‘Cô
dâu’ Nga sang nhà ‘chú rể’ Trung Quốc, chuyện gì xảy ra?
Trúc Phương - Saigon
Nhỏ
17
tháng 5, 2024
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/co-dau-nga-sang-nha-chu-re-trung-quoc-chuyen-gi-xay-ra/
Tháng Ba, 2023, khi đề cập bang giao Nga-Trung Quốc, ông Antony Blinken,
ngoại trưởng Mỹ, nói với các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ: Quan hệ của họ chẳng khác
gì một cuộc hôn nhân vụ lợi (nguyên văn: “They have a marriage of
convenience”); và trong quan hệ này, Nga ở “kèo dưới” (“Russia is very much the
junior partner in this relationship”).
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/05/GettyImages-2152712800-1024x739.jpg
Tổng Thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ Tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình bắt tay trong cuộc gặp song phương vào ngày 16 Tháng Năm 2024 tại Bắc
Kinh. (Hình: Getty Images)
Trong thực
tế, trong tình cảnh bị cô lập ở mức độ chưa từng có kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến,
Nga đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết. Cô dâu đang cần tiền để trang trải nhiều
thứ, đặc biệt cỗ máy chiến tranh ở Ukraine.
Ông
Vladimir Putin, tổng thống Nga, đến Bắc Kinh ngày 16 Tháng Năm, trong chuyến
công du hai ngày. Đây là lần gặp thứ 43 của hai nhà lãnh đạo và là cuộc gặp thứ
tư kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào Tháng Hai, 2022. Ông Putin là vị khách
quen mặt của Bắc Kinh. Đây là chuyến công du thứ 19 kể từ khi ông trở thành tổng
thống vào năm 2000. Từng là cựu thù không đội trời chung, Nga và Trung Quốc
đang rất cần nhau, trong cuộc phân định lại trật tự thế giới, chống lại kẻ thù
chung Hoa Kỳ.
Trung Quốc
là điểm đến đầu tiên ở nước ngoài của ông Putin sau cuộc bầu cử dỏm vào Tháng
Ba, giúp ông có được nhiệm kỳ tổng thống thứ năm. Có một sự đối xứng nào đó với
cuộc gặp giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, vào năm 2023:
Diễn ra ngay sau khi Quốc Hội Trung Quốc “chấp thuận” cho ông Tập phá vỡ tiền lệ
và phục vụ nhiệm kỳ chủ tịch nước lần thứ ba, và vài ngày sau khi Tòa Án Hình Sự
Quốc Tế ban hành lệnh bắt ông Putin với việc vi phạm tội ác chiến tranh ở
Ukraine. Với cả hai, cuộc gặp dường như nhằm thể hiện sự khinh miệt trước những
nỗ lực luôn ngáng đường họ mà Mỹ là kẻ đầu têu.
Trong chuyến
công du Bắc Kinh vào Tháng Hai, 2022, vài ngày trước khi Nga phát động cuộc chiến
toàn diện xâm lược Ukraine, ông Putin đã cùng ông Tập đưa ra một tuyên bố
chung, tự hào về “truyền thống dân chủ lâu đời” của hai nước; ủng hộ nhau trong
cuộc chiến chống lại “những nỗ lực của các thế lực bên ngoài.” Đáng chú ý nhất,
khi mô tả mối bang giao Trung-Nga, họ nói rằng quan hệ hai bên là “không có giới
hạn, không có vùng cấm.”
Từ sau cuộc
chiến Ukraine, quan hệ Trung Quốc-Nga càng trở nên mạnh mẽ. Năm 2022, thương mại
song phương tăng 36%, lên $190 tỷ. Năm 2023, con số này tăng lên $240 tỷ, vượt
mốc $200 tỷ mà ông Tập và ông Putin dự tính đạt được vào năm 2025. Trung Quốc
đã nhập cảng các mặt hàng năng lượng trị giá $129 tỷ – chủ yếu là dầu, khí đốt,
khí tự nhiên hóa lỏng và than đá – chiếm 73% lượng xuất cảng của Nga sang Trung
Quốc. Những mặt hàng khác gồm kim loại, nông sản và gỗ. Đồng thời, Trung Quốc
xuất sang Nga hàng hóa trị giá $111 tỷ, chủ yếu là thiết bị công nghiệp (khoảng
23% kim ngạch xuất cảng), xe hơi (20%) và điện tử tiêu dùng (15%).
Quan trọng
hơn, hai nước – do thường xuyên bị Mỹ… “ăn hiếp” – nên thắt chặt đáng kể lĩnh vực
hợp tác an ninh và quân sự. Tháng Chín, 2022, bất chấp loạt vấn đề nghiêm trọng
ở tiền tuyến Ukraine, Nga vẫn tiến hành một cuộc tập trận chiến lược ở Viễn
Đông với sự góp mặt của 2,000 lính Trung Quốc. Vài tháng sau, Tháng Mười Hai, Hải
Quân Trung Quốc và Nga tổ chức tập trận ở Biển Hoa Đông. Năm 2023, Bắc Kinh và
Moscow tổ chức ba đợt tập trận Hải Quân, và vào năm 2022 và 2023, họ thực hiện
bốn cuộc tuần tra chung ở Châu Á với sự góp mặt của oanh tạc cơ trang bị vũ khí
nguyên tử.
Trong các
chuyến kinh lý tới Trung Quốc gần đây, bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính Mỹ,
và ông Antony Blinken đã nói thẳng với giới chức Trung Quốc về việc Bắc Kinh viện
trợ nhiều thứ “nhạy cảm” cho Nga, rằng Trung Quốc là “nhà cung cấp hàng đầu” về
thiết bị vi điện tử và các mặt hàng “công dụng kép” (ứng dụng dân sự lẫn quân sự).
Ngoại Trưởng Antony Blinken nói: “Nga sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc
xâm lược Ukraine nếu không có sự hỗ trợ Trung Quốc;” rằng trong năm qua, công
nghệ Trung Quốc đã cho phép Nga sản xuất vũ khí và đạn dược “với tốc độ nhanh
hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại của nước này, kể cả thời Chiến
Tranh Lạnh.”
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/05/GettyImages-2152662700-1536x1112.jpg
Chủ
Tịch Tập Cận Bình (phải, kèo) và Tổng Thống Putin, cuộc “hôn nhân vụ lợi.”
(Hình: Getty Images)
Dữ liệu do
tờ The Economist tổng hợp cho thấy xuất cảng chất bán dẫn của Trung Quốc sang
Nga trị giá $407 triệu vào năm 2023, tăng từ $230 triệu năm 2021. Doanh số bán
máy móc sản xuất chip của Trung Quốc sang Nga đã tăng ngoạn mục trong cùng kỳ,
từ chỉ $3.5 triệu lên gần $180 triệu.
Mỹ đang
tăng áp lực lên Trung Quốc để ngừng bán những thiết bị “nhạy cảm” cho Nga. Ngày
1 Tháng Năm, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào gần 300 thực thể nước
ngoài, trong đó có 20 công ty từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Bộ Tài Chính
Hoa Kỳ cáo buộc họ giúp Nga “có được những đầu vào quan trọng cho vũ khí hoặc sản
xuất liên quan đến quốc phòng.” Tháng Mười Hai, 2023, ông Joe Biden, tổng thống
Mỹ, đã cho phép Bộ Tài Chính Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những
ngân hàng nước ngoài liên quan việc giúp quân đội Nga. Một số ngân hàng quốc
doanh Trung Quốc đã trở nên thận trọng, tạm dừng hoặc làm chậm các giao dịch
dính dáng các thực thể Nga.
Vị thế Nga
trong cuộc trăng hoa với Trung Quốc thực chất rất bấp bênh và không cân bằng.
Cuộc chiến Ukraine đã phá vỡ sự bấp bênh đó. Mọi việc trở nên rõ ràng: Nga
không thể sống thiếu Trung Quốc. Giờ đây, khi bị trừng phạt kinh tế một cách
toàn diện, khi bị phần lớn cường quốc Tây phương đối xử ghẻ lạnh, Kremlin không
còn có thể duy trì mối quan hệ “sòng phẳng” và “ngang cơ” với Mỹ và các đồng
minh Hoa Kỳ ở Châu Âu và Châu Á. Bối cảnh hiện tại chỉ làm trầm trọng thêm sự bất
cân xứng đặc trưng trong quan hệ Trung-Nga.
Ngay cả
trước khi cần Bắc Kinh ủng hộ trong cuộc chiến Ukraine, Kremlin đã ở thế “kèo
dưới.” Khi đồng hành Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Mỹ, Nga
ngày càng ở thế yếu. Ông Putin có thể quỷ quyệt trong việc cai trị và xử lý nội
chính nhưng ông Tập cáo già hơn nhiều trên bàn cờ quốc tế. Trước khi xảy ra cuộc
chiến Ukraine, thậm chí một số ý kiến trong Kremlin đã kêu gọi nên thận trọng
và khuyên không nên mù quáng lao vào vòng tay Trung Quốc. Họ cảnh báo, trong sự
phân mảnh của trật tự toàn cầu dẫn đến sự nổi lên của Trung Quốc như một bá chủ
hùng mạnh nhất khu vực Á-Âu thì Nga – nếu không khéo – sẽ chỉ đóng vai trò chư
hầu của Bắc Kinh.
Dĩ nhiên
chư hầu của Trung Quốc không nhất thiết đồng nghĩa với sự phục tùng vô điều kiện.
Bắc Hàn, vốn phụ thuộc Trung Quốc trong hầu hết khía cạnh an ninh và kinh tế, vẫn
có một số “khoảng trống” nhất định khi “giao thiệp” với tên hàng xóm khổng lồ.
Bình Nhưỡng thậm chí không ít lần làm những chuyện khiến Bắc Kinh khó chịu. Nga
mạnh hơn nhiều so với Bắc Hàn. Cho dù cần sự hỗ trợ Trung Quốc mức nào đi nữa,
Nga không đơn giản trở thành kẻ hầu ngoan ngoãn của Trung Quốc.
Phần mình,
Trung Quốc cũng muốn kéo dài sự tồn tại của chế độ Putin – một con cờ quá hữu dụng
trong cuộc chiến với Tây phương. Hơn nữa, sự tồn tại của ông Putin cũng giúp
Trung Quốc cảm thấy an toàn: Nếu nước Nga được một nhà lãnh đạo cấp tiến thân
Tây phương cai trị thì hiệu ứng dân chủ từ Nga có thể lan sang Trung Quốc. Tại
cuộc gặp ở Moscow năm 2023, hai nhà lãnh đạo đã cam kết hợp tác chống lại “các
cuộc cách mạng màu.”
Dù vậy, thực
tế cho thấy Nga vẫn đang rất cần Trung Quốc. Với vị thế là nền kinh tế lớn hơn,
có công nghệ tiên tiến hơn, khéo léo duy trì mối quan hệ thực dụng với Tây
phương, Trung Quốc có khả năng thương lượng mạnh hơn và có nhiều lựa chọn hơn.
Muốn hay không, Nga cũng phải nhận thức thân phận hiện tại của họ. Xét về chiến
lược lâu dài, Trung Quốc cần Nga trong cuộc chiến địa chính trị cạnh tranh với
Mỹ nhưng xét về sự sống còn ngay thời điểm trước mắt, Nga cần Trung Quốc gấp vạn
lần.
Bình luận
về chuyến công du Bắc Kinh của ông Vladimir Putin ngày 16 Tháng Năm, ông Trần
Đinh Lập (Shen Dingli), một học giả về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải, nói rằng mối
quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga là xuất phát từ sự phụ thuộc mang tính
chiến lược nhưng ngắn hạn.
“Nó mang
tính biểu tượng, nhằm xoa dịu sự cô lập của Nga… Việc Trung Quốc mua tài nguyên
Nga chỉ là một hành động thể hiện sự cảm thông,” ông Trần nhận xét. Nói cách
khác, là do Tây phương nói vống lên chứ quan hệ Trung Quốc-Nga chẳng có gì bất
thường. Tuy nhiên, ông Trần Đinh Lập cùng lúc khéo léo nhắc để giới quan sát hiểu
hơn về cái thế của Nga: Tại lễ nhậm chức gần đây của ông Putin, không có bất kỳ
đại diện nào của Trung Quốc có mặt!
No comments:
Post a Comment