Friday, September 3, 2010

HIỆN TƯƠNG NÓNG TOÀN CẦU và SỰ THAY ĐỔI CỦA ĐỊA CẦU

Hiện tượng nóng toàn cầu và sự thay đổi của địa cầu

Việt Nguyên

Thursday, September 02, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118260&z=97

LTS - Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.

***

Thời tiết năm nay oi bức. Năm năm sau trận bão Katrina tàn phá thành phố New Orleans bang Louisiana thời tiết khó chịu càng ngày càng hơn trước. Thiên tai xẩy ra khắp thế giới, cháy rừng ở Nga, khói đầy thành phố Moscow, núi lửa phun ở tỉnh Karangetang Indonesia, bão lớn từ ven biển Hàn Quốc thổi xuống Trung Quốc, hơn 250,000 người phải di tản ra khỏi tỉnh Quảng Ðông, đất lở hơn 1000 người chết, động đất ở Chí Lợi, lụt ở Pakistan làm xáo trộn đời sống hơn 20 triệu người dân Pakistan hơn hẳn cuộc chiến đang xẩy ra ở A Phú Hãn.

Trong tháng 7, 2010, nhiệt độ nóng lên đến mức kỷ lục. Cái nóng ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ lan đến vùng Ðông. Nạn lụt đến vùng Trung Tây Hoa Kỳ, các tiểu bang N. Carolina, Iowa, Illinois, New England, Nashville xuống đến miền Nam Arkansas, Oklahoma. Hàng ngàn người thiệt mạng, hàng triệu mẫu đất ở Nga bị thiêu hủy. Thời tiết nóng lan đến vùng Ðông Á và Phi Châu trong khi băng đá ở vùng Bắc Cực tan, biển cạn dần. Nhân loại chừng như đang đi vào ngày tận thế như lịch Maya tiên đoán vào năm 2012.

Thời tiết nóng quá độ, từ cái lạnh cùng cực vào mùa đông đến cái nóng oi người vào mùa hè là hậu qủa của bàn tay con người đóng góp vào hiện tượng nóng toàn cầu vẫn còn được bàn cãi, chưa được xem là khoa học chính xác một phần cũng vì lý do này mà TT Obama đã tạm ngưng chương trình năng lượng trong năm nay

Hiện tượng nóng toàn cầu


Hơi ở khí quyển trên toàn vùng thế giới đang tích tụ làm thế giới càng ngày càng nóng hơn, gây ra sự xáo trộn thời tiết, mùa hè nhiều cơn bão, mùa đông nhiều bão tuyết, mùa hè hạn hán và những luồng nhiệt gia tăng, kể từ thời cách mạng kỹ nghệ 1789, con người đã bơm khí CO2 càng ngày càng nhiều lên khí quyển và làm khí hậu trái đất nóng hơn 1.4 độ F.

Trái đất thay đổi vì thời tiết và khí hậu thay đổi quá độ, quả đất không còn là quả đất như các nhà khoa học đã biết, như Bill McKibben đã chơi chữ không gọi quả đất là Earth mà gọi là Eaarth. Các nguy hiểm của nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển đã biết trước từ 150 năm trước khi nhà bác học John Tyndall làm những cuộc thí nghiệm về các chất hơi, khí CO2 đóng vai trò quan trọng nhất trong tác dụng giữ sức nóng mặt trời trong khí quyển (greenhouse effect) đến năm 1995, ông Paul Crutzen đoạt giải Nobel Hóa Học nhờ chứng minh chất than Hydroflourocarbons bay lên khí quyển đã làm thành những lỗ hổng trong không khí (ozone).


Trong kỳ hội nghị khoa học tháng 12 năm 2007 nhà khoa học Hansen của cơ quan NASA đề nghị phải giữ khí CO2 ở mức giới hạn tối đa 350 parts, ông Bill McKibben cùng năm với địa chỉ mạng lưới 350.org cũng đề nghị phải giữ mức độ CO2 ở con số 350 parts, so sánh với thời cách mạng kỹ nghệ năm 1789 nồng độ khí CO2 là 280 parts, nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển hiện nay theo tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ là 385 parts đi quá mức các nhà khoa học đề nghị. Nếu cộng thêm các khí phế thải khác từ những kỹ nghệ phóng lên bầu khí quyển như khí Methane thì nồng độ các khí tạo ra tác dụng sức nóng lên đến 435 parts, thay vì 350 parts. Vì lý do này chánh sách kiểm soát các khí phế thải được đề nghị giữ ở mức ổn định 450 parts. Trong mười năm thán khí sẽ vượt qua số này nhưng nếu tất cả kỹ nghệ hiện nay trên thế giới vẫn hoạt động như thường lệ, không thay đổi để giới hạn các chất phế thải thì vào cuối thế kỷ 21 này nồng độ khí CO2 sẽ tăng lên hơn 50% với con số 700 parts đưa nhiệt độ nóng hơn nhiệt độ vào thế kỷ 19 là hơn 5 độ C. Nồng độ khí CO2 ở khí quyển cao hơn 1/3 so với thời kỳ trước khi con người dùng than đốt hay các nhiên liệu khác trong thời kỳ đại kỹ nghệ. Trong vòng 100 năm qua vì khí CO2 tăng nhiệt độ quả đất tăng 0.7 độ C, gây ra những hiện tượng xáo trộn khí hậu và thời tiết như El Nino và La Nina.

Các nhà khoa học so sánh việc các chánh quyền trên thế giới hiện nay không chấp nhận hiện tượng nóng toàn cầu vì khí CO2 gia tăng tương tự như những thập niên trước các bệnh nhân không chịu cho rằng chất Nicotin từ thuốc lá có hại cho sức khỏe. Họ đổ tội cho toàn cầu hóa, tranh nhau phát triển kinh tế mà không cần biết đến cái hại xẩy đến cho môi sinh, từ những chương trình xây cất đập nước ở Trung Quốc, các nhà máy than cho đến việc kỹ nghệ xe hơi dùng xăng phí phạm đưa đến khủng hoảng nhiên liệu đều ảnh đến môi sinh. Các quốc gia đổ tội cho Hoa Kỳ là nước thải chất thán khí đứng vào hàng thứ nhì trên thế giới sau Trung Quốc tính theo tỷ lệ đầu người nhưng đồng thời lại nhìn về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Các nước Âu Châu chú trọng đến vấn đề môi sinh trong khi Trung Quốc chống đối xem chánh sách về môi sinh của Hoa Kỳ là các cớ để ngăn chận sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Giải pháp về môi sinh tốt nhất có lẽ là ngưng toàn cầu hóa, trở lại thơi kỳ kinh tế địa phương với tỷ lệ phát triển kinh tế chậm hơn nhưng giải pháp này không hợp thời trong khi thế giới đang ở trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Chánh sách môi sinh ít được các nước đang mở mang hưởng ứng vì không thực tế, trong các quốc gia ấy con người cần sống hơn là cần thở, mong có đời sống khá hơn thay vì lo chuyện tận thế, hàng tỷ người đang chờ đợi phát triển kinh tế để thoát ra được cảnh nghèo. Họ cần giáo dục, y tế và nền kinh tế tiêu thụ khi đời sống và lợi tức khá hơn thay vì lo sợ ô nhiễm môi sinh.

Cách giải quyết hay nhất là phát minh khoa học và kỹ thuật mới nhằm giảm ô nhiễm như năng lượng từ gió và mặt trời, vừa có hiệu qủa vừa rẻ hơn năng lượng dầu hỏa. Những kỹ nghệ không dùng đến chất than Carbon (Zerocarbon activity) sẽ không phóng thán khí ra vùng khí quyển (Zerocarbon surface transport).

Hội nghị về khí hậu thời tiết của Liên Hiệp Quốc ở Copenhagen vào tháng 12 năm 2009 trong đó Ba Tây, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nam Phi và Hoa Kỳ (các nước đang phát triển kinh tế gây ô nhiễm môi sinh nhiều nhất trên thế giới) đã đem lại thất vọng cho các nhà khoa học, nhưng hội nghị mang lại những đề nghị căn bản để bàn cãi. Hội nghị đồng ý nhiệt độ của qủa đất phải không hơn 2 độ C so với nhiệt độ thời tiền kỹ nghệ. Cơ hội đạt được mục đích này có thể đến 50%. 47 tỷ tấn khí CO2 hiện nay có thể giảm xuống 44 tỷ tấn năm 2020, xuống đến 35 tỷ tấn năm 2030 và 20 tỷ tấn năm 2050. Hơn 100 quốc gia đồng ý trong khi chỉ có 80% trong 75 quốc gia có trách nhiệm về ô nhiễm môi sinh đồng ý với mục tiêu CO2 và sẽ thay đổi đường lối xử dụng nhiên liệu. Chương trình của Liên Hiệp Quốc có lợi cho các nước đang phát triển như Việt Nam, khoảng 100 tỷ Mỹ kim mỗi năm từ quỹ công hay tư từ các quốc gia kỹ nghệ sẽ đưa về các nước đang phát triển để khuyến khích nâng đỡ các chương trình kỹ nghệ phóng thích ít chất thán khí.

Những thay đổi của địa cầu

Trái đất thay đổi qua 3.5 tỷ năm lịch sử và hồi phục. Sự hồi phục nhiệm mầu đã xẩy ra mặc dù các nhà khoa học cho đến giờ cũng chưa hiểu rõ. Ví dụ như mưa đã làm lụt quả đất, nhiều trận đại hồng thủy xẩy ra, quả địa cầu chìm trong biển nước nhưng vẫn hồi phục. Mỗi năm trung bình một mét nước mưa, tổng cộng nước mưa từ hồi cách mạng kỹ nghệ là 200 thước cao bằng đập nước Hoover ở Las Vegas, tổng số nước mưa từ thời ông Moses trong Thánh kinh đủ để chứa đầy các đại dương, tổng số nước mưa từ thời con người tìm ra than để làm ra nhiên liệu đủ đổ xuống tràn đầy 15 lần diện tích thế giới. Nước chẩy đá mòn, năng lượng được chứa trong đá, năng lượng hóa thạch phóng chất thán CO2, thán khí tan vào nước biển, trong 2000 năm lượng thán khí CO2 tan vào đá từ đó CO2 tan vào biển, phóng vào không khí mặc dù chưa ai biết phải mất bao lâu để số khí CO2 dư tan vào đá vôi rồi hóa đá.

Con người đã phá hoại môi sinh, hủy hoại bộ mặt đa dạng sinh hóa của địa cầu. Các nhà sinh hóa nghĩ rằng nhân loại đang ở trong thời kỳ tiêu diệt hàng loạt lần thứ sáu sắp xẩy ra vì môi sinh bị hủy hoại. Năm lần trước sự kiện này đã xẩy ra được ghi nhận qua di tích hóa thạch, các loài vật khổng lồ biến mất một cách bí mật, lần thứ sáu này có lẽ sẽ đến với loài người?

Lần thứ nhất cách đây 439 triệu năm băng đá được thành lập ở hai cực tan rã rớt xuống biển làm mực nước biển dâng lên, 60% hải sản bị tiêu diệt. Lần thứ nhì cách 364 triệu năm trước, nguyên nhân không rõ, 57% hải sinh vật bị tiêu diệt. Lần thứ ba nguyên nhân cũng không rõ, cách 251 triệu năm trước, vì sao chổi, sao rơi hay núi lửa, 95% sinh vật địa cầu bị tiêu hủy; Lần thứ tư cách đây khoảng 200 triệu năm do núi lửa phun ra từ vùng Ðại Tây Dương gây ra nóng toàn cầu, các hòn đá từ ngọn núi lửa thời kỳ ấy được tìm thấy ở Ðông Hoa Kỳ, Ðông Ba Tây, Bắc Phi và Tây Ban Nha, giết 52% hải sinh vật. Ngoạn mục nhất là lần thứ năm, cách đây 65 triệu năm các loài khủng long bị tiêu diệt vì hòn đá trời đường kính 10 cây số rơi đụng quả đất với tốc độ 15 cây số một giây, gây chấn động mạnh bằng một triệu đầu đạn nguyên tử 100 megaton. Khủng long bị tiêu diệt, nhưng trái đất phục hồi.

Các nhà sinh hóa học bi quan so sánh những hoạt động phá hoại của con người với kỹ nghệ hiện nay đã gây tai hại cho qủa đất tương tự như 65 triệu năm trước! Lý do là loài người đã gặt hái quá độ, phá hoại rừng, xử dụng chất diệt trừ sâu bọ v.v... đã làm mất đi đời sống sinh hóa đa dạng và lượng CO2 đã đi quá khả năng chứa CO2 của biển (nước biển cũng giống như máu của người có chứa chất kiềm HCO3 dung hòa nồng độ CO2).

Trong 5000 năm qua, mực nước biển không thay đổi như mấy trăm triệu năm nước. Ông Robert B. Laughlin nhận thấy mực nước biển giữ mức đều đặn không có hồ sơ nào ghi nhận nước biển dâng cao hơn 100 ft ngoại trừ khi núi lửa phun. Vách đá ở biển mòn 1mm mỗi năm, phải mất hơn 100,000 năm bãi biển mới mòn hơn một cây số hay một triệu năm mới mòn hết bãi biển. Số lượng nước trên toàn địa cầu cũng không thay đổi nhiều còn băng giá thay đổi mỗi 100,000 năm, thay đổi từ từ đi theo sau những cơn tan giá đột ngột, giống như tình trạng trái đất ngày hôm nay. Lần cuối băng giá tan gây ra đại hồng thủy là 15,000 năm trước. Sức nóng cần cho sự tan đá này mười lần mạnh hơn năng lượng tiêu dùng hiện nay trên thế giới, cho nên khoa học gia lo tận thế như “lo cho bò trắng răng”! hay lo như bác sĩ Ngô Thế Vinh “Cửu Long cạn giòng” trên quả địa cầu này đã xẩy ra nhiều triệu năm trước rồi trái đất lại hồi phục.

Sáu triệu năm trước Ðịa Trung Hải khô cạn. 90 triệu năm trước cá sấu và rùa sống ở Bắc Cực. 150 triệu năm trước, biển làm lụt Bắc Mỹ. Gần nhất là một đến hai triệu năm trước có khoảng 30 lần nước đá tan ở Bắc và Nam Cực nhưng không ai hiểu tại sao khí hậu thay đổi đột ngột như vậy, giả thuyết được đưa ra là vì quỹ đạo trái đất bị thay đổi vì các hành tinh khác hay giòng đại dương bị cản trở, chất khí trong bầu khí quyển tăng giảm bất thình lình hay sao chổi và sự thay đổi tia sáng mặt trời, v.v... Không có bằng chứng nào chắc chắn chỉ có một điều chắc chắn là khí hậu địa cầu thay đổi không do bàn tay con người trong các thời băng giá đó dân số không đủ để tạo ra hiện tượng nóng toàn cầu! Ở thời đại văn minh này, các nhà khoa học vẫn không giải thích được sự thay đổi kỳ diệu của trái đất, vẫn có bàn tay trời sửa đổi những lỗi lầm của con người.

Ðọc lại lịch sử, thế giới đầu thế kỷ 21 vẫn tương tự như thời Trung Cổ thế kỷ thứ 15. Sáu thế kỷ trước con người đã bị đe dọa bởi nạn nhân mãn! Dân đổ về thành phố, các thành phố lớn được dựng lên, vùng quê bị bỏ rơi, đạo đức suy đồi, các tu viện khổ hạnh mọc lên, mọi người tiên đoán tận thế sắp đến. Thiên tai, chiến tranh và bệnh dịch đe dọa loài người nhưng đầu thế kỷ 21, trái đất vẫn quay, loài người vẫn ở trên mặt đất và trong hội nghị Liên Hiệp Quốc về môi sinh, kỳ tới tháng 12 năm 2010, các nước phải có giải pháp cụ thể hơn.

Việt Nguyên

.

.

.

No comments: