Saturday, August 29, 2020

ĐÁNH GIÁ VỀ SÁCH LƯỢC CỦA BIDEN (James Traub - Foreign Affairs)

 


Đánh giá về sách lược của Biden

JAMES TRAUB  -  Foreign Affairs

Người dịch: Chloe và Duong Nguyen

28/08/2020

https://www.the-interpreter.org/post/danh-gia-ve-hoc-thuyet-cua-biden

 

Translated from The Foreign Policy Article The Biden Doctrine Exists Already. Here’s an Inside Preview.

 

 

Trong bài viết được xuất bản đầu năm nay của tạp chí Foreign Affairs, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã viết: “thành công của dân chủ và tự do trước chế độ phát xít và chuyên quyền đã tạo nên một thế giới mới không còn xiềng xích. Nhưng cuộc chiến này không chỉ định nghĩa quá khứ, mà còn cả tương lai của chúng ta.” Đây là một điểm đáng chú ý khi Biden, sinh năm 1942, là đứa trẻ của thời kỳ anh hùng: Ông lớn lên vào những năm 50 thế kỷ trước, khi nước Mỹ đóng vai trò là đầu tàu các nước phương Tây chống lại khối Liên bang Xô Viết. Sự tan rã khối Xô Viết vào năm 1989 đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến ý thức hệ lớn nhất thế kỷ 20. Khi đương nhiệm Phó Tổng thống, Biden đã cùng với Tổng thống Obama bắt tay chống lại những quốc gia độc tài cùng thời - Trung Quốc, Nga, Iran.

 

Chỉ bốn năm trôi qua kể từ ngày được ra mắt, ấy vậy mà dự án được nêu trong bài luận của Biden đã được tuyên bố là thất bại. Cuộc chiến với chủ nghĩa độc tài sẽ định hình tương lai của nước Mỹ bởi hai lý do, thứ nhất là vì những quốc gia đó đã chọn con đường đối nghịch với các nước phương Tây, thứ nhì và bất ngờ hơn cả, chính nước Mỹ năm 2016 đã chọn ra một vị Tổng thống chà đạp lên những quy chuẩn dân chủ của chính nước mình, xúc phạm đồng minh, xun xoe những nhà lãnh đạo độc tài. Nếu Biden trở thành Tổng thống, ông sẽ kế thừa cuộc khủng hoảng tương tự như những gì xảy ra trong Chiến tranh Lạnh - ở nhiều mức độ. Thực tế, một vài cố vấn đối ngoại của Biden mà tôi từng có cơ hội nói chuyện cùng có góc nhìn tương tự như Tổng thống Harry S.Truman.

 

Một vài cụm từ liên tục xuất hiện trong các tài liệu của chiến dịch cũng như trong các công việc từ những người tâm phúc của Biden: “thế giới tự do,” “dân chủ,” “Châu Âu,” “dẫn đầu.” Những người cấp tiến sẽ coi những từ này là sự ngược dòng về một thế giới đã mất, mang đậm dấu ấn ứng cử viên. Đương nhiên những từ đó đến một cách tự nhiên với Biden, một người yêu nước truyền thống giàu tình cảm. Tuy nhiên, một số cựu trợ lý an ninh quốc gia cũng như cố vấn hiện tại cách Biden đến gần hai thế hệ, mang đến sự hưởng ứng cân bằng với những đổi mới trong các vấn đề đối ngoại và đối nội.

 

Tôi bắt đầu mọi cuộc trò chuyện với các thành viên của nhóm chính sách đối ngoại bằng cách hỏi họ nghĩ thế giới đã thay đổi như thế nào. Colin Kahl, cố vấn an ninh quốc gia của Biden từ năm 2014 đến khi kết thúc nhiệm kỳ, hiện là giáo sư Đại học Stanford, cho biết: “Ba điều rõ ràng hơn cả: thứ nhất, thế giới đã trở nên liên kết với nhau đến mức những thách thức lớn nhất chúng ta phải đối mặt là các mối họa xuyên quốc gia ”- điều này càng được củng cố sâu sắc sau đại dịch coronavirus; “Thứ hai, nền dân chủ đang tồn tại rộng khắp; và thứ ba, cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi - sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã quay trở lại.”

 

Những mối nguy trên đều có liên kết với nhau. Như Kahl chỉ ra, Obama ngừng việc quảng bá dân chủ không chỉ bởi rút lui trước những lời rêu rao của người Mỹ mà còn bởi tổng thể cuộc tranh luận, từ thời kì chiến lược của Tổng thống Bill Clinton “ban phát dân chủ,” nay đã phát triển xoay quanh câu hỏi nước Mỹ làm sao, và có thể làm đến đâu để đưa những giá trị nội địa ra phạm vi quốc tế. Thông điệp ngầm của Cuộc chiến Iraq: ít hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ, và phải trả một cái giá đắt hơn nhiều. Dù sao thì cuộc tranh luận cũng đã ngầm giả định ưu thế của Hoa Kỳ cũng như tính dân chủ của đất nước này.

 

Nhưng những trụ cột đó đã vỡ vụn. “Đây không chỉ là về mở rộng dân chủ. Đây là nỗ lực bảo vệ những thành trì tự do,” Kahl nói. Những thành trì này đang bị đe dọa bởi tư tưởng dân túy phi tự do bên trong những đất nước dân chủ và cả ở nước ngoài bởi chiến lược chiến tranh giấu mặt và âm mưu tha hóa quan chức của Nga cũng như nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cấp sức mạnh kinh tế để viết lại trật tự thế giới. “Những quốc gia dân chủ phải đoàn kết lại để bảo vệ những gì chúng ta có,” Kahl nói.

 

Giờ đây cũng tương tự như tình cảnh 1947, khi Truman tuyên bố Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho đồng minh chống lại chính thể chuyên chế bởi những gì Liên bang Xô Viết có thể làm sẽ đe dọa đến nền an ninh quốc gia. Tất nhiên, ngày nay, nước Nga là một cường quốc tầm trung, và cho dù Trung Quốc rõ ràng là một mối nguy đáng gờm hơn bất cứ đối thủ nào trong quá khứ của nước Mỹ, họ thực sự lại đặt mối quan tâm lên kinh tế và ngoại giao. Hơn nữa, dưới danh nghĩa chiến đấu chống lại những mối nguy đương thời, nước Mỹ lại đưa ra lời mời chào những nhà độc tài cánh hữu, lật đổ những nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ. Đây không phải là con đường Biden sẽ chọn đi. Nhưng Washington cũng muốn nuôi dưỡng mối quan hệ với các đồng minh và những thể chế tuân theo quy tắc vận hành thế giới mà không có sự can thiệp sâu của người Mỹ - theo kiểu “sự nhân từ của kẻ mạnh” - và đưa ra mô hình mà những kẻ chuyên chế không thế học tập theo.

 

Vậy, điều gì sẽ xảy ra khi Hoa Kỳ cố gắng tập hợp đồng minh dân chủ mà không phải bước vào một cuộc chiến tranh lạnh tương tự 70 năm trước hay đứng nơi đầu sóng ngọn gió? Mục tiêu đầu tiên mà Biden đặt ra trong bài luận Các vấn đề Ngoại giao chính là “cách tân nền dân chủ trong nước” - chấm dứt cuộc tàn sát dân nhập cư, cộng đồng thiểu số, nhân viên cộng đồng, và tất cả những mục tiêu khác nằm trong tầm ngắm của việc lạm dụng chủ nghĩa dân tộc của Tổng thống Donald Trump. Truman không phải đối mặt với vấn đề này, nhưng những người theo chủ nghĩa tự do cùng thời như Hubert Humphrey đã nhận ra rằng nước Mỹ không thể trở thành một người bảo vệ đáng tin cậy của hệ giá trị dân chủ nếu như chúng không được thực hiện minh bạch ở quê nhà, trong trường hợp này chính là thông qua những dự luật quyền công dân và chào đón nồng hậu những người xấu số lang bạt. Sự tái thiết quốc nội là tiền đề để cải cách ở nước ngoài thành công.

 

Rồi thì sao? Trong năm đầu tiên nhậm chức, Biden thề sẽ triệu tập một “Hội nghị thượng đỉnh về nền dân chủ.” Những năm gần đây, đó là một ý tưởng được liên kết với những người theo phái tân thuyết, những người có xu hướng nhìn nhận sự phân chia của thế giới theo ý thức hệ chứ không theo địa chính trị. Tuy nhiên giả thuyết này đang di chuyển vào trung tâm. Vào năm ngoái, thời điểm mà hiện tại chúng ta cảm thấy như cọng rơm trước gió, trợ lý an ninh quốc gia lâu năm của ông Biden và là người đứng đầu mạng lưới cố vấn chính sách đối ngoại của chiến dịch tranh cử Biden, ông Tony Blinken đã cùng với Robert Kagan – người theo phái tân thuyết – đã kêu gọi thành lập một “liên minh” của các nền dân chủ, không chỉ một hội nghị thượng đỉnh.

 

Là một người suy nghĩ thận trọng và tinh tường, Blinken nói rằng ông ấy rất ngạc nhiên khi tìm ra điểm chung với người có nhiều học thuyết như Kagan. Tuy nhiên, ông định ước rằng những suy nghĩ mà ông và Biden ấp ủ không phải là một “chiến dịch lớn” mà là một phương tiện cho hoạt động tập thể. Blinken nói rằng: “Nền tảng của bạn trên thế giới này dựa trên các nền dân chủ khác.” Nhưng có lẽ không phải tất cả các nền dân chủ, vì các nền dân chủ mới như của Ấn Độ và Brazil, trong nhiều trường hợp, dường như là một phần của của vấn đề hơn là một phần của giải pháp. Tầm nhìn của ông Biden đi theo chủ nghĩa Đại Tây Dương. Các thành phần mấu chốt trong tầm nhìn của ông là châu Âu cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand – các đồng minh truyền thống của nước Mỹ.

 

Biden và các vị cố vấn của ông ấy không muốn thành lập là một tổ chức chính thức như NATO mà muốn thành lập một diễn đàn. Nó có thể giống như hội nghị G-7 mở rộng, nơi mà các đồng minh dân chủ có thể tìm ra các giải pháp chung cho các vấn đề xuyên quốc gia mà ông Kahl đề cập đến như cuộc đại dịch, an ninh mạng, hoặc đương nhiên, về biến đổi khí hậu, và các vấn đề cụ thể khác được tạo nên do sự lớn mạnh của các quốc gia độc tài, bao gồm việc can thiệp bầu cử, công nghệ về sự giám sát an ninh, và vai trò của Trung Quốc trong công nghệ 5G. Để nói một cách khái quát nhất, Biden sẽ thành lập lại một phương Tây trong một thời đại mới của những vấn đề xuyên biên giới.

 

Định hướng mới này cũng tiềm ẩn một sự nghiêng về địa chính trị mới – xoay trục sang châu Âu. Các nước Đức, Pháp, và một số nước khác đã đứng lên chống lại Nga, Trung Quốc vào dạo gần đây, và chống lại chủ nghĩa phi tự do ở châu Âu. Trong một bài báo gần đây của tờ Washington Monthly, Julie Smith, một cựu quan chức và thành viên của nhóm cố vấn Biden đề xuất rằng vị tổng thống tiếp theo nên đến thăm nước Đức trong vòng 100 ngày sau khi nhậm chức và nên có một bài phát biểu quan trọng để “định nghĩa nghị sự xuyên Đại Tây Dương cùng với khái niệm bảo vệ các giá trị của nền dân chủ.”

 

Điều tượng tự xảy ra trong bài diễn văn đậm chất phương Tây mà Obama đã phát biểu vào tháng 6 năm 2009 tại Cairo. Trong đó ông kêu gọi “một khởi đầu mới” giữa Hoa Kỳ và Hồi giáo. Việc làm táo bạo này ở Trung Đông của Obama không mang lại gì cho ông ấy ngoài nước mắt.

 

Mặc dù ông ấy muốn xoay trục sang châu Á, khu vực có các quốc gia ổn định, Obama chưa bao giờ rút chân khỏi vùng đầm lầy Trung Đông. Biden có thể may mắn hơn khi cho thế giới Ả Rập thấy sự ủng hộ của ông ấy (một vài lý do sẽ được đề cập ở bài viết sau).

 

“Lãnh đạo” là một từ được hiểu rất nhiều nghĩa như cụm từ “thế giới tự do.” Những người thuộc đảng bảo thủ chế giễu và tóm gọn cách lãnh đạo của tổng thống Obama bằng cụm từ “lãnh đạo từ phía sau.” Ngược lại, những người theo chủ nghĩa cải cách và chủ nghĩa lý tưởng lại chùn bước trước gánh nặng của sự lãnh đạo vì họ liên kết điều này với sự thay đổi chế độ, các cuộc chiến tranh về máy bay không người lái, và các đế quốc kiêu ngạo. Ông Andrew Bacevich của viện nghiên cứu Quincy đã viết rằng: “trong một thời gian dài, chính quyền đã ưu tiên cho các nhiệm vụ nhằm mục đích lãnh đạo toàn cầu hơn là nhiệm vụ chăm sóc tốt người dân Mỹ.”

 

Bacevich lý luận rằng “thời đại quyền lực của Hoa Kỳ đã qua rồi.” Biden không tin vào điều đó. Ông tin rằng Hoa Kỳ là “quốc gia không thể thiếu”, trong công thức đầy sự chế nhạo của Madeleine Albright, và ông cũng thu hút các phụ tá tin tưởng điều đó. Trong một bài báo trên tờ Atlantic năm ngoái, Jake Sullivan, một cựu quan chức an ninh quốc gia, người hiện đang giữ vị trí cố vấn duy nhất về chính sách đối ngoại và đối nội, cho rằng, nhờ vào khả năng tự đổi mới, sự thực dụng, và chủ nghĩa tôn sùng bản thân, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia duy nhất có năng lực lãnh đạo thế giới, mặc dù với vai trò khiêm tốn hơn so với lúc ban đầu. Bằng những từ ngữ ắt sẽ làm phật lòng cánh tả, Sullivan kêu gọi “một chủ nghĩa ngoại lệ mới của nước Mỹ” để khôi phục vị thế của quốc gia ở trật tự toàn cầu.

 

Điều này nghe giống như một giấc mơ hơn là một kế hoạch hành động. Nói cho cùng thì Obama cũng đã từng đưa ra lời hứa tương tự về sự đổi mới và người Mỹ đã chọn thay thế ông ấy bằng Trump. Các nhà lãnh đạo thế giới và thường dân đều kết luận rằng Hoa Kỳ không còn là quốc gia như họ từng nghĩ. Và Joe Biden không phải là Franklin D. Roosevelt. Tất nhiên, đó cũng là những gì họ nói về Truman.

 

Đây là bài báo đầu tiên của loạt báo cáo hàng tuần về tầm nhìn chính sách đối ngoại của Joe Biden.

 

 

 

 


No comments: