Sunday, September 5, 2010

NGƯỜI LÍNH, NGƯỜI TÙ và KẺ THA HƯƠNG trong TÁC PHẨM CỦA THẢO TRƯỜNG

Người lính, người tù và kẻ tha hương trong tác phẩm Thảo Trường

Huy Phương

Saturday, September 04, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118426&z=97&utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+NguoiVietOnline+%28NG%C6%AF%E1%BB%9CI+VI%E1%BB%86T+Online+%28www.nguoi-viet.com%29%29

.

Nhân ngày ra đi của nhà văn Thảo Trường

“Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả!” (Thảo Trường)

.

Những ai chưa đọc Thảo Trường sẽ không hiểu nhan đề cuốn sách này: Những miểng vụn của tiểu thuyết.”Theo Thảo Trường thì những miểng vụn đó là những mảnh từ pho tượng khổ nạn của cuộc đời ông, đó cũng là những chất liệu dùng để viết một truyện dài, nhưng ông đã đem dùng hết vào trong những truyện ngắn, và tác giả cho đó là một thất bại lớn của đời viết văn của mình.

Theo tôi, nhà văn Thảo Trường chưa hề thất bại.

Thảo Trường cũng nói rằng ông “cố nhét cả cuộc chiến Việt Nam vào trong một chuyện ngắn,” thì điều này chúng ta lại thấy ông đã thành công.

.

Chúng tôi, người đọc qua những mảnh vụn mà ông đã khiêm nhường nói đến, đã hình dung được toàn bộ của đời người, một người Việt Nam qua những khổ đau, tàn khốc của lịch sử. Chính là ông, chứ không phải ai hết, thể hiện bằng một nhân vật nào đó trong tiểu thuyết, một nhân vật rất thực không hề được hư cấu đã đi suốt qua ba giai đoạn của một đời người:

- Giai đoạn thứ nhất của một người lính, dù đó là ông chuẩn úy tò te trấn đóng giữ một làng Thượng hay một vị thiếu úy nhảy toán xuống đất địch...

- Giai đoạn thứ hai nói về một người tù không bản án, người tù từ lúc còn sức lực 37 tuổi cho đến khi được gọi là “bác tù già” sau hơn 16 năm bị giam cầm.

- Giai đoạn thứ ba là sự trở về và trôi giạt của một ông già lưu vong đến xứ người, dù là ông già đi lượm lon ở vùng đầm lầy Bolsa Chica, hay là ông già được gia đình cho đi rong chơi trên không phận Grand Canyon bằng trực thăng, thì vẫn là một ông già luôn ám ảnh bởi quá khứ, qua những giấc mơ, những ý tưởng bất chợt không bao giờ dứt bỏ đi được.

.

Ba giai đoạn này nối tiếp lẫn lộn vào nhau, là một cuốn tiểu thuyết dài rồi, một cuốn tiểu thuyết về con người trong chiến tranh tàn khốc, và cả trong cả hòa bình áp bức. Nếu ai muốn hiểu được con người Việt Nam đó trong bối cảnh chiến tranh và hòa bình qua một giai đoạn dài từ năm 1945 đến 1990, sẽ tìm thấy trong các tác phẩm của Thảo Trường.

.

Ðọc “Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết” chúng ta thấy rõ chân dung của Thảo Trường trên từng trang một.

Về giai đoạn của một người lính, là những cái chết bất chợt và vô lý, về cái sống và những cuộc tình trong thời loạn. Viên đạn bắn vào nhà Thục viết sau trận Mậu Thân ở Saigon hay Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp viết trong thời gian Thảo Trường đang lặn lội tại Vùng 4 Chiến thuật là những chuyện rất nổi tiếng trước năm 1975, đã đưa tên tuổi Thảo Trường đến gần với người đọc, người đọc đang sống trong không khí chiến tranh mỗi ngày. Những câu chuyện như thấm sâu vào lòng người những điều phi lý, xót xa của những con người trong chiến tranh. Thấy bùi ngùi cảm nhận mà không giải thích được lý do.

.

Chia sẻ nỗi bất hạnh Miền Nam là giai đoạn người lính buông súng để vào nhà tù, dưới danh nghĩa là những “trại học tập cải tạo” mọc lên như nấm tại hai miền Nam Bắc của đất nước. Những trang sách viết về những hoạt cảnh trong nhà tù Cộng Sản của người tù 16 năm hơn là những trang sách hấp dẫn người đọc nhất. Nếu quý vị đã ở tù Cộng Sản, đã thấy nhưng hành động, đã nghe những ngôn ngữ trong nhà tù thì đây là những trang sách gần gũi nhất, nếu quý vị ở ngoài vòng cương tỏa, đứng bên lề cuộc chiến, thì lại càng nên đọc. Cũng là loại tù đó chúng ta đã đọc Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên... nhưng chỉ ở Thảo Trường chúng ta mới nhận thấy những nghịch lý, những xót xa, những ngôn ngữ, những nét khôi hài của cái gọi là tù “cải tạo.” Phải chăng sự cách biệt giữa “tù trong” và “tù ngoài” dưới chế độ CS không khác nhau cho lắm, nhưng dưới con mắt của một người tù từ Miền Nam được áp giải ra Bắc thì đây là một vở bi hài kịch gây những ấn tượng rất khó phai mờ.

.

Có cái gì nhân bản hơn chuyện Con Bò trong cái đói khát tận cùng của người tù mà không ai đám đụng đến miếng thịt bò của trại phát ra. Có gì xót xa hơn, một ông chánh án quyền cao chức trọng của Miền Nam, đã bị kết án, cùm trong hang vì bị kết tội là ăn cắp mấy tảng đường của một người bạn tù nhỏ.

Một chuyện trong nhà tù của Thảo Trường mà gần đây nhiều trang báo trích dẫn và phê bình là chuyện “Những Ðứa Trẻ Ðầu Thai Giữa Hàng Rào” nói về một bà tù hình sự muốn có một đứa con, và đã thông đồng với một tù hình sự nam ra giữ hàng rào ngăn cách giữa hai khu tù nam và tù nữ, (chắc chắn là hàng rào kẽm gai) để đánh mạnh, đánh mau và “bụp.” Sau đó vì người nữ tù hình sự này muốn giữ cái thai nên đã chịu những trận đòn khốc liệt của bọn cai tù. Vai chính của truyện này là người đàn bà tù hình sự mang thai, chứ không phải là đứa trẻ. Ðáng lẽ ra chuyện này ông Thảo Trường phải đặt tựa là “Người Ðàn Bà Mang Thai Giữa Hàng Rào Dây Thép Gai” mới đúng, nhưng có lẽ Thảo Trường đã có một chuyện “Người Ðàn Bà Mang Thai Trên Kinh Ðồng Tháp” rồi, sợ truyện của ông có nhiều người đàn bà mang thai quá, nên ông phải đặt tên trệch đi chăng?

Nếu ai đã sống qua những trại tù ở Miền Bắc, đã gần các trại tù hình sự thì mới thấy cái ghê tởm của CS trong việc điều hành các trại tù này. Các ông tù cải tạo nói khổ, nhưng cái khổ còn đứng được hai chân, còn cái khổ của người tù hình sự ở Miền Bắc là cái khổ phải bò lết như một con chó ghẻ.

.

Những điều Thảo Trường viết trong tập truyện này có thật hay không? Ðến đây tôi xin nhắc lại mấy dòng viết tâm tình của Thảo Trường: “Xã hội tan rã đến nỗi cái gì cũng có thể có và cái gì cũng có thể không? Cái gì cũng thật, cái gì cũng giả.” Nhưng vậy câu chuyện ở trong “Ðá Mục” sau đây có lẽ là một câu chuyện thật, một chuyện vui khiến ai đọc cũng phải bật cười. Một bác già tù có nhiệm vụ giữ chuồng heo, trong đó có một con heo giống tức là heo nọc. Sau một lần gieo giống vất vả, bà “cán bộ gái” mới giao cho bác tù già hai quả trứng gà nói là “để bồi dưỡng.” Bác tù già này rất cảm động, có lẽ trong lòng bác đã nghĩ đến hai chữ “tình người,” bác đun nước và thưởng thức rất tận tình hai quả trứng. Khi bà cán bộ trở lại, hỏi đã đập hai quả trứng vào máng để bồi dưỡng cho con heo nọc chưa, thì bác mới thú nhận là đã xơi hai quả trứng vì cứ nghĩ là bà cán bộ đã bồi dưỡng cho bác. Kết quả là bà cán bộ đã nổi trận lôi đình và mắng nhiếc bác tù già: “Nó nhảy, chứ anh có làm gì đâu... mà bồi dưỡng?” “Anh tranh ăn của nó là anh bốc lột nó. Các anh bốc lột của nhân dân quen rồi, bây giờ lại bốc lột của lợn nữa!” Cũng vì nhận lầm hai quả trứng gà “bồi dưỡng” mà bác tù già phải trở về đội nông nghiệp, để lại tìm “chỗ dựa vững chắc” là cây cuốc. Nếu không có giai đoạn tù “cải tạo,” (tôi xin bỏ hai chữ này vào dấu ngoặc), làm sao Thảo Trường có thể dựng nên chuyện “Những Ðứa Trẻ Ðầu Thai Giữa Hàng Rào” một chuyện rất người mà cũng rất khốn nạn chỉ có thể xẩy ra trong nhà tù CS hay “Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai” nói đến cái chết oan khuất của một người tù binh trẻ tuổi.

.

Giai đoạn cuối cùng của cuộc đời chính là giai đoạn bác tù già đang lưu vong nơi chốn này. Giai đoạn của ray rứt, của hồi tưởng. Thảo Trưởng đã luôn luôn nhủ người và tự nhủ mình: “Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả!” nhưng trong một phần ba cuộc đời còn lại, lúc mê lúc tỉnh, Thảo Trường lại không thể quên. Ðó là nỗi ám ảnh khôn nguôi của quãng đời tù đã để lại trong tâm hồn tác giả những ấn tượng buồn rầu và sợ hãi. Ðang ở Mỹ, chuyện “Trong Hẻm” khi tác giả dọn về ở, con hẻm cụt chỉ có một lối ra, thì ông nói: “Việt Cộng chốt đầu ngõ thì hết đường thoát.” Trong “Ðá Mục,” đi băng qua đường thì ông viết “chần chờ nó mà tóm được thì đi học tập cải tạo mút mùa...”

Sự liên tưởng này luôn luôn hiện ra rất đậm nét. Thảo Trường có quên không, trong khi bọn chúng đang kêu gọi xóa bỏ hận thù, hãy quên quá khứ. Thảo Trường không quên, ông đã chửi: “Bố tiên sư nhà nó... Ðéo mẹ nó... Cha tiên sư nhà nó cách mạng... Bố tiên sư nhà nó Ðồng Minh,” nghĩa là chửi cả Việt Cộng, chửi cả Mỹ. Thảo Trường có căm thù không? Thưa có.

.

Nhà văn Thảo Trường, lác đác trong cuốn “Những Miểng Vụn của Tiểu thuyết” đã có những định nghĩa mà tôi rất thích như ông nói: “Cách mạng là đi giựt lại cái mà mình thèm muốn và thiếu thốn,” “Cả hai phía, tất cả ai nghiêm chỉnh tuân lệnh đều bị thiệt thòi như nhau,” ông còn nói: “Chúng ta đã phạm nhiều sai lầm liên tiếp, đó là thua trận, sa cơ mà không biết tự xử, để CS bắt vào tù, ở tù mà còn sống và bị thả ra và đi nước ngoài...” Nhưng ông lại có một định nghĩa rất táo bạo, câu đó ở trang 282: “Ở đàn bà quý nhất là sự đần độn!”

Nhưng Thảo Trường lại cho rằng mình đã mất hết, niềm nương tựa cuối cùng và nơi trở về là gia đình:

“Chúng ta là những tù binh vô thừa nhận.

chúng ta không còn tổ quốc

không còn chế độ

không còn đồng minh

chúng ta chỉ còn gia đình.”

Ông Thảo Trường đừng quên rằng ông còn có anh em, còn có những người yêu quý ông đến với ông, với tác phẩm của ông.

.

Nhà văn Thảo Trường đã thú nhận, ông có tham vọng nhốt cả cuộc chiến VN vào trong một truyện ngắn. Ngắn thì không ngắn, nhưng những chuyện vừa như “Từ Dưới Ðỉnh Ðồi Nhìn Lên Chân Núi” đã đạt mục đích. Tôi đồng ý với Trần Dạ Từ về nhận xét này.

.

Thân phận của con người Việt Nam qua ba đoạn đời của tác giả đã thể hiện đầy đủ trong “Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết,” trong chiến tranh, thất trận và nỗi cô đơn lưu lạc xứ người với ba hình ảnh: người lính, tên tù và kẻ tha hương. Theo như tiểu sử thì nhà văn Thảo Trường Trần Duy Hinh đã bị tập trung trong trại tù Cộng Sản 16 năm, 4 tháng 4 ngày. Ở tù kiểu này không điên thì cũng thành dại. Sang đây có nhiều nhà văn gác bút hay viết không còn hay nữa, nhưng đối vối Thảo Trường, những truyện như “Mây Trôi,” “Ðá Mục,” “Trong Hang,” “Từ Dưới Ðỉnh Ðồi Nhìn Lên Chân Núi” và nhất là truyện “Những Ðứa Trẻ Ðầu Thai Giữa Hàng Rào” đã chứng tỏ chất liệu sống đã giúp ông thành đạt hơn trong văn chương.

.

Qua bề dày của những tác phẩm, bề dày sinh hoạt văn chương của Thảo Trường, cả quãng đời ba bốn mươi năm của một người lính, người tù, người lưu vong trôi giạt trên mảnh đất này, chúng ta không có thể có những nhận xét một cách tổng quát, hời hợt, sơ sài trong một hai trang giấy.

Tôi xin mượn câu nói của một tên tù hình sự nói về bác tù già trong một câu chuyện của Thảo Trường: “Bác không thuộc về chế độ nào nữa, bác thuộc về lịch sử.” Bác Thảo Trường ơi! Bác cũng vậy. Mai sau đến lúc người ta phải công nhận nền văn học hải ngoại này, bác không còn là một nhà văn của chế độ nào nữa, bác thuộc về lịch sử! Chúng tôi hãnh diện vì có Bác. Xin chào Bác!

.

(Phát biểu trong dịp Ra Mắt Sách “Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết” của Thảo Trường ngày 31 tháng 8, 2008 tại NB Người Việt)

.

.

Đọc thêm :

Những miểng vụn của tiểu thuyết (BBC)

TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN THẢO TRƯỜNG (diendantheky.net)

Tưởng niệm nhà văn Thảo Trường (damau.org)

CON BÒ (Thảo Trường) (diendantheky.net)

.

.

.

No comments: