Sunday, September 27, 2020

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA BIDEN : CHỐNG KHỦNG BỐ và AN NINH MẠNG (Hoang Nguyen - Luật Khoa)

 


Chính sách đối ngoại của Biden: Chống khủng bố và an ninh mạng

Hoang Nguyen  -  Luật Khoa

28/09/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/09/chinh-sach-doi-ngoai-cua-biden-chong-khung-bo-va-an-ninh-mang/

 

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên Joe Biden. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.

 

Kỳ 1: Trung Quốc


Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế


Kỳ 3: Thương mại và kinh tế


Kỳ 4: COVID-19


Kỳ 5: Nhập cư


Kỳ 6: Biến đổi khí hậu

 

-----------------------------------------------------------------------------------------

 

Chống khủng bố

 

Biden là người đề xướng chính cho chiến lược mà ông gọi là “chống khủng bố+”. Cách tiếp cận này nhấn mạnh việc chống lại các mạng lưới khủng bố ở nước ngoài bằng cách sử dụng các nhóm nhỏ của lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ và các cuộc không kích, thay vì việc triển khai đội quân lớn.

 

·         Chiến lược chống khủng bố này đa phần định hình chính sách của chính quyền Obama trong việc chống lại các phần tử thánh chiến (jihadists) và các nhóm chiến binh khác trên khắp thế giới, bao gồm ở Pakistan, Afghanistan, Iraq, Tây Phi, vùng Sừng châu Phi và bán đảo Ả Rập – những nơi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Các hoạt động này cũng bao gồm việc trực tiếp nhắm vào các chiến binh có quốc tịch Mỹ, chẳng hạn như Anwar al-Awlaki.

 

·         Phản đối pháp lệnh hành pháp cấm du khách đến từ một số quốc gia theo đạo Hồi của Donald Trump, điều mà chính quyền Trump nói là cần thiết để hạn chế nhập cảnh đối với những kẻ khủng bố tiềm năng.

 

·         Chia sẻ với CFR rằng chính sách của Hoa Kỳ phải tập trung vào việc đảm bảo  rằng tàn dư của al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không thể tự phục hồi.

 

·         Ủng hộ việc mở rộng cơ quan chống khủng bố liên bang. Ông đã đưa ra một đạo luật nhằm mở rộng quyền giám sát của chính phủ nhưng không thành công vào năm 1995, phần lớn sau đó của bộ luật được gộp vào Đạo luật Ái quốc vào năm 2001 mà ông ủng hộ. Vào năm 2015, chính quyền Obama thông qua Đạo luật Tự do của Hoa Kỳ, đạo luật này dựa trên Đạo luật Ái quốc với một số hạn chế mới về quyền giám sát.

 

·         Chỉ trích các hình thức giám sát liên bang khác, bỏ phiếu chống lại những luật sửa đổi của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) vào năm 2007 và 2008 mà cho phép thu thập email, lịch sử tìm kiếm và dữ liệu cá nhân khác của công dân Hoa Kỳ.

 

·         Với tư cách là phó tổng thống, ông là người ủng hộ việc đóng cửa cơ sở giam giữ tại Vịnh Guantanamo, Cuba – là nơi Biden gọi là “quảng bá” việc tuyển mộ khủng bố. Tuy nhiên, Quốc hội đã chặn các nỗ lực đóng cửa hoàn toàn cơ sở này.

 

 

Chính sách an ninh mạng và kỹ thuật số

 

Biden nói rằng các mối đe dọa mạng là một thách thức ngày càng lớn đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, uy tín của các cuộc bầu cử và sức mạnh của nền dân chủ quốc gia. Trong khi đó, ông cho rằng chính phủ nên gây áp lực buộc các công ty công nghệ phải cải cách các hoạt động liên quan đến quyền riêng tư, giám sát và phát ngôn thù địch.

 

·         Nếu trở thành tổng thống, Biden sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu để gây áp lực buộc các công ty công nghệ phải cam kết đảm bảo rằng nền tảng của họ “không hỗ trợ các quốc gia giám sát người dân, tạo điều kiện cho việc đàn áp ở Trung Quốc và các nơi khác, gieo rắc sự thù ghét, [hoặc] cổ súy bạo lực”.

 

·         Nói với CFR rằng Hoa Kỳ nên sử dụng vốn hỗ trợ nước ngoài của mình để cung cấp cho thế giới các lựa chọn thay thế cho các công nghệ giám sát “đen tối” của Trung Quốc.

 

·         Sẽ hợp tác với các đồng minh để phát triển mạng di động 5G và các công nghệ tiên tiến khác nhằm đảm bảo an toàn trước sự xâm nhập của các đối thủ của Hoa Kỳ.

 

·         Biden là đồng chủ tịch của Ủy ban Liêm chính Bầu cử Xuyên Đại Tây Dương – một ủy ban do các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và EU trước đây thành lập vào năm 2018 để chống lại mối đe dọa chung về gian lận bầu cử, đặc biệt là từ Nga.

 

·         Nhiều lần cảnh báo về sự mong manh của cơ sở hạ tầng mạng Hoa Kỳ, bao gồm mạng lưới giao thông, lưới điện và hệ thống bầu cử, trước những cuộc tấn công, phá hoại và xâm nhập; đồng thời kêu gọi đầu tư nhiều hơn và nâng các tiêu chuẩn quy định lên cao hơn.

 

·         Cảnh báo về khả năng Trung Quốc và Nga khai thác các kẽ hở trong hệ thống quản lý của Hoa Kỳ và sử dụng ngành tài chính để rửa tiền, nhằm vượt qua luật cấm nhận tài trợ nước ngoài của các cuộc bầu cử.

 

·         Mặc dù cho rằng việc kêu gọi xé nhỏ Facebook và những gã khổng lồ mạng xã hội khác là “quá hấp tấp”, ông vẫn nghĩ đề xuất này nên được cân nhắc. Biden ủng hộ việc bãi bỏ các quy định miễn trừ trách nhiệm cho Facebook và các nền tảng trực tuyến khác về những gì người dùng của họ đăng tải.

 


 

Kỳ tới: Trung Đông và Bắc Triều Tiên

 

 

 

 

 


No comments: