Donald Trump, một công dân lương thiện hay một tỉ phú
nghèo?
Nhã Duy
29/09/2020
https://baotiengdan.com/2020/09/29/donald-trump-mot-cong-dan-luong-thien-hay-mot-ti-phu-ngheo/
Câu nói phổ biến với dân
Mỹ được trích từ ý của Benjamin Franklin thường được nhiều người nhắc là, “thế
giới này chẳng có gì chắc chắn, ngoại trừ cái chết và thuế“. Dù nói thật
hay đùa thì quả là vậy. Từ một học sinh trung học đi làm thêm kiếm thêm dăm đồng,
cho đến nhân công hãng xưởng, một thương gia hay tổng thống, thuế là điều chẳng
tránh khỏi với dân Mỹ. Ngoại
trừ Tổng Thống Donald Trump – vị Tổng Thống Hoa Kỳ kiêm tỉ phú.
Phóng sự điều tra của báo
New York Times tung ra hồi cuối tuần qua đã làm dân Mỹ cùng thế giới phải sửng
sốt về hồ sơ thuế má của Donald Trump trong hàng chục năm được trưng ra. Người
ta không bất ngờ vì vấn đề thuế má của Trump đã xuất hiện từ nhiều năm qua, rộ
lên lúc ông ra tranh cử tổng thống năm 2016 và kéo dài cho đến nay. Nhưng họ ngạc
nhiên vì những số liệu, chi tiết được đưa ra đến mức khó tin: Là một tỉ phú có
thu nhập hàng trăm triệu đô la, nhưng Trump không đóng thuế cả chục năm, năm
tranh cử và năm đầu làm tổng thống, chỉ đóng trùng hợp có 750 đô la cho mỗi
năm. Quả một cú “bombshell”!
Thuế vụ là điều phức tạp
và cần chuyên môn sâu, bên cạnh những tổ hợp kế toán lớn còn có những luật sư
chuyên môn về thuế vụ. Do đó, việc một tỉ phú như Trump không đóng thuế nhờ
khai thác hợp pháp những lỗ hổng của hệ thống thuế hay bởi việc trốn thuế là
trách nhiệm kiểm toán và kết luận từ IRS và luật pháp. Tuy nhiên, từ hồ sơ của
New York Times, người dân cũng có đôi khái niệm về việc làm ăn của Donald Trump
là thế nào và có những điều gì đáng chú ý khi điểm qua một vài trong hàng ngàn
số liệu mà NYT đã đưa ra.
Vậy thì tại sao một tỉ
phú như Donald Trump có thể không đóng thuế?
Nguyên tắc chung về thuế trong thương mại là dựa
trên lợi nhuận hay sự thua lỗ của một doanh nghiệp, được tính theo mức tổng thu
trừ đi các chi phí. Nói
đơn giản là khi có lợi nhuận sẽ phải đóng thuế, còn thua lỗ thì không.
Trump và tập đoàn của ông đã sử dụng nguyên tắc này, khai thua lỗ để không phải
chịu trách nhiệm thuế.
Không cần đến những luật
sư am tường cách lách luật để né thuế, những tiểu thương bắt đầu chuyện làm ăn
cũng có thể học được bài học cùng luật pháp căn bản từ những chuyên viên khai
thuế cố vấn cho họ: IRS
cho phép khai lỗ trong ba năm đầu tiên hoặc ba trong năm năm hoạt động.
Tập đoàn do Donald Trump
làm chủ cũng vậy. Trump Organization sở hữu khoảng 500 công ty con khác nhau và
sử dụng chúng như cách khai thua lỗ để khấu trừ vào lợi nhuận của tập đoàn mẹ.
Việc thành lập hàng trăm công ty như vậy, khai thua lỗ hay phá sản rồi tiếp tục
tạo ra hàng trăm công ty con thay thế khác không phải điều tinh vi, khó khăn
cho các tập đoàn hay cá nhân quyền lực nào đó muốn tránh né thuế. Các công ty
con này có là công ty bình phong hay công ty ma hay không thì xem ra khó lòng
cho IRS kiểm soát và kiểm toán được hết khi chúng được tạo ra ở khắp nơi trên
thế giới.
Trump và tập đoàn của
mình cũng sử dụng các khoản khấu trừ để giảm thuế. Theo NYT thì nhiều khoản khấu
trừ đã không được giải thích rõ ràng và nằm trong nghi vấn của IRS. Ví dụ như phí tư vấn chiếm tỉ lệ
khá cao, đến gần 20% khoảng thu nhập. Có những lệ phí tư vấn được trả
cho chính con gái của ông là Ivanka Trump, người đồng thời cũng là một cấp quản
trị của tập đoàn Trump. Hay nhỏ hơn như việc khấu trừ cả chi phí hớt tóc, trang
điểm tóc cho Trump được khai khấu trừ 70,000 đô la và công ty Trump khấu trừ
95,464 đô la. Bên cạnh đó, việc mua nhà nghỉ mát, sử dụng các phương tiện di
chuyển, giải trí xa hoa gia đình cũng được kê vào để giảm trách nhiệm thuế.
Nói chung, bằng các cách khấu trừ, miễn giảm hay tính thuế khác nhau
như vậy, trong năm 2018, thu nhập của Trump là 434.9 triệu đô la nhưng rốt
cuộc hồ sơ cho thấy ông ta đã lỗ 47.4 triệu.
Tuy nhiên cuộc chiến pháp
lý kéo dài gần 10 năm qua giữa Trump cùng IRS không đến từ việc ông khai lỗ và
không đóng thuế, mà đến từ việc Trump còn muốn lấy lại tiền của chính phủ, tức
của người dân. Năm 2011, ông khai để lấy về tổng cộng 72.9 triệu đô la qua những
khoản thua lỗ mới mà ông khai thêm. Đó là lý do mà IRS đã phải mở cuộc điều tra
và tranh tụng cho đến nay.
Ở đây có một điểm quan trọng
cần ghi nhận thêm nhân hồ sơ thuế vụ của Donald Trump. Đó là việc xung đột lợi
ích của một công chức chính phủ, đặc biệt là vai trò đứng đầu quốc gia như tổng
thống Trump khi tiếp tục sở hữu tập đoàn kinh doanh tư nhân lúc đương quyền.
Được những người ủng hộ
ca ngợi về việc làm tổng thống không lương, tuy nhiên các nguồn lợi từ chính
các cụm kinh doanh của Trump làm chủ cho đến các mặt hàng mang thương hiệu
Trump đã gia tăng bội phần nhờ vào cương vị tổng thống. Lệ phí hội viên sân
golf Mar-a-Lago tại Palm Beach của ông đã được nâng giá gấp đôi, từ 100 ngàn đô
lên 200 ngàn đô ngay sau khi Trump đắc cử, là một ví dụ.
Hay như cao ốc Trump
Tower tại New York đã tăng giá cho thuê rất cao trong vài năm qua. Việc tăng
giá này không ngăn cản giới tài phiệt, các tập đoàn thương mại cho đến các tổ
chức liên đới chính trị, phái đoàn nước ngoài đã sử dụng chúng như phương tiện
tiếp cận đến tổng thống Trump cùng gia đình và giới thân cận của ông. Hay chính chính phủ cũng phải trả
thêm rất nhiều tiền cho các cận vệ, cùng nhân viên tùy tùng tháp tùng ông và
gia đình trong hàng trăm chuyến đánh golf, hay nghỉ mát tại những nơi thuộc quyền
sở hữu của ông và gia đình.
Thứ nhì là các hồ sơ thuế
cho thấy, tổng thống Trump vẫn tiếp tục làm ăn và thu lợi từ nước ngoài
trong khi đương nhiệm. Theo giới phân tích, đây là điều dễ dàng bị các quốc gia
sở tại sử dụng như phương tiện tạo ra áp lực hay ưu đãi để đánh đổi các lợi ích
ngoại giao, hay ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Và trên thực tế, dù cuộc chiến
thương mại được nội các Trump thường xuyên sử dụng trước đại chúng, điều này
vẫn không ngăn cản tập đoàn Trump làm ăn với Trung Cộng hay nhập cảng hàng hóa
từ quốc gia này. Theo hồ sơ xuất nhập cảng mà đài CNN đã có được, các khách sạn
và sân golf của tập đoàn Trump vẫn đặt mua bàn ghế, kệ tủ từ Hoa Lục.
Công bố rằng đã có trong
tay hồ sơ thuế của Donald Trump một cách hợp pháp, phóng sự công phu từ một tờ
báo uy tín và tầm cỡ với hàng trăm năm hoạt động như New York Times sẽ còn được
đăng làm nhiều kỳ với hàng ngàn số liệu, chi tiết trong thời gian đến. Đây là
cơ hội cho Donald Trump cùng tập đoàn của ông dễ dàng chứng minh đó là nguồn
tin không chính xác một khi ông bạch hóa hồ sơ thuế của mình ra đối chất.
Còn ở đây, trong cuốn
sách “Đã đến lúc cứng rắn” (Time to get tough) của Donald Trump được xuất bản
vào năm 2011, ông kèn cựa cùng người dân nghèo rằng, “một nửa nước Mỹ không
trả một xu thuế thu nhập nào. Đó là một trong những lý do nếu chi tiêu liên
bang gia tăng là đầy nguy hiểm...”. Rồi cũng chính Trump từng nói với ký giả
Sean Hannity trên Fox News rằng, “ngay cả những người Mỹ không kiếm được nhiều
tiền cũng phải đóng thuế như là một phần của cuộc chơi“.
Vâng! Có những người dân
nghèo khó hay đang thất nghiệp không kiếm đủ tiền để phải đóng thuế. Còn hầu hết
những người dân đang nhọc nhằn kiếm sống và đối diện những khó khăn kinh tế do
cung cách điều hành và đối phó dịch bịnh của chính phủ vẫn đang đóng thuế,
trích từ những đồng tiền mồ hôi của họ.
Còn Tổng Thống Donald
Trump, ông đang ở đâu? Ông thuộc nhóm những người dân lương thiện có trách nhiệm
đóng thuế cho quốc gia hay là một tỉ phú nghèo không đủ tiền đóng thuế? Ông ở
trong số một nửa nào và có là một phần của cuộc chơi không mấy gì thú vị với lắm
nỗi gian nan vất vả mà người dân đang phải đối diện?
Hay, cam on.
.
Trump phản bác fake news
chỉ cần cho xem trang cuối form 1040 có chữ ký và tổng số thuế đã trả là xong
chứ có lộ chỗ nào "nhạy cảm" đâu nhỉ?
750$ thuế thu nhập liên bang của Trump còn không bằng số lẻ của Bernie Sanders
343,882 USD! Biden có phải tỷ phú đâu mà đóng thuế 1 năm tới 3.74 triệu USD, còn
tỷ phú Trump mà đóng thuế chỉ có vài trăm USD thôi sao?
No comments:
Post a Comment