Monday, August 31, 2020

NGUYÊN TẮC MỘT QUỐC TỊCH VIỆT NAM : KHI NÀO CÔNG DÂN VIỆT NAM CÓ HAI QUỐC TỊCH? (Vũ Thị Thảo - Pháp Luật Plus)

 


Nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam: Khi nào công dân Việt Nam có hai quốc tịch?    

Vũ Thị Thảo  -  Pháp Luật+

31/08/2020 - 17:45

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguyen-tac-mot-quoc-tich-viet-nam-khi-nao-cong-dan-viet-nam-co-hai-quoc-tich-d133825.html

 

Nhân sự việc các báo đưa tin về việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch của Cộng hòa Sip (Cyprus), theo đề nghị của nhiều bạn đọc, chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả một số quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch để đảm bảo là công dân Việt Nam

Nhập quốc tịch cho 51 người Lào tại Thanh Hóa

Trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho 09 công dân Lào ở A Lưới

Tổng thống Mỹ cân nhắc bỏ quyền có quốc tịch theo nơi sinh

Bộ Tư pháp trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho 38 người Lào

 

Nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam

 

Nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam được nêu rõ tại Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, theo đó, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác”. 

 

Đây được coi là nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt của pháp luật quốc tịch Việt Nam từ 1945 đến nay, được thể hiện trong Luật Quốc tịch các năm 1988, 1998 và 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Trải qua các thời kỳ khác nhau, nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam luôn được hiểu, áp dụng và thực hiện thống nhất.

 

Trường hợp đặc biệt - hiểu thế nào cho đúng?

 

Việc Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có bổ sung cụm từ “trừ trường hợp luật này có quy định khác” vào cuối Điều 4 không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam, mà chủ yếu nhằm dẫn đến những trường hợp ngoại lệ Luật cho phép có thêm quốc tịch nước ngoài.

 

Trường hợp thứ nhất là, người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam “thuộc trường hợp đặc biệt” được Chủ tịch nước cho nhập, cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài (khoản 3 Điều 19 và khoản 5 Điều 23 Luật năm 2008). Ở đây cần lưu ý, người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải thuộc trường hợp đặc biệt và được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài. Trong đó, để được coi là trường hợp đặc biệt, thì người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. 

 

Trường hợp ngoại lệ thứ hai, trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam (không bị mất quốc tịch nước ngoài), kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi (quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật năm 2008). 

 

Ngoài ra, do lịch sử để lại nên hiện nay cũng có những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời có quốc tịch nước ngoài (mà không mất quốc tịch Việt Nam). Đó là do pháp luật Việt Nam không có quy định về việc công dân bị mặc nhiên mất quốc tịch Việt Nam khi có quốc tịch nước ngoài, đồng thời pháp luật nước ngoài cũng không bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam, do vậy dẫn đến trường hợp có hai quốc tịch. 

 

Làm thế nào để xác định một người có phải là công dân Việt Nam hay không?

 

Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia (đối với dân cư) trong quan hệ quốc tế, muốn xác định một người có quốc tịch của mình hay không, thì phải do pháp luật của chính quốc gia đó quy định và do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó xác định. Cho nên, việc xác định một người có phải là công dân Việt Nam hay không, thì phải căn cứ vào pháp luật Việt Nam và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam xác định. 

 

Vì vậy, không nên hiểu và giải thích Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam theo nghĩa Nhà nước Việt Nam công nhận hai quốc tịch, để từ đó phủ nhận hay làm vô hiệu hóa nguyên tắc một quốc tịch của Luật Quốc tịch Việt Nam. Đặc biệt là tại Điều 5 của Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 20/3/2020) đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

 

                                               ***

 

Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp:

 

Nguyên tắc Nhà nước “công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đây là vấn đề lớn, cốt lõi của Luật Quốc tịch.

 

Từ lần xây dựng luật đầu tiên - năm 1988, đến các lần sửa đổi, bổ sung sau đó, cho tới luật hiện hành là Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi năm 2014, quá trình soạn thảo đều tính đến phương án “một quốc tịch cứng” nhưng bàn đi bàn lại thì thấy khó.

 

Do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người Việt Nam đã ra nước ngoài sinh sống và có quốc tịch nước ngoài. Nếu quy định cứng như vậy thì bà con mất quốc tịch gốc, rất nặng nề. Vậy nên sau nhiều lần sửa đổi thì luật giữ ổn định quốc tịch gốc cho bà con.

 

Ngoài ra, cũng như nhiều nước, luật quy định những trường hợp người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch gốc.

 

Như vậy, có thể hiểu về cơ bản vẫn áp dụng nguyên tắc “một quốc tịch” với đại đa số người dân trên lãnh thổ Việt Nam.

 

 

 

 

 


No comments: