Wednesday, May 15, 2024

CHỦ TỊCH NƯỚC VÀ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI : QUYỀN HẠN TỚI ĐÂU VÀ AI SẼ LÀM GÌ? (BBC News Tiếng Việt)

 



Chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội: quyền hạn tới đâu và ai sẽ làm?

BBC News Tiếng Việt

15 tháng 5 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c8vzvpl6l7jo

 

Hai chiếc ghế trống – chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội – dự kiến sẽ có chủ nhân trong những ngày sắp tới. Vậy hai vị trí này có tầm quan trọng như thế nào? Và những ai sẽ ngồi vào hai chiếc ghế trống ấy?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/af4b/live/fc9b8fc0-127d-11ef-82e8-cd354766a224.png

 

 

Chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội là hai chức danh trong “Tứ Trụ”.

 

Nhiều người đánh giá rằng, so với hai chức danh còn lại trong “Tứ Trụ” – là tổng bí thư và thủ tướng – thì hai vị trí này có vẻ “không có nhiều thực quyền” bằng.

 

Tuy nhiên, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) cho rằng quyền lực “phụ thuộc vào từng cá nhân nhiều hơn là bản chất của những chức vụ này”.

 

Sau sự ra đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi tháng Ba và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào đầu tháng Năm thì hai chiếc ghế trong bộ tứ đỉnh cao này vẫn còn trống.

 

Theo Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 và Quy định số 214-QĐ/TW của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện không có quá nhiều sự lựa chọn cho vị trí chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội còn trống.

 

Nếu không xét các trường hợp ngoại lệ thì bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm có thể sẽ lần lượt là chủ tịch Quốc hội và chủ tịch nước hoặc ngược lại.

 

Cũng có thông tin rằng, trong bối cảnh Việt Nam cần lấp đầy hai vị trí "Tứ Trụ" nhanh nhất có thể để sớm ổn định tình hình nhân sự thượng tầng và gửi tín hiệu tích cực cho giới đầu tư, khả năng cao ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, sẽ được chọn cho vị trí chủ tịch Quốc hội. Còn vị trí chủ tịch nước sẽ do ông Tô Lâm nắm.

 

Sau sự ra đi của ông Huệ thì ông Mẫn đang được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

 

 

Chủ tịch nước có quyền gì?

 

Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch nước được quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013, bao gồm một vài điểm chính như sau:

 

·        Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh

·        Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ

·        Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh

·        Quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân

·        Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam

 

Bên cạnh đó, chủ tịch nước là người ký các quyết định đặc xá, ân xá cho tù nhân.

 

Tháng 8/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định: đặc xá cho 2.438 người; ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án.

 

Tháng 12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn xin ân giảm gửi chủ tịch nước.

 

Chủ tịch nước cũng là người thay mặt Việt Nam trong công tác đối nội và đối ngoại. Vị trí này chính thức được coi là nguyên thủ quốc gia, dù trên thực tế gần đây thì người đóng vai trò “nguyên thủ quốc gia” trong nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng, chẳng hạn như đối thoại và tiếp các nguyên thủ quốc gia nước ngoài, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

 

Nếu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước

 

Nếu ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước, “Tứ trụ” sẽ có hai người đi lên từ ngành công an, là ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.

 

Viết về khả năng này trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh), Tiến sĩ Bill Hayton đánh giá rằng Việt Nam sẽ càng tô đậm ấn tượng về một nhà nước “công an trị”.

 

Theo ông Hayton, điều này sẽ khiến các quốc gia dân chủ gặp khó khăn trong việc hợp tác với Việt Nam.

 

Ông Tô Lâm cũng từng có một số bê bối được quốc tế biết tới.

 

Tháng 7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” tại Berlin, Đức và bị đưa trở về Việt Nam.

Truyền thông Đức năm 2017 gọi vụ bắt giữ ông Thanh là “vụ bắt cóc ở Berlin” và đặt câu hỏi liệu Slovakia có đóng vai trò trung gian trong sự việc này.

 

Khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia đã trở nên căng thẳng.

 

Vào tháng 3/2017, ông Tô Lâm đã có chuyến thăm Slovakia và gặp Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico.

 

Nói về vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh, Bộ Nội vụ Slovakia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm vào tháng 3/2017 có thể đã bị “lợi dụng” cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.

 

Tới năm 2021, Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại dính vào một bê bối khác, sau khi video ông ăn bò dát vàng do đích thân đầu bếp nổi tiếng "Thánh rắc muối" Salt Bae phục vụ tại nhà hàng ở London (Anh) được đăng lên mạng xã hội.

 

Những điều trên có thể gây ra những bất lợi nhất định cho ông Tô Lâm trong công tác đối ngoại trên cương vị chủ tịch nước.

 

·        Ai có thể làm Bộ trưởng Công an nếu ông Tô Lâm nhận nhiệm vụ mới?

14 tháng 5 năm 2024

·        Trung ương Đảng sắp họp: bố trí nhân sự cho 'Tứ Trụ'?

13 tháng 5 năm 2024

·        Chính trị Việt Nam xáo động, tại sao Trung Quốc được nhắc tới?

12 tháng 5 năm 2024

 

Quay trở lại bối cảnh trong nước.

 

Tính đến nay, ông Tô Lâm đã giữ chức vụ Bộ trưởng Công an gần hai nhiệm kỳ và sẽ không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa, theo Khoản 1 Điều 41 Nghị định 138/2020.

 

Do đó, theo quy định, ông Tô Lâm sẽ phải về hưu vào năm 2026 nếu ông tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Công an từ nay cho đến thời điểm Đại hội 14.

 

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng cương vị chủ tịch nước sẽ giúp ông Tô Lâm có thể chuẩn bị tốt hơn cho chức tổng bí thư, từ đây cho tới Đại hội Đảng năm 2026.

 

Theo quy định, chỉ có các chức danh trong "Tứ Trụ" và thường trực Ban Bí thư mới được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị xem xét "trường hợp đặc biệt".

 

Xét các đời tổng bí thư từ sau Đổi mới tới nay, có thể thấy một thông lệ là các vị này đều đã nắm chức vụ trong "Tứ Trụ" hoặc là thường trực Ban Bí thư (trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Lê Khả Phiêu).

 

Việc ông Tô Lâm không phải là "Tứ Trụ" cũng như không là thường trực Ban Bí thư sẽ khiến việc ông trở thành tổng bí thư vào năm 2026 là một sự "vượt cấp", theo nhận định của một nhà quan sát giấu tên từ Hà Nội.

 

Do đó, dù không “mặn mà” với chức vụ chủ tịch nước, đây có lẽ là một trong ít cách để ông Tô Lâm tiếp tục duy trì sự hiện diện đỉnh cao trong chính trường Việt Nam.

 

Tuy nhiên, ông Tô Lâm sẽ mất đi quyền lực to lớn của một bộ trưởng Công an khi rời khỏi bộ này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8305/live/df4f1c90-1267-11ef-bee9-6125e244a4cd.png

Bốn chủ tịch nước gần đây nhất, từ trái qua lần lượt là các ông: Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng

 

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đánh giá rằng chiếc ghế chủ tịch nước có “dớp”.

 

Từ năm 2016 đến nay, chiếc ghế này đã có bốn người ngồi, gồm:

 

·        Ông Trần Đại Quang: từ tháng 1/2016 đến năm 9/2018 (khoảng 2 năm 8 tháng); ông Quan qua đời khi đang làm chủ tịch nước.

·        Ông Nguyễn Phú Trọng (kiêm nhiệm): từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2021 (khoảng 2 năm 3 tháng).

·        Ông Nguyễn Xuân Phúc: từ tháng 4/2021 đến năm 1/2023 (khoảng 1 năm 9 tháng); ông Phúc bị mất chức do liên quan đến sai phạm.

·        Ông Võ Văn Thưởng: từ tháng 3/2023 đến năm 3/2024 (khoảng 1 năm); ông Thưởng cũng bị mất chức tương tự ông Phúc.

 

Có thể thấy rằng trong thời gian tám năm, tức hơn 1,5 nhiệm kỳ, đã có tới bốn vị chủ tịch nước và thời hạn giữ chức thì ngày càng ngắn lại.

 

Trong số bốn người trên, chỉ có ông Trọng là rời chức vụ nói trên một cách nhẹ nhàng.

Ông Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018, chỉ hơn một năm sau khi ông bị nhiễm "virus hiếm và độc hại". Thời điểm qua đời, ông Quang vẫn đang tại chức chủ tịch nước.

 

Ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng đều mất chức với lý do “chịu trách nhiệm của người đứng đầu”.

 

 

Chủ tịch Quốc hội có quyền gì?

 

Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch Quốc hội được quy định tại Điều 72 Hiến pháp 2023 và nêu chi tiết tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, bao gồm một vài điểm chính như sau:

 

·        Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội

·        Ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội

·        Lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

·        Tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội

 

Tuy không thể nói rằng chức vụ chủ tịch Quốc hội là không quan trọng, chức vụ này cơ bản xoay quanh việc “chủ tọa”, “tổ chức” và “chứng thực” các hoạt động/nghị quyết của Quốc hội.

Khác với thủ tướng là thủ trưởng của các lãnh đạo bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch Quốc hội không phải là thủ trưởng của các đại biểu Quốc hội.

 

 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ac9a/live/3dfd5a00-1267-11ef-82e8-cd354766a224.jpg

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, Đại biểu Quốc hội khóa 15

 

Như đã nói ở trên, theo một số thông tin, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn có khả năng cao là sẽ tiếp quản vị trí chủ tịch Quốc hội.

 

Không có chủ tịch Quốc hội, “rất khó để đất nước vận hành khi mà luật và các quy định cần được thông qua”, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC vào ngày 26/4.

 

“Việc không có chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một tín hiệu rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài,” ông nói thêm.

 

Điều này có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam cần việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo, cụ thể ở đây là chức chủ tịch Quốc hội.

 

Xét trong bối cảnh nhân sự hiện tại cũng như đặc thù công tác lâu nay, ông Trần Thanh Mẫn đang nổi lên thành ứng viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch Quốc hội.

 

Do chưa tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ, nếu được kế nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn sẽ là một “trường hợp đặc biệt”.

 

Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 10; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14 và 15.

 

Từ năm 2011-2015, ông Trần Thanh Mẫn làm bí thư Thành ủy Cần Thơ, trước khi giữ cương vị phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Ông được bầu làm phó chủ tịch thường trực Quốc hội vào ngày 1/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.

 

Tháng 7/2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15, ông tiếp tục được bầu giữ chức phó chủ tịch Quốc hội và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch thường trực Quốc hội khóa 15.

 

Tháng 1/2021, tại Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Mẫn được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng khóa 13, ông được bầu vào Bộ Chính trị.

 

Đầu tháng 5/2024, ông được phân công điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm.

 

Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nếu ông Mẫn làm chủ tịch Quốc hội thì đây được coi là giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.

 

Về vùng miền, ông Mẫn là một trong hai ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi từ miền Nam.

Người còn lại là Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhưng ông Nên không phải là đại biểu Quốc hội nên không thể làm chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội, theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

 

Nếu ông Mẫn lên làm Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội Việt Nam cần bầu thêm phó chủ tịch Quốc hội.

 

-----------------

Tin liên quan

·         

Đảng Cộng sản Việt Nam: công tác nhân sự thất bại?

7 tháng 5 năm 2024

·         

Ông Lê Thanh Hải: Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật, tiếp theo là gì?

14 tháng 5 năm 2024

·         

Vụ ông Vương Đình Huệ từ chức dưới góc nhìn quốc tế

28 tháng 4 năm 2024

·         

Ông Trần Thanh Mẫn, người được phân công điều hành Quốc hội, là ai?

2 tháng 5 năm 2024

·         

Cây xanh Công Minh bị điều tra, hé lộ vụ án 'đặc biệt nghiêm trọng'?

8 tháng 5 năm 2024

·         

Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình là ai mà bị bắt trước phiên điều trần của Mỹ với Việt Nam?

9 tháng 5 năm 2024

 





No comments: