TT
Trump nói gì về bỏ phiếu qua thư?
30/09/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/09/tt-trump-noi-gi-ve-bo-phieu-qua-thu/
Tổng thống Mỹ Donald
Trump đã phát động một cuộc khẩu chiến chống bỏ phiếu qua thư (vote-by-mail)
trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Ông liên tục chỉ trích hình thức
này từ đầu năm đến nay, bất chấp nhiều nỗ lực kiểm chứng của báo chí Mỹ, và việc chính ông cũng bỏ phiếu qua thư.
Trong một cuộc họp báo tại
Nhà Trắng, Tổng thống (TT) Trump từ chối khẳng định rằng ông sẽ chuyển giao quyền lực một
cách ôn hòa nếu ông thua trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông ám chỉ đến hình thức bỏ
phiếu qua thư, cho rằng đó là lý do sẽ khiến cho kết quả bầu cử không đáng tin
cậy.
Dưới đây là tổng hợp những
cáo buộc của ông Trump về hình thức bỏ phiếu qua thư và những dữ kiện kiểm chứng.
“Bỏ phiếu qua
thư sẽ dẫn đến một vụ gian lận khổng lồ“
Bối cảnh: TT Trump đăng trên Twitter ngày 26/5/2020.
Kiểm chứng: Sai. Twitter cũng đã dán nhãn lưu ý đặc biệt cho bài đăng này.
Bỏ phiếu qua thư đã xuất
hiện từ thời nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865) và vẫn đang diễn ra ở hầu hết 50
bang. Không có bằng chứng nào cho thấy hình thức này tồn tại gian lận quy mô lớn.
Trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 mà Trump thắng cử, gần
¼ số cử tri (33 triệu người) bỏ phiếu qua thư. Năm 2018, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, số
lượng người bỏ phiếu qua thư là hơn 31
triệu người, chiếm 25,8% toàn bộ cử tri.
Báo cáo của Trung tâm
Công lý Brennan (trực thuộc Khoa Luật – Đại học New York) có tên “Sự thật về
Gian lận Bầu cử” năm 2017 cho hay tỷ lệ gian lận bầu cử ở Mỹ rất thấp. Trong một
nghiên cứu kỹ lưỡng có tên “Sự thật về gian lận bầu cử”, trung tâm này phát hiện tỷ
lệ xảy ra gian lận phiếu bầu ở Mỹ (cả vô ý và cố ý) chỉ là từ 0,0003%
đến 0,0025%.
Họ cũng dẫn số liệu từ National
Vote at Home Coalition (Liên minh Bỏ phiếu từ nhà), theo đó, từ năm
2000, bang Oregon đã gửi đi hơn 100 triệu phiếu bầu qua thư và chỉ phát hiện
khoảng một chục vụ gian lận. Tỷ lệ gian lận như vậy là 0.00001%.
Khả năng một người bị sét đánh còn cao hơn khả năng ai đó bị giả mạo khi
bầu cử qua thư, trung tâm Brennan đánh giá.
Nếu bạn nghi ngờ trung
tâm Brennan vì họ theo xu hướng thiên tả thì Heritage Foundation, một tổ chức hữu
khuynh, cũng có lưu cơ sở dữ
liệu của các vụ gian lận bỏ phiếu tại Mỹ.
Theo đó, trong vòng 20
năm từ năm 2000, Mỹ chỉ phát hiện 1.296 vụ gian lận bỏ phiếu. Trong số này, có
204 vụ là bỏ phiếu vắng mặt (qua thư). Trong 204 vụ này, có 143 trường hợp bị kết
tội (cố tình lừa đảo, gian lận). Tức là tính trung bình chỉ có 7 đến 8 vụ cố
tình gian lận bỏ phiếu qua thư trên toàn nước Mỹ một năm. Đó là một tỉ lệ quá
nhỏ so với lo ngại gian lận “khổng lồ”.
“Các
hòm thư sẽ bị cướp, lá phiếu sẽ bị giả mạo, in lậu và ký lậu“
Bối cảnh: Cùng trong bài đăng trên Twitter ngày 26/5.
Kiểm chứng: Ở những bang có hệ thống bỏ phiếu qua thư hoàn thiện, rất khó có thể cướp
hòm thư hay giả mạo lá phiếu.
Một cuộc điều tra về
gian lận bầu cử từ năm 2000 đến 2012 phát hiện trong số hàng tỷ phiếu gửi tới
khu vực bầu cử, chỉ có 491 phiếu bầu qua thư là giả mạo.
Bỏ phiếu qua thư khó bị
gian lận là nhờ một hệ thống chống giả mạo. Đầu tiên là danh sách bỏ phiếu. Để
nhận được phong bì có phiếu bầu, bạn phải đăng ký tư cách cử tri, bao gồm chữ
ký và các thông tin cá nhân. Chữ ký này sẽ được dùng để so với chữ ký mà bạn ký
lại trên bì thư khi gửi phiếu.
Hầu hết các bì thư chứa
phiếu đều có mã vạch để nhân viên bầu cử, bưu điện và cử tri đều có thể theo
dõi hành trình vận chuyển. Mỗi mã được tạo riêng cho một cử tri, nên khó có
chuyện lá phiếu bị trùng lặp.
Ngoài ra, các bang còn áp
dụng các điểm trả phiếu và hòm trả phiếu, nhằm tránh việc hòm thư bị cướp khi cử
tri ra khỏi nhà. Một khảo sát của Đại học Harvard năm 2016 cho thấy 73% cử
tri ở Colorado, 59% ở Oregon và 65% ở Washington không gửi lại phiếu bầu qua
hòm thư trước nhà, mà đến thẳng các điểm trả phiếu để gửi phiếu bầu. Ở các hòm
trả phiếu gắn trước cơ quan chính phủ, nếu không có người quản lý thì cũng sẽ
có hệ thống camera an ninh giám sát.
Thêm nữa, luật Mỹ phạt rất
nặng tội cố tình gian lận khi bỏ phiếu qua thư. Người vi phạm có thể bị phạt
10.000 USD và chịu án tù tối đa 5 năm. Công đoạn kiểm tra sau bầu cử ở một số
bang cũng giúp giảm thiểu nguy cơ gian lận. Chẳng hạn việc kiểm tra tại quận 9
bang Carolina năm 2019 đã giúp phát
hiện nghi vấn “thu hoạch phiếu bầu” của thành viên Đảng Cộng hòa, khiến
quận này quyết định tổ chức bỏ phiếu lại.
“Nước ngoài dễ
dàng can thiệp vào bỏ phiếu qua thư”
Bối cảnh: Hôm 22/6, Trump tweet: “Bầu cử gian lận 2020: Nước ngoài sẽ in hàng triệu
phiếu qua thư. Nó sẽ là vụ bê bối của thời đại chúng ta.”
Kiểm chứng: Bỏ phiếu qua thư không phải là hình thức có rủi ro nước ngoài can thiệp
bầu cử lớn nhất.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/09/90-1024x682.jpeg
Các phiếu bầu qua
thư tại trung tâm bầu cử King County, thành phố Renton, bang Washington. Ảnh:
AP Photo.
Nếu muốn can
thiệp vào bầu cử Mỹ qua việc bỏ phiếu qua thư, người ta sẽ phải mua
chuộc hàng ngàn người Mỹ ở các bang chiến địa. Những người này phải sẵn sàng
thông đồng với chính phủ nước ngoài và chịu rủi ro bị phát hiện và ngồi tù tới 5 năm.
Khả năng kịch bản này xảy
ra thậm chí thấp hơn việc máy bỏ phiếu bị hack.
Trong số những cách mà nước
ngoài có thể gây ảnh hưởng đến bầu cử theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI)
không có bỏ phiếu qua thư. Các chiến thuật ảnh hưởng thường thấy là lập chiến dịch
truyền thông xã hội; tấn công mạng vào dữ liệu đăng ký cử tri để loại bỏ các
nhóm cử tri ra khỏi danh sách phát phiếu bầu.
Hệ thống kiểm soát an
ninh ở các bang có truyền thống bỏ phiếu qua thư rất chặt chẽ. Phiếu bầu qua
thư được in trên giấy đặc biệt, được định dạng riêng cho từng khu vực bầu cử và
sẽ bị loại ngay nếu mọi tiêu chí trên phiếu không chuẩn.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ
năm nay, hơn 500.000 phiếu qua thư đã bị loại bỏ ở 23 bang vì không đủ tiêu chuẩn.
Các lý do bao gồm: gửi trễ, điền thông tin sơ suất v.v…
Giới chức tình báo cho
hay không có bằng chứng nào của việc có bất kỳ nhân tố nước ngoài nào
đang cố gắng gây ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu qua thư. Giám đốc FBI cũng vừa tái khẳng định điều này ngày 24/9.
“Nếu bỏ phiếu
qua thư, hàng tháng, hàng năm sau cũng không biết ai thắng cử“
Bối cảnh: TT Trump phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 16/8.
Kiểm chứng: Không có căn cứ.
Mặc dù đúng là với số lượng
phiếu bỏ qua thư tăng cao đột xuất, một số quan chức bầu cử đã cảnh báo sẽ mất
nhiều thời gian kiểm phiếu hơn, và kết quả bầu cử có thể không xác định được
ngay trong đêm 3/11. Tuy nhiên, theo luật thì kết quả bầu cử phải được thông
báo vào tháng 12.
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội có quyền đặt
ngày mà các đại cử tri của từng bang phải bỏ phiếu cử tri đoàn của
mình. Hiện Quốc hội đặt ngày này vào thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư thứ hai
trong tháng 12, tức là ngày 14/12 năm nay. Năm nay, ngày bầu cử sẽ vào 3/11,
nghĩa là các bang có tối đa 5 tuần để xử lý kết quả bỏ phiếu cuối cùng, cho dù
đã đếm hết phiếu hay không.
Ví dụ nổi bật nhất cho thấy
nước Mỹ có cơ chế đảm bảo có kết quả bầu cử đúng hạn là cuộc bầu cử tổng thống
năm 2000. Do hỗn
loạn trong thông báo kết quả bỏ phiếu tại bang Florida trong đêm bầu cử
gây ra tranh cãi và kiện tụng, cả hai đảng liên tục đòi tái kiểm phiếu và kiểm
toán. Cuối cùng, vào ngày 12/12/2000, Tòa án Tối cao ra phán quyết cho George
W. Bush thắng ở bang Florida với chênh lệch chỉ 537 phiếu. Quyết định này chấm
dứt việc tái kiểm phiếu của bang Florida sau 5 tuần căng thẳng và giúp Bush trở
thành tổng thống thứ 43 của nước Mỹ.
“Bỏ phiếu qua
thư chỉ có lợi cho Đảng Dân chủ”
Bối cảnh: Trong cuộc phỏng vấn với Fox & Friends vào tháng Ba, ông
Trump ám
chỉ rằng nếu Mỹ chuyển sang bỏ phiếu qua thư, “bạn sẽ không thấy một
thành viên Đảng Cộng hòa nào đắc cử nữa”.
Kiểm chứng: Sai
Bỏ phiếu qua thư có thể
làm tăng số lượng người bỏ phiếu, và người ta thường cho rằng như thế thì có lợi
cho Đảng Dân chủ bởi số người da màu, thanh niên, người lao động tham gia sẽ
tăng lên.
Tuy nhiên, không hề có bằng
chứng nào cho thấy việc gia tăng này chỉ có lợi cho Đảng Dân chủ. Năm 2016, ông
Trump thắng ở bang Utah, nơi phần lớn các quận hạt bỏ phiếu qua thư.
Việc tăng số phiếu nhờ bỏ
phiếu qua thư tại Florida còn
có lợi cho Đảng Cộng hòa.
Chính ông Trump
cũng thúc
giục cử tri bỏ phiếu ở Florida bằng mọi biện pháp, bao gồm qua thư vào
hôm 4/8. Ông nhấn mạnh rằng hệ thống bầu cử của bang do Đảng Cộng hòa quản lý
là “an toàn, được bảo đảm, đã qua thử nghiệm và chuẩn xác”.
Darrell M. West, giám đốc
của Viện Nghiên cứu Quản lý tại Brookings Institution nhận
xét rằng việc bỏ phiếu ở Florida chẳng khác gì các bang khác, và “cũng
không an toàn hơn ở nơi khác”.
“Nếu Trump thích bỏ phiếu
qua thư ở Florida, ông ta nên thích nó ở bất cứ đâu”, ông West nói.
No comments:
Post a Comment