https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1051855858608347&id=100013518285955
Có anh bạn bảo: Mấy nước Bắc Âu là mô hình XHCN đúng
nghĩa marxit, nên xin đăng lại bài này để trao đổi.
ĐỪNG LẬP LỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN!
Mạc
Văn Trang
Tạp chí Lý luận Chính trị,
25 Tháng 3/ 2019, có bài “Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu hiện nay và
những gợi mở, tham chiếu cho Việt Nam”. Tiêu đề bài báo trên “đánh lận con đen”
giữa “Việt Nam Xã hội chủ nghĩa” và “Xã hội dân chủ Bắc Âu”; sự lập lờ đó có thể
khiến nhiều người hiểu lầm, Việt Nam đang đi theo mô hình Bắc Âu? Sự thật là
Việt Nam chả có gì giống mấy nước Bắc Âu cả! Tôi xin nói rõ mấy điều cụ thể.
1. Việt
Nam là nước XHCN, do độc đảng cộng sản toàn trị, độc quyền lãnh đạo, lấy chủ
nghĩa Marx – Lenin Tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, áp đặt ý thức hệ cho
toàn xã hội…
Trong khi đó các nước Bắc
Âu (Thủy Điển, Đan Mach, Na Uy, Phần Lan, Iceland) đều là những nước đa nguyên
chính trị, đa đảng cạnh tranh nhau để dân tự do bầu cử, được thắng cử đa số thì
cầm quyền (Mỗi nước đều có 9 – 10 đảng chính trị và thường không có đảng nào
chiếm quá bán số ghế trong quốc hội);
2. Không
có nước Bắc Âu nào xưng danh là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” như Việt Nam; không
lật đổ và phủ định sạch trơn truyền thống của các thể chế cũ như Việt Nam.
Các nước Thụy Điển, Đan Mạch,
Na Uy đều là “Vương quốc”, có Nhà Vua, Quốc huy đều có Vương miện trên đầu; nước
Iceland và Phần Lan là nước Cộng hòa (không có XHCN gì cả)! Đặc biệt Phần Lan,
sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, từ một Công quốc của Nga hoàng, đã thức thời
tách ra thành một nước độc lập. May mắn, ông Lenin ký một phát, thế là thoát nạn
cộng sản. Nhờ đó Phần Lan không có Mac – Lê, độc đảng; mà có đến 9 đảng chính
trị cạnh tranh cầm quyền, theo tự do bầu cử của nhân dân.
Năm 1939 -1940 Stalin gây
chiến với Phần Lan; Phần Lan có 5 triệu dân, dám chiến đấu với Liên Xô vĩ đại,
quyết bảo vệ nền độc lập của mình, dù có bị mất một rẻo đất biên cương… Nhờ cứ
phát triển bình thường, không “quyết tâm, quyết liệt thi đua tiến nhanh, tiến mạnh,
tiến vững chắc lên XHCN”, không “vĩ đại”, “muôn năm” như Liên xô, nên GDP bình
quân đầu người của Phần Lan nay là 43.545 usd/người, còn Nga là 10.743 usd/người
(2017).
3. Tất
cả các nước Bắc Âu đều theo thể chế Đại nghị, Tam quyền phân lập, Hiến pháp là
tối cao, bầu cử dân chủ, công khai minh bạch; Xã hội dân sự, tự do lập hội, lập
đoàn, tự do báo chí…
Việt Nam ngược lại: Quốc
hội 98% thành viên của một đảng CS; Quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đều
trong tay 1 đảng CS; Cương lĩnh của đảng trên cả Hiến Pháp; Bầu cử Quốc hội,
Chính quyền các cấp và lãnh đạo các Hội, Đoàn xã hội đều do “Đảng cử dân bầu”,
phải là người của Đảng… Như vậy làm gì còn xã hội dân sự, tự do, dân chủ?…
4. Về
kinh tế các nước Bắc Âu bảo vệ quyền Tư hữu về ruộng đất, tư liệu sản xuất, tài
sản cá nhân; kinh tế tư nhân tự do phát triển bình đẳng theo cơ chế Thị trường
tự do, không vi phạm pháp luật là được (không có định hướng XHCN)… Hệ thống Luật
pháp của các nước Bắc Âu được xây dựng khá hoàn chỉnh từ những năm 1880 – 1890
và vẫn tiếp tục duy trì đến ngày nay, (chứ đâu cứ thay đổi soành soạch như Việt
Nam).
Việt Nam thì ruộng đất là
sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý (thực chất là chính quyền các cấp tùy tiện
cưỡng chế, thu hồi đất của dân); Coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, được ưu
tiên mọi mặt, kinh tế tư nhân bị chèn ép đủ bề (gần đây Đảng đã sáng suốt, có
phát hiện “mới”: Kinh tế tư nhân cũng là một động lực phát triển quan trọng và
“cởi trói”, “cho phép”, “tạo điều kiện” cho nó phát triển)…
5. Phúc
lợi xã hội ở các nước Bắc Âu rất cao: Giáo dục miễn phí từ mầm non đến Đại học;
Y tế theo bảo hiểm (Nhà nước trả chi phí chữa bệnh cho người dân nhóm yếu thế);
Người già yếu, thất nghiệp được trợ cấp để đủ sống khá đầy đủ. Khoảng cách giầu
– nghèo, bất bình đẳng xã hội ngày càng thu hẹp… Được như vậy vì Chính quyền
liêm chính, ít tham nhũng, lãng phí, sản xuất phát triển lành mạnh, nguồn thu
ngân sách dồi dào mới đảm bảo chi cho phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn…
Việt Nam tuy khoe khoang
GDP tăng trưởng 6-7%, xuất khẩu tăng mạnh…nhưng GDP vào túi ai, nên dân vẫn
nghèo, ngân sách thâm hụt? Y tế, Giáo dục thì “thu đúng, thu đủ” mới đảm bảo chất
lượng! Có nước văn minh nào trên thế giới này ngành Y tế và Giáo dục đểu như Việt
Nam không? Vậy mà cứ nói phét lấy được: “Không để người dân nào tụt lại phía
sau”; “Không để em học sinh nào tụt lại phía sau”(!?)… Lấy gì thực hiện những lời
hứa ấy, khi ngân sách thu không đủ chi, quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị vỡ?!
6. Nền
giáo dục, môi trường văn hóa- xã hội của các nước Bắc Âu đều hướng vào phát triển
con người tự do, nhân bản, tôn trọng tự do sáng tạo, sự khác biệt của mỗi cá
nhân trong mối quan hệ hài hòa với đời sống xã hội và thiên nhiên… Cho nên các
nước Bắc Âu đều có chỉ số HDI, chỉ số Hạnh phúc… ở tốp đầu thế giới. Các công
dân của họ được giáo dục là công dân toàn cầu, nên thường biết 2-3 ngoại ngữ, đến
đâu họ cũng có thể thân thiện với dân bản địa và lan tỏa những điều tốt đẹp…
Trong khi đó, môi trường
tự nhiên cũng như môi trường văn hóa – xã hội của Việt Nam đã và đang suy thoái
nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng xấu cho giáo dục, cho phát triển con người.
Thực trạng xã hội và con người Việt Nam hiện nay ra sao, người Việt Nam ra nước
ngoài gây ảnh hưởng thế nào, mọi người đều thấy rồi.
Nhưng có lẽ khác biệt lớn
nhất là những người lãnh đạo ở các nước Bắc Âu, dù ở đảng phái nào, họ phải là
những người trí thức, có học thật, họ trưởng thành từ các hoạt động phục vụ xã
hội, cạnh tranh với nhau quyết liệt để nhân dân theo dõi, đánh giá và tự do,
dân chủ lựa chọn những người xứng đáng trong số họ bầu vào bộ máy chính quyền
phục vụ nhân dân, đất nước.
Còn những người gọi là
lãnh đạo ở các cấp của Việt Nam đều do 1 đảng CS chọn lựa trong số 4 triệu đảng
viên của họ, mà tiêu chuẩn số một là (phải tỏ ra) tuyệt đối trung thành, phục
tùng lãnh đạo cấp trên; phải suy nghĩ, phát ngôn theo đúng quan điểm Mac – Lê,
tư tưởng HCM (còn làm thì biến báo); những người đó cốt sao bảo vệ được sự tồn
tại của cái đảng CSVN là trên hết, trước hết, vì đó là nhóm lợi ích lớn của họ,
trong đó bao gồm nhiều nhóm lợi ích nhỏ và lợi ích cá nhân của mỗi quan chức.
Vì thế, dù ai là người yêu nước, có tâm, có tài đến đâu trong gần trăm triệu
người Việt Nam, mà bảo: “Phải đổi mới thế chế, đa đảng, tam quyền phân lập, xã
hội dân sự”… thì bị quy kết là “thành phần bất hảo”, “suy thoái”, “phản động”!…
Vậy lấy đâu ra người lãnh đạo như các nước Bắc Âu mà đòi so với người ta?
TÓM LẠI, Việt Nam chẳng
có gì giống các nước Bắc Âu nhất là về thể chế chính trị. Đem so sánh với các
nước ấy thật là bi hài! Nếu thấy rằng, mô hình phát triển của các nước Bắc Âu tốt,
đẹp, Việt Nam phải thay đổi thể chế, theo con đường/mô hình các nước ấy, thì
tuyệt quá. Còn mập mờ bảo rằng, “các nước Bắc Âu là mô hình XHCN mà Việt Nam
XHCN đang hướng tới” là đại lừa bịp, lập lờ đánh lận con đen, thấy người sang bắt
quàng làm họ, xấu hổ chết mất!
Mạc Văn Trang
No comments:
Post a Comment