Nhân vụ Đại học Tôn Đức Thắng, nói thêm về giáo dục Việt Nam
28/09/20
NỘI DUNG :
Một thứ tư duy cần đục bỏ
Viết từ Sài Gòn, RFA, 28/09/2020
.
Luật đảng là "bố tướng" – Luật nước để
"lót nồi"
Hoàng Trung, Thoibao.de, 28/09/2020
.
Đến lúc nào "Cơ quan chủ quản" trong giáo
dục đại học chịu "hoàn thành sứ mệnh lịch sử"
Mai Lan, VNTB, 28/09/2020
.
Nguyễn Phú Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam "thất
bại" – Nhân tài bỏ nước ra đi
Thu Thủy, Thoibao.de, 28/09/2020
.
*********************
Thứ Hai, 09/28/2020 -
11:55 — VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/6504
Đất nước tiến bộ là nhờ
vào nền giáo dục dẫn đường chứ không bao giờ có qui trình ngược lại. Mà nhắc tới
giáo dục, yếu tố nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh phải đặt làm nền tảng. Trên nền
tảng nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh, mọi cây trái tri thức sẽ đâm chồi nảy lộc.
Một khi cái nền nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh không vững, độc hại và xám xịt
thì khó mà có cây xanh trái ngọt của tri thức. Điều này như một qui luật bất di
bất dịch trong phát triển loài người. Rất tiếc, hiện tại, nhìn theo góc nào
cũng thấy Việt Nam có nền giáo dục quá tuột hậu so với chính Việt Nam.
Nói Việt Nam có nền giáo
dục tuột hậu so với phương Tây, Mỹ hoặc các quốc gia tiên tiến là chuyện đương
nhiên và khó bàn khó nói hơn bởi khác nhau về hệ qui chiếu. Nhưng nói giáo dục Việt
Nam tuột hậu so với chính Việt Nam là chuyện cần phải nói ngay bây giờ vì nó có
quá nhiều vấn đề để bàn, từ khía cạnh lịch sử đến đạo đức, xã hội học và đặc biệt
là chính trị và văn hóa.
Bởi, điều đáng sợ nhất
đang xảy ra, nhu cầu tri thức của người dân đã phát triển rất nhanh nhưng nền
giáo dục đang đi rất chậm, thậm chí giáo dục đang đóng vai trò hòn đá tảng trì
kéo con tàu Việt Nam chạy chậm lại.
Ở khía cạnh lịch sử, vấn
đề giấu nhẹm những diễn biến lịch sử và biến bộ môn khoa học lịch sử trở thành
một thứ tuyên truyền giáo điều đã vô hình trung đẩy nhiều thế hệ học sinh rơi
vào tình trạng mù lịch sử. Một dân tộc mù lịch sử thì tương lai của nó sẽ ra
sao, khi mà thế giới phẵng đang chi phối mọi thứ, mọi mối quan hệ không còn bị
giới hạn trong cương vực quốc gia mà nó lan tỏa trên khắp mặt địa cầu, thậm chí
tầm nhìn con người có thể phóng vào cả vũ trụ? Trong khi đó, có một dân tộc, quốc
gia mà ở đó, con người biết về quá khứ, biết về tổ tông và biết về sử lịch của
chính bản thân mình một cách què quặt, phiến diện, thậm chí biết ít hơn một người
bên ngoài quốc gia?
Ở khía cạnh đạo đức, dường
như câu cửa miệng “học tập noi gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã ăn lặm vào nền
giáo dục, đến bây giờ thì không riêng gì nền giáo dục mà mọi lĩnh vực đều trưng
câu này ra làm bình phong, làm bùa hộ mệnh. Kết quả của mấy mươi năm học tập đạo
đức Hồ Chí Minh, các con cháu của ông, cụ thể là các đảng viên Cộng sản ra sao?
Đạo đức của họ dừng ở tầm mức nào? Và cho đến hôm nay, luận điệu thù hận Mỹ -
Ngụy vẫn còn đầy rẫy trong các trường học, trong các sách sử của bộ giáo dục,
trong khi đó, kẻ xâm lược Việt Nam một cách tàn bạo và gian ác, ranh ma thì
chưa bao giờ được nhắc tới. Hơn nữa, nếu nói đến đạo đức giáo dục, thì phải nhắc
tới đạo đức của người đứng đầu ngành, Bộ trưởng giáo dục Việt Nam hiện nay có đủ
tư cách đạo đức của một con người bình thường hay chưa? Đủ để làm tấm gương cho
ngành giáo dục chưa?
Về khía cạnh xã hội học,
một khi nhu cầu tri thức của xã hội không được khảo sát, các phản ứng từ cha mẹ
học sinh không được tôn trọng, từ việc nâng giá sách quá cao, không sát thực tế
và trái với đạo đức. Cung cách phát hành sách không mang dáng dấp của nền giáo
dục mà lại mang không khí của chợ đen, của kẻ chợ. Đây là vấn đề gây hiệu ứng cực
kỳ xấu về mặt xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu tri thức của xã hội cũng đa chiều,
không còn lệ thuộc như trước đây, hầu hết cha mẹ học sinh bây giờ là thế hệ có
chữ, chí ít cũng được xóa mù chữ, và tú tài, cử nhân, thậm chí trên đại học
không phải là ít. Hơn nữa, họ là thế hệ của các cư dân mạng, tầm nhìn, tầm nhận
thức của họ về xã hội không còn bị giới hạn trong cái vũng của đài tuyền hình
và đài tiếng nói Việt Nam như trước đây. Họ cũng không phải là thế hệ phụ thuộc,
thụ động và không coi trọng tương lai con cái. Chính vì coi trọng tương lai con
cái, xem con cái là lẽ sống nên việc đầu tư giáo dục cho con cái được đặt lên
hàng đầu. Tìm tòi, nghiên cứu, phân tích về giáo dục đối với các bậc cha mẹ bây
giờ đóng phần chính yếu của cuộc sống.
Thế nhưng tiếng nói của
cha mẹ học sinh về vấn đề giáo dục lại bị giới chức, chuyên gia giáo dục nhà nước
bỏ qua, thậm chí có “chuyên gia giáo dục” cho rằng cha mẹ học sinh là lực cản của
giáo dục. Đương nhiên vẫn có những luồng ý kiến của phụ huynh không liên quan đến
vấn đề dạy và học, thậm chí không liên quan đến câu chuyện giáo dục nhưng gây ảnh
hưởng không nhỏ cho vấn đề giáo dục. Nhưng đây chỉ là thiểu số, còn lại, các luồng
ý kiến đóng góp có lợi cho tương lai giáo dục không nhỏ, thậm chí bao quát
nhưng đều bị bỏ qua và mọi chuyện vẫn đâu vào đó. Nhu cầu xã hội như thế nào
thì mặc, bộ giáo dục cứ làm chuyện họ thích, họ muốn và có lợi cho họ. Và kết
quả như thế nào, chắc cũng không cần bàn thêm!
Lại nói đến vấn đề chính
trị, đương nhiên nền giáo dục nào cũng có yếu tố chính trị lồng ghép, nhưng mức
độ lồng ghép sâu chừng nào, mật độ dày thưa thì tùy thuộc vào phẩm cách chính
trị của từng quốc gia và thể chế. Với Việt Nam, không còn dừng ở mức độ lồng
ghép chính trị với giáo dục mà giáo dục là chính trị và chính trị là giáo dục.
Nền giáo dục sẽ bị chính trị làm cho dập nát nếu không cõng trên lưng nó nền
chính trị. Bởi ngay từ đầu, nền giáo dục được sắm ra để phục vụ chính trị. Và hệ
quả của chuyện này là mọi ngóc ngách giáo dục đều có tính giáo điều và không được
phép vượt thoát khuôn khổ xã hội chủ nghĩa cũng như không được phép bước ra khỏi
vòng giới hạn của tuyên truyền Cộng sản.
Cái giá của việc này là
các nhà lãnh đạo giáo dục sẽ được lựa chọn, “đề cử” trên chất lượng đảng chứ
không dựa trên chất lượng tri thức, bệ phóng của giáo dục đứng trên nền đất Cộng
sản chứ không phải đứng trên nền đất khoa học, mọi tiêu chí, tiêu chuẩn giáo dục,
từ lãnh đạo cho đến nhân viên, giáo viên, từ hình thức cho đến nội dung đều phải
dựa trên tính đảng, căn cứ vào tính đảng để quyết định nó được hoạt động thông
suốt hay phải chấm dứt, được tạo lực đẩy mạnh hay yếu, được nâng cánh tới đâu…
Và với kiểu tư duy về
giáo dục như thế này, người ta cũng sẵn sàng mạnh miệng nói rằng giáo dục Việt
Nam hiện tại là một nền giáo dục có triết lý giáo dục (manh nha của vấn đề này,
dễ thấy nhất là người ta đang chuẩn bị hình thành nền triết học xã hội chủ
nghĩa!), một loại triết lý Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Không có gì đáng sợ và khủng
khiếp hơn nếu điều này xảy ra. Nhưng chắc chắn nó sẽ xảy ra, vì vấn đề được quyết
định bởi hệ thống chính trị có tính sinh sát đối với giáo dục.
Nhưng, điều thật sự cần
thiết cho một nền giáo dục Việt Nam trong tương lai là là một bệ phóng tri thức,
ở đó các nhà khoa học sẽ ký thác ước mơ vào giáo dục và các nhà chính trị sẽ học
hỏi, tìm ra một mô hình chính trị tốt cho dân tộc, thậm chí cho thế giới một
khi thế giới đang dần rơi vào khủng hoảng. Rất tiếc, muốn làm được điều này, phải
đục bỏ đi thứ tư duy lạc hậu đã ăn thành nếp trong não trạng các nhà lãnh đạo
giáo dục và nó trở thành bóng ma phủ lên tương lai dân tộc. Phải đục bỏ nó đi,
một khối u quá khủng khiếp có tên giáo dục xã hội chủ nghĩa!
*****
Luật
đảng là “bố tướng” – Luật nước để “lót nồi”
Hoàng Trung – Thời
Báo.de (tổng hợp)
28/09/2020
https://thoibao.de/blog/2020/09/28/luat-dang-la-bo-tuong-luat-nuoc-de-lot-noi/
VIDEO
: :
Luật đảng là
“bố tướng” – Luật nước để “lót nồi”
Vụ
cách chức ông Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng đang đặt ra cho dư luận
nhiều dấu hỏi về những lý do thật sự ẩn dấu đằng sau quyết định kỷ luật Đảng rồi
tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đối với Tiến sỹ Lê Vinh Danh.
Dư luận cho rằng Luật Đảng đang khống chế các định
chế Pháp luật khác, họ dùng lý do rất mơ hồ để tước quyền Hiệu trưởng của một trường
Đại học đang có những hoạt động phát triển rất tích cực trong hệ thống giáo dục
Đại học Việt nam.
Ngày 25-8, cùng với QĐ tạm
đình chỉ chức vụ bí thư Đảng ủy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố
quyết định đình chỉ chức vụ hiệu trưởng 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh hiệu
trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Có lẽ ít người biết rằng
hầu hết 99% Hiệu trưởng các trường đại học đều là Đảng viên kiêm bí thư Đảng ủy
mặc dù không có qui định Pháp luật nào thể hiện điều này. Chính vì thế mà một
khi bị cách chức bí thư Đảng cũng xem như là mất chức hiệu trưởng.
TS Lê Vinh Danh được xem
là người có công rất lớn đem đến cho ĐH Tôn Đức Thắng những thành tựu đáng tự
hào, có thời điểm trường lọt vào Top 2 ĐH tốt nhất Việt Nam và Top 250 ĐH phát
triển bền vững nhất thế giới. Năm 2017 thủ tướng Canada Justin Trudeau từng đến
thăm và tọa đàm với giảng viên, sinh viên của trường.
Đại học Tôn Đức Thắng hiện
có gần 24 ngàn sinh viên theo học với 1400 giảng viên và viên chức phục vụ, khởi
đầu là một trường Đại học dân lập từ năm 1997, chuyển sang Đại học
Đại học Tôn Đức Thắng hiện
được xếp vị trí số 1 Việt Nam và thuộc Top 800 đại học tốt nhất thế giới, theo
Bảng xếp hạng đại học thế giới (ARWU).
https://thoibao.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-27_043112-768x432.jpg
Ảnh 1: Đại học Tôn
Đức Thắng được nhiều tổ chức Quốc tế đánh giá là Đại học số 1 Việt nam và nằm
trong top 1000 trường Đại học có chất lượng tốt nhất thế giới
Mạng xã hội tuần qua bức xúc phản đối cách hành xử
ngang ngược của Tổng liên đoàn Lao động Việt nam đối với Đại học Tôn Đức Thắng.
“Thành uỷ TP.HCM và Tổng
liên đoàn Lao động Việt Nam muốn phá nát trường Đại học Tôn Đức Thắng hay sao?”
Nhà báo Bạch Hoàn đưa ra nhận định trên Facebook cá nhân với hơn 200 ngàn người
theo dõi.
Ý đồ xấu xa cúa Tổng Liên
đoàn lao động Việt nam nhằm đòn tấn công vào TS Lê Vinh Danh cũng được nhà báo
Bạch Hoàn tiết lộ.
“Đây là trường đại học
hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất trong hệ thống giáo dục công có thể bắt
nhịp theo xu hướng giáo dục quốc tế.
Tổng Liên đoàn Lao động từng đòi hỏi chia chác tiền
bạc, không ăn được nên muốn đạp đổ? Họ biết cái gì về giáo dục và đã làm được
cái gì cho trường mà thò bàn tay lông lá của mình vào, khua khoắng, đảo lộn một
trường đại học tốt như Tôn Đức Thắng?
Hãy buông tha cho một ngôi trường dù thuộc hệ thống
công lập nhưng chưa bao giờ xài một xu tiền ngân sách. Đừng giành giật, kiếm ăn
để rồi làm tan nát một hy vọng cho tương lai.
“Khi trường học phát
triển, mọi thứ khác sẽ phát triển theo“. Mục sư người Mỹ Martin Luther King
đã nói điều đó và website của trường Đại học Tôn Đức Thắng trích dẫn lại. Khi đọc
điều này, tôi nhìn thấy ước mơ và khát vọng thay đổi từ giáo dục của những người
làm giáo dục ở trường Tôn Đức Thắng.
Đây là ngôi trường được xếp
hạng tốt nhất Việt Nam, đứng trong top 800 trường đại học tốt nhất thế giới.
Chiến lược phát triển của trường Tôn Đức Thắng có thể coi là hướng đi, là hy vọng
về tương lai giáo dục đại học Việt Nam.
https://thoibao.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-27_043205-768x432.jpg
Ảnh 2: Ông Trần
Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam trong buổi họp báo ngày
22-9, nói ông Lê Vinh Danh không chấp hành các chỉ đạo của Đảng, đối với việc
thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường và hiệu quả công tác xây dựng Đảng, làm
giảm sút sức chiến đấu của cấp ủy…vv..
Thế nhưng, nó đang có nguy cơ bị bóp chết bởi quyền
lực chủ quản và truyền thông bẩn.
Nói vắn tắt lại là, trường
Tôn Đức Thắng ban đầu là trường dân lập, sau chuyển sang bán công, rồi lại bị
đưa về công lập, giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đứng tên cơ quan chủ
quản. Dù là cơ quan chủ quản nhưng Tổng liên đoàn không có đóng góp nào cho sự
phát triển của trường Tôn Đức Thắng. Bởi trường hoạt động tự chủ hoàn toàn,
không xài dù chỉ là một xu ngân sách, tự quản trị, vận hành, tự đầu tư phát triển,
tự chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên…
Chủ quản hờ nhưng lợi ích
lại muốn thật. Tổng liên đoàn nhiều lần đòi hỏi trường Tôn Đức Thắng phải nộp về
Tổng liên đoàn 30% thặng dư tài chính. Hiểu nôm na là trường tự thu tự chi, tự
tuyển sinh, giảng dạy, mua sắm đầu tư, nộp thuế… còn dư 10 đồng thì phải dâng
lên Tổng liên đoàn 3 đồng.
Thầy hiệu trưởng trường –
ông Lê Vinh Danh là kẻ sĩ. Ông không quỳ gối và thực hiện những việc mất tự trọng,
vô liêm sỉ như thoả hiệp để yên thân, giữ ghế, hòng duy trì quyền và tiền, mà
trái lại, ông chống đòi hỏi “thu tô” của Tổng liên đoàn.
Lập tức, hàng loạt cuộc
thanh tra, kiểm tra ập đến, thọc vào hoạt động của trường, làm rối tung một môi
trường giáo dục đang trên đà bơi khỏi ao làng và bước ra thế giới.
Hậu quả là, dù là trường
không tiêu xài ngân sách, lại được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm hoạt động
theo hình thức tự chủ tài chính, đầu tư, quản trị… nhưng trường và thầy hiệu
trưởng vẫn bị xử lý về mặt Đảng, với những lý do mơ hồ, ép vào những quy định của
trường đại học tiêu xài cả núi ngân sách.
https://thoibao.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-27_043223-768x431.jpg
Ảnh 3: một Đại hội
Công đoàn hàng năm do Tổng Liên đoàn lao động Việt nam tổ chức. Giới quan sát cho
rằng Tổng liên đoàn lao động Việt nam bấy lâu nay không giúp ích gì được cho
Công nhân và người lao động Việt nam trong những bất công và nỗi khốn khó của họ
ngoại trừ việc nắm giữ toàn bộ quỹ công đoàn tích lũy đến 29 ngàn tỷ đem gửi
ngân hàng lấy lãi, mới đây đang bị báo chí chất vấn rằng tại sao không sử dụng
gì giúp ích cho giới công nhân
Kỉ luật, cách chức về mặt Đảng, đình chỉ chức vụ về
mặt chính quyền, tức đình chỉ chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh – người
dẫn đường và là linh hồn của sự thành công ở Tôn Đức Thắng – được thực hiện gấp
rút đến mức bất chấp cả quy định pháp luật.
Không có thẩm quyền đình
chỉ hiệu trưởng nhưng Tổng liên đoàn vẫn ra tay đình chỉ 90 ngày, khiến trường
rơi vào cảnh khốn đốn, hình ảnh đẹp đẽ của trường bị bôi bẩn.
Và đó là lý do dư luận đã
bỏ rơi Tôn Đức Thắng như thể đây là chuyện cá biệt, là sự tranh giành quyền lực,
lợi ích của phe này nhóm kia.
“Ý thức mở mang đầu óc
là khởi nguồn của khoa học. Tuy nhiên, khoa học cần tinh thần lẫn thói quen tự
do trong suy nghĩ và phản biện để hình thành, vì không có 2 điểu này, sẽ không
có sự thật. Sự thật không những là mục tiêu mà còn là cảm hứng của khoa học.
Không có thói quen tự do trong suy nghĩ và phản biện, không tồn tại sự hoài
nghi và khai sáng; mà không có sự khai sáng, không thể có môi trường Đại Học.
Biểu tượng tự do, do đó, thể hiện ước mơ và bản chất vốn có mà môi trường Đại học
phải xây dựng.” Đó là phát biểu của TS Lê Vinh Danh về giá trị của sự thật
tự do trong khoa học.
“Tư duy như ông Danh,
nền giáo dục này được mấy người?
Đúng là xã hội này, giỏi là một cái tội, không tham
nhũng, lãng phí, tư lợi cũng là một cái tội. Nhưng, tội lớn hơn chính là dám cả
gan làm người, dám có lý tưởng, có ước mơ và khát vọng.” Nhà báo Bạch Hoàn nêu nhận định.
Lý giải về Quyết định ký
luật về mặt đảng đối với ông Lê Vinh Danh, nhà báo Bạch Hoàn cho biết:
“Ai là người kỉ luật
ông Lê Vinh Danh, người có công lớn nhất trong việc xây dựng được một trường
giáo dục đứng thứ 701 trong top 800 trường đại học tốt nhất thế giới – trường Đại
học Tôn Đức Thắng?
https://thoibao.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-27_043240-768x432.jpg
Ảnh 4: Hiệu trưởng
trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tiến sỹ Lê Vinh Danh, sinh năm 1963, từng học Đại
học Chulalongkorn, Bangkok, Thailand và Tu nghiệp sau tiến sĩ trong Chương
trình học giả Fulbright, tại Hoa kỳ
Đó là lãnh đạo các trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại
học Sư phạm kĩ thuật TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sài Gòn…
Lãnh đạo các trường này ngồi trong Uỷ ban kiểm tra đảng
uỷ khối đại học, cao đẳng TP.HCM.
Uỷ ban này là cơ quan ra quyết định kỉ luật cách hết
chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh, dẫn đến nguy cơ ông Danh có thể bị
đá văng ra khỏi trường Tôn Đức Thắng, nơi ông đang làm rất tốt công việc của một
trí thức theo đuổi mục tiêu phát triển giáo dục, chứ không phải cán bộ giảng dạy
trong cái nền giáo dục mục ruỗng này.
Nghịch lý là, các trường đại học vẫn đang bú mút bầu
sữa ngân sách, đang ăn bám quốc dân nhưng vẫn èo uột, bệ rạc, lại tham gia vào
tổ chức đảng kỉ luật người đứng đầu một trường đại học đã tự chủ hoàn toàn,
không cần xài đến 1 xu tiền thuế mà vẫn phát triển tốt, được công nhận ở tầm quốc
tế.
Đây đúng nghĩa là những kẻ ăn bám kỉ luật người góp
cơm, những kẻ khom lưng kỉ luật người đứng thẳng, những kẻ yếu kém kỉ luật người
giỏi giang, những kẻ thất bại kỉ luật người thành công…
Đâu là xấu xa và hủ bại? Đâu là công lý và chính
nghĩa? Câu hỏi này dành cho những ai còn đang khao khát về một nền giáo dục
mang lại thành tựu để kiến tạo quốc gia, phụng sự nhân loại.
Và tất nhiên không dành cho bầy nô lệ và những thợ dạy
ở cái xứ này.”
Nhà báo Bạch Hoàn đưa ra
kết luận.
https://thoibao.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-27_043301-768x432.jpg
Ảnh 5: TS Lê Vinh
Danh tiếp Thủ tướng Canada, Justin Trudeau đến thăm trường và tọa đàm với giảng
viên, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng tháng 11 năm 2017
Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê
Vinh Danh ngày 27/8 vừa gửi đơn khiếu nại quyết định đình chỉ công tác mà Tổng
liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đưa ra với bản thân ông.
Ông Lê Vinh Danh khẳng định
quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông là một quyết định thiếu cơ sở pháp
lý, không đúng với thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của
ông cũng như tác động tiêu cực đến tinh thần các giảng viên, công nhân viên,
sinh viên học sinh và hoạt động chung của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Trước đó hôm 25/8, tổng
LĐLĐVN vừa công bố quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh
Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng để xem xét xử lý trách nhiệm vì
những vi phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.
Theo kết luận của Ủy ban
Kiểm tra Thành ủy TPHCM, Đảng ủy trường Đại học Tôn Đức Thắng đã không thực hiện
đầy đủ chức năng, nhiệm vụ về việc đã không bàn bạc, trao đổi và không có nghị
quyết lãnh đạo đối với một số chủ trương lớn liên quan đến hoạt động của trường
để xảy ra vi phạm về công tác cán bộ, quản lý tài chính, tài sản và một số những
sai phạm khác.
Ngoài ra, Đảng ủy Trường
còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát để Lãnh đạo trường vi phạm
nguyên tắc về tập trung dân chủ trong việc không chấp hành các chỉ đạo của tổng
LĐLĐVN. Ủy ban Kiểm tra thành ủy TPHCM khẳng định Đảng ủy Trường đã phủ nhận sự
đóng góp, hỗ trợ của Tổng LĐLĐVN trong quá trình thành lập và phát triển của
Trường. Do đó, thành ủy TPHCM kết luận những vi phạm có trách nhiệm của ông Lê
Vinh Danh với vai trò người chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động của Trường.
https://thoibao.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-28_072022-768x432.jpg
Ảnh 6: Các giảng
viên và sinh viên trong một buổi lễ công nhận học vị tiến sỹ tại trường Đại học
Tôn Đức Thắng
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
*****
Đến
lúc nào “Cơ quan chủ quản” trong giáo dục đại học chịu “hoàn thành sứ mệnh lịch
sử”
Mai Lan - VNTB
28.09.2020 2:25 thêm
bình luận
https://vietnamthoibao.org/vntb-co-quan-chu-quan-hoan-thanh-su-menh-lich-su/
(VNTB)
– Vụ việc đang diễn ra về mối quan hệ đối kháng giữa cơ quan chủ quản Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam với Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong quyền
tự chủ đại học là ‘giọt nước tràn ly’ cho đòi hỏi đã đến lúc “hoàn thành sứ mệnh
lịch sử” của “cơ quan chủ quản” trong giáo dục đại học.
Có nghi vấn là dường như
vì không chấp nhận chuyện trích 30% lợi nhuận để “cúng” cho cơ quan chủ quản,
nên Hiệu trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã bị “tạm dừng chức 90 ngày”, kèm
theo đó là loạt xử lý kỷ luật Đảng.
Hiện nay, trên thế giới
chỉ còn Cuba, Iran, Mông Cổ, Nga và Việt Nam là còn khái niệm bộ chủ quản các đại
học.
Ở thời Thủ tướng Phan Văn
Khải, đã có ý kiến cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho
các trường đại học. Tuy nhiên sự việc dằng dai suốt 20 năm qua vẫn chưa có tiến
triển nào đáng kể.
Ông Lê Như Tiến – nguyên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của
Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa 13), chia sẻ câu chuyện sau đây liên quan đến
yêu cầu “cơ quan chủ quản” đã có thể “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của mình trước
thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII; hoặc nếu ở đây không có sự tự nguyện từ các chủ
quản, thì văn kiện soạn thảo cho Đại hội Đảng XIII cần đưa ra “mệnh lệnh Đảng”
cho yêu cầu đó.
Ông Lê Như Tiến, kể:
“Thời kỳ còn công tác tại
Quốc hội, tôi cũng đã có một số dịp làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng,
giám sát thực hiện Luật Giáo dục, tôi rất ấn tượng về tốc độ phát triển nhanh,
bền vững của nhà trường.
Từ thời kỳ đầu thành lập
vào năm 1997 trường không có nhà cửa, đất đai, tất cả đều phải đi thuê. Tài
chính thì chỉ có một ít ban đầu để làm thủ tục thành lập, chứ không có ngân
sách cho đào tạo và xây dựng cơ bản.
Thời kỳ đó trường chỉ 9
người và hầu như không có giảng viên. Không chương trình-giáo trình-tài liệu, tất
cả đều mượn của các trường đại học khác; Không có phòng thí nghiệm và trang thiết
bị. Với một loạt những cái “Không” ấy thì lẽ đương nhiên là trường không có thương
hiệu, chìm nghỉm, vô danh. Nhưng điều đáng mừng là khi phải đối diện với hàng
loạt khó khăn như vậy, tập thể lãnh đạo và viên chức của trường đã hết sức nỗ lực
để có những bước tiến mới rất mạnh mẽ.
Sau 22 năm phát triển,
trường đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, đào tạo được
nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Cụ thể hơn thì nhân sự, lực lượng
chuyên môn từ 9 người ban đầu mà đến nay đã có gần 1.400 người, trong đó có tới
50% tiến sĩ (trong số đó có 203 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài).
Như vậy là Đại học Tôn Đức
Thắng đã có những kế hoạch vượt ra khỏi biên giới, đưa về nước nhân lực trình độ
cao, chuyên gia Việt kiều theo chính sách của Đảng; nguồn chất xám rất lớn từ
nhiều quốc gia. Trường cũng đã xây dựng thành công hệ thống quản trị đại học hiệu
quả, tiên tiến và văn minh trường học, văn hóa đại học rất đặc thù.
Vì lẽ đó mà các trường đại
học lấy Tôn Đức Thắng là mô hình để phấn đấu – đó là mô hình văn minh và hiệu
quả. Cho đến giờ thì Tôn Đức Thắng không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà
tên tuổi đã được ghi nhận trên thế giới.
Đó là điều rất đáng tự
hào với đất nước Việt Nam của chúng ta, vì nhiều năm nay hầu như không có trường
đại học nào làm được điều đó. Về giáo dục, trường đã có chương trình, giáo trình…
hội nhập theo TOP 100 đại học tốt nhất thế giới; cách dạy-học như các đại học
tiên tiến. Với cách làm hiện đại và hiệu quả như vậy nên 100% sinh viên ra trường
có việc làm. Sinh viên nổi tiếng về đạo đức nghề nghiệp và rất được doanh nghiệp
ưa thích.
Cùng với quá trình ấy,
trường đã đẩy mạnh các hoạt động về khoa học-công nghệ, đến 2018, 2019 đã đứng
đầu cả nước; vào TOP 25 cơ sở khoa học-công nghệ xuất sắc nhất Khu vực Đông Nam
Á. Trường là đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có 7 bằng sáng chế công
nghệ được USPTO (Hoa Kỳ) cấp”.
Trước mắt, ông Lê Như Tiến
đề nghị Chính phủ khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học
34/2018/QH14 phải loại bỏ việc cơ quan chủ quản can thiệp vào vấn đề nhân sự –
tài chính – học thuật, vì điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn thậm chí có thể dẫn
tới đổ bể lộ trình tự chủ của các trường đại học. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn
tới người học, ảnh hưởng tới đào tạo nhân lực và ảnh hưởng tới tiến trình đổi mới
giáo dục của Việt Nam.
Vụ việc đang diễn ra về mối
quan hệ đối kháng giữa cơ quan chủ quản Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Hiệu
trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong quyền tự chủ đại học – bao gồm tự chủ
về nhân sự; Tự chủ về tài chính; Tự chủ về học thuật – là ‘giọt nước tràn ly’
cho đòi hỏi đã đến lúc “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của “cơ quan chủ quản”
trong giáo dục đại học.
********
Nguyễn
Phú Trọng và Đảng Cộng Sản Việt Nam “thất bại” – Nhân tài bỏ nước ra đi
Thu
Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
28/09/2020
https://thoibao.de/blog/2020/09/28/luat-dang-la-bo-tuong-luat-nuoc-de-lot-noi/
VIDEO :
Phú Trọng
“thất bại” – Nhân tài bỏ nước ra đi
https://www.youtube.com/watch?v=xwH8wmOO2Ok
Cuộc
thi nổi tiếng Đường lên đỉnh Olympia có 19 quán quân, đều du học ở Australia,
17 người ở lại làm việc và nhập tịch, 2 người trở về được vài năm thì 1 người
quay trở lại định cư người còn lại thì đi qua canada định cư. Hiện tại không có
ai đang ở VN. Chúc mừng nước Úc có thêm một tài năng của VN.”
Đó là lời chúc mừng rất lạ của Facebook Hoàng Khánh
sau khi nghe tin quán quân Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 20 về tay cô gái Nguyễn
Thị Thu Hằng hôm 20-9.
Nhiều người mỉa mai
chương trình Đường lên đỉnh Olympia là “tìm nhân tài cho Australia“,
trong khi nhiều ý kiến khác cho rằng lo ‘chảy máu chất xám’ trong bối cảnh
toàn cầu hóa là ‘lỗi thời’.
Mỗi năm, khi chương trình
Đường lên đỉnh Olympia công bố nhà vô địch mới, mạng xã hội lại xôn xao: “Thêm
một nhân tài nữa cho Úc“; “Chúc mừng Australia“… Nhiều người thậm
chí đặt tên chương trình là “Đường lên đỉnh Australia“.
Điều này xuất phát từ thực
tế hầu hết các nhà vô địch Olympia, sau khi nhận học bổng du học, đều chọn ở lại
Australia.
Trao đổi với BBC News Tiếng
Việt hôm 23/9, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales (Úc) nói “Quan
điểm cho rằng Úc thu hút nhân tài qua chương trình Đường lên đỉnh Olympia thì
có hơi quá và không công bằng cho nước Úc“.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn
Hoàng Ánh cũng chia sẻ với BBC: “Nếu so với số du học sinh hằng năm lên đến
cả trăm nghìn người thì 20 người sau 20 năm mà bảo lựa chọn nhân tài cho Úc là
quá phóng đại“.
Theo thống kê của Cục Hợp
tác Quốc tế, Bộ GD & ĐT, hiện có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam tại nước
ngoài.
Cả nước ‘phát sốt’
Hôm 20/9, sau khi chương
trình Đường lên đỉnh Olympia công bố người thắng cuộc, Facebook ngập tràn bình
luận.
https://thoibao1.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-28_074410-768x431.jpg
Ảnh 1: báo chí Việt
nam mấy năm nay đặt câu hỏi những quán quân đường lên đỉnh Olympia đang ở đâu
và câu trả lời là tất cả đều đi nước ngoài, không ai ở lại Việt nam sau khi học
xong
Khen có, chê có, thán phục có, mỉa mai có, nhưng
các bình luận dày đặc cho thấy sau 21 năm kể từ chương trình đầu tiên, game
show này vẫn được rất nhiều người chú ý.
Năm nay, thí sinh Nguyễn
Thị Thu Hằng (Ninh Bình) giành giải quán quân, nhận học bổng toàn phần của Đại
học Kỹ thuật Swinburne, một đại học nghiên cứu tại Melbourne (Úc).
Trường này có thứ hạng
khá trên thế giới, xếp thứ 63/250 Bảng xếp hạng Đại học trẻ (dưới 50 năm tuổi)
2020 của THE; xếp 351/1.527 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2021 của QS và
top 400 năm 2020 của ARWU.
Người thắng cuộc năm nay
còn nhận 40.000 USD tiền thưởng, tăng 5.000 USD so với năm trước.
Với hình thức thi thố sôi
nổi, gay cấn trong một đất nước có truyền thống coi trọng khoa cử, tranh đua,
Đường lên đỉnh Olympia luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Các trường, các tỉnh
thành có thí sinh vào chung kết năm thường tập trung học sinh xem trực tiếp để
cổ vũ, chẳng khác gì khi đội tuyển bóng đá vào chung kết SEA Games. Thí sinh vô
địch được ca ngợi là người mang vinh quang về cho tỉnh nhà, là niềm tự hào của
nhà trường, gia đình, thầy cô và bè bạn.
Nhà quán quân bỗng chốc
trở thành người của công chúng, nhất cử nhất động của họ trên sóng truyền hình
được đưa ra phân tích, mổ xẻ, đôi khi rất gay gắt.
https://thoibao1.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-27_044315-768x432.jpg
Ảnh 2: quán quân đường
lên đỉnh Olympia năm 2020, Nguyễn Thị Thu Hằng
‘Nên nghĩ đến bức tranh lớn hơn’
GS Nguyễn Văn Tuấn, người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện
Hàn lâm Y học Úc, cũng là nhà nghiên cứu loãng xương nổi tiếng trên thế giới với
hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí y khoa và
khoa học quốc tế, chia sẻ:
“Úc có chương trình thu hút nhân tài Global
Talent Independent mà tôi từng giúp một số em nghiên cứu sinh gốc Việt tham
gia. Nhưng chương trình này không dành cho các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia
vì các em vẫn là học sinh trung học“.
“Theo tôi, giải thưởng
của chương trình có thể xem là một trong những tín hiệu về sự thành công tương
lai của một cá nhân. Nhưng nhân tài là người có chuyên môn cao, đã thành danh,
và khái niệm nhân tài rộng lớn hơn so với giải thưởng trong một game show. Nhân
tài thường được đánh giá bởi chuyên gia, đồng nghiệp trong chuyên ngành chứ
không phải thông qua một game show đại chúng“.
“Việc dành tiền để thu
hút nhân tài từ Việt Nam không phải thứ mà Úc ưu tiên. Như trường đại học New
South Wale nơi tôi làm việc, mỗi năm có 16.000 du học sinh từ nước ngoài, đa số
là Trung Quốc và họ rất tài năng. Chỉ có khoảng 20 người Việt Nam từ chương
trình là con số nhỏ, Úc không quá quan tâm“, GS Tuấn đánh giá.
PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhận định: “Tôi nghĩ đây không hẳn là
chương trình lựa chọn nhân tài. Quán quân Đường lên đỉnh Olympia không phải người
giỏi nhất Việt Nam, mà là người có thành tích tốt nhất trong số những người
tham gia thôi“.
Ông Tuấn nói thêm: “Tính chất của game show tập trung vào một số em nhanh
trí và thông minh. Nhưng các em này không đại diện cho đa số học sinh Việt Nam.
Chúng ta nên quan tâm làm sao đem những kĩ năng cần thiết đến với đa số học
sinh, thay vì chỉ tập trung bàn luận về game show. Thắng một cuộc thi mới chỉ
là bước đầu“.
https://thoibao1.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-27_044346-768x432.jpg
Ảnh 3: Giáo sư Nguyễn
Văn Tuấn người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc
“Chúng ta cần nghĩ đến bức tranh lớn hơn. Đó là
cải cách giáo dục, không chỉ ở bậc đại học mà từ tiểu học, trung học. Tiến sỹ Phạm Đỗ Nhật Tiến
từng nói nền giáo dục Việt Nam vẫn đang 1.0 trong khi thế giới là 4.0.
Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta cần chú trọng hơn là
những tranh cãi việc gameshow vì nó không đóng góp vào việc nâng cao chất lượng
giáo dục Việt Nam trên bản đồ thế giới“, GS Tuấn nhấn mạnh.
Tư tưởng ‘chảy
máu chất xám’ là lạc hậu
Quán quân mùa thứ 6 Lê Vũ
Hoàng giải thích anh quyết định tu nghiệp ở Úc một thời gian sau khi tốt nghiệp
vì đây là cơ hội để mở rộng kết nối với các nhà khoa học và doanh nghiệp quốc tế,
học hỏi thêm công nghệ mới. Úc cũng có đủ cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu
tốt hơn trong ngành của anh.
Anh Hoàng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt: “Hiện tại tôi đang có một số dự án liên kết
với Việt Nam để đưa công nghệ IoT (internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo),
đưa các sản phẩm mà tôi đã làm ra ở đây về phục vụ Việt Nam“.
Những trường hợp như anh
Hoàng khiến nỗi ưu tư ‘chảy máu chất xám’ ở Việt Nam thêm nặng trĩu. Tuy
nhiên, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng khái niệm này không hẳn thích hợp trong thời
toàn cầu hóa:
“Những du học sinh Việt
Nam ở Úc và được chấp nhận ở lại thì có tác động dĩ nhiên là tích cực lên nước
Úc trước tiên học. Nhưng họ thành danh ở nước ngoài thì cũng giúp ích cho quê
hương Việt Nam không chỉ về chuyên môn khoa học mà còn về kinh tế.
https://thoibao1.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-28_074501-768x432.jpg
Ảnh 4: một trường học
ở Lai Châu mà báo Nông Nghiệp gọi là “chuồng học” vì sự nghèo nàn xập xệ của tất
cả các cơ sở vật chất hiện vẫn đang sử dụng để dạy và học. Hầu hết người xem đều
liên tưởng đến hàng trăm tượng đài trăm tỷ nghìn tỷ vung vãi khắp nơi trên đất
nước Việt nam
Nói là chảy máu chất xám nhưng thực tế thì đôi bên cùng
có lợi“, ông nói.
Theo GS Tuấn,
trong thế giới phẳng, một người ngồi ở châu Âu có thể làm việc cho Úc, một người
ngồi ở Úc nhưng làm việc cho Malaysia.
“Tôi nghĩ câu hỏi đáng
quan tâm hơn là chủ quyền tri thức thuộc về ai. Nếu một người ở châu Âu mà làm
việc cho Úc và có những khám phá mang đến bằng sáng chế thì chủ quyền đó thuộc
về Úc. Nói về chảy máu chất xám là nói về mất bản quyền tri thức, chứ con người
vẫn ở đó, chẳng mất đi đâu cả“, ông lý giải.
PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét: “Ở thế kỷ thứ 21 được 20 năm rồi,
chắc chỉ có mỗi Việt Nam vẫn trăn trở chuyện người đi du học có trở về hay
không. Tư tưởng này quá lạc hậu, nghe như vấn đề của thế kỷ 19“.
Bà Ánh phân tích thêm: “Du
học sinh ở lại mà thành công thì góp phần quảng bá cho Việt Nam. Nếu các bạn ấy
ra thế giới thể hiện Việt Nam cũng không kém gì ai thì đó chính là quan điểm của
Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu, nên khuyến khích mới đúng“.
Xã hội Việt Nam quá khắc nghiệt?
PGS Nguyễn Hoàng Ánh kể: “Về trải nghiệm cá nhân, tôi sau khi
du học về cũng không được chào đón. Ngoài thì nói hoan nghênh nhưng hành xử thì
rất nghi kị. Đồng nghiệp lo ngại bọn này có cướp mất công việc hay không. Lãnh
đạo thì sợ mình gây cản trở“.
Bà bình luận: “Bây giờ
xã hội cởi mở hơn, nhưng chúng ta vẫn thấy dư luận ồn ào chuyện du học sinh
không trở về, xét nét một cái vung tay ăn mừng của em học sinh 17 tuổi. Khi nhà
nước không còn xét nét mà sống với những người đầu óc hẹp hòi như vậy thì quá mệt“.
https://thoibao1.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-28_074514-768x430.jpg
Ảnh 5: học sinh tiểu
học phải gánh theo mình những cặp đựng sách quá nặng là cảnh thường thấy ở Việt
nam. Dư luận mới đây hết sức ngao ngán khi báo chí đăng tin học sinh lớp một phải
mua 23 đầu sách với giá tăng cao gấp 4 lần năm ngoái
GS Tuấn nói thêm: “Khi về Việt Nam, các bạn gặp
những rào cản mang tính văn hóa nhiều hơn là chuyên môn. Họ thường nói với tôi
điều kiện làm việc ở Việt Nam không tốt, không được giao công việc đúng chuyên
môn.
Có người nói bị lúng túng những chuyện ‘chính trị
văn phòng’. Có người than phiền không được chào đón mà còn bị đố kị. Tôi biết một
vài em về Việt Nam sau đó lại quay trở về Úc vì chịu không nổi môi trường trong
nước“.
“Sinh viên Việt Nam ở
lại Úc, cũng như những sinh viên các nước khác, chủ yếu xuất phát từ điều kiện
làm việc và nghiên cứu. Ngoài ra, hệ thống đề bạt và tưởng thưởng minh bạch nên
các em rất thích. Ở Việt Nam, dân gian có câu: ‘nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba
tiền tệ, bốn trí tuệ’. Điều này làm nản lòng nhiều bạn trẻ, ngay cả tôi cũng sẽ
nản lòng“, ông Tuấn nói.
Là người có nhiều hoạt động
khoa học, giáo dục, y tế tại Việt Nam, GS Tuấn bày tỏ: “Những người làm khoa
học chân chính như tụi tôi ở nước ngoài, khi về Việt Nam gặp phải một khó khăn:
nói thật. Bởi mình không nói thật được, nói thật thì có khi đồng nghiệp tự ái
không hợp tác nữa. Nên phải nói kiểu ngoại giao“.
Bà Ánh đề xuất: “Tôi
nghĩ Việt Nam có thể học mô hình Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình cho rằng đến ngoài
40, nhiều người sẽ quay về nước. Thực tế cho thấy ông đã đúng. Đến năm 2000,
Trung Quốc có nhiều chính sách đãi ngộ với người học nước ngoài về“.
“Tôi có trao đổi với một
anh phó giáo sư của trường đại học nổi tiếng ở Mỹ về lý do về nước. Anh trả lời
ở Thượng Hải, anh có những điều kiện tốt hơn, được điều hành một khoa và nguồn
quỹ. Với lại, người ngoài 40 hầu như đều mong quay về quê hương, mong có cơ hội
đóng góp. Nếu mình cho cơ hội, họ sẽ quay về. Hy vọng Việt Nam cũng nhìn xa như
Đặng Tiểu Bình“, bà Ánh bày tỏ.
Suốt 20 năm nay, GS Tuấn
có cả mấy chục công trình nghiên cứu và xuất bản sách tại Việt Nam dù ông sống ở
Úc. GS Tuấn bộc bạch: “Là người Việt Nam thì đi đâu cũng đau đáu nhìn về
quê, muốn làm cái gì đó để quê nhà tốt hơn. Nói đến chuyện đóng góp cho quê
hương thì tôi nghĩ 100% người Việt đều muốn, dù họ có thể có quan điểm chính trị
khác với các bạn trong nước“.
https://thoibao.de/wp-content/uploads/2020/09/2020-09-28_074529-1024x577.jpg
Ảnh 6: Bộ trưởng bộ
giáo dục Việt nam Phùng Xuân Nhạ
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment