Tuesday, September 29, 2020

'KHOẢNG CÁCH KÉP' TRONG GIA ĐÌNH GỐC VIỆT (Đinh Yên Thảo)

 


‘Khoảng cách kép’ trong gia đình gốc Việt

Đinh Yên Thảo

25/09/2020

https://www.voatiengviet.com/a/khoang-cach-kep-trong-gia-dinh-viet/5597758.html

 

Khi nhắc về sự khác biệt trong suy nghĩ, quan niệm, hành xử, người ta vẫn nói về khái niệm "khoảng cách thế hệ" được các nhà xã hội học đưa ra vào khoảng thập niên 60s thế kỷ trước. Đó là sự khác biệt quan điểm giữa thế hệ này với thế hệ trước về niềm tin, chính kiến hoặc các giá trị xã hội được thể hiện qua nhiều mặt khác nhau do tuổi tác.

Khoảng cách thế hệ tồn tại ở bất cứ quốc gia hay sắc tộc nào vì sự thay đổi xã hội qua thời gian đã làm thay đổi quan niệm và lối sống giữa các thế hệ. Đây chỉ là một thực tế phổ biến và hiển hiện trong bất cứ xã hội và gia đình nào. Nhưng với các cộng đồng đồng di dân, cách riêng là với cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ thì khoảng cách này đã bị nhân đôi khi có thêm một khoảng cách khác: khoảng cách văn hóa.

 

Khác với khoảng cách thế hệ do tuổi tác, khoảng cách văn hóa đến từ khác biệt văn hóa bao gồm những giá trị, tập quán, hành xử... giữa dân tộc này với dân tộc khác, điều mà một người từ quốc gia này đến với quốc gia khác hay các cộng đồng di dân đối diện khi sống tại một quốc gia khác. Phạm trù văn hóa không phân định đúng sai rõ ràng giữa các nền văn hóa khác nhau, nó chỉ cản trở mối quan hệ cùng sự thông hiểu hỗ tương lẫn nhau.

 

Theo số liệu từ Cục Dân Số Hoa Kỳ (ACS 2019), trong số gần 1.9 triệu người gốc Việt đang cư ngụ tại Hoa Kỳ thì có đến hai phần ba số này, khoảng hơn 1.2 triệu người là sinh ra ngoài nước Mỹ, hầu hết là tại Việt Nam. Đến Mỹ theo các làn sóng tị nạn và di dân khác nhau trong hơn 40 năm qua, một số bậc phụ huynh, ông bà lớn tuổi đã lo toan mưu sinh và có những trở ngại ngôn ngữ cho đến việc chỉ quần tụ khép kín trong cộng đồng, cũng như văn hóa Việt đã thấm đẫm trong người nên không có nhiều cơ hội để thấu hiểu thấu đáo hơn về văn hóa xứ người.

 

Đây là điều dẫn đến khoảng cách văn hóa với con cái được sinh ra hay lớn lên tại Mỹ, đã hấp thụ trọn vẹn hay phần lớn văn hóa Mỹ bên cạnh khoảng cách thế hệ. Nó tạo ra một "khoảng cách kép", dễ dàng dẫn đến ra các xung đột trong gia đình từ các khác biệt quá xa, cách này hay cách khác.

 

Lấy câu chuyện chính trường hiện nay như một ví dụ và là thực tế đang xảy ra trong không ít gia đình gốc Việt tại Mỹ hiện nay. Trong khi thế hệ lớn tuổi sống qua những trải nghiệm cùng ký ức của mình về các vấn đề chính trị xã hội, lịch sử thì con cái trong gia đình sinh ra hay lớn lên, thụ hưởng nền giáo dục khai phóng, cổ vũ sự tự do tư tưởng và quyền diễn đạt của mình để có thể dẫn đến việc nhìn nhận các phong trào xã hội, liên đới chính trị cùng câu chuyện chính trường có thể khác nhau.

 

Giới lớn tuổi cho rằng các em thiếu chín chắn, bị dẫn dắt hay "bị tẩy não" khi có những suy nghĩ khác biệt, quan điểm bất đồng với mình. Ngược lại các em thì cho rằng cha mẹ bảo thủ, quyết đoán và thiếu thông tin. Không phải gia đình nào cũng đối diện nhưng đây là một hiện tượng xã hội phổ biến trong một số gia đình gốc Việt mà chúng ta cần nhìn nhận để tìm ra giải pháp. Bởi những khác biệt, xung đột này có thể dẫn đến sự bất hòa gia đình và gây thương tổn mối quan hệ gia đình.

 

Đã có một vài trang mạng do giới trẻ gốc Việt sinh ra hay sinh ra tại Mỹ tìm đến với nhau, tạo ra một không gian trao đổi tích cực, tìm kiếm sự thông hiểu giữa hai thế hệ. Các suy nghĩ, tranh luận, quan điểm trái biệt giữa cha mẹ, ông bà và các em được thố lộ, tìm kiếm sự đồng cảm hay lời khuyên lẫn nhau, những điều mà các em không thể thẳng thắn trao đổi trong gia đình.

 

Ngược lại, qua mạng xã hội, người ta cũng bắt gặp những mẩu viết, những lời bình cho rằng giới trẻ thiếu kinh nghiệm và dễ bị dẫn dắt hay bị "tẩy não" khi các em bày tỏ những nhìn nhận khác biệt với vấn đề cùng câu chuyện thời cuộc mà họ nhìn nhận. Điều này cho thấy ít nhiều đã một khoảng cách văn hóa cùng thế hệ trong suy nghĩ như vậy.

 

Nhìn lại các cuộc cách mạng kỹ thuật và xã hội có chiều sâu và làm thay đổi cách con người suy nghĩ, giao tiếp, liên lạc và tiếp nhận thông tin hiện nay là phần lớn được tạo ra từ một giới trẻ trong độ tuổi 20 đến 30. Họ có tư duy, sự sáng tạo và chiều sâu trong suy nghĩ, nhận thức cùng chiến lược để làm thay đổi xã hội và cả thế giới. Con cái trong gia đình hay các thế hệ trẻ gốc Việt cũng vậy. Họ được trang bị những khả năng và sự sâu sắc trong những suy nghĩ và bức phá của riêng mình, không thể xem nhẹ các em.

 

Mặt khác, hệ thống giáo dục tại Mỹ vốn tự trị, khai phóng và cổ súy tự do tư tưởng theo khuôn khổ luật pháp. Họ không được phép cổ súy sự liên đới chính trị, đảng phái, tôn giáo và kỳ thị trong học đường để can dự đến suy nghĩ độc lập của sinh viên học sinh. Họ tạo không gian và điều kiện để các em bày tỏ theo xu hướng của riêng mình.

 

Nhìn ở góc độ nào thì mỗi gia đình cần tìm những giải pháp để tạo ra một môi trường lành mạnh cho mỗi thành viên. Sử dụng vị thế cao thấp gia đình để trấn áp hay né tránh, im lặng không phải là cách tốt nhất cho vấn đề.

 

Chính vì vậy, sự đối thoại, lắng nghe giữa các thế hệ trong gia đình trên tinh thần cởi mở, tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt hơn là mong đợi sự thay đổi giúp cải đổi mối quan hệ cha mẹ-con cái được tích cực, gắn bó hơn. Không chỉ các câu chuyện thời cuộc mà nhiều vấn đề khác nhau. Điều này giúp giới trẻ có thể hiểu, thông cảm với trải nghiệm quá khứ của cha mẹ, ông bà để dẫn đến suy nghĩ, thái độ hiện nay. Và ngược lại, nó cho cha mẹ hiểu được lý do tại sao các em có xu hướng trái ngược mình, có điều gì hợp lý để mình có thể tự điều chỉnh hay dung hòa.

 

Thu hẹp "khoảng cách kép" này là một thách thức trong những gia đình có sự xung đột về thế hệ và văn hóa. Là vấn đề gia đình và hơn ai hết, chính mỗi thành viên có trách nhiệm góp phần thu hẹp và hàn gắn. Bởi có khác biệt thế nào, rốt cuộc lại thì cha mẹ và con cái đều là những sợi giây ràng buộc mà không điều gì có thể phá vỡ và cần được xem là ưu tiên hàng đầu.

 

 

 

 

 


No comments: