Monday, August 31, 2020

HỌC LÓM CHUYỆN "HỘ CHIẾU" (Lóm - Luật Khoa)

 


30/08/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/08/hoc-lom-chuyen-ho-chieu/

 

Ngày xưa, hộ chiếu được xem là một hình thức đặc cách dành cho kẻ thù.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/ho-chiu-2.2-1024x536.jpeg

Minh họa: Lóm/Luật Khoa

 

Rất nhiều người Việt Nam hiện tại sở hữu (ít nhất) một quyển hộ chiếu trong tay. Nó có vai trò như một loại thẻ căn cước quốc tế – không chỉ xác định ai là ai, từ đâu ra, mà còn là tấm vé lướt vào lướt ra các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.

 

Từ “hộ chiếu” bắt nguồn từ hai chữ 護照 (hu zhao) trong tiếng Hoa, với chữ “hộ” () mang nghĩa bảo vệ, giúp đỡ còn “chiếu” () là thông báo.

 

Cách gọi “hộ chiếu” ở Trung Quốc tương đối mới, chỉ được ghi nhận từ đời Khang Hy với sự xuất hiện của Hiệp ước Nerchinsk giữa triều đình Mãn Thanh và nước Nga vào năm 1689.

 

Cách dùng thì lại xuất hiện từ rất lâu trước đó.

 

Theo các tài liệu, văn kiện tương đương với hộ chiếu được sử dụng từ rất sớm ở Trung Quốc, khoảng năm 2.000 trước Công nguyên. Mỗi thời lại có một cách gọi khác nhau.

Ngay trong tác phẩm quen thuộc Tây Du Ký, người ta đã bắt gặp Đường Tăng trên đường thỉnh kinh, mỗi khi đi đến một nước lại trình ra cho quốc vương sở tại một văn kiện để được chấp thuận đi qua. Văn kiện này do hoàng đế nhà Đường ban cho, với tên gọi “thông quan văn điệp”, có tác dụng tương đương với hộ chiếu.

 

Tác giả truyện Tây Du Ký, một người sống ở thời nhà Minh, thật ra đã nhầm lẫn trong chi tiết này. “Văn điệp” (文牒) là thứ được dùng ở đời nhà Minh. Vào đời nhà Đường, bối cảnh của Tây Du Ký, thứ giấy tờ trên được gọi là “quá sở” (過所). Mỗi triều đại phong kiến có một tên gọi khác nhau cho nó. Tên gọi gần nhất với chữ hộ chiếu được suy đoán là từ cách gọi “quan chiếu” (關照) cũng thuộc đời nhà Minh.

 

Cách gọi “thông quan văn điệp” có lẽ cũng là nguồn gốc của hai chữ “thông điệp” (通牒) sau này. 

 

Thông điệp trong tiếng Việt hiện đại mang nghĩa lời nhắn gửi, nhưng trong tiếng Hoa nó lại có nghĩa khá trịnh trọng là “công hàm” (văn thư trao đổi qua lại giữa hai nước). 

 

Khi người Việt thủ thỉ “em có thông điệp dành cho anh”, với người Hoa nó sẽ mang nghĩa lạnh tanh “tôi có công hàm gửi tới anh”.

 

Thậm chí, nó còn có sắc thái nghiêm trọng như trong “thông điệp cuối cùng”, có nghĩa là tối hậu thư (ultimatum), thứ đánh dấu quan hệ hai bên đã tới mức căng thẳng tối đa: anh không làm theo ý tôi thì sẽ có chuyện.

 

                                           ***

Trong tiếng Anh, từ đồng nghĩa với hộ chiếu là “passport”, được ghép từ chữ “pass” (đi qua) và “port” (cảng). 

 

Cách gọi này được ghi nhận từ thế kỷ thứ 16, nhưng cũng giống như phương Đông, thứ tương đương với nó thì đã xuất hiện từ rất lâu trước đó, được ghi lại trong kinh thánh với chuyến đi của Nehemiah vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.

 

Trong một thời gian dài, thứ văn kiện này ở châu Âu được gọi là “sauf conduit” hay “safe conduct”, nghĩa là dẫn lối an toàn, và nó không phải là đặc quyền cho công dân của một quốc gia hay lãnh thổ. Như tại Anh, người nước ngoài không những có thể xin vua cấp cho “safe conduct” mà còn không phải trả phí (trong khi đó người Anh thì phải mất tiền!).

 

Đến cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, đặc biệt là sau Thế Chiến I, các quốc gia mới bắt đầu xác lập vai trò của hộ chiếu/passport như chúng ta quen thuộc ngày nay. Cùng với nó còn là sự xuất hiện của giấy thông hành hay “visa” (tên gọi tắt từ cụm tiếng Latin “charta visa” có nghĩa là “tờ giấy được nhìn thấy”). 

 

Kể từ thời điểm đó, hộ chiếu không còn là lá bùa duy nhất cần có để mỗi người ra vào quốc gia khác. Các quốc gia, đặc biệt những nước phương Tây, bắt đầu siết chặt hoạt động di dân. Công dân của nước khác buộc phải xin và được cấp visa mới có thể đi vào một nước. 

 

Ngày nay, visa, hay chính xác hơn là việc không cần visa, trở thành một chứng nhận cho sức mạnh của hộ chiếu một nước. Passport nào có thể đi thẳng đến nhiều quốc gia mà không cần xin thêm visa được xem là “mạnh”, ngược lại là “yếu”.

 

Theo bảng xếp hạng của hãng Henley & Partners, vào thời điểm hiện tại, hộ chiếu mạnh nhất là thuộc các quốc gia như Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha… Việt Nam thuộc nhóm hạng 89/109 cùng với Campuchia và một số nước khác, dưới 73 bậc so với Cộng hoà Síp (Cyprus), kém Cuba 10 bậc và hơn Lào bốn bậc.

 

Việc nhiều người Việt Nam tìm cách có được hộ chiếu của nước ngoài vì thế không khó hiểu. Nhưng ý nghĩa, mục đích và cách thức của việc đó thì tùy trường hợp, đôi khi lại rất khó giải đáp. 

 

Vào thời điểm ban đầu, hộ chiếu được xem là một hình thức đặc cách dành cho kẻ thù. Hàm ý là, ngay cả hai quốc gia đang đối địch thì vẫn có thể cho người của nước kia đi lại an toàn tự do trong nước mình để đàm phán, đối thoại. Đó là lý do cho tên gọi “safe conduct” – dẫn lối an toàn.

 

Ngày nay, việc các quan chức những nước độc tài bí mật mua hộ chiếu của những quốc gia dân chủ, có pháp quyền minh bạch, lại có vẻ là một cách thức để trốn “kẻ thù trong nước”, một hiện tượng đảo ngược so với ý nghĩa ban đầu của hộ chiếu.

 

Vì sao họ lại xem người dân trong nước mình là kẻ thù để phải chuẩn bị sẵn đường trốn chạy? 

 

Bạn phải hỏi thẳng họ, cùng vô số những người khác chưa bị lộ.

 

 

 

 


No comments: