Thursday, July 30, 2020

VÌ SAO VIỆT NAM VẪN PHẢI TIẾP TỤC 'ĐI DÂY' GIỮA TRUNG QUỐC & HOA KỲ (Thiện Ý)



Vì sao Việt Nam vẫn phải tiếp tục ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Mỹ

Thiện Ý

29/07/2020

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-di-day-trung-quoc-my-hoa-ky/5522139.html

 

Tin giới truyền thông trên mạng mới đây cho hay ngày 13-7-2020, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố lần đầu tiên bác bỏ mạnh mẽ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực giàu tài nguyên trên Biển Đông. Đồng thời công khai bênh vực các nước nhỏ yếu trong vùng đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông. Trong đó có Việt Nam được quan tâm hàng đầu, với những động thái mang ý nghĩa như ngầm cam kết, rằng Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng can thiệp nếu Trung Quốc có hành động quân sự bắt nạt Việt Nam và các nước khác trong vùng.

 

Trước biến cố này, nhiều người cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt đối sách ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Hòa Kỳ. Nhưng nhiều người khác, trong đó có chúng tôi, thì nghĩ rằng Việt Nam vẫn phải tiếp tục ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vì sao?

 

Vì các động thái mới nhất của Hoa Kỳ (1) lợi bất cập hại đối với Việt Nam.

 

(2) không thay đổi bối cảnh chung đã buộc Việt Nam phải ‘đi dây’,

 

(3) tiếp tục‘đi dây’ là sự lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam.

 

Đó là các đề mục chính cho bài viết này. Nhưng trước hết cần đề cập đến:

 

I - Những động thái mới đây nhất của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là gì?

 

Hành động đầu tiên là ngày 13-7- 2020 Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực giàu tài nguyên trên Biển Đông. Tiếp theo sau là tiếng nói của các viên chức lãnh đạo cấp cao ngành ngoại giao, quốc phòng của Hoa Kỳ. Tất cả đều có chung một mục tiêu là:

 

1 - Căn cứ trên luật pháp quốc tế, cụ thể là vi phạm Công ước quốc tế 1982 về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và các án lệ quốc tế mà gần nhất là án lệ của Tòa án quốc tế năm 2016 xử vụ Philippine kiện Trung Quốc… Hoa Kỳ đã công khai phủ định dứt khoát, mạnh mẽ mọi tuyên bố chủ quyền biển đảo ở biển Đông, cụ thể là ‘đường lưỡi bò 9 khúc’ hay ‘chủ quyền biển lịch sử’, một sự phân định mơ hồ vẽ ra trên các bản đồ có từ những năm 1940; hay ‘quyền và lợi ích hàng hải’ mà Trung Quốc đơn phương xác lập chủ quyền chiếm đến 90% diện tích biển đảo ở Biển Đông. Hoa Kỳ coi sự đơn phương xác lập chủ quyền này của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn luật pháp và án lệ quốc tế về chủ quyền biển đảo của các quốc gia nằm sát hay giữa biển Đông.

 

2 - Căn cứ trên hành động thực tế, Trung Quốc bao lâu này không ngừng ỷ mạnh hiếp yếu, dùng bạo lực lấn chiếm, bồi đắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa vùng biển đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền của một số nước trong vùng với Trung Quốc (Như Đài Loan, Indosia, Mã Lai, Philippine, Brunei và Việt Nam…). Hoa Kỳ đã mạnh mẽ lên án các hành động này của Trung Quốc và kiên quyết sẽ có hành động thích đáng để chấm dứt thực tế này, tái lập ổn định trật tự pháp lý và thực tế trong vùng biển đang có tranh chấp theo luật pháp và án lệ quốc tế.

 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo qua tuyên bố ngày13/7 được xem là mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước đến nay, đã nhắc lại “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó”.

 

Ông Stilwell, trợ lý ngoại trưởng đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 14/7 nhấn mạnh lại tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo về việc Mỹ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải bên ngoài phạm vi 12 hải lý của nước này. Vì Bắc Kinh đã ‘không đưa ra một tuyên bố hàng hải hợp pháp, mạch lạch’ ở Biển Đông. Và rằng ‘Điều này có nghĩa là Mỹ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia), hay vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Brunei,’. Ông Stilwell nói những điều này tại cuộc hội thảo hàng năm về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS được tổ chức trực tuyến từ Washington DC hôm 14/7.

 

Trong khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink trong một bài viết đăng trên báo Thanh Niên điện tử hôm 20/7 thì đã bày tỏ quan điểm rằng, những tuyên bố về chính sách của Washington vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết của Mỹ về duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, và Washington sát cánh với Hà Nội để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam nhất quán với luật pháp quốc tế, cũng như để bác bỏ tư duy ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’ tại Biển Đông.

 

Tựu trung có sự khác biệt trong động thái mới nhất này, là lâu nay Hoa Kỳ vẫn phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và thường xuyên điều tàu chiến qua lại trên tuyến đường thủy chiến lược trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đôla thương mại mỗi năm, với lý do là để thể hiện quyền tự do hàng hải. Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 13/7, lần đầu tiên Mỹ nói rõ các yêu sách của Trung Quốc là ‘bất hợp pháp’ và thể hiện sẽ hành động thực tế quyết đoán hơn có ý nghĩa như lời cam kết sẵn sàng có hành động bảo vệ các quốc gia nhỏ yếu trong vùng trước các hành động ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc.

 

II - Vì sao Việt Nam vẫn phải tiếp tục ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ?

 

Việt nam vẫn phải tiếp tục đối sách ‘di dây’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là vì các động thái mới nhất của Hoa Kỳ:

 

1 - Lợi bất cập hại đối với Việt Nam

Vì những động thái mới nhất của Hoa Kỳ căn bản là vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của Hoa Kỳ trong quan hệ ngoại giao lúc lên lúc xuống giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.Đó là điều tất nhiên, vì lợi ích quốc gia luôn là nền tảng, cốt lõi và là mục tiêu tối hậu chính sách ngoại giao của bất cứ quốc gia nào. Lúc này quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể căng thẳng vì lợi ích nhất thời tranh cử; nhưng sau đó vì lợi ích lâu dài giữa hai nước Mỹ-Hoa, có thể chuyển biến theo một chiều hướng khác. Thành ra trước các động thái mạnh mẽ mới nhất của chính quyền Washington, phản ứng của Bắc Kinh có vẻ chừng mực, đấu dịu thể hiện qua các tuyên bố của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc.

 

Theo Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo ngày 15/7 thì Trung Quốc ‘không sợ bất kỳ lệnh trừng phạt nào’ mà Hoa Kỳ có thể áp đặt vì tình hình ở Biển Đông. Và rằng:

 

Hoa Kỳ nên suy nghĩ cẩn thận về chính sách của mình. Còn nói về biện pháp trừng phạt, Trung Quốc không sợ. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Nếu Mỹ muốn khuấy động rắc rối thì hãy để bão tố nổi lên mạnh hơn nữa’

 

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì lên án nhẹ nhàng động thái của Hoa Kỳ, coi đây là một hành động vô trách nhiệm, có thể phá hoại hòa bình và tình trạng ổn định khu vực.

 

Trong khi trước sự kiện này, cái lợi của Việt Nam chỉ là tăng thêm thế lực giúp có những động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam (như đưa vụ tranh chấp chủ quyền lên Liên Hiệp Quốc, dọa kiện Trung Quốc trước Tòa án quốc tế, ngày càng đáp trả mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam…)

 

Đúng như một số chuyên gia nhận định với VOA rằng Hà Nội khó có thể ở trong thế đối đầu với Bắc Kinh, dù rằng có vẻ như đang ‘ngả’ về phía Mỹ với tiếng nói mạnh mẽ hơn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ.

 

Với vai trò là chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam vừa cho biết đã dẫn đầu các nước ASEAN lên tiếng “cảm ơn và đánh gía cao” sự ủng hộ của Mỹ sau khi Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Một động thái mà theo TS. Tạ Văn Tài, từng là giáo sư Luật tại Đại học Harvard, là thúc đẩy bày tỏ mạnh hơn quan điểm của khối các quốc gia Đông Nam Á sau hàng loạt các tuyên bố chính thức của Mỹ.

 

Thế nhưng cái ‘bất cập hại’ cho Việt Nam, là nếu vì những động thái mới nhất này của Hoa Kỳ mà từ bỏ đối sách ‘đi dây’, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhiều mặt, nặng nhất là mặt chính trị và kinh tế, trước mắt cũng như lâu dài, do những ràng buộc với Trung Quốc, từ quá khứ đến hiện tại. Chẳng cần nói ra thì những ai quan tâm đều biết rõ.

 

Chẳng thế mà mới đây, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc, trong bài viết phân tích về mối quan hệ Mỹ - Trung sau khi Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố gọi yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là ‘phi pháp’, đã tiếp tục đưa ra ‘cảnh báo’ Hà Nội về việc ‘chọn phe’ nhằm chống lại Bắc Kinh, rằng:

 

“Nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích nhận được’.

 

Thế nhưng đồng thời, trong cuộc hội đàm mới đây ở Bắc Kinh giữa hai Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã đưa đến một kết quả hữu nghị về kinh tế là một ngân hàng của Trung Quốc đã cho một ngân hàng Việt Nam vay một trăm triệu dollar để phát triển hoạt động. Sự thể này phải chăng cho thấy Trung Quốc cũng cần Việt Nam, vẫn muốn giữ chặt Việt Nam không ngả theo Hoa Kỳ, nên ‘vừa đấm, vừa vuốt’ chăng? Thành ra dường như Việt Nam đang ở thế thuận lợi khi “trai cò mổ nhau, ngư ông đắc lợi”?

 

2 - Không thay đổi bối cảnh chung đã buộc Việt Nam phải ‘đi dây’

Bối cảnh chung đã buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bao lâu nay không có gì thay đổi; sau những động thái mới nhất của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

 

Đó là bối cảnh bắt nguồn từ sự ràng buộc Việt Nam trong quá khứ chiến tranh xa gần đối với Trung Quốc khác với Hoa Kỳ.

 

(a) - Đối với Trung Quốc từng là “đồng chí anh em”, Việt-Trung có cùng quá khứ và chung vận mệnh tương lai, như lãnh tụ Cộng đảng đương thời Trung quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác, nhiều lần nhắc nhở với cộng đảng Việt Nam mỗi khi có dịp.

 

Do đó, trên thực tế, đối xử với cựu thù Hoa Kỳ trong chiến tranh phải có khác, để không phật ý và bị nghi ngờ về lòng trung thành cố hữu của Việt Nam với Trung Quốc. Chẳng thế mà, trước khi làm điều gì liên quan đến Hoa Kỳ, Hà Nội luôn tham khảo trước với Bắc kinh cách này cách khác. Tỷ dụ, trong các chuyến công du Hoa Kỳ của các lãnh đạo hàng đầu đảng và nhà nước CSVN trước đây, thường là họ phải ghé qua Bắc Kinh trước khi đến Washington.

 

Vì thế, trong quan hệ song phương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn phải nêu cao và cố gắng thực hiện khẩu hiệu “4 Tốt và 16 Chữ vàng” có từ thời chiến tranh Quốc-Cộng tại Việt Nam (1954-1975) do các lãnh tụ hàng đầu của hai đảng, hai nhà nước Việt (Hồ Chí Minh) và Trung (Mao Trạch Đông) xác lập như một định ước có giá trị cưỡng hành mặc nhiên không thể tranh cãi.

 

(b) - Đối với Hoa Kỳ, có khác với Trung Quôc, quá khứ từng là là cựu thù trong chiến tranh, đối tác làm ăn trong hiện tại, Việt- Mỹ không có cùng quá khứ, nhưng vận mệnh tương lai có thể gắn bó đôi bên cùng có lợi.

 

Vận mệnh tương lai đó là, sau khi Trung Quốc “mở cửa” làm ăn với thế giới bên ngoài, “phe xã hội chủ nghĩa đã rãy chết”, Việt Nam mới dám nối bước đàn anh tìm cơ hội “mở cửa” làm ăn với các nước “tư bản chủ nghĩa không rãy chết” như lý luận tuyên truyền về sự tất thắng của chủ nghĩa Mác-Lenin thời Chiến Tranh Lạnh. Cơ hội đó là vào năm 1995 khi được Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó, sau đó và nhờ đó Việt Nam đã từng bước phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế, để có bộ mặt “Phồn vinh” như hôm nay. Mặc dầu người dân và cả nhà cầm quyền thâm tâm ai cũng biết “bộ mặt phồn vinh” hôm nay là kết quả của con đường làm ăn “kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa”. Thành quả này trong năm nay đã được đôi bên đánh giá tích cực nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt (1995-2020). Nhưng vì sĩ diện, Cộng đảng Việt Nam vẫn phải chơi trò gian thương “treo đầu dê bán thịt chó”, rằng đó là nhờ con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, như chúng tôi đã vạch rõ trong nhiều bài viết trước đây trên diễn đàn này.

 

3 - Việt Nam vẫn tiếp tục đối sách ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ

 

Vì những động thái mới nhất của Hoa Kỳ với Trung Quốc dường như càng củng cố thêm tin tưởng của nhà cầm quyền Việt Nam, cần tiếp tục đối sách ‘đi dây’ là sự chọn lựa tốt hơn, so với từ bỏ đối sách này, ngả hẳn theo và trở thành đồng minh Hoa Kỳ trong liên minh các nước chống Trung Quốc.

 

Thật vậy, vì những động thái mới này vốn Hoa Kỳ đã từng làm trong quá khứ, chỉ khác mức độ và cường độ mạnh hơn với hệ quả cao hơn trong quan hệ Mỹ-Hoa. Cụ thể gần nhất là trong năm 2019 vừa qua, khi Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở bãi Tư Chính, Hoa Kỳ từng là nước đầu tiên đã mau mắn lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động ỷ thế mạnh bắt nạt Việt Nam của Trung Quốc; tiếp theo sau là sự lên tiếng của các cường quốc như Anh, Pháp, Đức, Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản….Trong khi những động thái lần này của Hoa Kỳ đã đẩy từ quan hệ ‘đối tác’ qua quan hệ ‘đối đầu’ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của Hoa Kỳ. Nhưng chỉ có lợi nhất thời là đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên tầng cao mới. Một cái lợi như nghĩa bóng của câu tục ngữ Việt Nam ‘ trai cò mổ nhau, ngư ông đắc lợi’. Một trong những cái Việt Nam đắc lợi là có thêm thuận lợi tiếp tục thực hiện ‘đối sách hai mặt’ chống lại “đối sách lá mặt, lá trái’ của Trung Quốc.

 

- ‘Đối sách hai mặt’ của Việt Nam là một mặt trên nguyên tắc, thực hiện chính sách ngoại giao đa phương với chủ trương từ ‘Ba không’ đến ‘Bốn không’ sau khi Việt Nam công bố ‘Sách trắng Quốc phòng Việt Nam’ vào năm 2019 (“Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”).

 

Nhưng mặt khác trên thực tế trong quan hệ song phương Việt Nam, bên ngoài vẫn chẳng đặng đừng phải thực hiện “chính sách đi dây giữa Trung quốc và Hoa Kỳ”. Nhưng bên trong đã không ngừng củng cố mối quan hệ song phương với Hoa Kỳ, nỗ lực từng bước theo hướng “thoát Trung xoay trục về phía Mỹ”. Vì nói gì thì nói, cả nhà cầm quyền cũng như nhân dân Việt Nam trong thâm tâm đều hiểu ngầm rằng thành quả phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế hôm nay, Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ yếu và tương lai đối tác Hoa Kỳ tốt hơn nhiều đối tác “đồng chí Trung Quốc”; sẽ là chỗ dựa đối trọng vững chắc cho Việt Nam, vừa phát triển đến tự cường, vừa ngăn chặn được tham vọng lấn chiếm đất liền,biển đảo và áp chế nô dịch Việt Nam của Trung Quốc. Những động thái mạnh mẽ mới nhất của Hoa Kỳ với Trung Quốc, cùng lúc với sự gia tăng mức độ và cường độ ngày một mạnh mẽ các động thái của Việt Nam chống lại các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.Tất cả cho thấy hiệu quả thực tế ‘đối sách hai mặt’ của Việt nam với ‘đối sách lá mặt lá trái’ của Trung Quốc.

 

- Đối sách ‘lá mặt lá trái’ của Trung Quốc đã luôn thực hiện với Việt Nam là, miệng thì nói “hữu hảo”, hành động thì “bất hảo”, luôn ỷ thế mạnh lấn áp Việt Nam đủ điều. Nghiêm trọng nhất là Trung Quốc trong nhiều năm qua đã ngang nhiên lấn chiếm lãnh thổ trên đất liền và các hải đảo của Việt Nam chẳng cần nói ra thì quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng như công luận quốc tế đều biết. Chính nhờ vậy mà các động thái mạnh mẽ, quyết đoán mới nhất của Hoa Kỳ đối với các hành động xâm lấn biển đông, bắt nạt các nước nhỏ yếu trong vùng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, đã nhanh chóng được sự lên tiếng tán đồng của các cường quốc trên thế giới và các quốc gia trong khu vực. Nhất là Việt Nam và các nước nạn nhân của tham vọng bá quyền xâm lấn đất đai, biển đảo của Trung Quốc.

 

III - Thay lời kết

 

Chúng tôi dẫn lời nhận xét của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với VOA: về các quan điểm do các nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đưa ra gần đây, rằng:

 

"Tuyên bố của ngài Ngoại trưởng Mike Pompeo và ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội là lập trường có thể nói là rất rõ ràng, rất cương quyết, rất mạnh mẽ so với trước đây. Những nội dung đấy hoàn toàn phù hợp với những quan điểm của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Một lần nữa, chứ không phải là lần đầu tiên, phía Hoa Kỳ lại ủng hộ, đứng về các nước trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam để mà đấu tranh chống lại các hành động sai trái để mà nhằm thượng tôn pháp luật”.

 

Thiện Ý

Houston, ngày 27-7-2020

 

 

 

 


No comments: