Russ
Buettner, Susanne Craig và Mike
McIntire - New York Times
Dịch Giả: T.Vấn
01/10/2020
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3
Phần
4: Kẻ thắng, người thua
Những khoản lỗ khổng lồ do kinh doanh tồi tệ đã giúp
Trump khấu trừ hàng trăm triệu đô la trong thu nhập từ vai trò một người nổi tiếng
(Celebrity income)
*
Năm 2015, trong lúc Trump
đi ngang đi dọc khắp nước, tự đánh bóng mình là người duy nhất đủ tiêu chuẩn
làm tổng thống vì ông ta “thực sự giàu có” và “đã gầy dựng nên một
công ty vĩ đại”, thì ở New York, các nhân viên kế toán của ông ta đang vùi
đầu, cố hoàn tất cho xong bản khai thuế năm 2014 của Trump.
Sau khi lập bảng đối chiếu
lời lỗ cho những doanh nghiệp đa dạng của Trump để điền vào mẫu khai thuế 1040,
họ ngừng lại ở hàng số 56 (Line 56, form 1040), nơi sẽ phải viết xuống con số
tiền thuế mà doanh nhân ứng cử viên tổng thống Trump phải đóng cho chính phủ.
Khoảng trống dành cho một con số là vừa đủ.
Zero
Với Trump, hàng 56 của mẫu
thuế 1040 trông rất quen thuộc. Đây là năm thứ tư liên tiếp ông ta không phải
đóng một xu nào cho thuế lợi tức liên bang.
Sự né tránh luồn lách để
không phải đóng đồng thuế nào của Trump là một trong những phát giác gây chấn động
nhất khi nghiên cứu hồ sơ thuế của Trump, đặc biệt là với một loạt những chi
phí khấu trừ được liệt kê trong các mẫu thuế khác đính kèm với mẫu chính 1040 gởi
đến sở thuế.
Thu nhập ròng của Trump từ
tiếng tăm của mình – phần chia một nửa doanh thu của chương trình truyền hình
“The Apprentice”, cùng với tiền bạc hào phóng rót xuống người Trump từ khoảng
20 doanh nghiệp khác trả cho việc được ủy quyền sử dụng tên ông ta – tổng cộng
lên tới 427.4 triệu đô la tính đến năm 2018. Lại còn thêm 175.5 triệu đô la lợi
nhuận khác đến từ việc đầu tư rất thành công vào hai tòa cao ốc cho thuê làm
văn phòng.
Làm cách nào mà ông ta có
thể né tránh được việc đóng thuế cho số lợi tức khổng lồ ấy?
Ngay cả khi lấy tỉ lệ
đánh thuế dành cho 1% những người giàu có nhất nước Mỹ để ước tính số thuế
Trump phải trả, cũng đã lên đến hơn 100 triệu đô la.
Câu trả lời nằm ở phạm
trù thứ ba trong số các họat động kinh doanh của Trump: Những doanh
nghiệp do Trump trực tiếp làm chủ và điều hành. Những lỗ lã tiền bạc
triền miên dai dẳng trong một chuỗi những thất bại dây chuyền, cái này kéo theo
cái kia đổ xuống, giúp Trump khi báo cáo khai thuế đã sử dụng những lỗ lã ấy để
khấu trừ đi khoản thu nhập 600 triệu đô la thu nhập từ “The Apprentice”, các hợp
đồng bản quyền và đầu tư khác (nói cách khác, sau khi khấu trừ lỗ doanh nghiệp,
Trump không còn lợi tức phải trả thuế – taxable income – nào nữa. Đó là lý do của
con zero to tướng ở line 56 trong mẫu thuế 1040 của Trump – ND).
Phương
trình khấu trừ lẫn nhau bằng không này
là một yếu tố cơ bản trong thuật làm vàng giả của doanh nhân Donald Trump: Dùng thu nhập có được từ danh tiếng của mình để mua sắm và làm chỗ dựa
cho các thương vụ bấp bênh, rồi tận dụng sự lỗ lã từ các thương vụ bấp bênh ấy
để né tránh bổn phận đóng thuế.
Trong suốt sự nghiệp
doanh nhân của mình, Trump thường bị lỗ lã với những số tiền lớn vượt trội số
có thể dùng khấu trừ cho những thu nhập khác trong một năm. Nhưng luật thuế đã
mở ra một lối đi vòng quanh cho những trường hợp như vậy: Ngọai trừ một số hạn chế đặc biệt, các chủ doanh nghiệp
có thể sử dụng số tiền lỗ không dùng tới trong năm thuế hiện tại vào những năm
thuế tương lai cho đến khi hết.
Quy định thuế này là bản
nhạc nền êm ái trong cuộc đời Trump. Như trong bài điều tra trước đó của New
York Times về hồ sơ thuế năm 1995 của Trump đã cho thấy, con số gần một tỉ lỗ
doanh nghiệp từ hồi đầu thập niên 1990s đã cho phép Trump được khấu trừ dần vào
thu nhập của liên tiếp 18 năm sau đó.
Những hồ sơ khai thuế của
các năm sau đó đã tiết lộ, Trump sử dụng những đồng đô la khấu trừ cuối cùng của
số tiền lỗ lã gần một tỉ ấy vào năm thuế 2005, vừa đúng lúc dòng suối ngọt ngào
của sự giàu có đến từ kỹ nghệ giải trí bắt đầu chảy qua túi của Trump, mà
chương trình truyền hình “the Apprentice” ra mắt hồi năm 2004 đã hứa hẹn.
Từ năm 2005 đến năm 2007,
khoản lợi nhuận từ các thương vụ bán bản quyền và bảo trợ thương mại đã lấp đầy
các tài khoản ngân hàng của Trump với con số 120 triệu đô la ròng. Đến lúc này,
không còn một khoản lỗ nào nữa để khấu trừ vào lợi tức phải trả thuế (taxable
income), Trump đã đóng khoản
tiền thuế liên bang đầu tiên trong đời của mình: con số thuế là 70.1 triệu đô
la.
Khi những thu nhập từ tiếng
tăm của “The Apprentice” ngày càng phình to, Trump lao đầu vào một loạt những vụ
mua sắm thả dàn khác biệt hoàn toàn với những gì ông ta đã làm hồi thập niên
1980s, lúc mà những ngân hàng đang hăm hở sẵn sàng cho vay và sự giàu có của
cha ông ta đã cho phép Trump mua bán, xây cất sòng bài, máy bay, du thuyền và
khách sạn cũ, những thứ mà chẳng bao lâu sau đó đã buộc Trump phải khai phá sản.
Lúc chương trình truyền
hình “The Apprentice” vừa khởi sắc, Trump mới chỉ mở cửa họat động 2 sân golf
và đang nâng cấp 2 sân golf khác. Cho đến cuối năm 2015, ông ta sở hữu tổng số
15 sân golf và đang thực hiện dự án canh tân tòa trụ sở bưu điện cũ ở
Washington thành Trump International Hotel. Nhưng, thay vì những thứ đó phải
làm cho Trump trở nên giàu có hơn, các hồ sơ thuế đã đưa ra một hình ảnh ngược
lại, mỗi một thương vụ mới được thực hiện, chỉ đưa tình trạng tài chính của
Trump xuống thấp hơn.
Thử xem xét kết quả tài
chính của khu vực sân golf lớn nhất của Trump, Trump National Doral, ngay gần
thành phố Miami. Năm 2012, Trump mua lại khu này với giá 150 triệu đô la; đến
cuối năm 2018, Trump bị lỗ 162.3 triệu đô la. Hồ sơ thuế tiết lộ, ông ta đã phải
đầu tư thêm cho Doral 213 triệu đô la tiền tươi (fresh cash) và nợ số tiền vay
(mortgage balance) mua khu này là 125 triệu đô la đáo hạn trong vòng 3 năm.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/0-2.jpg
Trump National
Doral ở gần Miami, khu giải trí sân golf lớn nhất của Trump. Từ năm 2000, ông
ta đã báo lỗ hơn 315.6 triệu đô la cho họat động kinh doanh ở tất cả các sân
golf Trump sở hữu. Nguồn: Scott McIntyre/ NYT
Ba sân golf khác của
Trump ở châu Âu – 2 ở Scotland và 1 ở Ireland – đã báo cáo lỗ tổng cộng là 63.6
triệu đô la.
Gộp chung lại, từ năm
2000, Trump đã báo cáo con số lỗ là 315.6 triệu đô la từ tất cả các sân golf
ông ta sở hữu, những tài sản mà ông ta vô cùng hãnh diện được làm chủ.
Mang đặc tính quyến rũ của
một thế giới Trump đầy hào nhóang, khách sạn Trump International nằm giữa thủ
đô, cũng không cho thấy có gì khả quan hơn. Tài liệu thuế cho thấy, cho đến năm
2018, số lỗ lã là 55.5 triệu đô la.
Riêng Trump Corporation,
một công ty dịch vụ địa ốc của Trump, đã báo lỗ 134 triệu đô la từ năm 2000. Hồ
sơ thuế cho biết, Trump đã sử dụng tiền túi bù đắp cho những khoản lỗ kéo dài
năm này qua năm khác, và xếp lọai chúng như những khoản cho vay. Số tiền vay
này cứ càng ngày càng tăng. Năm 2016, biết rằng không cách gì có thể lấy lại số
tiền cho vay này, Trump chuyển chúng thành khoản tiền mặt rót vào bù lỗ cho
doanh nghiệp.
Trump thường thừa nhận rằng,
những lỗ lã doanh nghiệp của ông ta là kết quả của ma thuật kế toán (accounting
magic) hơn là số tiền thật sự bị mất đi.
Năm ngoái, sau khi New
York Times công bố những chi tiết trong hồ sơ khai thuế của Trump từ thập niên
1980 và 1990, ông ta quy cho số lỗ lã là do việc sử dụng giá trị hao mòn
(depreciation) của các phương tiện đầu tư (nhà cửa, máy móc, xe cộ, dụng cụ
văn phòng v…v… – ND) để khấu trừ vào lợi tức bị đánh thuế (taxable
income). Giá trị hao mòn này, trong một nội dung tweet của Trump, ông ta khẳng
định “sẽ giúp cho doanh nghiệp lúc nào cũng có thể khai lỗ” và rằng
“phần lớn không mang giá trị có thể tính bằng tiền”.
Trong một cuộc tranh luận
giữa các ứng cử viên tổng thống hồi năm 2016, Trump đã nói “tôi khóai
cái khấu trừ giá trị hao mòn này” (depreciation).
Mặc dù vậy, đặc
tính khấu trừ giá trị hao mòn không phải là chiếc đũa quỷ thuật
– nó liên quan đến việc dùng tiền thật để mua sắm (khoản tiền này do có sẵn hay
phải đi vay mượn) nhà cửa hay các dụng cụ hỗ trợ doanh nghiệp khác, mà thời hạn
sử dụng chúng chỉ trong một thời hạn bao nhiêu năm, trước khi chúng trở thành
vô dụng, phải hủy bỏ. Do vậy, giá trị bằng tiền của chúng sẽ được chia ra trong
một thời hạn sử dụng là bao nhiêu năm, khấu trừ vào thu nhập doanh nghiệp mỗi
năm cho đến lúc phải thải bỏ. Quy định về thuế này đã tỏ ra rất hữu ích đặc biệt
cho những nhà kinh doanh trong trong lãnh vực địa ốc như Trump. Ông ta thật sự
được quyền sử dụng những lỗ lã từ các thương vụ địa ốc để khấu trừ thu nhập phải
trả thuế nhận được từ những họat động kinh doanh khác.
Tuy nhiên, các hồ sơ thuế
về họat động doanh nghiệp của Trump tiết lộ rằng, ông ta đã bị lỗ lã trước khi
cộng thêm khoản khấu trừ về giá trị hao mòn. Cả 3 sân golf ở châu Âu, cộng thêm
với khách sạn Trump International ở Washington, sân golf Doral và công ty địa ốc
Trump Corporation đã báo cáo tổng số lỗ doanh nghiệp là 150.3 triệu đô la từ
năm 2010 đến năm 2018, mà không cần phải tính đến việc khấu trừ giá trị hao mòn
(depreciation).
Để biết một doanh nghiệp
thành công hay thất bại, khấu trừ giá trị hao mòn hay không, đừng nhìn xa hơn một
trong những họat động doanh nghiệp mà ông ta không trực tiếp điều hành.
Sau khi những kế họach dự
trù thực hiện một đô thị nhỏ mang nhãn hiệu Trump ở khu cực Tây thành phố
Manhattan bị trì trệ trong thập niên 1990, cổ phần của Trump bị bên đối tác đem
bán cho Tổ Hợp Vornado Realty. Trump kiện vụ này ra tòa với lý do mình đã không
được tham khảo ý kiến về thương vụ với Vornado. Cuối cùng, Trump cũng được chia
30% cổ phần của hai tòa nhà cho mướn làm văn phòng sở hữu bởi Vornado.
Phần lợi nhuận Trump nhận
được (từ 2 tòa nhà này), tính đến năm 2018, là 176.5 triệu đô la, sau khi đã khấu
trừ giá trị hao mòn của chúng. Bản khai thuế tiết lộ, Trump chưa bao giờ đầu tư
thêm tiền mặt với các đối tác (partnership).
Trong số những họat động
kinh doanh mà Trump trực tiếp điều hành, thành công nhất – cho đến nay – lại là
những họat động từ bước đầu doanh nghiệp. Những văn phòng cho thuê mở cửa hàng
bán lẻ hay dịch vụ thương mại nằm trong tòa tháp Trump Tower của ông ta từ năm
1983, đã đem lại cho Trump 20 triệu đô la lợi tức hàng năm, và con số tổng cộng
thu nhập từ năm 2000 là 336.3 triệu đô la đã giúp Trump đứng vững được trên hai
chân của mình.
Trump có tiếng là không mấy
gì dễ chịu với các ngân hàng cho mình vay tiền. Bản khai thuế cho thấy ông ta
đã không đủ khả năng thanh toán nợ với một con số lớn hơn nhiều so với con số
trước đây đã từng được nói đến: Tổng số 287 triệu nợ đáo hạn từ năm 2010.
Luật thuế Hoa Kỳ xếp lọai
những khoản nợ được chủ nợ hủy bỏ trên con nợ (forgiven debt) là thu nhập bị
đánh thuế (taxable income) đối với con nợ, nhưng Trump đã tìm cách né tránh việc
đóng thuế cho phần lớn khoản nợ được tha ấy bằng cách giảm thiểu khả năng mình
có thể khấu trừ những lỗ lã doanh nghiệp trong tương lai. Phần còn lại, Trump lợi
dụng một điều khoản trong biện pháp cứu vãn kinh tế của chính phủ liên bang
trong thời kỳ Đại Suy Thoái (2008 Great Recession) cho phép những khoản xóa nợ
(forgiven debt) được hoãn trả thuế (tax deferred) trong 5 năm; sau 5 năm, số nợ
ấy sẽ được rải đều ra trong 5 năm nữa để tính thuế lợi tức phải đóng. Năm 2014,
Trump khai thuế cho phần đầu tiên 28.2 triệu đô la của khoản nợ tha nói trên.
Một lần nữa, những lỗ lã
trong kinh doanh của Trump đã giúp ông ta thoát khỏi gánh nặng thuế lợi tức.
Năm 2014, Trump không trả một đồng tiền thuế liên bang nào.
Trump bị bắt buộc phải trả
mỗi tam cá nguyệt một lọai thuế đi song hành với thuế lợi tức liên bang, có tên
là Alternative Minimum Tax (AMT). Lọai thuế này được sử dụng nhằm mục đích ngăn
ngừa những công dân giàu có lợi dụng những điều luật thuế, cho phép họ được sử
dụng những khoản khấu trừ rất lớn, trong đó có khai lỗ doanh nghiệp, để trốn
tránh nghĩa vụ thuế của mình. Trong nhiều trường hợp (như Trump), họ có thể
không phải trả đồng thuế nào cho khoản thu nhập không nhỏ của mình.
Trump trả thuế AMT trong
7 năm, từ 2000 đến 2017, tổng số là 24.3 triệu đô la, không tính đến số tiền bồi
hoàn thuế (refund) ông ta nhận được sau khi nộp hồ sơ thuế. Năm 2015, Trump
đóng $641,931.00 thuế lợi tức liên bang, lần đầu tiên kể từ năm 2010 Trump trả
thuế cho chính phủ.
Khi dọn nhà vào ở trong
tòa Bạch Ốc, hồ sơ thuế của Trump lại quay trở lại như trước đây. Khoản thu nhập
bị đánh thuế của ông ta trong 2 năm 2016 và 2017 gồm có 24.8 triệu đô la lợi
nhuận đến từ các nguồn tiền liên quan đến vai trò người nổi tiếng (celebrity
status) và 56.4 triệu đô la do Trump không đủ khả năng trả lại cho chủ nợ. Tuy
nhiên, cái khoản thuế AMT đáng nguyền rủa đã không để cho những lỗ lã doanh
nghiệp của Trump xóa hẳn những trách nhiệm thuế, mà chỉ cho phép sử dụng những
khấu trừ có một phần.
Năm nào cũng vậy, Trump
yêu cầu được kéo dài thời gian khai thuế (extension) trước khi chính thức gởi nộp
mẫu thuế 1040. Mỗi lần như thế, Trump đều gởi đi phần đóng thuế theo quy định để
bảo đảm cho khoản thuế ông ta có thể nợ chính phủ – 1 triệu đô la cho năm 2016
và 4.2 triệu cho năm 2017. Nhưng trong thực tế, tất cả những trách nhiệm thuế ấy
của Trump đểu bị xóa sạch khi ông ta chính thức gởi bản khai thuế trong năm đến
sở thuế. Và phần lớn những khoản tiền gọi là tiền đóng thuế ông ta đã gởi đi đều
được chuyển đến năm thuế kế tiếp để trả cho những trách nhiệm thuế trong tương
lai (nếu có).
Để xóa đi số tiền thuế phải
đóng, Trump đã sử dụng 9.7 triệu đô la trong điều khoản thuế dành ưu đãi đặc biệt
cho đầu tư kinh doanh (business investment credits). Một phần trong số đó là
khoản chi phí nâng cấp tòa trụ sở bưu điện cũ (Old Post Office) thành khách sạn
Trump International, chi phí này thỏa mãn yêu cầu góp phần bảo tồn di tích lịch
sử để sử dụng điều khoản ưu đãi thuế nói trên. Mặc dù Trump còn có nhiều yếu tố
khác để khấu trừ đi toàn bộ số thu nhập của mình, nhưng các nhân viên kế toán của
ông ta có vẻ như đã tạm gác chúng qua một bên, để hồ sơ thuế của ông ta cũng có
chút đỉnh trách nhiệm thuế phải đóng cho hai năm 2016 và 2017.
Vì vậy, khi các nhân viên
kế toán đi đến Line 56 của mẫu thuế 1040, nơi họ sẽ phải ghi khoản tiền thuế
người đứng tên trên mẫu thuế phải đóng, cho cả hai năm (2016 và 2017) số này giống
hệt nhau: $750.00.
(Còn tiếp)
Kỳ tới: Thủ thuật 72.9 triệu
đô la
No comments:
Post a Comment