ĐỌC
KỸ ĐỂ HIỂU VỀ PHÁP TU CỦA TU SĨ MINH TUỆ
(Bài
viết của giảng viên khoa Ngôn ngữ học Nguyễn Thanh Huy)
TU SĨ MINH TUỆ VÀ PHÁP HÀNH DƯỚI GÓC
NHÌN PHẬT GIÁO.
Vài
năm trước, tôi có duyên được biết đến sư Minh Tuệ qua kênh Youtube Nhân Gà
Vlogs. Hình ảnh sư được quay tại một hang đá ở núi Sạn (Nha Trang) - nơi cũng gần
nhà tôi. Qua video, sư không thuyết pháp, cũng không tự nói về bản thân, mà chỉ
trả lời, chia sẻ khi được hỏi, một cách rất chân thật về hành trình tu tập của
mình. Điều mà tôi quan tâm, chú ý hơn cả là những chia sẻ về việc thực hành,
trì giới của sư. Và tôi nhận ra sư Minh Tuệ đọc nhiều, hiểu rõ về kinh Nikaya
và hành y theo những lời Đức Phật dạy. Từ đó có nhận định rằng đây là một bậc
chân tu.
Đến
hôm nay, sư Minh Tuệ được rất nhiều người biết tới (tôi không thích dùng từ “nổi
tiếng” đối với một bậc tu hành) và có sức lan toả rộng khắp, vượt ra cả biên giới
quốc gia. Và câu chuyện về sư Minh Tuệ trở nên nóng hơn bao giờ hết, khắp mạng
xã hội tràn ngập những video và hình ảnh về ông. Theo đó là rất nhiều ý kiến,
quan điểm khác nhau. Kính phục, ngưỡng mộ… có; chê bai, miệt thị … có. Muôn nẻo
trần ai!
Nhưng
may thay! Những người nghĩ tiêu cực về ông vẫn là thiểu số.
Sư
Minh Tuệ tu theo pháp khổ hạnh đầu đà. Một số nhìn vào hành trạng và y áo của ông
mà phỉ báng, nào là điên khùng, nào là hành xác, thiếu trí tuệ, không theo con
đường Trung đạo mà Đức Phật khuyến khích. Nhưng những kẻ phỉ báng ông đâu biết
rằng sư Minh Tuệ đang thực hành theo đúng chánh pháp, ông làm theo những lời dạy
trong kinh nguyên thuỷ (1), đó là từ bỏ gia đình, sống đời phạm hạnh - một lối
sống trong sạch, thanh tịnh, minh triết, buông xả tất cả, thiểu dục tri túc.
Người ta nhầm lẫn khổ hạnh đầu đà là cách tu khổ hạnh trong 6 năm đầu của Đức
Phật đi cầu đạo. Cái khổ hạnh ấy là ép xác, hành xác khiến cơ thể phải chịu nhiều
đau đớn (có nguồn gốc từ Bà-la-môn). Như vậy, khổ hạnh đầu đà nghĩa nào đó là
tiền thân của con đường Trung đạo và vẫn gần với nó nhất.
Nhiều
người lại cho rằng tu hành quan trọng ở trí tuệ chứ không phải làm khổ cái
thân. Nhưng họ nhầm lẫn giữa trí tuệ thế gian với trí tuệ Phật (2). Trí tuệ thế
gian là khả năng nhận thức của con người, có từ di truyền và học hành. Trong
khi trí tuệ Phật chỉ được khai mở khi người tu phải biết nghiêm trì giới luật.
Có giới mới có định, có định mới sinh tuệ. Cho nên Đức Phật nói ở đâu có giới hạnh
ở đó có trí tuệ và ngược lại (3).
Thực
hành hạnh đầu đà cốt lõi là để chấm dứt mọi phiền não trần cấu. Vì ở pháp hành
này giúp hành giả có thể hộ trì các căn, không bị chi phối bởi hoàn cảnh, dần
đoạn diệt tham sân si. Đó là lí do vì sao người tu chỉ ăn ngày 1 bữa (giảm cái
tham ăn), ngủ ngồi (giảm cái tham ngủ, vì nằm sẽ dễ ngủ say, li bì); mặc 3 y
(thực chất là 1 bộ - nhu cầu tối thiểu, giảm sự lệ thuộc, tham ái vào y phục)…
Một
số người lại chỉ trích, hạnh đầu đà sao không sống độc cư ở trong rừng mà cứ đi
lang thang khắp cả nước làm gì. Thưa rằng, thời nay tìm rừng ở Việt Nam như thời
Đức Phật tại thế là không thể. Và sư cũng từng có thời gian ẩn tu trên núi Sạn.
Vậy tại sao ông quyết định chọn lựa cách bộ hành đi khắp đất nước? Như ông trả
lời, đó là đi “tập học và rèn luyện sức khỏe”. Thực ra, nếu hiểu sâu thì ông
đang thực hành đúng chánh pháp Như Lai. Vì đi như vậy là cách để ông chánh niệm
thân - thọ - tâm - pháp; vì phải sống trong khổ, biết khổ, chứng nghiệm khổ thì
mới hiểu rõ nguyên nhân của khổ, khi đó khổ sẽ tự chấm dứt, chứ không phải mong
thoát khổ để được lạc.
Trên
bước đường của sư, nếu ông bị cám dỗ bởi vật chất, tiền bạc, sắc đẹp, tức cái
tham dục đã khởi lên; hay ông cảm thấy bị phiền toái khi nhiều người vây quanh,
quấy nhiễu, tức cái sân đã nổi lên… Do đó, nếu chỉ ẩn tu chưa chắc sẽ chế ngự
được tâm khi đứng trước những xúc chạm của thế tục.
Lại
nhiều kẻ phê phán rằng: Ông đi như thế có ích lợi gì cho xã hội? Cả xã hội ai
cũng đi như ông thì lấy gì có ăn?
Đây
là những câu hỏi thiển cận và có tính chất ngụy biện hoặc đề cao quá về bản
thân mình.
Thế,
hãy tự hỏi mỗi người chúng ta đã làm gì cho xã hội?
Ai
cũng có phần đóng góp cho xã hội không nhiều thì ít, và những giá trị con người
có thể tạo ra không chỉ được định lượng bằng vật chất, mà còn ở tinh thần.
Lẽ
thường, cái mà ta đã làm được, dễ nhìn thấy, là cho bản thân và gia đình. Nhưng
cái mà sư Minh Tuệ đã và đang làm cho xã hội lớn lao và rõ nét hơn ta nhiều, đó
là:
Sư
đã giúp nhiều người thấy được hình ảnh của Phật giáo nguyên thuỷ và bóng dáng
tu hành - cuộc đời Đức Phật.
Sư
như một tấm gương chiếu yêu có thể làm lộ ra chân tướng của một số “xàm tăng”,
“chuyển khoản tăng”, “hiến kế tăng”…
Sư
đã khiến nhiều người đang mê lạc tà đạo thức tỉnh trở về với ánh sáng của chánh
pháp.
Sư
đã khiến nhiều người vẫn giữ được niềm tin vào Phật giáo, và ngay cả những tín
đồ tôn giáo khác cũng có cái nhìn thiện cảm và mến mộ đạo Phật.
Sư
đã khiến nhiều người tự soi xét lại mình mà giảm bớt tham sân si trong cuộc sống.
Thậm chí không ít người còn buông bỏ tất cả mà xuất gia theo bươc chân sư.
Và
nghĩa nào đó sư đã khiến cho tình người gần gũi hơn, xã hội hoà ái hơn.
Vậy,
nếu cả xã hội mà cứ làm được như sư thì tốt biết bao. Khi đó, tôi tin chắc, xã
hội không chỉ có ăn, có mặc mà còn có một đời sống an lạc, hạnh phúc hơn rất
nhiều. Nhưng tiếc thay, làm như sư sẽ không được mấy người đâu!
Lại
có người thắc mắc rằng sao thầy tu mà xưng “con”, không xưng “thầy” với người
khác?
Thứ
nhất, ông đã chọn con đường buông xả, không còn ràng buộc việc tu tập ở chùa
cũ, cũng như không nhận mình “là sư là thầy ai cả” cốt để khỏi ảnh hưởng đến bất
cứ ai và không bị phiền hà về chuyện giấy tờ tu sĩ…
Thứ
hai, việc tự xưng “thầy” của các nhà sư với phật tử ngày nay chỉ là thói quen
trong giao tiếp. Không có sự ràng buộc nào. Suy cho cùng đó là văn hoá ứng xử
tôn ti và qui ước xưng hô trong ngôn ngữ của người Việt, chứ nếu ở tiếng Anh
thì cũng chỉ lả I - You, hay tiếng Trung là Wǒ
我
- Nǐ 你mà thôi. Ở một số cao
tăng họ vẫn xưng bằng “tôi” hoặc pháp danh khi giảng pháp. Còn sư Minh Tuệ xưng
“con” với tất cả đại chúng, hiểu sâu hơn, đó là ông đang thực hành phá chấp
ngã, tức ông không quan niệm mình là “thầy”, bỏ qua cái tôi mà khiêm hạ với mọi
người. Rõ ràng đây chính là tinh thần vô ngã.
Hiện
tại trên bước đường tu, sư đến đâu dân chúng cũng kéo theo hàng trăm đến hàng
ngàn người, và trong đó có không ít youtuber, titoker, facebooker… Điều đó khiến
nhiều người lo lắng, vì vấn đề an ninh hay sự phiền nhiễu cho việc tu tập của
sư.
Theo
tôi, chúng ta chớ vội mà trách cứ, chửi bới những người làm các kênh mạng xã hội.
Hãy nhìn vào mặt tích cực của họ, vì nếu không có họ thì làm sao tạo ra những
hiệu ứng tốt đẹp lan tỏa về một bậc chân tu. Và với thời đại này, cũng cần nhìn
nhận rằng việc hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sinh, chia sẻ những điều tốt
đẹp sẽ rất hữu hiệu khi có sự hỗ trợ của truyền thông, và mạng xã hội. Nếu
không thì làm sao phật tử ở Việt Nam biết đến những bài giảng của sư Pháp Hòa,
hay Tịnh Không và của những bậc cao tăng khác nữa.
Mặt
khác, sự tụ tập của họ cũng là một phép thử để sư Minh Tuệ thực hành chế ngự
tâm. Khi được nhiều người chú ý, sùng bái, vái lạy, nếu sư khởi lên cái tâm -
mình là quan trọng, là trung tâm, là ngôi sao, thì ngay lập tức sư rơi vào ngã
chấp, ngã mạn (tâm tham ái, cầu danh); nếu họ vây quanh khiến sư không có thời
gian nghỉ ngơi sinh hoạt mà khó chịu, nổi giận, tức tâm sân đã sinh khởi. Cho
nên những tình huống này là một phép thử cực đại trên bước đường trì giới và
chánh niệm. Theo quan sát, dù đi bộ cực khổ đến đâu nhưng lúc nào trên mặt sư
cũng an nhiên và luôn nở nụ cười. Có lẽ, sư đã đạt đến trạng thái tịch tịnh.
Hay
nhiều người dân tỏ lòng thương xót cho sư, sì sụp khóc lóc, vì chứng kiến cảnh
sư đầu trần chân đất dãi nắng dầm mưa… Sự rung cảm này có thể hiểu được nhưng
đó là chúng ta lấy suy nghĩ và đôi mắt của người thế tục. Lựa chọn con đường khổ
hạnh ấy khiến sư cảm thấy được lạc thọ nội tâm, và những trở ngại đó mới giúp
sư đến gần với giác ngộ.
Lại
có người lo cho sư vì những tai hoạ có thể ập đến bởi những thế lực đen tối.
Xin cũng đừng lo, khi đã chọn con đường này thì phải là một bậc đại dũng. Chả
phải sư từng nói “còn cho con sống thì con tu tiếp” đó sao? Đây là tinh thần vô
uý khi sư đã thấu triệt vô thường, vô ngã. Điểu mà ta nên quan tâm là liệu sư
có thực sự đã đạt được tâm thái đó hay chưa. Nếu đã đạt thì niết bàn cũng không
còn xa nữa. Vậy tất cả nên hoan hỉ.
Tôi
đoán, tất nhiên đến một giai đoạn nào đó, có thể là sau khi chứng nghiệm khổ,
rèn được thân tâm, sư Minh Tuệ sẽ ẩn tu. Vì để đạt giác ngộ, khi giới hạnh đã đầy
đủ, cần phải thiền để nhập định.
Chắc
chắn những ảnh hưởng của sư đã khiến cho tiền rơi vào túi một số xàm tăng ít lại,
và cứ đà này có khi họ phải bán ô tô, bán đất bớt mà tiêu. Cho nên không lạ gì
việc chống phá, hãm hại sư Minh Tuệ đang vào guồng rất mạnh. Họ ban đầu bịa ra
chuyện giả tu, và có cả một ê-kíp quay phim dàn dựng. Họ bôi bác tăng y, gọi áo
“phân lô bán nền”, hay họ chê cái nồi cơm điện là bình bát không chính thống.
Nhưng họ làm sao hiểu được sư đã đạt đến cái tâm phá chấp, sư đâu còn sợ mắc cỡ,
hay bị quê với mọi người, và sư cũng có dùng điện thoại hay biết mạng xã hội
nói gì đâu. Khi đã chọn đời sống phạm hạnh, sống xả ly, không gia đình, ngủ
nghĩa địa thì trở ngại lớn nhất là gia đình, người thân mà sư còn vượt qua thì
có sá gì.
Hèn
nhất là họ đã chụp mũ cho sư, gắn nhãn tổ chức nước ngoài phản động, dựng lên một
ông sư ăn mày để chống phá Phật giáo Việt Nam và phá hoại đất nước.
Xin
thưa rằng Phật giáo Việt Nam bị phá hoại bởi những xàm tăng, ma tăng đang được
hậu hậu thuẫn và dung túng. Chính họ đã lợi dụng thuyết nhân quả, luân hồi để
xuyên tạc, bịa đặt, và hù doạ cho những người u mê sợ hãi bằng những viễn cảnh
ghê rợn ở kiếp sau. Từ đó tiếp tục lợi dụng cúng dường như một phương cách để
giải nghiệp báo, cầu phước báu, tăng trưởng công đức… Tiền càng nhiều càng tốt,
và “người mà có tâm đạo cúng luôn cả nhà cho chùa… dọn đi chỗ khác ở, cứ ở cái
chòi nào đó, ở bình thường thôi”. Tóm lại là cúng dường… cúng dường…
Do
đó khi nào các “ma tử ma tôn”* đang trà trộn vào chùa, khoác áo nhà sư mà bị
thanh lọc là lúc Phật giáo Việt Nam được chấn hưng.
Tất
nhiên, khi tán thán về pháp hành của sư Minh Tuệ thì không đồng nghĩa với việc
hạ thấp các pháp tu khác ở những bậc chân tu trên đất nước này. Mỗi người một
căn cơ, một hạnh nguyện khác nhau nên không thể ai ai cũng phải giống nhau. Mỗi
cá nhân có mặt ở thế gian này là để hoàn thành một “sứ mệnh” của riêng mình.
Nếu
tiêu chuẩn của một người tu là giới hạnh thì rõ ràng người hành pháp sẽ cao hơn
người hiểu pháp. Và thực hành được hạnh đầu đà là một công hạnh lớn, xưa nay
không được mấy ai. Vậy, tán thán, kính ngưỡng giới hạnh là việc nên làm nhưng
không nên sùng bái, suy tôn, thánh hoá sư Minh Tuệ ngay lúc này, vì điều đó sẽ
khiến rơi vào tà kiến, ngoại đạo, đi ngược lại với tinh thần Phật giáo.
Để
thấy rõ được ý nghĩa của việc tu hạnh đầu đà, xin dẫn lại lời Đức Phật khi tán
thán hạnh tu của ngài Ca-diếp:
“Lành
thay! Lành thay, Ca-diếp! Thầy có nhiều lợi ích, độ người vô lượng, rộng đến tất
cả Trời, Người đều được độ. Vì sao? Ca-diếp! Nếu hạnh đầu đà này được ở đời thì
pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng
thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, thánh Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hàm, A-na-hàm, đạo
Tam thừa đều còn ở đời. Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca-diếp tu tập.
Như
vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.” (4)
_____________
Chú
thích:
(1)
Trong Kinh Sa-môn quả, Kinh Chủng đức
(2)
Còn gọi là trí tuệ Bát nhã
(3)
Trong Kinh Chủng đức
(4)
Trong Kinh Tăng nhất A-hàm, (tập I)
___________
Nha
Trang, 10/05/2024
Nguyễn
Thanh Huy
Email:
thanhhuy1979@gmail.com
__________________________________________________
Chú
thích của Ban Biên Tập:
(*)
Hiện là Giảng viên khoa Ngôn ngữ học trường Đại Học.
No comments:
Post a Comment