Friday, May 17, 2024

CỤC XUẤT BẢN KHÔNG THỂ TỰ NÊU Ý KIẾN VỀ SÁCH CỦA OCEAN VƯƠNG, VÌ SAO THẾ? (Thúy Mùi / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Cục Xuất bản không thể tự nêu ý kiến về sách của Ocean Vương, vì sao thế?

Thúy Mùi  -   Luật Khoa Tạp Chí

MAY 17 2024  7:19 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/05/cuc-xuat-ban-khong-the-tu-neu-y-kien-ve-sach-cua-ocean-vuong-vi-sao-the/

 

 

HÌNH : https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/05/Sa-ch-Nha--Nam.jpeg

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của tác giả Ocean Vương. Nguồn ảnh: Nhã Nam.

 

 

Việc tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vương được một trường quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh đưa vào chương trình Văn học tiếng Việt đã gây ra tranh cãi sôi nổi ở Việt Nam.

 

Các tranh cãi này dẫn tới quyết định “phản cảm” của cơ quan quản lý về giáo dục và văn hóa. [1] Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường thu hồi 19 cuốn sách đã phát cho học sinh, và kiểm điểm, phê bình giáo viên [2]; Cục Xuất bản, In và Phát hành (sau đây gọi tắt là Cục Xuất bản) yêu cầu Nhà xuất bản Hội nhà văn thẩm định lại nội dung sách, và nhờ một số giáo sư đầu ngành đọc, đưa ra ý kiến.

 

Phản ứng của cơ quan nhà nước trong việc này không hề khác những việc đã từng xảy ra. Đầu tiên, một hoặc một nhóm người tạo sóng gió trên mạng xã hội (thường là Facebook) dựa trên một góc nhìn đạo đức hoặc thẩm mỹ nào đó.

 

Sau đó, các tranh cãi này được chuyển sang kênh báo đài. Cơ quan nhà nước e ngại “dư luận xã hội”, phản ứng bằng cách xử phạt người gây tranh cãi và cấm lưu hành nhân tố gây tranh cãi.

 

Nói cách khác, hành động của cơ quan nhà nước thường mang tính thụ động, không hướng tới việc tìm giải pháp cho vấn đề và tương tác tử tế với xã hội. [3]

 

Trường quốc tế - nơi bắt đầu câu chuyện - chỉ là một trong số gần 3.000 trường trung học phổ thông trên toàn quốc có giảng dạy môn Văn. [4] Số sách bị thu hồi chỉ là 19 trong số hàng vạn bản được phát hành. [5]

Cục Xuất bản yêu cầu thẩm định lại một cuốn sách đã được cấp phép phát hành. Người đứng đầu của cơ quan này cũng không thể tự đưa ý kiến của mình mà phải nhờ, chờ chuyên gia. Vì sao có hiện tượng này?

 

Một chuyên gia đã nhìn vụ việc từ góc nhìn chính sách và chỉ ra việc thiếu quy trình tuyển lựa, hướng dẫn thực hành và cơ chế đối thoại khi học sinh tiếp xúc với các tác phẩm có yếu tố nhạy cảm. [6]

 

Tuy nhiên, tác giả chưa thấy học giả luật nào tham gia vào cuộc tranh luận này. [7] Vì vậy, bài viết góp thêm một góc nhìn từ khía cạnh quyền tình dục (right to sexuality) và quyền tự do biểu đạt (freedom of expression).

 

 

Toàn cảnh tranh luận

 

Mặc dù bài viết tập trung vào phản ứng của chính quyền dưới góc độ quản trị xã hội, nhưng trước hết, việc tổng hợp các tranh luận (diễn ngôn) giúp độc giả có thể hình dung về bức tranh tổng thể.

 

Vụ việc bắt đầu từ Facebook - mạng xã hội chính mà người dùng tạo nội dung và tương tác ở Việt Nam. [8] Sau đó, báo chí, truyền thông gồm nhiều báo chính thống [9], báo tư nhân [10], hoặc báo theo mô hình nước ngoài [11] là diễn đàn để các nhóm khác nhau và các chuyên gia nêu ý kiến.

 

Nhóm cơ bản tham gia tranh luận là phụ huynh học sinh. Những ý kiến tranh luận xoay quanh tình dục đồng tính và việc để học sinh phổ thông tiếp cận với văn bản này đã được một Facebooker tổng hợp lại. [12]

 

Điều đáng chú ý là các ý kiến này đều thể hiện sự liên hệ giữa tình dục và cảm giác nhục nhã [13] - nội dung vốn ít được nghiên cứu và thảo luận thẳng thắn ở Việt Nam.

 

Các học sinh, đối tượng chủ yếu của sự lo lắng đến từ cha mẹ, không xuất hiện công khai để chia sẻ ý kiến của mình. [14]

 

Nhóm ý kiến khác thuộc về các nhà văn hoặc người nghiên cứu văn học. Họ chia sẻ quan điểm với báo chí [15], hoặc đăng ý kiến trên Facebook [16], hoặc tạp chí. [17]

 

Các ý kiến này chỉ ra cho độc giả giá trị văn chương đích thực của tiểu thuyết, đồng thời gợi mở vài biện pháp để sử dụng sách an toàn trong trường học.

 

Một số ý kiến mang tính kỹ thuật khác đề xuất việc dán mác độ tuổi cho sách theo mô hình một số nước nói tiếng Anh. [18] Tuy nhiên, các ý kiến này hoàn toàn không đề cập tới những thiết chế (ví dụ thư viện công) và nguồn lực (những người đọc và chọn sách chuyên nghiệp) cần thiết cho việc thực hiện ý tưởng. [19] Trong khi đó, người đọc thế hệ trước chia sẻ rằng việc học trò đọc tác phẩm có mô tả tình dục không phải là hiện tượng mới. [20]

 

Tất cả các loại ý kiến này không hề nhắc tới quyền tình dục (right to sexuality) và quyền tự do biểu đạt như là các quyền con người cơ bản (human rights).

 

Các chuyên gia, học giả về quyền con người cũng không tham gia vào cuộc tranh luận. Điều này cho thấy nhận thức pháp luật (legal consciousness) về quyền tình dục chưa phải là một phần của đời sống xã hội/thảo luận công cộng ở Việt Nam. [21]

 

 

Nhận thức của cơ quan nhà nước

 

Quyền tình dục là một quyền con người. Như các quyền khác, quyền tình dục tồn tại cùng với quyền tự do biểu đạt (freedom of opinion and expression). [22]

 

Tác phẩm của Ocean Vương chính là một biểu hiện của quyền tự do biểu đạt. [23]

 

Quyền con người đòi hỏi một cơ chế quản trị và khung pháp lý đặt quyền con người là trung tâm. Việc của cơ quan quản lý là xây dựng/phát triển các chuẩn mực ứng xử tôn trọng quyền con người và đảm bảo thực hiện các quyền đó. Nói cách khác, nhà nước thực hiện công việc của mình để đảm bảo tính phổ quát (universality) của các quy định ứng xử (legal norms) do nhà nước ban hành. [24]

 

Quyền tình dục mới chỉ được nhắc tới ở Việt Nam trong thời gian gần đây như hệ quả của quá trình hội nhập kinh tế. Việt Nam cũng đã tham gia một số công ước quốc tế về quyền con người.

 

Một số học giả luật tranh luận rằng khuôn khổ pháp luật về quyền tình dục ở Việt Nam còn sơ sài và mơ hồ. [25] Nhận định này phù hợp với góc nhìn của học giả quốc tế rằng khung quản trị (governance) của Việt Nam bị phân mảnh/rời rạc (fragmented) sau vài thập kỷ đổi mới. [26]

 

Tranh luận học thuật về quyền tình dục vừa ít về số lượng, vừa bị hạn chế bởi không gian tranh luận (một vài tạp chí nội địa) [27] và ngôn ngữ (tiếng Việt).

 

Nhận thức của các cơ quan nhà nước (ví dụ: cấp trung ương, địa phương), ngành/lĩnh vực (ví dụ: giáo dục, văn hóa) và các quan chức về quyền con người, quyền tình dục là rất khác nhau.

 

Không gian học thuật để thảo luận về chủ đề này hạn chế ở một số tạp chí chuyên ngành xuất bản bằng tiếng Việt (ví dụ: Nghiên cứu lập pháp). Hiện chưa có khảo sát nào cho thấy sự bao phủ của các tạp chí này tới các ngành như văn hóa hay giáo dục. Các học giả về giới, quyền con người thường tập trung vào việc xuất bản nghiên cứu của họ tại nước ngoài thay vì đối thoại và/hoặc tư vấn cho nhà nước.

 

Ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Việt) là một rào cản khác cho nhận thức về quyền con người của quan chức Việt Nam. Các tài liệu hướng dẫn quốc tế dành cho thực hành (practitioner guide) đều được công khai trên internet.

 

Tuy nhiên, cơ quan nhà nước thường không biết đến hoặc không được đào tạo về các loại chủ đề này. Những người làm công việc đối ngoại hay được đào tạo ở nước ngoài thường học được các kỹ thuật báo cáo theo tiêu chuẩn tiếng Anh.

 

Việc sử dụng thành thạo tiếng Anh tại các diễn đàn quốc tế không đồng nghĩa với sự tồn tại của quyền tình dục và quyền tự do biểu đạt ở trong nước (vỏ ngôn ngữ có thể không tương thích với nội dung - normative content).

 

Ví dụ, báo cáo mới nhất của Việt Nam trình Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc có đầy đủ các hạng mục theo yêu cầu. [28] Mặc dù vậy, báo cáo vẫn thiếu nhiều bằng chứng cụ thể cho việc thực hiện các cam kết về quyền con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt.

 

Ngôn ngữ diễn đạt là tiếng Anh nhưng cách tiếp cận là Việt Nam, theo đó, các cụm từ không rõ nghĩa được sử dụng để biểu đạt văn hóa. [29] Trong khi đó, bản tiếng Anh của báo Nhân Dân chỉ đưa tin ngắn gọn việc Việt Nam nhận được 300 đề xuất liên quan tới quyền con người. [30] Không có khảo sát hay báo cáo nào cho biết liệu các quan chức trong nước có biết tới các đề xuất cụ thể này.

 

Trở lại câu chuyện, phát biểu và hành động của cơ quan quản lý văn hóa và giáo dục về “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” cho thấy khoảng trống lớn trong nhận thức về quyền tình dục và quyền tự do biểu đạt theo các cam kết quốc tế của Việt Nam.

 

Nó cho thấy những mảnh ghép rời rạc trong diễn ngôn chính trị về quyền tình dục, và quyền tự do biểu đạt.

 

Trên hết, nó cho thấy sự thiếu cố gắng của nhà nước/bộ máy chính quyền trong việc nhận diện, xử lý vấn đề.

 

Hành động theo khuôn mẫu cũ của “thu hồi, kiểm điểm” là một thói quen hệ thống xa rời với các giá trị phổ quát của nhân loại.

 

Thay vì mở rộng không gian dân sự cho tranh luận, tạo chuẩn mực rõ ràng để hướng dẫn hành vi, việc quay lại với khuôn mẫu cũ trong bối cảnh phát triển vũ bão của công nghệ có thể gây những thiệt hại lâu dài tới thế hệ tương lai.

 

---------------------------

Chú thích:

 

[1] Về thuật ngữ “phản cảm” và quyết định của các cơ quan nhà nước khi sử dụng từ này, độc giả có thể biết thêm qua bài viết này. Theo ý kiến tác giả, chính quyết định của các cơ quan nhà nước liên quan tới tiểu thuyết của Ocean Vương mới là phản cảm. 

 

[2] Quế Chi - Hà Thu, 'Sách của Ocean Vuong không phải truyện khiêu dâm', VnExpress. https://vnexpress.net/sach-cua-ocean-vuong-khong-phai-truyen-khieu-dam-4741605.html

 

[3] Tác giả dùng cụm từ “tử tế” theo nghĩa làm đúng phận sự của cơ quan quản trị là tạo khung pháp lý rõ ràng và quy trình minh bạch để mọi tổ chức, công dân có thể hành xử theo luật và biểu đạt ý kiến của mình mà không ngại bị trừng phạt. 

 

[4] Hà An, Địa phương nào tăng nhiều trường THPT nhất trong năm học vừa qua?, giaoduc.net. https://giaoduc.net.vn/dia-phuong-nao-tang-nhieu-truong-thpt-nhat-trong-nam-hoc-vua-qua-post236983.gd

 

[5] Đây chỉ là con số ước tính. Tác giả không có số liệu chính xác. 

 

[6] Lang Minh, Đưa tác phẩm văn học đương đại vào chương trình phổ thông: Không thể bỏ mặc giáo viên tự xoay xở. https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/dua-tac-pham-van-hoc-duong-dai-vao-chuong-trinh-pho-thong-khong-the-bo-mac-giao-vien-tu-xoay-xo/20240509100033806p1c785.htm

 

[7] Văn học và Luật luôn có mối liên hệ với nhau vì cùng sử dụng chữ viết để tạo lập văn bản hướng dẫn hành vi ứng xử trong xã hội. 

 

[8] Theo Statista, Facebook là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam. Do hạn chế về ngôn ngữ cũng như lịch sử phát triển mạng xã hội ở Việt Nam, người dùng Việt ít tương tác trên các mạng khác như X (trước đây là Twitter) hay Reddit. https://www.statista.com/statistics/941843/vietnam-leading-social-media-platforms/

 

[9] Ví dụ, xem: Một thoáng tranh luận về 'dâm thư' của Ocean Vương (Tiền phong), 'Sách của Ocean Vuong không phải truyện khiêu dâm' (VnExpress).

 

[10] Lên tiếng vụ "trường quốc tế phát sách 18+", một hot mom bị mắng: "Không biết phân biệt sách giáo dục giới tính và văn học!", Kenh 14. https://kenh14.vn/len-tieng-vu-truong-quoc-te-phat-sach-18-mot-hot-mom-bi-mang-khong-biet-phan-biet-sach-giao-duc-gioi-tinh-va-van-hoc-20240508200623846.chn

 

[11] Sơn Hoàng, Sách nhạy cảm trong trường quốc tế: Tranh luận "dâm hay không dâm" là chưa đủ, Vietcetera. https://vietcetera.com/vn/sach-nhay-cam-trong-truong-quoc-te-tranh-luan-dam-hay-khong-dam-la-chua-du

 

[12] Tham khảo thêm tại đây.

 

[13] Shadbolt, C. (2009). Sexuality and Shame. Transactional Analysis Journal, 39(2), 163–172. https://doi.org/10.1177/036215370903900210

 

[14] Sách của Ocean Vương đã được giới thiệu với học sinh khối công lập https://tienphong.vn/mot-thoang-tranh-luan-ve-dam-thu-cua-ocean-vuong-post1634574.tpo

 

[15] Quế Chi - Hà Thu, 'Sách của Ocean Vuong không phải truyện khiêu dâm', VnExpress. https://vnexpress.net/sach-cua-ocean-vuong-khong-phai-truyen-khieu-dam-4741605.html

 

[16] Tham khảo thêm tại đây.

 

[17] [REVIEW SÁCH HAY] MỘT THOÁNG TA RỰC RỠ Ở NHÂN GIAN: HUY ĐỘNG KÝ ỨC ĐỂ SỐNG SÓT, ELLE Team. https://www.elle.vn/the-gioi-van-hoa/mot-thoang-ta-ruc-ro-o-nhan-gian

 

[18] Huyền Chi, Tranh cãi chuyện dán nhãn phân loại độ tuổi dành cho sách, Lao động. https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/tranh-cai-chuyen-dan-nhan-phan-loai-do-tuoi-danh-cho-sach-1338005.ldo

 

[19] Về cuộc tranh luận liên quan tới dãn mác sách theo độ tuổi ở thư viện Mỹ, xem https://www.npr.org/transcripts/1214523941

 

[20] Hoài Nam, Học trò đọc sách tả cảnh sex, nhiều người kể xưa chuyền tay "cô giáo Thảo", Dân trí. https://dantri.com.vn/an-sinh/hoc-tro-doc-sach-ta-canh-sex-nhieu-nguoi-ke-xua-chuyen-tay-co-giao-thao-20240503115820306.htm

 

[21] Về khái niệm “ý thức pháp luật”, xem Chua, L.J., & Engel, D.M. (2019). Legal Consciousness Reconsidered. Annual Review of Law and Social Science. Lưu ý rằng khái niệm này dựa trên nghiên cứu liên ngành xã hội học-luật theo đó ý thức pháp luật thể hiện ở việc công dân và cộng đồng hành động có ý thức để thực hiện quyền con người và/hoặc đòi hỏi nhà nước đảm bảo quyền con người. Nó khác với khái niệm “ý thức pháp luật” vốn được dịch từ tài liệu Xô-Viết và giảng dạy tại các trường luật ở Việt Nam (gắn với các chương trình nhà nước thực hiện để “tuyên truyền-phổ biến-giáo dục pháp luật). Lynette J Chua cũng là học giả nghiên cứu về quyền tình dục của các nhóm thiểu số như người chuyển giới, đồng giới tại một số nước châu Á. Xem các công trình nghiên cứu này tại https://www.semanticscholar.org/author/Lynette-J.-Chua/51884234.

 

[22] Tham khảo thêm tại đây.

 

[23] Về mối liên hệ giữa quyền con người, quyền tình dục, và quyền tự do biểu đạt, giữa công dân và nhà nước, xem thêm Miller AM. Human Rights and Sexuality: First Steps Toward Articulating a Rights Framework for Claims to Sexual Rights and Freedoms. Proceedings of the ASIL Annual Meeting. 1999;93:288-303. doi:10.1017/S0272503700067781; Nurse, A. (2020); "Exploring Creativity and Sexuality: Freedom of Expression Expanded", The Citizen and the State, Emerald Publishing Limited, Leeds, pp. 127-139. https://doi.org/10.1108/978-1-78973-039-520201009

 

[24] Tính phổ quát đòi hỏi các chuẩn mực đạo đức/hành vi ứng xử được áp dụng bình đẳng đối với mọi thành viên/tầng lớp trong xã hội. 

 

[25] Vũ Công Giao, Nguyễn Minh Tâm, Vấn đề quyền về tình dục trên thế giới và ở Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp. http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208004

 

[26] Thaveeporn Vasavakul, Governance Support Facility Initiatives, California, Vietnam: A Pathway from State Socialism. https://www.cambridge.org/nz/universitypress/subjects/politics-international-relations/south-east-asian-government-politics-and-policy/vietnam-pathway-state-socialism?format=PB&isbn=9781108459075. Xem thêm Phuong, P. Q. (2022). From “Social Evils” to “Human Beings”: Vietnam’s LGBT Movement and the Politics of Recognition. Journal of Current Southeast Asian Affairs41(3), 422-439. https://doi.org/10.1177/18681034221108748

 

[27] Ví dụ, xem Hoàng Thị Hải Yến, Một số vấn đề về quyền tình dục và quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân gia đình, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 38/2019, trang 111-121. 

 

[28] Đọc báo cáo của Việt Nam tại Phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR tại đây.

 

[29] Ví dụ: xem trang 8, mục 45: “the media in Viet Nam operates freely; press and publishing agencies are not subject to censorship before printing, transmission, or broadcasting”; mục 47: “Viet Nam strives to develop a legal framework to ensure a safe and healthy information environment for the effective exercise of freedom of the press and expression in the digital society, digital transformation, and to deal with acts obstructing the exercise of these rights”; trang 13, mục 88: “the Cultural Development Strategy until 2030 determined that cultural development should be promoted on an equal footing and in harmony with economic, political and social development. It sets out major goals for comprehensive development of Vietnamese culture and people in accordance with the trends of times, promoting a healthy cultural environment, enhancing the spiritual life of the people and gradually narrowing the gap in cultural enjoyment between urban and rural areas and among different regions with focus on areas of ethnic minority”. 

 

[30] Vietnam's human rights record hailed at UN review, Nhân dân. https://en.nhandan.vn/vietnams-human-rights-record-hailed-at-un-review-post135404.html#:~:text=The%20rights%20to%20healthcare%2C%20education,have%20also%20improved%2C%20he%20said

 

 

 

 




No comments: