách mạng Mỹ. Bức tượng này đã trở thành biểu tượng sâu sắc của những người nhập cư. Bài thơ “The New Colossus” (Bức tượng mới) của nhà thơ Emma Lazarus được khắc trên tấm bệ đồng của bức tượng. Đó là lời chào mừng những người nhập cư tới Hoa Kỳ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/new-colossus.001-1-1024x548.jpeg

Trích đoạn “The New Colossus”

 

Nhập cư là vấn đề tranh cãi tại chính trường Mỹ

 

Nhập cư từ lâu là một vấn đề thu hút nhiều sự tranh cãi. Việc ủng hộ hoặc chống đối nhập cư tùy thuộc khá nhiều vào quan điểm chính trị.

 

Đảng Cộng hòa thường muốn hạn chế người nhập cư vào nước Mỹ, đồng thời muốn trục xuất người ở Mỹ không có giấy tờ hợp pháp. Trong khi đó, Đảng Dân chủ muốn tạo cho những người nhập cư ở Mỹ không có giấy tờ cơ hội được ở lại. Nhìn chung, đại đa số cử tri Dân chủ (83%) ủng hộ nhập cư, ngược lại, 30-40% cử tri Cộng hòa chống nhập cư.

 

Phần lớn phe bảo thủ không ủng hộ nhập cư vì lo ngại di dân sẽ gây hại kinh tế và an ninh. Khoảng 78% cử tri Cộng hòa xem số lượng lớn người nhập cư và tị nạn đến Mỹ là “một mối đe dọa nghiêm trọng.” Họ sợ rằng rằng người nhập cư sẽ giành lấy công việc của họ. Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng người nhập cư sẽ giúp duy trì nguồn lao động dồi dào và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

 

Phe bảo thủ còn lo lắng rằng người nhập cư vào Mỹ sẽ phạm pháp, đe dọa an ninh công cộng. Tuy nhiên, theo hầu hết các cơ quan kiểm chứng, điều này là sai. Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang, người nhập cư có tỷ lệ tội phạm thấp so với công dân Mỹ ngay cả khi họ phải đối mặt với các điều kiện xã hội bất lợi.

 

Mặc dù chính sách nhập cư vẫn gây nhiều tranh cãi, phần lớn (62%) người Mỹ tin rằng người nhập cư đóng góp tích cực cho nước Mỹ bằng sự chăm chỉ và tài năng của họ, theo khảo sát năm 2019 của Pew Research Center.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/image1.png

Nguồn: Pew Research Center. Chú thích tiếng Việt của tác giả.

 

Tương tự, theo thăm dò mới nhất của Gallup vào tháng 7/2020, cứ 10 người Mỹ thì có 8 người tin rằng nhập cư là một điều tốt. Có 34% người Mỹ muốn tăng tỷ lệ nhập cư lên, đó là mức cao nhất từ năm 1965. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khảo sát của Gallup, tỷ lệ người Mỹ muốn có thêm người nhập cư cao hơn so với tỉ lệ muốn giảm bớt (28%).

 

Nhờ chính sách nhập cư, đặc biệt là chương trình tị nạn nhân đạo, nước Mỹ có được sự đóng góp của vô số tài năng xuất chúng. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia, hơn 50% những nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ là những người nhập cư. Trong số các giải thưởng Nobel về hóa học, y học, và vật lý được trao cho người Mỹ từ 2000 – 2019, 38% người được nhận là dân nhập cư. Trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất của Mỹ được xếp hạng theo tổng doanh thu), khoảng 40% số công ty là do người nhập cư lập ra.

 

Một trong những người nhập cư đầu tiên và xuất chúng nhất của Mỹ là triết gia lừng danh Thomas Paine. Chính từ tác phẩm kinh điển “Common Sense” (Lẽ thường) xuất bản năm 1776 của Paine, giới trí thức Mỹ được truyền động lực để giành độc lập từ thuộc địa Anh. Theo Paine, “nước Mỹ nên trở thành nơi tị nạn cho những người yêu quý tự do dân sự và tôn giáo”.

 

Dù chính sách nhập cư Mỹ có thay đổi trong tương lai, khó mà thay đổi được đặc điểm tạo nên những giấc mơ Mỹ trên khắp thế giới và bản sắc của chính quốc gia này: “Đất nước của những người nhập cư”.

 

----------------------------------------

 

XEM THÊM

 

RNC 2020, MIỀN ĐẤT CỦA NHỮNG XẢO TRÁ (Nhã Duy)   

https://ngoclinhvugia.wordpress.com/2020/08/29/rnc-2020-mien-dat-cua-nhung-xao-tra-nha-duy/

28/08/2020

RNC 2020, miền đất của những xảo trá

Nhã Duy

 

 

 

 

 


No comments: