Thông
tin thuế của Trump gây quan ngại về chính sách đối ngoại của Mỹ
Cali
Today (Theo Vox)
September 28, 2020
(Vox) – Những vướng mắc
giữa chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump với kinh doanh toàn cầu của
ông ta từ lâu đã là điểm đáng lo ngại trong nhiệm kỳ tại Toà Bạch Ốc, làm dấy
quan ngại đạo đức, cũng như nỗi lo sợ rằng đồng minh cũng như kẻ thù có thể sử
dụng những cơ sở thương mại đó thao túng ngành hành pháp Mỹ.
Tường trình bom tấn được
New York Times tung ra vào Chủ nhật về thuế của ông Trump trong hai thập niên
qua đã giúp phơi bày những mối quan hệ nước ngoài, và chúng còn sâu rộng hơn những
gì Tổng thống cho thấy.
Theo tiết lộ, ông Trump
đem về $73 triệu Mỹ kim từ khắp thế giới trong hai năm đầu nhiệm kỳ, rất nhiều
trong số tiền này đến từ khu nghỉ mát đánh golf ở Scotland và Ireland.
Nhưng ông ta cũng nhận tiền từ những quốc gia quan trọng đối với mục tiêu toàn
cầu của chính phủ mình, như $3 triệu Mỹ kim từ Philippines, $2,3 triệu từ Ấn Độ
và $1 triệu từ Turkey.
Hồ sơ thuế được New York
Times thẩm định cũng cho thấy, đế chế của ông Trump thu về thêm doanh thu từ nước
ngoài hơn trước đây. Lấy một ví dụ, hơn 2 thập niên qua ông Trump thu nhập ít
nhất $13 triệu Mỹ kim trong một thỏa thuận cấp giấy phép hai tòa tháp ở Thổ Nhĩ
Kỳ; một thỏa thuận tương tự ở Manila – thủ phủ của Philippine – trị giá $9,3
triệu Mỹ kim, và ông ta cũng kiếm được $5 triệu Mỹ kim trong một dự án khách sạn
bị trật đường ray ở Azerbaijan, gần như gấp đôi những gì ông ta tiết lộ trong tờ
khai đạo đức.
Hơn nữa, ông Trump vào
năm 2017 đóng thuế cho các quốc gia bên ngoài nhiều hơn rất nhiều so với ở Mỹ,
như trả $15.598 Mỹ kim ở Panama, $145.400 ở Ấn Độ và $156.824 ở
Philippines, trong khi chỉ đóng $750 Mỹ kim thuế ở quê nhà.
Ông Trump kiếm được nhiều tiền từ nước ngoài kể từ khi trở thành tổng
thống Mỹ.
Vào năm 2017, tờ
Washington Post loan tin chi tiết bằng cách nào ông Trump đã kiếm được hàng triệu
Mỹ kim trong việc cho phép sử dụng tên cho các dự án bất động sản trên khắp thế
giới. Các Uỷ ban Quốc hội tiết lộ, chính phủ ngoại quốc đặt phòng tại khách sạn
của ông Trump ở Washington D.C trước các cuộc hội đàm chính thức.
Theo tổ chức Open Secrets
chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng tiền bạc trong chính trị vào năm 2019 tường
trình, ông Trump nắm giữ $130 triệu Mỹ kim tài sản ở ngoại quốc vào cuối năm thứ
hai ở Toà Bạch Ốc (2018). Tờ khai tài chánh cá nhân mới nhất của ông từ năm
2016 đến 2019 cho thấy doanh thu lên đến $4,1 triệu Mỹ kim từ Ấn Độ, lên đến 7
triệu từ Thổ Nhĩ Kỳ, và $5 triệu từ Philippine.
Lý do tại sao thông tin
thuế thu nhập lại đáng lo ngại đối với chính sách đối ngoại Mỹ.
Trump tỏ ra sốt sắng với
những nhà lãnh đạo độc tài của ba quốc gia, theo bản tin của New York Times, gồm
Philippines, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện không rõ ràng lắm liệu thái độ này là do
quan hệ ngoại giao, hay vì họ lãnh đạo những quốc gia sinh lợi cho Tổng thống.
Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là ví dụ
điển hình nhất cho câu hỏi hóc búa này. Trump vào năm ngoái cho hay, ông là
“người hâm mộ lớn” của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, nhưng mối quan hệ của họ
gặp một số khó khăn về những cuộc tấn công của Ankara vào đồng minh của Mỹ
ở Syria, và việc cầm tù sai trái một mục sư người Mỹ.
Khi mối quan hệ Mỹ – Thổ
xuống thấp, New York Times gợi lại một số tò mò.
Vào năm 2018, một tổ chức
kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ huỷ hội nghị tại khách sạn Washington của ông Trump. 6
tháng sau, khi quan hệ giữa hai quốc gia trở nên tốt hơn, sự kiện này được lên
lịch trở lại với sự tham dự của một số viên chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng
không Thổ Nhĩ Kỳ cũng chọn Trump National Golf Club ở ngoại ô Virginia để tổ chức
sự kiện vào năm 2017.
Hay nói cách khác, những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách để lấy
lòng Tổng thống Mỹ bằng cách bảo đảm tiền chảy vào túi gia đình ông ta với hy vọng
thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ. Trump Organization cho những quốc gia này đòn bẩy chưa từng có để
gây ảnh hưởng đến Tổng thống Mỹ.
Tiền chảy vào túi của ông
Trump có lẽ trả lời câu hỏi bản thân ông Trump hỏi ký giả Bob Woodward trong một
phỏng vấn cho cuốn sách Rage. “Tức cười, những mối quan hệ tôi có, họ càng cứng
rắn, càng dữ dằn thì tôi càng hợp với họ hơn,” Tổng thống nói về mối quan hệ với
các lãnh đạo độc tài, trong đó có Erdoğan. “Một ngày nào đó anh giải
thích cho tôi, được không?”
Một cách khác nhẹ nhàng
hơn như New York Times lưu ý, các quốc gia khác đã đặt những cựu cộng sự của
ông Trump vào những vị trí quyền lực. Ví dụ, Tổng thống Philippine Rodrigo
Duterte đưa doanh nhân đứng đằng sau Trump Tower ở Manila thành đặc phái viên
thương mại đặc biệt tại Mỹ, và chính phủ Argentina bổ nhiệm người có công trong
thỏa thuận giấy phép của ông Trump ở Uruguay vào nội các.
Những bước đi như vậy cho
thấy một số chính phủ nước ngoài đã thay đổi hoạt động và nhân sự của họ chỉ để
thu hút sự chú ý của Tổng thống (như người ta nói: nhân sự là chính sách). Và
những quyết định này cho thấy rõ ràng các cơ sở kinh doanh của ông Trump không
chỉ là mối phiền toái phụ và tình thế khó xử về đạo đức, mà chúng là trọng tâm
của cách các khu vực trên thế giới giao du với Mỹ dưới thời chính quyền này.
Tất cả những điều này là
một vấn đề. Việc chính phủ nước ngoài bơm tiền vào hoạt động kinh doanh có dính
tới tổng thống là vi phạm luật liên bang. Nhưng vì việc vi phạm như vậy đã
không – và sẽ không – dẫn đến hành động ngay lập tức nên mối quan tâm lớn nhất
là: Nếu tổng thống đưa ra quyết định vì lợi ích cá nhân của mình, chứ không phải
vì lợi ích quốc gia, thì ông ấy sẽ khuất phục những yêu cầu chính sách đối ngoại
của Mỹ cho lợi ích kinh doanh của gia đình.
Vấn đề đó trở nên dữ dội
hơn khi tính đến khoản nợ 421 triệu đô la của Trump, phần lớn số này đến hạn trả
nợ trong bốn năm tới. Không rõ chính xác ông ta nợ ai số tiền đó, nhưng không
phải không vô lý trước phạm vi hoạt động kinh doanh nước ngoài của Trump
Organization để giả sử một số khoản nợ do các tổ chức cho vay nước ngoài như
Deutsche Bank, nơi đã cho các cơ sở của ông Trump vay vài trăm triệu Mỹ kim
trong những năm gần đây. Những khoản nợ này có thể có nghĩa, Trump có những lo
ngại về tài chính trong đầu khi điện đàm hay trao đổi với người đồng nhiệm.
Hương Giang (Theo Vox)
No comments:
Post a Comment