Sunday, August 30, 2020

LỊCH SỬ SẼ PHÁN XÉT ÔNG VÕ NGUYÊN GIÁP NHƯ THẾ NÀO? (Cao Tuấn)

 


 

Lịch sử sẽ phán xét ông Võ Nguyên Giáp như thế nào ?

Cao Tuấn

29/08/2020

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/18628-l-ch-s-s-phan-xet-ong-vo-nguyen-giap-nhu-th-nao

 

Lời tòa soạn : Tác giả Cao Tuấn chuyển đến Ban biên tập Thông Luận một bài viết về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam hồi tháng 9/2012. Nội dung bài tham luận này cho đến nay vẫn còn tính thời sự, chúng tôi đăng lại nguyên văn bài viết để quý độc giả cùng tham khảo.

 

Ban biên tập Thông Luận

-----------------------

 

Lời giới thiệu : BVN nhận được bài viết dưới đây, bước đầu lý giải về con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thông qua việc lý giải này muốn nhìn sâu vào những mối quan hệ bí ẩn và phức tạp nơi đỉnh cao quyền lực của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam một thời. Đây là vấn đề hết sức khó bởi mọi tài liệu tận chốn thâm cung bí sử đến nay đều chưa được bạch hóa. Vì thế dù cố gắng nhìn nhận thật khách quan, tác giả đã không tránh khỏi có chỗ khiên cưỡng, chẳng hạn trong việc xem xét cách ông Hồ Chí Minh sử dụng ông Võ Nguyên Giáp – vừa rất biết tài của ông nhưng lại vừa có phần e sợ uy tín ông cao hơn mình. Sự thật việc đặt ai vào chức Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Việt Nam khóa III (1960) – ông Lê Duẩn được bầu vào chức này mà không phải là ông Giáp vốn đã lừng danh sau Điện Biên Phủ và được đinh ninh như là "người giữ vị trí thứ hai" – có khi không tùy thuộc ở một mình ông Hồ Chí Minh dù bấy giờ ông là nguyên thủ, và ngay chính bản thân ông – một người rất biết lẽ xuất xử chứ không bao giờ là một bạo chúa hám quyền kiểu Mao – hình như cũng đã có lúc không phải không bị vô hiệu hóa ở một chừng mực nào đấy.

 

Với cách nghĩ như trên, chúng tôi trân trọng đăng bài này lên như một số gợi ý bước đầu để bạn đọc tham khảo ; toàn bộ ý tưởng đề xuất trong bài đều có tính chất giả thuyết của người viết và do người viết chịu trách nhiệm.

 

Bauxite Việt Nam

 

---------------------

 

https://live.staticflickr.com/65535/50280910816_a007aa8136.jpg

Bút họa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn uy quyền

 

Rồi chung cuộc thì lịch sử sẽ phán xét ông Võ Nguyên Giáp như thế nào ?

Cao Tuấn

02/09/2012

 

"Giai nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu !"

 

vậy mà ông Võ Nguyên Giáp theo âm lịch đã vượt quá 102 tuổi, để trở thành danh tướng sống lâu nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên ông đã nằm liệt trên giường bệnh viện cả năm nay và không còn nhiều sinh khí. ông có thể ra đi bất cứ lúc nào theo luật của Tạo Hoá. Đảng cộng sản Việt Nam chắc đã có những quyết định liên quan đến tang lễ của ông, một biến cố có thể gây nhiều chú ý trong và ngoài Việt Nam : quốc táng hay không quốc táng ? Sẽ truy tặng Nguyên soái Việt Nam cho ông như "tội phạm" Cù Huy Hà Vũ đề nghị trước đây hay một danh hiệu độc đáo nào khác ? Bộ máy thông tin, tuyên truyền của Đảng cộng sản sẽ phải tận dụng cơ hội thế nào để vực dậy uy tín của chế độ vốn đã suy sụp quá thấp vì nạn tham nhũng, bất lực, lạm quyền, sa đoạ... đồng thời phải cố gắng giảm thiểu thế nào những tác hại do những "phản tuyên truyền" của những "thế lực thù địch" sẽ không bỏ lỡ dịp mà cáo giác nhóm Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại bất xứng vì đã phản bội lý tưởng và công nghiệp của Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vị đệ nhất khai quốc công thần.

 

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu được kể là một thành phần của "thế lực thù địch" nói trên – thực ra lại là một người Việt Nam rất đáng kính trọng, một bậc sĩ phu đích thực của thời đại – đã viết một bài thơ hay cách đây hơn 2 năm vào ngày 23/08/2010 mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn một trăm tuổi :

 

Trăm Năm Nguyên Giáp

Tính sổ Trời cho đã bách niên

Thử cân hạnh phúc với ưu phiền

Tiếc trang ĐỘC LẬP còn dang dở

Thương chữ QUYỀN DÂN chửa đáp đền

Một trận ĐIỆN BIÊN vang quốc sử

Ba thư "BÔ XÍT" động Dân quyền

Một đời ái quốc, VĂN thành VÕ

Chưa cởi chiến bào GIÁP vẫn NGUYÊN

 

Bài thơ không được phổ biến rộng rãi ở trong nước vì thuộc loại "văn thơ quốc cấm" gần giống như số phận ba thư "Bô Xít" cũng bị hạn chế lưu hành của chính Đại tướng Giáp. Không ai biết chính xác ông Giáp đã tiếp nhận bài thơ với cảm nghĩ như thế nào, rất có thể ông mong đợi một "luồng" dư luận như vậy và cũng rất có thể ông cũng có ấn tượng tốt với nội dung mới mẻ, sâu sắc của bài thơ mà tác giả là một người trí thức "đặc biệt", hơn là với những văn thơ ca ngợi đã trở thành nhàm như "Anh Văn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – thiên tài quân sự, người học trò xuất sắc của Bác Hồ" hay "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọ sức và đánh thắng 10 Đại tướng của Pháp và Mỹ...".

 

Bài thơ ngoài việc biểu lộ sự khâm phục thành thực của tác giả đối với ông Võ Nguyên Giáp còn là một tác phẩm văn chưong cổ động việc tranh đấu bảo vệ Tổ quốc trước sự uy hiếp của nước láng giềng phương Bắc, vừa đòi hỏi Dân Chủ Tự Do nên đã nêu lên những thắc mắc khá tự nhiên đối với một số người đã đọc và suy nghĩ về nó : Con người thực của nhân vật lịch sử nổi tiếng Võ Nguyên Giáp là gì ? Có sự mâu thuẫn nào giữa một Võ Nguyên Giáp Cộng Sản và một Võ Nguyên Giáp yêu nước theo Dân Tộc Chủ Nghĩa ? ông Giáp còn có những "ưu phiền" nào quan trọng hơn ngoài vụ chính quyền Cộng sản Việt Nam cho Tàu khai thác mỏ Bô xít ở Cao nguyên Trung phần ? Đảng cộng sản thực sự trọng đãi hay bạc đãi ông Giáp ? Khi phú quý, công danh đã trở thành hư ảo, khi sự sống là ngọn đèn trước gió, ông Giáp muốn lịch sử phán xét ông thế nào ? Và chung cuộc thì lịch sử sẽ phán xét ông Võ Nguyên Giáp thế nào ?

 

"CÂY THÔNG TRĂM TUỔI ĐỨNG VỮNG GIỮA TUYẾT SƯƠNG, DÔNG BÃO" (lời tựa bài thơ của Hà Sĩ Phu mừng thọ Đại tướng VNG)

 

Về ông Võ Nguyên Giáp những ghi nhận sau đây là sự thực hoặc rất gần với sự thực :

 

- Nếu ông Hồ Chí Minh là Hoàng đế trong nước Việt Nam cộng sản thì ông Giáp là đệ nhất khai quốc công thần.

 

- Ông Giáp được sự ủy nhiệm của ông Hồ đứng ra thành lập đơn vị quân đội đầu tiên của Việt minh ngày 22/12/1944 – Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – nên được coi là người sáng lập ra "Quân đội Nhân dân Việt Nam" ngày nay. Trong thời gian 10 năm ông xây dựng, tổ chức, huấn luyện, phát triển tập thể quân đội ấy từ mấy chục người thành một lực lượng hữu hiệu mấy trăm ngàn chiến binh. Chính ông Giáp đã đào tạo, trực tiếp chỉ huy hàng chục tướng lãnh xuất sắc có tên tuổi trong đó nhiều người gốc nông dân, công nhân như Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Cầm, Vương Thừa Vũ...

 

- Không phải trải qua các cấp bậc quân hàm ông Giáp được phong Đại tướng vào tháng 5/1948, vị đại tướng đầu tiên của quân đội cộng sản Việt Nam.

 

- Dưới sự lãnh đạo tổng quát của ông Hồ và Bộ Chính trị, ông Giáp điều khiển thắng lợi cuộc chiến đấu quân sự chống Pháp 1945-1954 với cương vị Tổng tư lệnh kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương.

 

- Ông Giáp tiếp tục làm Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương cho tới năm 1975, tổng cộng 30 năm bao gồm cả cuộc chiến tranh chống Mỹ và thôn tính miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) thống nhất đất nước bằng vũ lực.

 

- Trên mặt nổi thời kỳ vẻ vang nhất của ông Giáp là 30 năm nói trên (1945-1975) vì kèm với chức vụ Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương ông còn là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam và chức Ủy viên Bộ Chính trị là quan trọng nhất.

 

- Trong thực tế tột đỉnh danh vọng và quyền lực của ông Giáp là chiến thắng Điện Biên Phủ và thời kỳ vàng son nhất của ông Giáp chỉ kéo dài thêm được vài năm sau đó với một cao điểm khác là ngày 29/10/1956 khi ông Giáp thay mặt ông Hồ Chí Minh đọc báo cáo của Hội nghị khoá 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản tại Hà Nội nhìn nhận những khuyết điểm, sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất và xin lỗi đồng bào. Chính ở thời điểm này có nhiều dự đoán ông Giáp sẽ lên thay Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng nhưng chỉ vài tháng sau chức vụ quan trọng này lại rơi vào tay Lê Duẩn, một người rất ít được biết đến vào lúc đó.

 

- Mặc dù dư luận chung vẫn xem Võ Nguyên Giáp là Đệ Nhất Công Thần của chế độ, nhưng trong cơ quan quyền lưc tối cao là Bộ Chính trị ông Giáp thường chỉ được sắp hạng 6 hay hạng 7, không những đứng sau Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng mà sau cả Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, chỉ trên Nguyễn Chí Thanh và Văn Tiến Dũng.

 

- Ngôi sao Võ Nguyên Giáp lu mờ hẳn sau chiến thắng 30/04/1975 của đảng cộng sản Việt Nam. Trong khi những người khác thăng quan, tiến chức thì ông Giáp lại bị hạ bệ dần : mất chức Bí thư Tổng Quân ủy năm 1977, phải bàn giao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho Văn Tiến Dũng năm 1980, bị loại khỏi Bộ Chính trị năm 1982 trong khi Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng vẫn tiếp tục ngôi vị của mình. Không có một lời giải thích chính thức nào về cái lý do của sự hạ bệ trắng trợn này. Mất căn bản quyền lực là Ủy viên Bộ Chính trị, ông Giáp vẫn còn chức "ngồi chơi xơi nước" là Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học, Kỹ thuật kiêm Chủ tịch Uỷ ban Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch cho đến 1991 mới chính thức nghỉ hưu. Không ai nghe ông Giáp than phiền vì bị đối xử bất công nhưng cũng không ai ghi nhận được với ông Giáp, nước Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể nào về khoa học, kỹ thuật hay sinh đẻ có kế hoạch. Người ta chỉ nghe truyền miệng câu ca dao thời đại nửa bi, nửa hài:

 

Ngày xưa Đại tướng cầm quân,

Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em !

 

- Không ai có thể phủ nhận đươc vai trò trội yếu của ông Giáp trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Mặc dù phải tham khảo, thảo luận thường xuyên với ông Hồ và Bộ Chính trị, ông được nhiều tự do hành động, trực tiếp điều binh, khiển tướng quần thảo với quân địch trên khắp chiến trường chính ở Bắc Việt trong suốt 8,9 năm, chủ động tung ra rất nhiều chiến dịch : Việt Bắc 1947, Biên giới 1950, Trung du 1950, Đông Bắc 1951, Đồng bằng 1951, Hoà Bình 1951, Tây Bắc 1952, Thượng Lào 1953, Điện Biên Phủ 1954. Tài năng quân sự của ông Giáp quả thực không thua kém gì đệ nhất danh tướng của Pháp lúc bấy giờ là Đại tướng De Lattre de Tassigny. Chiến thắng vang dội tại Điện Biên Phủ đã gắn liền với tên tuổi Võ Nguyên Giáp. Tuy không thể so sánh – về qui mô và cường độ – với những trận đánh lớn có trăm Sư đoàn, hàng triệu quân tham dự trong Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai, Điện Biên Phủ vẫn được coi là một trận đánh rất quan trọng trong thế kỷ XX vì đã thúc đẩy và rút ngắn sự cáo chung của chủ nghĩa Thực dân của các đế quốc Âu Châu vốn đã suy yếu nhiều sau Thế chiến thứ Hai.

 

- Khi ca tụng hay phải ca tụng tài năng, thành tích của ông Giáp, báo chí, sử sách của người cộng sản rất ít khi thiếu vắng cụm từ : "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Bác Hồ...". Nhưng nhấn mạnh quá như thế để làm gì ? Muốn trả lời phải nhìn lại những sự kiện và diễn biến lịch sử : ông Hồ Chí Minh, sinh năm 1890, hơn ông Giáp khoảng 20 tuổi, nên về tuổi tác cũng đáng là bậc tôn trưởng của ông Giáp. ông Hồ sáng lập ra cả một triều đại tất nhiên phải là người làm chính trị xuất sắc, có tài năng và những đức tính cần thiết. ông khôn ngoan, lão luyện, nhạy bén, mưu cơ, biến báo, biết nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, Nga, Hoa, Anh vì mấy chục năm lăn lộn ở nước ngoài, và mặc dù chưa có công lao gì với phong trào cộng sản trong nước ông được tôn ngay làm lãnh tụ vì ông đáng mặt lãnh tụ, quan trọng hơn nữa, vì có chỉ thị từ "trên" đưa xuống – ông là người về từ "thánh địa Mạc Tư Khoa", ông là đại diện của Cộng sản Quốc tế đặc trách Việt Nam ! Mặt khác, ông chưa học hết trung học đệ nhất cấp. ông không tốt nghiệp trường học, ông chỉ tốt nghiệp trường đời ; tư tưởng của ông cũng không có gì đặc biệt hay sâu sắc ngoài những nguyên tắc giản dị về tổ chức và hành động. Quả thực ông Hồ Chí Minh là lãnh tụ của ông Võ Nguyên Giáp, là người trọng dụng ông Võ Nguyên Giáp nhưng ông không phải là sư phụ của ông Võ Nguyên Giáp. Lúc gặp ông Hồ lần đầu tiên năm 1939 trên đất Trung Hoa ông Giáp đã gần 30, có bằng Cử nhân Luật khoa và Kinh tế Chính trị học (1937) – rất hiếm hoi vào lúc bấy giờ – và còn là Giáo sư dạy sử ở Hà Nội, nổi tiếng về những bài giảng về chiến tranh, sách lược và chiến lược, đã gia nhập Đảng cộng sản sau khi đã thấm nhuần lý thuyết cộng sản, đã hoạt động cộng sản gần mười năm, đã nếm mùi nhà tù thực dân, đã làm báo tiếng Việt, tiếng Pháp, đã viết sách cùng với Trường Chinh (đồng tác giả cuốn sách Vấn đề dân cày đặt nền tảng dù là sơ lược cho cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam).

 

Với trình độ và căn bản như thế ông Giáp có cần ông Hồ "dìu dắt" nữa không ? ông Giáp có thể học thêm đuợc gì ở ông Hồ về chủ nghĩa cộng sản ? Về kiến thức quân sự ? Cho nên nói ông Giáp là học trò của ông Hồ cũng phi lý như nói Hàn Tín là học trò của Lưu Bang ! Tóm tắt chỉ có thể giải thích : Sau Điện Biên Phủ, Đảng cộng sản Việt Nam thấy có nhu cầu đưa ông Hồ lên cao hơn nữa và kéo ông Giáp đang nổi tiếng lừng lẫy xuống thấp hơn. Tất nhiên ông Hồ đồng ý với... sáng kiến của chính mình vì học trò phải kém hơn thầy, phải phục tùng thầy và nhất là không bao giờ được phản thầy theo như đạo lý của người Việt Nam. Từ đây danh hiệu "người học trò xuất sắc của Bác Hồ" là vòng kim cô của Đường Tam Tạng tròng vào đầu Tôn Hành Giả. ông Giáp đành tự nguyện chấp nhận danh hiệu vì không có chọn lựa nào khác, vả lại, có thể ông hy vọng, tuy dưới một người nhưng lại trên mọi người. Hy vọng đã sớm thành ảo vọng.

 

- Tại Việt Nam, người ta không so sánh Võ Nguyên Giáp với Trần Hưng Đạo dù công nghiệp quân sự của hai danh tướng ở hai thời đại cách nhau hơn 6 trăm năm có nhiều điểm tương đồng. Bản thân ông Giáp cũng cố gắng tránh tự so sánh với Trần Hưng Đạo vì nhiều lý do nhưng lý do chính là ông Hồ đã so sánh chính mình, bác bác tôi tôi, với bậc tổ tiên anh hùng của chính ông và của dân tộc Việt Nam trước đó mất rồi !

 

Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng

Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung

Bác đuổi quân Nguyên thanh kiếm bạc

Tôi nay đánh Pháp ngọn cờ hồng

Bác đưa một nước qua nô lệ

Tôi dắt năm châu đến đại đồng

Bác có linh thiêng cười một tiếng

Mừng tôi cách mạng sắp thành công [hiện chưa có nguồn tài liệu đích xác nào ghi rõ bài này do ông Hồ Chí Minh sáng tác – BVN chú thêm]

 

Bài thơ làm trong lúc cao hứng đã rọi ít nhất một tia sáng vào con người thực của ông Hồ Chí Minh và mang một thông điệp mà ông Võ Nguyên Giáp phải hiểu rõ hơn ai hết !

 

- Tuyệt đại đa số nhân dân trong những nước cộng sản độc tài toàn trị đều khốn khổ vì nghèo, vì áp bức nhưng "chính trị cung đình" triều đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam quả thực không đến nỗi máu me lênh láng như triều đại Stalin ở Liên Xô hay triều đại Mao Trạch Đông ở Trung Hoa. Tuy vậy theo thói đời sự đoàn kết thường chỉ có trong buổi hoạn nạn, hàn vi, còn vinh quang, quyền lực không ai dễ nhường ai cho nên trong triều đình của ông Hồ Chí Minh cũng không hề thiếu những "ma nớp" trong bóng tối, không thiếu những tranh giành ngôi thứ mà người bị thiệt thòi nhất là ông Giáp. Như đã nói ông Hồ trọng dụng ông Giáp : "Việc quân sự thì giao cho chú Văn !" vì "chú Văn" là người có trình độ nhất, có tầm nhìn chiến lược cao nhất, có nhiều năng khiếu quân sự nhất. Nhưng chính ông Hồ cũng là người tìm cách kiềm chế ông Giáp khi ông cảm thấy uy tín của ông Giáp lên quá cao và có thể trở nên nguy hiểm. Vòng "kim cô" chưa đủ làm ông an tâm. Là một kịch sĩ đại tài, trong khi vẫn tỏ ra ưu ái, nâng đỡ, che chở "người học trò xuất sắc" ông phó thác công việc kiềm chế, đè nén ông Giáp cho các Ủy viên khác của Bộ Chính trị là những người có mặc cảm thua kém ông Giáp về trí thức, ghen tức về hào quang ông Giáp được hưởng sau chiến thắng Điện Biên Phủ và lo lắng một ngày nào đó ông Giáp có thể vượt qua họ, lấy mất chức vụ cao cấp của họ trên đường tiến dần đến vị trí tối cao. Phải chăng đó là lý do chính khiến ông Giáp, người có uy tín thứ hai của chế độ sau ông Hồ – cái uy tín có được chủ yếu do công lao chiến trận chứ không phải do kết quả của tuyên truyền phóng đại – cứ phải lẹt đẹt mãi gần cuối danh sách Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam ? Phải chăng đó cũng là lý do Nguyễn Chí Thanh, một Ủy viên khác của Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng được phong Đại tướng (1959) để làm đối trọng ngang ngửa với Đại tướng Giáp trong quân đội ? Cũng như trường hợp của Văn Tiến Dũng sau này ? Phải chăng đó cũng là lý do ông Hồ đã chọn Lê Duẩn, một người từ trong bóng tối, thay Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng thay vì chọn Võ Nguyên Giáp như mọi người chờ đợi vào lúc bấy giờ ? Phải chăng ông Hồ đã sử dụng tuyệt hảo kỹ thuật "balance and check" để duy trì ngôi vị độc tôn ?

 

- Ông Hồ Chí Minh càng già yếu, cuộc chiến tranh chống Mỹ "giải phóng miền Nam" càng khốc liệt, quyền hành của Lê Duẩn càng gia tăng. Sau khi ông Hồ Chí Minh mất tháng 9/1969 Lê Duẩn từng bước thu tóm trọn quyền hành và trở nên Tổng Bí thư mạnh nhất, quyết đoán nhất trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam với sự phụ tá đắc lực của Lê Đức Thọ. ông Giáp phải làm việc với ông chủ mới khó tính, thiếu thiện cảm, đầy ngờ vực và rất nhiều thành kiến. Nỗi ưu phiền càng thêm chồng chất. Cặp bài trùng Lê Duẩn - Lê Đức Thọ vì nhiều lý do khác nhau vẫn giữ ông Giáp trong các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh nhưng chỉ trên giấy tờ hình thức, quyền hành thực sự của ông Giáp hoàn toàn khác thời chiến tranh chống Pháp. Trái với những biểu hiện bề ngoài, sự đóng góp thực tế của ông Giáp rất mờ nhạt trong thời kỳ này. Trong quân đội ông phải san sẻ quyền hành với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trước kia là đàn em của ông nhưng bây giờ đã chuyển sự trung thành sang phía Lê Duẩn và được cất nhắc lên ngang với ông Giáp trong Bộ Chính trị và sau cùng sẽ thay ông Giáp trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng năm 1980 như đã nói. ông Giáp được ngồi hay bị ngồi ở Hà Nội – quá xa chiến trường chính ở miền Nam Việt Nam, lại không quen thuộc với địa thế, nhân tình người dân Miền Nam bằng chính Lê Duẩn và những cán bộ cao cấp khác. Người điều khiển thực sự cuộc chiến đấu tại chỗ lúc đầu là Nguyễn Chí Thanh (chết năm 1967) sau là Phạm Hùng. Cả hai đều cùng đẳng cấp với Võ Nguyên Giáp trong Bộ Chính trị, nhận lệnh của Lê Duẩn, không nhận lệnh của Võ Nguyên Giáp. Chức Tổng Tư lệnh của ông Giáp có tiếng mà không có miếng, ngay cả chức Bí thư Quân ủy Trung ương cũng vậy. "Đại thắng mùa xuân" tháng 4/1975 là quân công của Văn Tiến Dũng, không phải của Võ Nguyên Giáp. ông Giáp rút cục chỉ là một trong những phụ tá của Lê Duẩn, một phụ tá bất đắc dĩ, một phụ tá không được tin dùng. Thảm kịch là vòng lẩn quẩn : không được tin dùng thì khó có đóng góp xuất sắc, không có đóng góp xuất sắc thì càng không được tin dùng. Trong triều đại Lê Duẩn, ông Giáp bị dồn vào vị trí của kẻ hàng thần lơ láo, rồi bị liên tiếp hạ tầng công tác kể từ 1977 trở về sau. Điều này có nghĩa Ban Lãnh đạo Đảng đánh giá công lao của ông Giáp kém hơn các "đồng chí" khác trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ, chống Pol Pot (1978-1979) và chống quân xâm lược Tàu năm 1979. Khi Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có đủ tự tin về quyền lực của mình thì họ đã làm nhục, tước binh quyền, gạt bỏ ông Giáp một cách thô bạo mà không chịu một phản ứng bất lợi nào.

 

- Lê Duẩn chết tháng 6/1986, Trường Chinh trở lại làm Tổng Bí thư, Phạm Văn Đồng vẫn làm Thủ tướng nhưng ông Giáp, dù còn khoẻ mạnh, minh mẫn vẫn "ngồi chơi, xơi nước". Sau này các đồng liêu, đồng chí, địch thủ cùng thế hệ của ông trong Đảng đã lần lượt chết hết, ông Giáp, "cây thông trăm tuổi đứng giữa tuyết sương", trở thành hiếm quý, được ca tụng nhiều hơn và có vẻ được đối xử tử tế hơn. Các lãnh tụ cao cấp nhất của chế độ gồm các Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng... thường xuyên đến vấn an, chúc Tết, mừng sinh nhật, tặng quà, tặng hoa, luôn luôn cung kính... Họ cung kính là phải : lúc Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh tan quân Pháp tại Điện Biên Phủ thì Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (nhiệm kỳ 1997-2001) mới là Chính uỷ cấp Đại đội và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới là đứa bé con 5 tuổi. ông Giáp luôn giữ vẻ lịch sự, bình thản với những màn trình diễn để quay phim, chụp hình như thế. ông giữ kín những ý nghĩ thực của mình vì ông biết đằng sau bức màn cung kính vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm chết người – mỗi thời đều có nguy hiểm riêng của nó.

 

Bí quyết của Đại tướng Tổng Tư lệnh

 

Vị trí đặc biệt độc nhất vô nhị của Võ Nguyên Giáp trong nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa buộc ông phải hết sức cẩn thận trong mọi hành động, cử chỉ và lời nói. Cơ bản ông là chiến lược gia. Trong nghịch cảnh, bí quyết để tồn tại của Võ Nguyên Giáp là : biết mình, biết người !

 

Mặc dù quyết định của ông Hồ Chí Minh chọn Lê Duẩn thay Trường Chinh (1957) làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là căn nguyên làm suy sụp sự nghiệp chính trị của Võ Nguyên Giáp sau này, ông Giáp đối với ông Hồ vẫn ơn nhiều hơn oán và trước sau vẫn giữ phận bề tôi trung thành. Tương quan Lê Duẩn-Võ Nguyên Giáp thì khác hẳn, họ là địch thủ từ lúc khởi đầu, có phần tương tự như sự cạnh tranh quyền lực giữa Stalin và Trostky, một người nắm bộ máy Đảng, một người nắm Quân đội. Điều khác biệt là ông Giáp chịu thua ngay. Các sử gia về sau có thể ngạc nhiên tại sao ông Giáp chịu thua dễ dàng như thế. Lý do thực chỉ mình ông Giáp biết rõ : ông không muốn mất mạng như Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Bành Đức Hoài ở Tàu, không muốn bị thanh trừng như Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Zhukov ở Nga ? Lê Duẩn lợi hại, sắc bén gấp mấy lần Tào Sảng trong Tam quốc chí mà ông thì không bằng Tư Mã Ý ? Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã nắm chặt guồng máy Đảng, an ninh, tình báo có mặt khắp nơi, bên quân đội thì Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã là người của "phía bên kia"... ? Là chiến lược gia kiêm thầy giáo dạy sử, ông Giáp đã phải nghiên cứu cuộc đảo chính ngoạn mục của Khrushchev/ Zhukov loại trừ Beria, cuộc đảo chính của Hoa Quốc Phong/ Diệp Kiếm Anh bắt Tứ Nhân Bang, nhưng địch thủ của ông cũng rút tỉa kinh nghiệm từ những biến cố chấn động này tại hai nước cộng sản đàn anh để phòng vệ cẩn thận rồi ? ông Giáp đầu hàng thực sự, "nín thở qua sông", cố gắng chăm chỉ làm công việc chuyên môn quân sự của mình, không phe phái, không bè đảng, không đàn anh, đàn em, không chiêu hiền, đãi sĩ, nêu gưong đảng viên kỷ luật, trong sạch, gưong mẫu, chí công vô tư, chấp hành nghiêm chỉnh mọi quyết định của thượng cấp, cố gắng loại trừ mọi lý do để có thể bị hãm hại. Tuy vậy ông Giáp biết rõ ông vẫn bị ghét, bị ghen tức vì là "người Việt Nam số 2 sau Bác Hồ", bị ngờ vực, bị theo dõi nhất cử, nhất động... ông tập thiền để bớt căng thẳng, để bình tĩnh sáng suốt, để nhẫn nhục, chịu đựng. Khi nghỉ hưu ông vẫn làm việc, luôn luôn đọc sách, báo, tài liệu, xem tin tức trong nước, ngoài nước, viết ra những kinh nghiệm, những suy nghĩ. ông ăn ngủ rất điều độ, tập thể dục đều đặn... Và đặc biệt hơn nữa, một tờ báo trong nước, tờ ww.vietnam.net ngày 25/08/2012 trong một bài về ông Giáp vô tình tiết lộ "bí mật" của ông Giáp như sau : theo lời của Bác sĩ riêng trong suốt 30 năm (1965-1995) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tá Phạm Văn Ngà, năm nay 90 tuổi, thì ông là người được Đại tướng Giáp tin tưởng tuyệt đối và "Đại tướng có một nguyên tắc bất di bất dịch không bao giờ uống thuốc của ai đưa, kể cả con cái, trừ Bác sĩ Ngà". Phải chăng ông Giáp bị ám ảnh bởi hàng trăm những vụ ám sát chính trị khắp hai miền Nam, Bắc mà Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện trong suốt 30 năm máu lửa chiến tranh, bị ám ảnh với cái chết mờ ám, bất đắc kỳ tử của Đại tướng Hoàng Văn Thái, một người thân cận ? Hay ông Giáp cũng bị ám ảnh với cái chết do thuốc độc nhưng được... quốc táng mà Hitler dành riêng cho Nguyên soái Rommel thời Đức Quốc Xã ?

 

Lê Duẩn chết, ông Giáp như được giải thoát. Đến nay, ông đă sống thêm 26 năm không có Lê Duẩn trong cuộc đời. Trong guồng máy quyền lực hậu Lê Duẩn không ai coi ông Võ Nguyên Giáp là địch thủ. ông đã quá già để có thể cạnh tranh quyền lực với họ. Các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là những người thuộc thế hệ sau sẵn lòng kính trọng ông Giáp như một bậc nguyên lão đệ nhất khai quốc công thần. Bởi vì ông Giáp còn sống và Bác Hồ đã chết là bông hoa, là chậu kiểng của chế độ, là lý do "chính đáng" cho họ – "hậu duệ của các bậc tiền bối anh hùng" – được tiếp tục làm "vua tập thể" của gần 90 triệu người Việt Nam. Họ không những kính trọng mà còn hậu đãi ông Giáp – dinh thự, xe cộ, vệ sĩ, giúp việc, phụ tá, nhân viên văn phòng, bác sĩ, y tá thường trực và mọi thứ bổng lộc, phụ cấp... và có thể còn hứa hẹn làm quốc táng cho ông với điều kiện : ông không được can thiệp vào việc cai trị đất nước của họ. Cờ đến tay ai, người ấy phất, thời của ông đã qua rồi, bây giờ là thời của họ, ngay cả Bác Hồ sống lại họ cũng không nhường quyền huống chi ông Giáp ! Trước đây, họ đã mời Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh, Đỗ Mười... làm cố vấn chính thức của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhưng không bao giờ "dại dột" mời Võ Nguyên Giáp. Họ không muốn, không cần ý kiến của ông Giáp. ông càng ít ý kiến họ càng "dễ làm việc". Họ muốn ông Giáp làm tượng gỗ cho họ "cung kính" ngay khi ông còn sống. Sự việc như vậy rất giản dị : ông muốn uống rượu mời hay rượu phạt ?

 

Đối với ông Giáp, sự chọn lựa tưởng như dễ dàng, thực ra lại rất khó khăn. Một chút suy nghĩ, phân tích khách quan cũng có thể hiểu được nỗi "ưu phiền" của ông Giáp. ông nhìn xuyên qua được những cung kính giả dối. Cuộc đời, sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp không có chỗ cho những tính toán vật chất. ông không thể bị mua chuộc – với một giá rẻ mạt so với những tài sản triệu triệu hay tỉ tỉ đô la của bọn tham nhũng. Chắc chắn ông không ưa đám người cầm quyền hiện thời, thậm chí có thể rất khinh bỉ – một bọn quyền gian làm việc thoán đoạt, một bầy sâu (dùng chữ của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) khổng lồ đục ruỗng đất nước, một xã hội truỵ lạc, hèn yếu trước hiểm hoạ bị ngoại bang thôn tính. ông đánh trận Điện Biên Phủ chấn động thế giới chấm dứt "một trăm năm nô lệ giặc Tây" không phải để ngồi nhìn lịch sử "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu" đang từng bước, từng bước lập lại ? ! ông Giáp không phải không biết rất nhiều người Việt Nam, trong nước, ngoài nước đủ mọi tầng lớp – cựu chiến binh, trí thức, văn nghệ sĩ, nông dân nghèo khổ, công nhân bị bóc lột, tù nhân chính trị, những người tranh đấu... trông đợi ở ông như nắng hạn mong mưa rào. Nhưng ông phải cân nhắc kỹ – luôn luôn như một chiến lược gia "biết mình, biết người" : nếu ông lên tiếng đáp ứng một người, ông sẽ phải đáp ứng nhiều người và sẽ bị cuốn vào cơn gió lốc chính trị mới... rồi trở thành kẻ thù của những kẻ cầm quyền nguy hiểm. Rồi an toàn của ông, an toàn của con cháu ông..."Cuộc cách mạng có thể phải làm lại" nhưng đó là việc của người khác, ông Giáp không muốn làm chính trị nữa. Bởi thế ông đã không lên tiếng khi chính quyền đàn áp rất thô bạo người dân Việt Nam biểu tình chống Tàu lấn chiếm Biển Đông, không lên tiếng khi tham nhũng lan tràn thành quốc nạn, im lặng trước "vấn đề dân cày mất ruộng", chỉ gửi vòng hoa phúng viếng tỏ lòng thương tiếc khi Trung tướng Trần Độ qua đời. ông không biết, không nghe, không bình luận vụ án nổi tiếng "hai bao cao su đã qua sử dụng" Cù Huy Hà Vũ. ông cũng "quên"cảm ơn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã tặng ông một bài thơ mừng thọ thật hay. ông rất tiếc nhưng mọi người nên thông cảm ! Một cụ già 99 tuổi chỉ có thể làm được đến thế !

 

Nói cho công bằng, ông Võ Nguyên Giáp cũng không khuất phục hoàn toàn trước quyền lực của đám hậu sinh như ông đã làm trong thời Lê Duẩn – nhân danh sự trung thành với Đảng. Bằng cớ là ông đã gửi công khai và liên tiếp 3 lá thư cho "đồng chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng", Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội trong năm 2009 yêu cầu ngưng việc cho người Tàu khai thác mỏ bô xít ở Tây Nguyên vì việc ấy có hại cho quyền lợi quốc gia. Lời lẽ trong thư rõ ràng, đĩnh đạc như văn phong của một bậc lão thần, một bậc trưởng thượng trình lên ấu chúa. Ba lá thư làm sôi nổi dư luận một thời gian, dấy lên bao hy vọng. Bộ Chính trị dĩ nhiên bác bỏ quan điểm của Đại tướng Giáp nhưng không coi ông là "thế lực thù địch". Như thế là nhà chiến lược đã đạt mục đích : Trước công luận ông không phải là tượng gỗ. ông vẫn chú tâm, lo lắng cho đất nước. ông không thể bị đồng nhất với cái chế độ xấu xa mà ông có những bất đồng. Mặt khác ông chọn vấn đề khai thác bô xít là một đề tài vừa phải, trung bình không nặng ký, không quá nhạy cảm như vấn đề tham nhũng chẳng hạn là một vấn đề có thể làm các Ủy viên Bộ Chính trị mất mặt rồi sinh căm thù. Ngoài ra, ông đã ngừng lại đúng lúc. Rất nhiều người đã hy vọng rồi thất vọng nhưng ai nỡ trách ông "đánh trống, bỏ dùi" ? Khi thời gian còn lại đếm từng tháng, từng ngày thì cái quan trọng nhất là chỗ đứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử. ông muốn được nhớ đến như một anh hùng dân tộc có công giành độc lập và suốt đời vì dân vì nước nhưng lịch sử lại có những tiêu chuẩn khách quan riêng... Vậy thì chung cuộc lịch sử sẽ phán xét ông Võ Nguyên Giáp thế nào ???

 

Cao Tuấn

Cuối thu 2012

Nguồn : BXViệt Nam, 02/09/2012

 

Comment Link

samedi, 29 août 2020 23:40 posted by Hoàng Trường Sa

Tôi luôn luôn tin tưởng mãnh liệt rằng lịch sử vô cùng khách quan, nhưng lạnh lùng và tàn nhẫn. Hiện nay đất nước ta vẫn còn nằm trong tay ĐCSVN nên những nhận định, đánh giá về các nhân vật lịch sử Cộng sản lớn như ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn chưa được trọn vẹn và chính xác, khách quan, do các hồ sơ chưa được bạch hóa do chủ trương giữ mọi sự trong vòng bí mật của ĐCSVN.

Lịch sử VN (và thế giới) sẽ đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp ít nhất là trên ba lãnh vực sau:

- Võ Nguyên Giáp, một Đại tướng,
- Võ Nguyên Giáp, một người Cộng sản,
- Võ Nguyên Giáp, một nhà cách mạng và nhà chính trị.

Bài viết thú vị này của tác giả Cao Tuấn thiên về việc đánh giá Đại tướng GIÁP như một nhà chính trị.

Về khía cạnh tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một nhà quân sự, hiện nay vẫn còn đang có sự tranh cãi liệu các thành tích quân sự của tướng GIÁP như được tác giả Cao Tuấn nêu ra khi so sánh ông với Đại tướng Pháp De Lattre de Tassigny, có phải hoàn toàn do tướng GIÁP điều binh khiển tướng, hoạch định các chiến thuật và chiến lược hay không.

Do việc cơm không lành canh không ngọt giữa hai phía VN thời ông Lê Duẩn và phía TQ, Trung Quốc đã cho bạch hóa một số hồ sơ về vụ các tướng Tàu Trần Canh, Vi Quốc Thanh, La Quý Ba trong đoàn Cố vấn TQ đã điều khiển các trận đánh mà tác giả Cao Tuấn nêu ra bên trên, kể cả trận Điện Biên Phủ. Học giả Mỹ (gốc Tàu) Quiang Zhai đã dựa vào các hồ sơ này của TQ để viết một bài nghiên cứu lịch sử quân sự sau:

Quiang Zhai "Transplanting the Chinese Model: Chinese Military Advisers and the First Vietnam War, 1950–1954,” Journal of Military History 57 (October 1993),

Theo đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vói tư cách là Tổng Tư Lệnh Quân đội Nhân dân VN đã hưởng hết công lao của các tướng Tàu nói trên. Nói cách khác, người khác đánh, tướng GIÁP hứng nhận công lao và thành tích. Điều này, đúng sai chưa rõ, nhưng ít nhất cũng làm giảm phần nào uy tín của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cách tốt nhất để giải tỏa nghi vấn này, và cứu vãn danh dự của tướng GIÁP, là Quân Ủy Trung ương và Bộ Chính Trị ĐCSVN cho bạch hóa các hồ sơ quân sự, các nhật ký chiến trường của các trận đánh nói trên. Thế nhưng, cho tới nay, mặc dù sử gia Vũ Ngự Chiêu (bút danh Chính Đạo) qua bài viết “Nghi án Trần Canh” các đây khoảng 2 thập niên, đã thách thức ĐCSVN cho bạch hóa các nhật ký chiến trường để cứu tướng GIÁP, nhưng mọi chuyện vẫn nằm trong im lặng và bóng tối dày đặc cho tới ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

 

 

 

 

 

 

 


No comments: