Tâm
nguyện của Dũng Aduku nếu anh bị bắt
Dũng Aduku’s Friend
16/05/2024
https://baotiengdan.com/2024/05/16/tam-nguyen-cua-dung-aduku-neu-anh-bi-bat/
LGT: Nguyễn Văn Dũng, tức
Dũng Aduku, đã bị an ninh Phú Thọ bắt cóc từ đêm 22-4-2024 rồi câu lưu, thẩm vấn,
đến tối 25-4 thì thả ra. Sáng 27-4, anh Dũng đã rời khỏi nhà, để lại mảnh giấy
với dòng chữ: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con ơi, bố xin lỗi”, theo lời của những
người thân trong gia đình anh.
Kể
từ hôm đó, gia đình và bạn bè anh Dũng, không ai liên lạc được với anh. Đến
ngày 8-5-2024, người nhà anh Dũng cho biết, có người đã tìm thấy xác của anh
bên bờ sông Hồng. Xác anh đã được UBND xã Châu Sơn vớt lên, mang đi chôn cất.
Anh
Dũng ra đi ở tuổi 47, bỏ lại đứa con thơ 6 tuổi, mà anh yêu quý nhất. Không ai
biết vì sao Dũng chọn cái chết tức tưởi như thế. Cho đến giờ, những người bạn
thân của anh vẫn còn bàng hoàng về sự ra đi của anh.
Hôm
nay, chúng tôi nhận được bài viết của anh V., một trong những người bạn thân của
anh Dũng, cho biết thêm về tâm nguyện của anh Dũng trong trường hợp anh bị bắt,
bởi dường như anh đã không chuẩn bị cho việc từ giã cõi đời sớm như vậy.
***
Khoảng
cuối tháng 7 năm 2023, khi anh Dũng bắt đầu đi lánh nạn vì liên quan tới vụ án
Nhật Ký Yêu Nước, anh có liên lạc với tôi, nhờ tôi một số việc trong trường hợp
anh bị bắt và có thể bị kết án tù dài hạn. Anh cũng như tôi và các anh em tranh
đấu trong nước đều nhận ra rằng, những người bất đồng chính kiến trong thời
gian gần đây khi bị bắt, ra tòa, họ đều nhận những án tù nặng nề, thường từ 8 đến
hơn 10 năm; nên nỗi lo của anh Dũng không phải là vô căn cứ.
Anh
Dũng dặn tôi rằng, nếu anh bị bắt thì tôi có thể đưa tin này lên mạng để anh em
và bạn bè biết được nguyện vọng của anh, để mọi người có thể làm gì đó giúp
anh, cũng như tôn trọng ý nguyện của anh. Sau đây là tâm nguyện của anh nói với
tôi chín tháng trước:
Thứ nhất, nếu anh đi tù, mọi
người không cần phải vận động gì cho anh. Anh không có ý định đi nước ngoài,
nên không cần vận động quốc tế lên tiếng giúp anh rời khỏi Việt Nam. Công sức mọi
người dành để vận động cho anh, hãy tập trung lo cho các anh em khác, những người
đang lãnh án tù dài hơn, hoặc những người hiện đang gặp khó khăn, gian khổ hơn
anh.
Thứ hai, không cần thuê luật
sư cho anh. Tiền thuê luật sư hãy để dành lo cho các anh em khác, những người
còn đang hoạt động bên ngoài. Số tiền đó có thể giúp nhiều anh em hoạt động
thêm một thời gian.
Thứ ba, không cần thăm nuôi
anh, cũng không cần gửi tiền nhờ gia đình gửi vào cho anh. Anh đã từng bị họ bắt
bỏ tù nên cũng quen rồi, anh có thể sống theo kiểu tù “mồ côi” và vẫn thấy ổn.
Số tiền để lo cho anh, xin hãy dành lo cho anh em tù nhân khác, hoặc các anh em
tù nhân lương tâm mới ra tù, cần ổn định cuộc sống.
Thứ tư, đây cũng là điều anh
Dũng quan tâm nhất: Anh nói rằng, nếu anh bị bắt thì chưa chắc có nhiều người
quan tâm và ủng hộ đâu, bởi vì cái án mà anh bị họ vu khống trước kia. Nhưng nếu
có một khoản ủng hộ nào đó thì anh nhờ tôi nói với mọi người rằng:
–
Không cần gửi tiền hay lo lắng gì nhiều cho mẹ anh, vì mẹ anh đã có lương hưu
và hai người anh em ruột của anh cũng có điều kiện và sống có trách nhiệm, sẽ
chăm lo được cho mẹ anh.
–
Không cần gửi tiền hay lo lắng cho vợ anh, vì vợ anh còn trẻ, cô ấy tự kiếm tiền
lo cho cuộc sống được. Ngoài ra, cô ấy vẫn còn cha mẹ trợ giúp, nên mọi người
không cần phải lo.
–
Anh nói với tôi: “Nếu được thì em cố gắng giúp anh mỗi năm một lần, vào dịp
khai giảng năm học mới, em tới nhà ông bà ngoại thằng con anh, giúp anh đưa cho
ông ngoại 5 triệu. Phải đưa trước mặt thằng bé và nói rằng: ‘Tiền này là của bố
cháu lo cho cháu, cháu cứ yên tâm rằng bố cháu vẫn luôn luôn bên cháu cho dù bố
cháu đang ở nơi đâu’.” Anh bảo tôi dặn ông ngoại (tức bố vợ anh) mua một
ít quần áo mới cho con anh và dùng tiền đó đóng tiền học cho nó. Gửi cho ông
ngoại cháu mỗi năm cho tới khi nào hết số tiền mà mọi người giúp.
Tôi
cần nhấn mạnh vào cái ý cuối cùng này một lần nữa: Con trai anh Dũng là tất cả
đối với anh, tại sao anh không nhờ mẹ gửi tiền nuôi con hay nhờ vợ anh, bởi anh
lo rằng, nếu họ đưa tiền thì thằng bé chỉ biết rằng bà nội cho tiền hay mẹ nó
cho nó tiền ăn học. Anh Dũng nói đi nói lại với tôi rằng, anh muốn con anh luôn
cảm thấy có một người bố luôn thương yêu nó, luôn lo lắng cho nó, chứ không phải
bị mờ nhạt đi theo năm tháng.
Nhiều
lần anh Dũng bất chấp hiểm nguy (có thể bị bắt bất cứ lúc nào) để anh về nhà vợ,
thăm con. Nhiều lần trời mưa bão, hoặc có những đêm lạnh cắt da cắt thịt, anh
đã phi xe máy cà tàng, đi 120 km từ Hà Nội về Thái Bình thăm con và ngồi chơi với
con chỉ được 15 phút rồi lại trở về Hà Nội. Toàn bộ đoạn đường dài 240 km, chỉ
để gặp được con khoảng 15 phút.
Cứ
mỗi tháng anh Dũng đi thăm con một lần như vậy, vì anh sợ rằng lâu ngày không gặp
con thì thằng bé sẽ quên anh mất, tình cảm bố con bị phai nhạt. Mỗi lần anh
Dũng đi như vậy, anh đều nhắn tin dặn dò tôi: “Nếu anh bị bắt thì em liên hệ
với thằng em tên A này (xin được giấu tên) để lấy địa chỉ cụ
thể và đến dọn đồ đạc giúp anh”. Anh dặn đi dặn lại ý cuối (xem ảnh chụp
màn hình), còn các ý khác thì anh chỉ dặn bằng miệng.
HÌNH
:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/2-249x420.png
Bên
cạnh đó, anh Dũng muốn gửi tiền cho ông ngoại (của con anh) giữ, vì tuy là người
rất nghiêm khắc, nhưng ông rất thương con, thương cháu. Và trong bối cảnh các mối
quan hệ ruột thịt xung quanh anh Dũng bấy giờ, thì chỉ có ông là người biết suy
nghĩ, có trách nhiệm và ở gần cháu nhất, nên anh không lo chuyện con anh bị thiệt
thòi.
Trên
đây là toàn bộ lời nhờ cậy của Dũng Aduku nói với tôi trong trường hợp anh bị bắt.
Tuy nhiên, anh không dặn dò gì trong trường hợp anh qua đời, nên tôi xem những
lời nhờ cậy trên đây là di nguyện cuối cùng của anh.
Mong
rằng những ai quan tâm và quý mến anh Dũng, thì cũng sẽ quan tâm và quý mến con
trai của anh, hãy giúp cho thằng bé cảm thấy tự hào vì có một người bố như thế.
Đỗ Trí Hùng
No comments:
Post a Comment