Tựu
trường, nhiều người Việt nghi bị ‘ma ám’
Nguyễn Hà Hùng
31/08/2020
https://www.voatiengviet.com/a/tuu-truong-viet-nam-bi-ma-am/5564866.html
Ma ám, còn gọi là ma nhập, là một hiện tượng đậm đà bản sắc, ngơ ngẩn
như uống phải bùa mê thuốc lú. Cá nhân mắc chứng này đã hiếm, tập thể bị ma ám
càng hiếm, lại bị ám cả trẻ lẫn già thì chưa từng có. Thầy cúng Việt Nam bảo thế.
Năm học mới xem ra kém nhuận. Tựu trường lúc này cực kỳ bất lợi, đúng lúc dịch
bệnh bùng phát, không đảm bảo được sự phối hợp đúng cách của học sinh, phụ
huynh không phản ứng thích đáng.
Đúng lúc dịch bùng phát mạnh
Tập trung đông người vào lúc này rủi ro rất cao. Đã có nguồn lây bị mất
dấu, “lang thang” trong cộng đồng. Không xét nghiệm đại trà nguy cơ càng tăng.
Đầu Tháng Tám này, một thày giáo nhiễm cúm Tàu đi coi thi, sau đó phải cách ly
và xét nghiệm gần hai trăm trường hợp F1, hơn một ngàn F2 (1). Không có trường
học nào ở Việt Nam có công cụ nhận dạng người nhiễm virus này, khi phát hiện ra
có bệnh nhân trong trường là đã quá muộn.
Ngành giáo dục và các trường học không nhận thêm trách nhiệm bảo vệ học
sinh. Không thấy họ gia tăng các biện pháp phòng chống. Không có vẻ gì, không
kiểm chứng được nhà nước đã tăng cường đầu tư thêm nhân sự và thiết bị bảo vệ học
trò. Họ cũng không công bố mức độ tin cậy của các biện pháp bảo hộ đang triển
khai. Như thế, tựu trường khi dịch bùng phát là một dự định bất lợi. Thầy cúng
Việt Nam cũng biết.
Không đảm bảo chắc chắn học sinh phối hợp đúng cách
Muốn chống dịch tốt ở trường học, phải có sự hợp tác tích cực của học
sinh. Vậy mà, từ khi có dịch đã hơn sáu tháng, không hề có một cuộc trưng cầu ý
kiến học trò. Dù chỉ với quy mô nhỏ cỡ trường, không có cuộc khảo sát mức độ
hài lòng nào về trường học an toàn. Chưa thấy em nào được đào tạo, được sát hạch
kỹ năng chống dịch ở trường. Đến nay học sinh Việt Nam không có kiến nghị,
không tự bày tỏ suy nghĩ của mình. Không ai biết chính xác có bao nhiêu em
thích đến trường trong đại dịch.
Học sinh Việt Nam 16 tuổi trở xuống, trên lý thuyết, được ít nhất hai bộ
luật bảo vệ (2). Việt Nam còn là nước thứ hai trên thế
giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em. Chúng còn được
chăm sóc ân cần của hàng chục tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh Niên, Đội Thiếu
Niên, Báo Nhi Đồng, Báo Hoa Học Trò, Hội Phụ Huynh, Tổ Dân Phố trìu mến. Vậy mà
không tổ chức nào khảo sát, dạy, đánh giá, đảm bảo các em đủ kỹ năng chống dịch.
Đó cũng là rủi ro, bất lợi rất lớn.
Phụ huynh sợ sệt, không phản ứng thích đáng
Đa số cha mẹ thảo luận về chủ đề này thường chọn cách im lặng. Nhiều
người sẵn sàng trao quyền định đoạt số phận con mình cho cán bộ. Một số nói:
“Con ở nhà thì sợ không theo kịp chương trình”; “Mọi người cho con đến trường,
mình không cho, sợ chẳng giống ai”; “Tốt nhất là chờ nhà trường quyết định,
mình nói sợ nhà trường không cho”; “Thôi không nói đâu. Ngại cực. Sợ mọi người
cười lắm”... Nói xong còn nháy mắt. Đúng là ma làm chứ còn gì nữa.
Nếu bình thường họ sẽ ý thức được cha mẹ có toàn quyền quyết định con ở
nhà hay đến trường. Họ sẽ phản đối cung cách xin - cho. Kể cả “giáo dục bắt buộc”
áp dụng với học sinh tiểu học. Nếu bình thường họ sẽ hiểu, bảo vệ học sinh
không phải là đẩy chúng vào môi trường dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh
có ưu điểm là ăn mặc đẹp, Phây Búc thành thạo, có phẩm chất e thẹn rất tốt, sợ
ma và cười trừ. Khoản này, thày bói và thày cúng Việt Nam cũng biết.
Viện dẫn đến các thày nhiều vì dân mình hiếu học, không cúng lễ không
xong. Sở thích của người bị nghi nhiễm ma là đùa dai. Thí dụ: “Các ông bà nói
thế mà không biết ngượng. Đã gọi là chung tay chống dịch với chính phủ mà không
cho con đến trường”; “Phải có tinh thần hợp tác chứ. Ai cũng như các ông các
bà, một mình chính phủ nai lưng ra thì chống dịch thành công sao được?”; “Chỉ
được cái nói nhiều.” Không thể bỏ qua ý kiến của những người nghi bị ma ám, họ
cần sự quan tâm nhiều hơn.
Một, chung tay là một khái niệm mù mờ, học trò không có nghĩa vụ, có
quyền từ chối học trong môi trường dễ lây nhiễm bệnh tật. Hai, tự giác cách ly
bằng cách ở nhà là chịu thiệt về mình, là thể hiện trách nhiệm của mình với cộng
đồng. Ba, tự do phát biểu là quyền tối thiểu của công dân, được luật pháp bảo vệ.
Dán nhãn người khác không làm gì là tấn công cá nhân. Với những ai muốn chăm
sóc con mình trong bệnh viện, vì “ở nhà không có người trông”, rất có thể rơi
vào đường cùng.
Học tập trung tại trường vào lúc dịch bùng phát, hậu quả có thể cực kỳ
tàn khốc. Phải tránh thời điểm bất lợi này. Cha mẹ cần ý thức rõ quyền của mình
để bảo vệ con cái. Học sinh cần chủ động nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình.
Họ phải được đào tạo, đảm bảo có đủ kiến thức, kỹ năng chống dịch. Thày cô giáo
và những người có trách nhiệm phải khảo sát học sinh sớm. Không làm như vậy là
có biểu hiện tập thể bị ma ám. Rõ ràng như thế, không cần hỏi thày cúng Việt
Nam. Ai cũng biết.
---------------
Chú thích
2. Luật Trẻ Em và Luật Giáo Dục.
No comments:
Post a Comment