Friday, September 3, 2010

AN NINH BIỂN ĐÔNG TRỞ THÀNH CHỦ ĐỀ QUỐC TẾ

An ninh Biển Đông thành chủ đề quốc tế

BBC

Cập nhật: 16:06 GMT - thứ năm, 2 tháng 9, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/09/100902_us_vn_ally_chinas_ea.shtml

Quan hệ ấm lên tay đôi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, liên quan tới vai trò của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á và trên Biển Đông tiếp tục là đề tài được truyền thông phương Tây và của chính Trung Quốc bàn bạc.

Tờ báo Anh The Guardian tuần này vừa đăng bài bình luận về quan hệ tay ba Việt, Mỹ, Trung Quốc, phân tích các phản ứng của Bắc Kinh việc Hà Nội và Washington tăng cường giao lưu về quân sự bên cạnh nhiều lĩnh vực khác liên quan tới an ninh, quốc phòng.

Theo tác giả bài báo, Mark Tran, cây bút chuyên về các vấn đề châu Á của tờ báo thiên tả của Anh, chuyến thăm bốn ngày trung tuần tháng Tám của siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington tới Việt Nam, chính là một thông điệp cho Bắc Kinh:

"Thông điệp chính trị rõ ràng này là Hoa Kỳ cũng có phần tại nơi mà Trung Quốc cho là sân sau của nhà mình."

Mở rộng nhãn quan chiến lược trong khu vực, bài báo điểm lại diễn biến đáng chú ý khác với chuyến thăm của Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, khi ông này gặp Tổng thống Philippine Aquinno, hôm 18 tháng Tám, và thuật lại lời mà vị tướng này nói với truyền thông:

"Hoa Kỳ chống lại bất cứ việc sử dụng sức mạnh nào nhằm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa."

Theo bài báo trên Guardian, phát biểu của ông Willard đã "củng cố" thêm những lời lẽ bình luận được cho là 'mới mẻ' và 'cứng rắn' về vai trò của Hoa Kỳ tại khu vực, vốn được đưa ra hồi tháng trước bởi ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, khi bà có mặt tại một Diễn đàn cấp Bộ trưởng của Asean tại Hà Nội.

Khi đó, bà ngoại trưởng tuyên bố Hoa Kỳ có một "lợi ích quốc gia" trong việc nhìn thấy các cuộc tranh chấp lãnh thổ được giải quyết thông qua một "quy trình ngoại giao có sự hợp tác của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền," mà thực sự là tiếp cận mới, không che dấu của Washington muốn "quốc tế hóa" các vấn đề xung đột lâu nay.

"Trung Quốc đã nâng tầm quan trọng của vấn đề ngay đưa tuyến bố chủ quyền của nước này tại biển Nam Trung Hoa lên tầm "lợi ích nòng cốt," khi đặt vấn đề ở vùng biển ngày ngang hàng với các tuyên bố của họ với Đài Loan và Tây Tạng," bài báo nhận xét.

.

Lời lẽ cứng rắn

Ngay sau tuyên bố của giới ngoại giao và quân sự Washington được đưa ra tại các diễn đàn khác nhau ở các quốc gia vùng Đông Nam Á, Bắc Kinh đã có những động thái tái khẳng định chủ quyền và vị thế của mình một cách cứng rắn, như những thông điệp được đưa ra qua truyền thông nội địa.

"Hoa Kỳ và Việt Nam đang câu kết với nhau và củng cố các quan hệ quân sự để chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc," tờ báo mạng Ta Kung Pao có trụ sở tại Hong Kong đăng bài của tác giả Wang Chi-wen nhận định.

"Do đó, điều này đang làm phức tạp thêm các vấn đề ở Nam Hải cũng như làm trầm trọng thêm tranh chấp về chủ quyền, biến Biển Nam Trung Hoa thành một thùng thuốc súng gây xung đột Trung Quốc - Hoa Kỳ," bài báo với tựa đề "Câu kết Mỹ - Việt làm tăng căng thẳng ở Nam Hải" khẳng định với lời lẽ cứng rắn.

Tờ báo Trung Quốc cũng đưa ra cáo buộc với Việt Nam khi cho rằng quốc gia vùng Đông Nam Á này đang có chính sách lôi kéo quyền lợi kinh tế của nhiều siêu cường thế giới để đắc lợi trên vùng biển:

"Việt Nam đã và đang phân chia các vùng biển xung quanh các đảo Nam Sa (Trường Sa, theo cách gọi của VN) thành gần 100 khu vực gói thầu dầu khí,

"Và ký kết các hợp đồng thăm dò dầu khí thiên nhiên với Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Đức và nhiêu quốc gia khác nhằm dùng các quyền lợi kinh tế dầu khí dụ dỗ các nước trên ủng hộ quá trình chiếm hữu liên tục của mình tại các hòn đảo và vùng biển kế cận."

Với Hoa Kỳ, tác giả Trung Quốc của bài báo nhận định, Washington đang có chiến lược "tăng cường việc bao vây Trung Quốc, đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc và khai thác các vấn đề ở Nam Hải nhằm chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Asean."

Tờ báo mạng lâu đời có trụ sở ở Hong Kong đưa ra lời cảnh báo với Việt Nam:

"Việc Việt Nam mong muốn trở thành một tên lính quèn cho Mỹ sẽ tự đặt nước này vào một vị trí không đáng tin cậy và đầy bất chắc. Người ta dễ dàng rước ma vào nhà, nhưng sẽ không dễ dàng để đuổi bóng ma đi. Khi đó, Việt Nam sẽ cảm thấy quá trễ khi mất đi nền độc lập," cây bút Wang Chi-wen viết.

.

Âm mưu

Và bài báo đưa ra lời kết luận mang tính khuyến nghị với Bắc Kinh:

"Trung Quốc cần ứng xử với các quốc gia có liên quan vấn đề Nam Hải một cách khác biệt để tìm kiếm một đột phá trong việc giải tán âm mưu gieo giắc bất hòa của Mỹ."

Có vẻ như Trung Quốc, đang tỏ ra quan ngại và có vẻ không hài lòng trước các động thái mới thắt chặt quan hệ giữa Hoa Kỳ, với tư cách siêu cường phương Tây lớn nhất, với các quốc gia mà nước này có tranh chấp lãnh thổ trong vùng, cũng như phương cách tiếp cận mới mà Washington muốn đưa ra nhằm quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp khu vực lâu nay, có liên quan Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác.

Mặt khác, cũng có thể thấy rằng chính cách thức hành xử và kiểu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc từ trước tới nay tại khu vực có thể là nguyên nhân của những thay đổi gần đây trong các quan hệ tay hai, tay ba, thậm chí nhiều tay, như nhận định của Giáo sư Carl Thayer trên tờ nhật báo Wall Street Journal:

"Rõ ràng, thái độ cứng rắn và những động thái quân sự gần đây của Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền tại khu vực tây Tahsi Bình Dương và biển Nam Trung Hoa đã tạo ra một sự kích thích trong mối quan hệ quân sự được thúc đẩy giữa Hoa Kỳ và Việt Nam", chuyên gia về chính trị học tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra viết.

"Cả hai quốc gia này đang chia sẻ lợi ích nhằm ngăn cản Trung Quốc hoặc bất cứ một quốc gia nào khác thống trị các tuyến đường giao thương trên biển và củng cố các tuyên bố lãnh thổ thông qua ép buộc.

"Việt Nam hiện đang coi sự hiện diện của Hoa Kỳ như một phên giậu nhằm đối lại với thế lực quân sự ngày một gia tăng của láng giềng Trung Quốc," ông Thayer nhận định.

.

.

.

No comments: