Friday, August 28, 2020

TRUNG QUỐC MUỐN THỂ HIỆN GÌ KHI TẬP TRẬN ĐỒNG THỜI TRÊN 4 VÙNG BIỂN (Đoàn Nam Sơn)

 


Trung Quốc muốn thể hiện gì khi tập trận đồng thời trên 4 vùng biển

Đoàn Nam Sơn

Aug 27, 2020

https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/trung-quoc-muon-the-hien-gi-khi-tap-tran-dong-thoi-tren-4-vung-bien/

 

Báo chí quốc tế cho biết, Trung Quốc đang tiến hành gần như đồng thời các cuộc tập trận tại bốn vùng biển, gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Vịnh Bột Hải.

 

Một số chuyên gia đưa ra nhận định rằng động thái hiếm hoi này có thể nhằm phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẵn sàng đối mặt với sự thách thức từ Mỹ và Đài Loan.

 

Trung Quốc lại khoe cơ bắp

 

Thời điểm diễn ra các cuộc tập trận mới này nhằm phát đi thông điệp rằng Bắc Kinh có đủ năng lực huy động các lực lượng tại nhiều địa điểm khác nhau, cho dù Bắc Kinh không có ý định gây chiến với Mỹ.

 

Việc Trung Quốc tiến hành gần như đồng thời các cuộc tập trận tại bốn khu vực biển nói trên là điều bất thường, cho dù nước này thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động diễn tập ở tất cả binh chủng. Bắc Kinh hồi cuối Tháng Bảy cũng đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải, song các cuộc diễn tập này không diễn ra đồng thời. Trung Quốc tiến hành đồng thời các cuộc diễn tập như muốn chuyển tải các thông điệp quân sự và chính trị.

 

Về mặt quân sự, động thái này cho thấy quân đội Trung Quốc (PLA) thể hiện việc có đủ khả năng huy động các lực lượng ở quy mô lớn cho hoạt động huấn luyện trên nhiều vùng biển, và cũng nhằm chứng minh rằng PLA không hề bị ảnh hưởng bởi “dịch bệnh.”

 

Về mặt chính trị, đây là sự thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trước các căng thẳng và thách thức an ninh trên mọi mặt trận. Thêm nữa, đây cũng là việc thể hiện “quyền lực” của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm dẹp yên các chỉ trích trong nước trước các “sai lầm chiến lược” của ông ta, dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ngoài ra, đây cũng là những “nhắc nhở” các quốc gia Châu Á khác không nên “vọng động” lúc này.

 

Theo ông Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hồng Kông, bất kỳ chiến sự tương lai nào cũng có thể xảy ra cùng một lúc ở nhiều địa điểm. Đó là lý do chính giải thích vì sao Trung Quốc lại tiến hành  các cuộc diễn tập cùng một lúc trên bốn khu vực biển khác nhau.

 

Giải thích về cuộc diễn tập tại Vịnh Bột Hải, nhà bình luận này nói: “Quân đội Trung Quốc cần tập trung đặt biệt vào Vịnh Bột Hải, gần Bắc Kinh, nơi cần được được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.”

 

Cãi vã Trung Quốc-Philippines lại tiếp tục

 

Tin tức về hoạt động quân sự nói trên của Trung Quốc được đưa ra nhiều ngày sau khi Philippines gửi một công hàm phản đối Trung Quốc về điều mà Manila gọi là việc tịch thu bất hợp pháp các thiết bị thu gom cá của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough vào Tháng Năm, 2020.

 

Bộ Ngoại Giao Philippines tuy không đưa thêm bất kỳ chi tiết nào trong thông báo hôm 20 Tháng Tám, song cũng phản đối việc Trung Quốc “tiếp tục phát sóng vô tuyến bất hợp pháp về phía máy bay chiến đấu của Philippines đang làm nhiệm vụ tuần tra hàng hải định kỳ” ở Biển Đông.

 

Phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 21 Tháng Tám đáp lại rằng lực lượng hải cảnh của nước này đang thực thi pháp luật trên vùng biển của Trung Quốc, và rằng máy bay của Philippines đã gây phương hại chủ quyền của Trung Quốc và đe dọa an ninh của nước này.

 

Sự phản đối của Philippines diễn ra trong bối cảnh quan ngại gia tăng về điều mà Mỹ và các đồng minh của Mỹ coi là các hoạt động và các cuộc diễn tập quân sự mang tính gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp mang tính chiến lược này. Trong khi đó, nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng với việc cả hai nước điều động nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu hơn đến Biển Đông. Hải Quân Mỹ cho hay nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Ronald Reagan đã quay trở lại Biển Đông hồi đầu Tháng Tám và đang tiến hành các chiến dịch ở vùng biển này.

 

Trong khi đó, trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh đã triệu tập các nhà ngoại giao của 10 quốc gia Đông Nam Á nhằm lôi kéo sự ủng hộ của họ sau đòn thách thức ngoại giao từ phía Mỹ. Hiện không rõ liệu cuộc gặp này, có thu được bất kỳ kết quả trước mắt nào hay không trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn gặp bế tắc.

 

Cuộc gặp này diễn ra ba tuần sau khi Mỹ phản đối gần như hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và trên thực tế cho thấy Mỹ đứng về phía Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei liên quan đến các tranh chấp lãnh hải của mỗi nước với Trung Quốc.

 

Phản ứng trước việc này, Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang muốn gieo rắc bất đồng và đang can thiệp vào tranh chấp ở Châu Á nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của mình và kích động đối đầu. Theo tờ báo South China Morning Post, tại cuộc họp diễn ra ở Bắc Kinh hồi đầu Tháng Tám này, một quan chức Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ từ các hoạt động quân sự do “các nước bên ngoài khu vực” thực hiện, ám chỉ Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Úc.

 

Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các nước thành viên ASEAN nối lại các cuộc thương lượng về Bộ Quy Tắc ở Biển Đông (COC). Các nhà nghiên cứu cũng đang lo ngại về khả năng Trung Quốc muốn “ve vãn” các nước Đông Nam Á nhằm xoa dịu thái độ phản kháng từ các quốc gia này, đồng thời xúc tiến COC theo ý Trung Quốc để tím cách loại Mỹ “ra ngoài cuộc chơi COC.”

 

Trung Quốc lại ve vãn Việt Nam

 

Tân Hoa Xã cho biết, ông Vương Nghị – ngoại trưởng Trung Quốc – đã gặp Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Đông Hưng trên biên giới Việt-Trung ở khu tự trị Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc vào Chủ Nhật (23 Tháng Tám) để đánh dấu ngày kỷ niệm phân giới và cắm mốc trên đất liền giữa hai nước.

 

“Chúng ta phải dựa trên thực tiễn thành công trong việc giải quyết các vấn đề biên giới trên bộ để tìm kiếm giải quyết sớm các tranh chấp trên biển… Hai nước có đủ khả năng và trí tuệ để tiếp tục đàm phán về các vấn đề hàng hải,” ông Vương nói, theo trích dẫn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc.

 

Ông Vương cũng đã nhân cơ hội này để nhắc nhở các nhà lãnh đạo Việt Nam về những thành công trong quá khứ đàm phán của hai nước – năm 2009 về biên giới chung trên đất liền, cũng như năm 2000, với Hiệp Định Phân Định Vịnh Bắc Bộ, và Hiệp Định Khai Thác Nghề Cá giữa hai nước. Ông Vương Nghị cũng nói:“Cả hai nước nên tập trung vào nhu cầu hợp tác lâu dài giữa hai bên và tích cực khởi động lại đối thoại để tìm ra phương thức cơ bản và bền vững nhằm duy trì sự ổn định ở Biển Đông.”

 

Ông ta nói thêm rằng hai nước nên tiếp tục thúc đẩy kinh tế biên giới và du lịch, đồng thời thực hiện các kế hoạch trong khuôn khổ Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường.

Mặc dù tỏ ra “ve vãn” Việt Nam như vậy, nhưng trong thực tế, các tàu Trung Quốc vẫn luôn đe dọa việc thăm dò khai thác tại Lô 06.1. Lô này nằm trên bồn trũng Nam Côn Sơn, hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không thể là đối tượng tranh chấp được.

 

Gần đây, Trung Quốc đã đe dọa, khiến Việt Nam phải rút hợp đồng thăm dò với tập đoàn Noble. Năm 2017, 2018, Trung Quốc cũng đe dọa, khiến Việt Nam phải yêu cầu tập đoàn Repsol phải rút khỏi Lô 136.3 và Lô 07.3, khiến Việt Nam phải thiệt hại hàng tỷ đô la.

 

Đoàn Nam Sơn (Nguồn: RFA)

 

 

 

 

 

 

 


No comments: