Thứ Sáu, 08/28/2020 -
03:22 — nguyenlanthang
https://www.rfavietnam.com/node/6456
Bạn bè trên facebook tôi
vẫn đang chia phe cãi nhau về chuyện bầu cử Mỹ kinh lắm. Người không quan tâm
chính trị thì thôi không nói, chứ những người đã bỏ công theo dõi tin tức loại
này đều không phải dạng vừa. Ai cũng mang cái lý của mình ra nói, nói từ ngày
này sang ngày khác. Nói xong rồi còn chửi nhau, unfriend nhau, block nhau tùm
lum... như thể là đang chiến đấu với bọn dư luận viên phò đảng cộng sản ấy.
Trên facebook tôi đa phần
bạn bè là những người quan tâm đến chính trị, nên nhiều khi trên trang chính
facebook của tôi nom cứ như có chiến tranh đến nơi. Lắm lúc trông mọi người
hăng hái cãi nhau, thấy cứ như là được ai đó bên Mỹ trả lương cho họ không biết
chừng.
Tôi từ trước đến nay vốn
đặt mình ra ngoài vòng tranh cãi này, không phải bởi e sợ việc làm mất lòng bất
cứ ai điều gì, mà bởi vì muốn tôn trọng quan điểm chính trị của mọi người. Hơn
nữa tôi tự cho là mình còn thiếu thông tin, nói bậy nói bạ, lại dựa trên những
thông tin không đầy đủ thì người ta cười cho. Nhưng rồi có một việc mà đến giờ
này tôi không thể im lặng được nữa. Số là mấy hôm trước tôi có xem đoạn video
ghi lại toàn bộ diễn biến vụ bắt giữ George Floyd, dẫn đến cái chết của ông ta.
Video này có từ nguồn camera gắn trên người của cảnh sát Mỹ, được đăng tại địa
chỉ: https://youtu.be/XkEGGLu_fNU
Xem từ đầu đến cuối vụ bắt giữ, phải nói cho công bằng là cảnh sát Mỹ
có chửi bậy một tý, có thô bạo một tý, có sai lầm trong việc khống chế nghi phạm
một cách quá mức, nhưng không làm thay đổi bản chất sự việc là George Floyd
ngay từ đầu đã chống đối, quẫy đạp dữ dội với cảnh sát khi vừa mới có hành động
phạm pháp, không chịu lên xe cảnh sát khi được yêu cầu.
Có người bạn tôi xem xong
nói đùa rằng: Phải chi cảnh sát Mỹ có cái xe thùng để bắt người như công an phường
đuổi chợ ở Việt Nam, và có thêm vài thằng dân phòng hung hăng phụ giúp nữa...
Phải chi bên Mỹ có mấy thằng "tiếp thị sữa", sẵn sàng cướp camera của
người đi đường khi họ quay cảnh sát làm việc. Tôi thì nghĩ rằng, phải chi toàn
bộ đoạn video của cảnh sát này được công bố sớm hơn...
Tôi tiếc là nó không được
công bố sớm hơn, bởi vì công chúng gần xa chỉ biết đến sự việc qua một video của
khách bộ hành quay khi việc bắt giữ đã diễn ra ở lúc cuối cùng. Sự việc này
theo tôi đúng là lại còn bị các kênh truyền thông cánh tả Mỹ bóp méo, xuyên tạc,
hòng đẩy những công chúng ngây thơ vào tình cảnh phản ứng thái quá, không còn
lý trí gì nữa khi xem xét đúng sai.
Những người Mỹ ngờ nghệch,
bị dắt mũi, bị lừa bịp, để rồi quyên góp đến 13 triệu đô la cho một thằng tội
phạm là việc của họ, tiền của họ. Nhưng đáng tiếc là nhiều người Mỹ tử tế khác
đã mất đi nhiều sự bảo vệ từ lực lượng cảnh sát, mất đi công ăn việc làm do bạo
loạn, thậm chí mất đi cả tính mạng bởi vì cảnh sát còn đang phải bận đối phó với
các cuộc biểu tình.
Nhưng rốt cục, chuyện nước
Mỹ hãy để cho người Mỹ quyết định. Họ có thể đúng, có thể sai, nhưng chính họ mới
là người chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Và chúng ta cũng nên nhìn nhận
một điều hiển nhiên là Donal Trump đã trở thành tổng thống Mỹ thông qua một cuộc
bầu cử hợp hiến. Nếu ai cảm thấy sai lầm trong kỳ bầu cử trước thì họ đang có
cơ hội sửa sai trong kỳ bầu cử lần thứ 59, ngày 3/11/2020 tới đây.
Nước Mỹ với tôi nói chung
là những điều tuyệt vời. Nhưng còn tuyệt vời hơn là nhìn ra những sai lầm của họ,
để mà chiêm nghiệm, để mà học hỏi và tìm ra con đường thay đổi đất nước Việt
Nam này. Việt Nam thì sao? Chúng ta có nhiều khả năng được lựa chọn hay không?
Chúng ta có buộc phải tuân theo những lựa chọn mà thế hệ ông bà ta đã lựa chọn
hay không?
Mọi sai lầm của con người
đều bắt đầu từ việc lựa chọn. Michael Sandel, giáo sư ngành triết học chính trị
tại Đại học Harvard từng viết về lựa chọn như thế này:
<<<... Năng lực
nhận thức, phán xét, ý kiến sáng suốt, hoạt động tinh thần, và thậm chí cả ưu
tiên đạo đức của con người chỉ được vận dụng khi đưa ra một sự lựa chọn.
Người làm bất cứ điều gì
vì đó là truyền thống thì không có sự lựa chọn. Người đó không có kinh nghiệm
thực tế trong việc nhận thức hoặc mong muốn điều gì tốt đẹp nhất. Tinh thần và
đạo đức giống như cơ bắp, chỉ được cải thiện nếu được sử dụng... Nếu cho phép
toàn bộ hoặc một phần thế giới lên kế hoạch cho cuộc sống của mình, người đó chỉ
cần đến những năng lực bắt chước của loài vượn. Con người tự do lựa chọn cách sống
của chính mình, sử dụng tất cả năng lực của mình...>>>
Dẫn đến nhận định này của
Michael Sandel, tôi muốn nhấn mạnh một ý rằng lựa chọn là một việc rất quan trọng.
Lựa chọn chính trị càng quan trọng. Nếu bạn lựa chọn sai trong hôn nhân, trong
công việc... thì chỉ bạn bị ảnh hưởng, và có thể sửa chữa sớm. Nhưng bạn lựa chọn
sai lầm trong chính trị, cả một đời bạn cùng nhiều thế hệ sau sẽ phải gánh chịu
hậu quả. Và ngu ngốc nhất là việc bạn buông xuôi và tuân theo những lựa chọn
sai lầm của thế hệ đi trước.
Vì vậy, dù khá đau đầu
khi phải nghe những cuộc tranh cãi về chính trị nước Mỹ, nhưng tôi nghĩ đây là
dịp tốt để người Việt chúng ta tìm hiểu thế giới, tìm hiểu chính trị, thấy được
sự khác biệt giữa các mô hình xã hội. Bạn cứ chọn phe mà ủng hộ đi, không sao hết.
Có đúng sai gì người Mỹ mới là đối tượng đầu tiên thụ hưởng thành quả hay gánh
chịu hậu quả của lựa chọn chính trị đó. Nhưng đây là dịp hiếm có để chúng ta được
thực tập, được mài dũa khả năng quan sát, khả năng nhận định chính trị, biết được
chuyện đúng chuyện sai. Đó là những cái mà thế hệ ông bà ta 85 năm trước đã
không có khi theo Việt Minh phá kho thóc Nhật, cướp chính quyền của chính phủ
Trần Trọng Kim.
Kinh tế, chính trị, xã hội
toàn thế giới đang có những đột biến rất mạnh, không khác gì thời điểm năm
1945. Tôi e là sớm thôi, sẽ đến lúc người Việt chúng ta phải đưa ra lựa chọn
chính trị cho mình, chọn phe cho mình.
Kể cả không chọn phe nào,
đấy cũng là một sự lựa chọn. Nhưng đó là lựa chọn của kẻ nô lệ, không phải là của
người tự do. Nếu ta lựa chọn chính trị vì nồi cơm, chứ không phải vì điều đúng
đắn, thì kẻ lúc đầu mang nồi cơm đến cho ta sau này sẽ có năng lực cướp đi của
ta tất cả, hành hạ ta như với một kẻ nô lệ. Vì thế hãy cẩn trọng với lựa chọn
chính trị, còn hơn cả việc chọn nghề hay tìm bạn đời.
No comments:
Post a Comment