Shinzo
Abe và cuộc đấu với Tập Cận Bình
Gideon Rachman - Financial
Times
Trần Hùng biên dịch
01/09/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/09/01/shinzo-abe-va-cuoc-dau-voi-tap-can-binh/
Thời đại Shinzo Abe cũng là thời đại Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo hiện
tại của Nhật Bản và Trung Quốc lên nắm quyền chỉ cách nhau vài tuần. Ông Abe được
bầu làm thủ tướng Nhật vào tháng 12 năm 2012 ở tuổi 58. Chỉ một tháng trước đó,
ông Tập đã được bầu làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở tuổi 59.
Đây không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian. Nhiệm vụ trọng
tâm của ông Abe – như lời các cố vấn thân cận nhất của ông mô tả – là củng cố
Nhật Bản để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và chuyên chế.
Vị thủ tướng Nhật hiện chuẩn bị từ chức vì sức khỏe yếu, nhiệm vụ của
ông chưa hoàn thành. Ông đã thực hiện một cuộc chơi khó khăn với một số kỹ năng
và quyết tâm. Nhưng sự thật khó chịu là thế lưỡng nan chiến lược của Nhật Bản
không thể được giải quyết bởi chỉ một mình Tokyo. Suy cho cùng, số phận của Nhật
có thể phụ thuộc vào những diễn biến chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của nước
này – ở Mỹ và Trung Quốc.
Trong thời kỳ của ông Tập, rõ ràng là Trung Quốc đang có ý định trở
thành cường quốc thống trị ở châu Á – và có lẽ là trên thế giới. Điều đáng lo
ngại cho bất kỳ chính phủ nào ở Tokyo là chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Trung
Quốc tràn ngập tình cảm chống Nhật – điều tồn tại từ thời Nhật Bản xâm lược và
đối xử tàn bạo với Trung Quốc vào những năm 1930. Hai nước vẫn còn tranh chấp
lãnh thổ, máy bay và tàu của họ vẫn thường thách thức nhau quanh quần đảo
Senkaku/ Điếu Ngư.
Bất kỳ thủ tướng Nhật nào muốn định hình phản ứng trước một Trung Quốc
đang trỗi dậy cũng đều phải làm việc với những nguồn lực không mấy hứa hẹn. Dân
số Nhật đang già đi và thu hẹp lại, trong khi nợ quốc gia của nước này rất lớn.
Nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn nền kinh tế Nhật Bản từ một thập niên trước
và tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh hơn. Bắc Kinh đang đổ tiền vào các tàu
chiến và tên lửa mới với tốc độ mà Nhật Bản không thể sánh kịp.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với thách thức về nhân khẩu học khi dân số
của họ già đi. Nhưng thực tế dân số Trung Quốc vẫn đông gấp 10 lần Nhật Bản –
và sự bất cân xứng về quyền lực giữa hai quốc gia ngày càng lớn theo thời gian.
Mong muốn hòa bình cũng ăn sâu vào tâm trí Nhật Bản. Thay đổi hiến pháp Nhật
để cho phép quân đội chiến đấu ở nước ngoài đã được chứng minh là một điều
bất khả thi về mặt chính trị đối với ông Abe.
Đối mặt với những thực tế này, có vẻ hợp lý nếu chính phủ Nhật Bản áp dụng
chính sách xoa dịu Bắc Kinh. Nhưng bất kỳ chính sách nào như vậy cuối cùng cũng
sẽ khiến nền tự do và sự tự chủ của Nhật Bản phải trả giá đắt.
Vẫn chưa rõ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc có dừng lại ở quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư không người ở hay không. Một số viện nghiên cứu và các tờ báo
được chính phủ hậu thuẫn ở Bắc Kinh còn đặt câu hỏi về chủ quyền của Nhật đối với
Okinawa – nơi có dân số 1,4 triệu người và là nơi đặt căn cứ quân sự quan trọng
nhất của Mỹ trong khu vực. Nói rộng hơn, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc
Trung Quốc muốn có một sự trả thù mang tính biểu tượng cho giai đoạn những năm
1930 bằng cách đưa Nhật Bản xuống hàng một quốc gia triều cống.
Hiểu rõ tất cả những điều này, ông Abe đã không đưa ra bất kỳ nhượng bộ
nào về tranh chấp đối với quần đảo Senkaku. Ông biết rằng bất kỳ bước lùi đơn
phương nào cũng sẽ được Bắc Kinh coi là một hành động biểu tượng của sự phục
tùng.
Tuy nhiên, ngay cả khi giữ vững lập trường đối với tranh chấp này, ông
Abe cũng tìm cách xoa dịu căng thẳng với ông Tập. Vị thủ tướng Nhật đã có chuyến
thăm thành công tới Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái. Đáng lẽ ra ông Tập đã có
chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản trong năm nay nhưng chuyến thăm đã bị trì
hoãn vì Covid-19.
Sẽ thiếu cẩn trọng nếu cho rằng sự cải thiện quan hệ này là vĩnh viễn.
Đối mặt với những khó khăn trong quan hệ với Mỹ về thương mại, Đài Loan và Biển
Đông – ông Tập có thể đang tìm kiếm một mối quan hệ hợp tác tạm thời với Nhật Bản.
Trung Quốc cũng có thể đánh hơi thấy khả năng cuối cùng có thể lôi kéo Nhật Bản
đi theo một lập trường trung lập hơn trong cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và
Washington. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa Nhật Bản bằng các biện
pháp trừng phạt thương mại và gây hoài nghi về liên minh Mỹ-Nhật, tình cảm chống
Mỹ có thể tăng lên ở Nhật.
Bản chất thất thường của
Tổng thống Trump chắc chắn đã khiến công việc của ông Abe trở nên khó khăn hơn. Một trong những hành động đầu tiên của ông
Trump trên cương vị tổng thống là rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại đa quốc gia mà chính quyền Abe đã
dành nhiều tâm sức để đàm phán. Thay vì chán chường bỏ cuộc, ông Abe đã dốc
toàn lực vào việc xây dựng lại quan hệ với Nhà Trắng và tái định hình TPP thành
một thỏa thuận mới (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến bộ và Toàn diện),
với sự tham gia của tất cả các bên ký kết ban đầu trừ Mỹ.
Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên bước qua cửa của toà Tháp
Trump để chúc mừng vị tổng thống sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Tư
thế hơi khom người của ông có thể là sự khiêm tốn, nhưng nó cũng phục vụ một mục
đích chiến lược rộng lớn hơn.
Đồng thời, ông Abe cũng đã nuôi dưỡng quan hệ với những người bạn mới –
đặc biệt là Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ. Nhật Bản đang thúc đẩy một “Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”, nơi các nền dân chủ của khu vực cùng tồn
tại. Sự tương phản được ngụ ý ở đây là với một châu Á – Thái Bình Dương khép
kín và độc đoán có thể xuất hiện nếu quyền lực của Trung Quốc không bị kiểm
soát.
Ông Abe đã có nhiều động
thái chiến lược đúng đắn cho đất nước mình. Nhưng ông rời nhiệm sở khi không biết
liệu những nỗ lực của mình cuối cùng có đạt được thành công hay không. Đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc là một
thách thức của nhiều thế hệ Nhật Bản. Những người kế nhiệm ông Abe sẽ cần may mắn
cũng như kỹ năng để lèo lái một tương lai không chắc chắn.
------------------
NGUỒN :
Gideon Rachman, “Shinzo
Abe and his struggle with Xi Jinping”, Financial Times, 31/08/2020.
No comments:
Post a Comment