Tại
sao ông Trump chống đối hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện?
Mai
Vũ Phạm
31/07/2020
LTS: Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố, ông ta muốn hoãn cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm nay, với
lý do đưa ra rằng “không chính xác và gian lận”, các nghị sĩ Cộng hòa bác ý tưởng hoãn bầu cử của ông. Bỏ
phiếu qua đường bưu điện có phải “không chính xác và gian lận” như tuyên bố của
ông Trump? Sau đây là bài tổng hợp của cô Mai Vũ Phạm, một cựu quân nhân Mỹ và
là một cộng tác viên thường xuyên của Tiếng Dân.
____
Mai Vũ Phạm
31-7-2020
Thế nào là bỏ phiếu qua đường
bưu điện (mail-in voting)?
Bỏ phiếu qua đường bưu điện là hình thức bầu cử bằng đường bưu điện
(còn được gọi là bỏ phiếu vắng mặt – absentee voting), nhằm mang lại sự linh hoạt
hơn cho các cử tri tham gia vào tiến trình dân chủ.
Hình thức bỏ phiếu qua đường
bưu điện có từ thời Nội chiến, theo dữ liệu bầu cử của Viện Công nghệ Massachusetts,
nhằm tạo cơ hội cho các binh sĩ bỏ phiếu từ chiến trường. Các tiểu bang bắt đầu
mở rộng luật bỏ phiếu vắng mặt vào cuối những năm 1800 để tạo điều kiện thuận lợi
cho các cử tri vắng nhà hoặc bị bệnh vào ngày bầu cử.
Bỏ phiếu qua đường bưu điện có
an toàn?
Tất cả phiếu bầu qua đường
bưu điện đều được lưu trữ an toàn trong khi chưa được xử lý. Quy trình xử lý tuỳ
thuộc vào mỗi tiểu bang. Chẳng hạn bang Washington sẽ “kiểm tra chữ ký và dấu bưu
điện, sau đó lấy bì thư bên trong ra từ bì thư bên ngoài và lấy lá phiếu bầu từ
bì thư bên trong. Các lá phiếu thường được bảo mật với con dấu có mã số và một
bản ghi các mã số được lưu giữ để phát hiện bất cứ truy cập không phù hợp nào”.
Snopes,
trang mạng Fact Check uy tín, chứng minh tuyên bố “Trong các cuộc bầu cử ở Mỹ,
các hệ thống bỏ phiếu qua đường bưu điện làm tăng nguy cơ gian lận cử tri đáng
kể so với bỏ phiếu trực tiếp” hầu như sai hoàn toàn.
Theo cơ quan kiểm chứng của
Hãng thông tấn Associated
Press, nguy cơ gian lận phiếu bầu qua đường bưu điện là 0,0004% đến
0,0009% trong năm 2017.
Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc
phòng dưới thời Tổng thống Reagan, ông Larry Korb nói: “Toàn bộ quân đội Mỹ thường xuyên bỏ phiếu qua đường bưu
điện. Tại sao phần còn lại của nước Mỹ thì không thể làm như vậy?”
Trang web uy tín chuyên tổng
hợp các kết quả thăm dò, FiveThirtyEight, kết luận rằng, không có bất kỳ bằng chứng
cho thấy việc bỏ phiếu qua đường bưu điện mang lại lợi ích đảng phái.
Justin Levitt, giáo sư luật hiến pháp tại đại học Luật Loyola, chỉ ra rằng mỗi hành
vi gian lận cử tri liên quan đến bầu cử liên bang phải đối mặt với án tù 5 năm
– là cái giá quá đắt để tiến hành gian lận bầu cử.
Làm thế nào ủy ban bầu
cử có thể xử lý lá phiếu (vắng mặt) qua đường bưu điện một cách an toàn?
Theo trang thông tin của bang Washington hướng dẫn bỏ phiếu qua đường bưu điện,
sau khi cử tri gửi lại lá phiếu đã bầu, ban bầu cử quận của cử tri sẽ thực hiện
quá trình kiểm phiếu như sau nhằm bảo toàn tính trung thực của cuộc bầu cử:
– Chữ ký của cử tri ở bên
ngoài bì thư gửi lại sẽ được đối chiếu với chữ ký trong hồ sơ đăng ký cử tri để
bảo đảm rằng hai chữ ký đó trùng khớp với nhau.
– Cử tri được ghi lại về
việc tham gia bầu cử trong cuộc bầu cử đó, nhằm bảo đảm rằng chỉ có một lá phiếu
duy nhất từ mỗi cử tri được tính.
– Bì thư gửi lại bên
ngoài được tách khỏi bì thư kín bên trong có chứa lá phiếu đã bầu của cử tri.
Lá phiếu của mỗi cử tri sẽ không được truy nguyên đến cử tri đó, nhằm bảo đảm
tính bảo mật của phiếu bầu của các cử tri.
– Tất cả các lá phiếu đều
được kiểm tra kỹ lưỡng để chắc chắn rằng máy kiểm phiếu có thể đọc được tất cả
các lá phiếu. Thiết bị kiểm phiếu sẽ được kiểm tra trước mỗi cuộc bầu cử để bảo
đảm rằng nó sẽ hoạt động một cách chính xác.
– Các bước trên vẫn tiếp
tục với tất cả các lá phiếu cho đến khi cuộc bầu cử được chứng nhận.
Bang nào cho phép bỏ phiếu qua
đường bưu điện?
Hiện tại, tất cả tiểu bang cho
phép ít nhất một phần cử tri bỏ phiếu vắng mặt qua đường bưu điện. Một số tiểu
bang cho phép tất cả các cử tri đã đăng ký bầu cử nhận được một lá phiếu vắng mặt
trong một bì thư gửi đến nhà qua đường bưu điện, và một số tiểu bang yêu cầu lý
do cụ thể cho lá phiếu vắng mặt.
Mỗi tiểu bang có các
chính sách và quy định khác nhau đối với các cử tri muốn bỏ phiếu qua đường
bưu điện. Ví dụ một số tiểu bang chỉ yêu cầu chữ ký của cử tri, trong khi các
tiểu bang khác yêu cầu chữ ký của nhân chứng hoặc công chứng của một phong bì gửi
phiếu bầu.
Đảng Cộng hòa và Dân chủ có ủng
hộ hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện không?
Đồng thuận chung của hai chính đảng là ủng hộ hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện bởi nó tạo
điều kiện cho nhiều cử tri tham gia củng cố nền dân chủ. Hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện được cả đảng Cộng
hòa và Dân chủ thường xuyên thực hiện tại các cuộc bầu cử Mỹ trong hơn 200 năm
qua. Nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford chỉ ra rằng, không có lợi ích đảng
phái bằng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney nói rằng 90% cử tri tại tiểu bang Utah
của ông bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Người Mỹ cảm thấy thế nào về
việc bỏ phiếu qua thư?
Khoảng một phần tư cử tri Mỹ đã bỏ phiếu bằng đường bưu
điện trong giai đoạn giữa năm 2018, nhiều hơn gấp đôi so với 20 năm trước đây.
Một cuộc thăm dò gần đây của Pew Research Center cho thấy, hơn 70% người Mỹ,
bao gồm 49% cử tri Cộng hòa, nhận định rằng, hình thức bỏ phiếu qua đường bưu
điện nên dành cho mọi cử tri. Sự ủng hộ của cử tri Cộng hòa tăng gần 70% ở nhiều
bang có thâm niên bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Trong cuộc thăm dò mới
đây của Reuters, 72% người trưởng thành ở Mỹ, bao gồm 65% cử
tri đảng Cộng hòa, ủng hộ việc bỏ phiếu qua đường bưu điện nếu như đại dịch
coronavirus tiếp tục đe doạ sự an toàn của cử tri.
Tại sao ông
Trump chống đối hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện?
Thời gian gần đây, Trump
thường xuyên phát biểu không căn cứ, chỉ trích bỏ phiếu qua đường bưu điện, cho
rằng hình thức này gây ra gian lận bầu cử. Các phát biểu của Trump đều được các
chuyên gia chứng thực là sai lệch và không căn cứ. Trong thực tế, Donald J. Trump và những người thân cận của
ông cũng bỏ phiếu bằng đường bưu điện trong cuộc bầu cử năm 2016.
Sau những phát biểu liên
tục tấn công hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Liên
Bang, Ellen Weintraub, đã phải viết bài nhằm hướng dẫn dư luận về các thông tin
đúng đắn. Bà viết:
“Đảng Dân chủ đã nghiên cứu về vấn đề này (bầu
cử qua đường bưu điện), đảng Cộng hòa cũng nghiên cứu vấn đề này và không một
chính đảng nào có thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự gian lận cử tri
trong lịch sử hoặc đặc biệt trong cuộc bầu cử năm 2016. Không có bất kỳ cơ sở
nào để tuyên bố rằng cuộc bầu cử sẽ gian lận tràn lan do in phiếu bầu bất hợp
pháp. Không có bất kỳ cơ sở nào để tuyên bố rằng cuộc bầu cử sẽ là gian lận vì
các lá phiếu có thẻ được ký gian lận. Tuyên bố việc bỏ phiếu qua đường bưu điện là gian lận đơn
giản là một sự dối trá đã bị vạch trần. Sự giả dối này có thể làm suy yếu
niềm tin của người dân Mỹ vào nền dân chủ của chúng ta. Các nhà lãnh đạo
đúng nghĩa nói sự thật. Đặc biệt là trong một mùa bầu cử đang bị ảnh hưởng
bởi đại dịch coronavirus, bất ổn kinh tế và những cái chết, người dân Mỹ xứng
đáng không gì khác hơn ngoài sự thật từ các nhà lãnh đạo của chúng ta”.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lý do Trump
bôi đen hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện là vì Trump muốn vẽ ra một kịch bản
để phủ nhận kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 11 nếu ông thua cuộc. Trump sẽ đổ lỗi cho đảng Dân chủ gian lận bầu cử
bằng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, nên ông mới thua. Nói cách khác,
Trump cố tình bôi nhọ hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện để định hướng những
cử tri trung thành của mình, rằng ông không thể thua trong một cuộc bầu cử công
bằng và hợp pháp. Và nếu như ông thua, thì chỉ là do gian lận và bất hợp pháp.
Domingo Garcia, chủ tịch Liên minh Công dân Mỹ gốc Latinh, chia sẻ sự lo lắng: “Một
lần nữa, tôi lo ngại rằng chúng ta có thể sẽ đối mặt với một
cuộc khủng hoảng hiến pháp nếu chúng ta có một tổng thống nói cuộc bầu
cử đã bị phá hoại bởi cử tri đã bỏ phiếu qua đường bưu
điện. Điều đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn với nền
dân chủ Mỹ”.
--------------------------------------
XEM THÊM
Mỹ
: Trump bị phản đối khi đề nghị dời ngày bầu cử tổng thống
Minh
Anh -
RFI
Đăng
ngày: 31/07/2020 - 14:44
Ngày 30/07/2020, tổng thống Donald Trump đề nghị dời
ngày bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 03/11/2020. Tuy
nhiên, đề xuất này của chủ nhân Nhà Trắng gặp phải nhiều phản ứng mạnh, kể cả
trong nội bộ đảng Cộng Hòa.
Từ New York, thông tín viên
Loudna Anaki tường trình :
« Ngay cả trong nội
bộ những người thân cận nhất của ông Donald Trump, ý tưởng về khả năng lùi ngày
bầu cử tổng thống cũng gây ra những phản ứng rất dứt khoát.
Mitch
McConnell, người đứng đầu phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện,
đã khẳng định cuộc bầu cử sẽ vẫn diễn ra như dự kiến và trong quá khứ, ngay cả
khi xảy ra khủng hoảng, ngày bầu cử tổng thống chưa bao giờ bị hoãn.
Thượng
nghị sĩ Lindsey Graham, người kiên quyết
bảo vệ ông Donald Trump, cũng bác ý tưởng hoãn ngày bầu cử. Nhiều lãnh đạo Cộng
Hòa khác cũng có chung quan điểm dù họ tránh công khai chỉ trích gợi ý của
tổng thống.
Về phía đảng Dân Chủ, các dân biểu cũng bác những ẩn
ý của chủ nhân Nhà Trắng liên quan đến nguy cơ gian lận hàng loạt do bỏ phiếu
qua đường bưu điện, đang được triển khai rộng vì đại dịch.
Về nguyên tắc,
tổng thống Donald Trump không có quyền thay đổi ngày bầu cử, chỉ có Nghị Viện mới
có thể đưa ra một quyết định như vậy. Nhưng gợi ý của tổng
thống sắp mãn nhiệm một lần nữa cho thấy ông ý thức được việc đang mất tín nhiệm
trong cuộc tranh cử. Hoặc cũng có thể ông lại đánh lạc hướng dư luận như vẫn
thường làm.
Hôm qua, các con số và dữ liệu cho thấy nền kinh tế
Mỹ không hề vững mạnh như tổng thống vẫn nhắc đi nhắc lại. »
No comments:
Post a Comment