Saturday, August 29, 2020

CÁC TỔ CHỨC MỸ GỐC Á LO LẮNG KHI BIẾT TONY PHẠM ĐƯỢC CHỌN LÃNH ĐẠO ICE (Viễn Đông Daily)

 


Các tổ chức Mỹ gốc Á lo lắng khi biết Tony Phạm được chọn lãnh đạo ICE  

Viễn Đông Daily

Saturday, 29/08/2020 - 11:17:17

http://www.viendongdaily.com/cac-to-chuc-my-goc-a-lo-lang-khi-biet-tony-pham-duoc-chon-lanh-DZRLstXc.html

 

Liệu quyền giám đốc Tony Phạm của cơ quan ICE sẽ tốt hay xấu cho di dân?

 

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2020/8/29-Aug-2020/tonypham.jpg

Tony Phạm (ice.gov)

 

Đối với một số hội đoàn bênh vực di dân gốc Á Châu, sự việc ông Tony Phạm có nguồn gốc tỵ nạn Việt Nam không có nghĩa là ông ta sẽ tốt hơn đối với các di dân, nhất là đối với người gốc Đông Nam Á chưa có quốc tịch Hoa Kỳ. Không chừng ông còn tệ hơn so với một giám đốc gốc Mỹ sanh ra ở Hoa Kỳ. Đây là ý kiến được nêu ra trong một bản tin của đài NBC News đăng ngày 28 tháng 8, 2020 của ký giả Claire Wang, và dưới đây là phần tóm lược của bản tin ấy.

 

Nữ ký giả cho biết sự việc chính phủ Trump bổ nhiệm một người tỵ nạn vào vai trò lãnh đạo cơ quan thực thi luật di trú và quan thuế thường được gọi là ICE (Immigration and Customs Enforcement) đã gây tức giận từ nhiều nhóm người Mỹ gốc Á Châu, vì họ cho rằng đây là một chiến thuật mang tính chất đạo đức giả.

 

Gia đình Tony Phạm từng rời Sài Gòn năm 1975. Trước khi được giao chức quyền Giám Đốc ICE, ông Tony Phạm đã giữ vai trò trưởng cố vấn luật pháp cho ICE từ đầu năm nay. Vào ngày thứ Ba, 25 tháng 8, ông được chọn thay thế ông Matt Albence, người đã quyết định từ chức.

 

Trong gần bốn năm qua, chính phủ Trump đã gia tăng trục xuất di dân gốc Đông Nam Á ở mức độ đáng quan tâm. Sự việc ông Tony Phạm được bổ nhiệm chức cao cấp nhất của ICE diễn ra trong lúc cộng đồng người Mỹ gốc Đông Nam Á còn đang gặp khó khăn về hậu quả y tế và kinh tế trong trận đại dịch Covid-19. Vào đầu tháng Tám, ICE đã trục xuất 30 người Mỹ gốc Việt về Việt Nam, kể cả những người từng là dân tỵ nạn được bảo vệ dưới thỏa thuận 2008 được ký kết giữa Cộng Sản Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ.

 

Bà Tracy La, tổng giám đốc của tổ chức VietRISE tại California nói với chương trình Mỹ Á Châu của đài NBC, “Sự việc chính phủ Trump bổ nhiệm một người tỵ nạn vào chức lãnh đạo của một cơ quan vốn đã thường xuyên vi phạm quyền của người tỵ nạn là một chiến thuật rất phổ biến nhằm gây chia rẽ trong các cộng đồng của chúng tôi.”

 

Cơ quan ICE đã không hồi đáp câu hỏi của chương trình NBC Asian America trước ý kiến của các nhóm Mỹ gốc Á Châu.

 

Trong một văn bản chính thức, bà Tracy La nói thêm, “Sự việc ông Tony Phạm từng là người tỵ nạn Việt Nam không có nghĩa là trong vai trò chỉ huy ICE thì ông sẽ đối xử người tỵ nạn cũng như di dân với sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền xứng đáng của họ.”

 

Đối với các nhà hoạt động di dân khác, thì sự nghiệp khá lâu dài của ông Tony Phạm trong lãnh vực thực thi luật pháp là một điều rất đáng lo ngại. Trước khi gia nhập Bộ Nội An, ông từng là một công tố viên tại Richmond, Virginia và giám sát viên của nhà tù Virginia Peninsula Regional Jail.

 

Bà Phi Nguyễn, giám đốc ban luật pháp của hội Công Lý Tiến Bộ Cho Người Mỹ Gốc Á Châu (Asian Americans Advancing Justice) tại thành phố Atlanta, Georgia, gọi tắt là AAAJ, nói với NBC, “Với sự việc ông Tony Phạm đã làm việc cho ICE trong chính phủ này, một chính phủ đã hăng hái thi hành biện pháp trục xuất nhắm vào cáo cộng đồng người tỵ nạn Đông Nam Á, chúng tôi không cảm thấy lạc quan chút nào về việc ICE sẽ thay đổi chính sách.”

 

Các chuyên gia về di dân cho biết sự việc ông Tony Phạm trình bày tiểu sử tỵ nạn của ông cũng là một cách thức lập lại thành kiến “di dân tốt so với di dân xấu” của những người Mỹ không tán thành sự di cư của người nước ngoài đến Hoa Kỳ tìm cơ hội sinh sống. Gia đình ông Tony Phạm đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ sau một thập niên định cư ở Mỹ. Trong thư thông báo gởi đến các luật sư của cơ quan ICE, ông Tony Phạm đã nhấn mạnh rằng ông đã “nhập tịch theo cách thức hợp pháp.”

 

Hiện nay đang có khoảng 15,000 di dân gốc Đông Nam Á đã nhận lệnh trục xuất cuối cùng. Trong số này thì 80 phần trăm đã bị dính líu đến tội phạm, theo tường trình của hội AAAJ. Bà Phi Nguyễn nói rằng một số người tỵ nạn đang có nguy cơ bị trục xuất đã rất lo lắng vì cho rằng ông Tony Phạm sẽ thực thi chính sách trục xuất còn mạnh tay hơn so với lúc trước, nhằm tách xa một di dân sống “hợp pháp” như ông với những di dân không có giấy tờ hợp lệ và mất quyền sống ở Mỹ vì một vi phạm luật pháp.

 

“Ngay cả những người chưa bị giam nhưng đã nhận lệnh trục xuất hiện đang sống trong nỗi sợ hãi thường trực,” bà Phi Nguyễn nói. “Họ không hoàn toàn cảm thấy an toàn trong nhà của họ.”

 

Một người khác nêu ý kiến với NBC là bà Katrina Dizon Mariategue, quyền tổng giám đốc của hội Southeast Asia Resource Action Center (Trung Tâm Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á). Bà Katrina nói rằng sự việc ông Tony Phạm nhấn mạnh con đường nhập tịch “hợp pháp” là nhằm hóa giải những ý kiến cho rằng chính sách di trú của Hoa Kỳ hiện nay đang quá khắt khe và gây khổ sở cho một số gia đình phải chịu đựng.

 

Bà Katrina Dizon Mariategue nhận xét, “Đối với một số di dân đã đến đây và thành công, họ có khuynh hướng rút bỏ cây thang để cho các di dân khác không thể bám leo và thành công như họ.”

 

Bà Katrina cho biết gia đình của bà từng sống không giấy tờ một thời gian sau khi đến Hoa Kỳ, vì họ thiếu những điều kiện để có thể xin thẻ xanh và sống hợp lệ tại Mỹ. “Thật là điều đáng buồn và đau lòng,” bà nói về hành động “rút thang” của những di dân thành công.

 

Bà Katrina nhận thấy một điểm khác cũng rất quan trọng. Đó là khi cộng đồng người Mỹ gốc Á sống hợp pháp xứng đáng được hưởng quyền lợi thì cộng đồng đó không được quyền xem xét chính sách di trú đang được thi hành vốn được soạn thảo cho và vì cộng đồng đó.

 

Trong khi đó, vài tổ chức khác, như OCA-Asian Pacific American Advocates (Vận Động Cho Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương), thì còn cân nhắc và hy vọng ông Tony Phạm sẽ làm dịu bớt chính sách di trú quá khắt khe của chính phủ Trump, bằng cách chấm dứt quy luật tạm giam và trục xuất bằng vũ lực.

 

Ông Roland Hwang, phó trưởng ban truyền thông của hội OCA, nói trong một văn bản, “Sự việc có một người đại diện là Á Châu Thái Bình Dương trong chính quyền là điều quan trọng để tạo thêm sự chú ý đến nhu cầu của cộng đồng và bảo đảm sự an sinh của người Á Châu Thái Bình Dương qua các chính sách và luật pháp. Chúng tôi hy vọng rằng ông Tony Phạm sẽ nhớ nguồn gốc tỵ nạn của ông và cộng đồng di dân Mỹ gốc Việt, để đáp ứng chính sách chống di dân của chính phủ Trump.”

 

Thế nhưng đa số những nhà hoạt động cho di dân đều không có nhiều hy vọng như vậy, vì đối với họ thì ICE là một cơ quan không thể nào được cải tổ vì nó duy trì quan điểm thượng tôn da trắng.

 

Bà Phi Nguyễn nói, “ICE là một cơ quan thiếu đạo đức được giao nhiệm vụ thực thi những luật lệ thiếu nhân đạo.” Bà cho biết nhiều gia đình di dân đã bị tách rời. “Ông Tony Phạm có thể làm cho tình hình được khá hơn cho di dân. Thế nhưng đến cuối ngày thì đây là một hệ thống cần được hủy bỏ hoàn toàn.”

 

---------------------------------

 

LIÊN QUAN

 

Tony Phạm, từ một người tỵ nạn trở thành lãnh đạo của ICE

Viễn Đông Daily

Wednesday, 26/08/2020 - 11:26:57

http://www.viendongdaily.com/tony-pham-tu-mot-nguoi-ty-nan-tro-thanh-lanh-dao-cua-ice-NA0IS9Ew.html

 

HOA THỊNH ĐỐN -  Trong vòng một tháng sau ngày ông Matthew Albence thông báo quyết định từ chức vai trò lãnh đạo cơ quan thực thi luật di trú và quan thuế, thường gọi tắt là ICE (The U.S. Immigration and Customs Enforcement) đến nay cơ quan này báo tin một người mới đã được chọn cho chức lãnh đạo. Và người đó là một công dân Mỹ gốc Việt.

 

Ông Tony Phạm là lãnh đạo mới của ICE. Theo tiểu sử được viết trên trang web của cơ quan ICE, ông Tony Phạm là người tỵ nạn từ Việt Nam đến Mỹ cuối thập niên 1970 và trở thành công dân Hoa Kỳ năm 1985. Ông gia nhập ICE đầu năm nay trong vai trò trưởng công tố viên và cố vấn về pháp lý. Nay ông được chọn để thay ông Matthew Albence.

 

Trong thông báo của ICE, một phát ngôn viên cho biết, “Với nhiều kinh nghiệm trong DHS [Bộ Nội An - Department of Homeland Security], ông Tony Phạm sẽ bảo đảm ICE tiếp tục bảo vệ vùng biên giới của chúng ta trước những tội phạm và di trú bất hợp pháp.”

 

Cũng theo tiểu sử được đăng trên trang mạng của ICE, ông Tony Phạm chào đời tại Sài Gòn và đến Mỹ tỵ nạn cuối thập niên 1970. Mười năm sau ông vào quốc tịch Hoa Kỳ.

 

Tiểu sử ghi tiếp lời của ông Tony Phạm, “Khi tôi đến quốc gia này là người tỵ nạn với sự hy vọng và tìm cơ hội, tôi đã ký kết với đất nước Hoa Kỳ. Tôi nợ nước Mỹ sự tự do và cơ hội mà tôi phải đền đáp. Tôi trả nợ bằng cách làm việc cho cộng đồng với trách nhiệm của một công dân và truyền giao những kinh nghiệm và cơ hội để phục vụ những người chúng quanh tôi.”

 

Trước khi gia nhập cơ quan ICE với chức vụ công tố viên, ông Tony Phạm từng là luật sư làm việc cho các viên chức địa phương tại tiểu bang Virginia. Sau đó ông giữ chức giám thị tại nhà tù Virginia Peninsula Regional Jail.

 

Trong chức vụ giám thị này, theo nhiều báo địa phương, ông được nhiều người ưa thích và tán thưởng trước khi ông từ chức vào tháng 12, 2019. Lý do là ông đã thực hiện một số chương trình cải tổ trong hệ thống nhà tù, kể cả chương trình phục hồi dành cho tù nhân bị nghiện gọi là “We Are In This Together” (Chúng Ta Cùng Làm Với Nhau).

 

Cảnh Sát Trưởng Danny Diggs của Hạt York-Poquoson từng nói với nhật báo The Daily Press vào lúc bấy giờ, khi hay tin ông Tony Phạm từ chức, “Chúng tôi rất buồn khi thấy Tony rời chúng tôi. Trong hai năm làm việc ở đây, ông đã làm được nhiều chuyện tốt cho nhà giam và cho các tù nhân ở đây. Chúng tôi rất tiếc là ông phải đi. Ông có trách nhiệm đối với gia đình, và tôi hoan nghênh ông có tinh thần trách nhiệm như vậy đối với gia đình.”

 

Lúc đó Tony Phạm nói rằng ông từ chức giám thị vì cần dành thêm thời giờ cho vợ và các con.

 

Đầu năm nay thì người ta được biết ông là trưởng công tố viên của ICE, một cơ quan chủ yếu trong việc thực thi pháp luật cho Bộ Nội An. ICE có hai nhiệm vụ chính là điều tra (Homeland Security Investigations - HSI) và thực hiện những công tác bắt và trục xuất di dân bất hợp pháp (Enforcement and Removal Operations -ERO).

 

Trong vai trò lãnh đạo ICE, ông Tony Phạm điều hành công việc mỗi ngày và giám sát một cơ quan đang có trên 20,000 nhân viên trên toàn quốc.

 

 

 

 

 


No comments: