27/07/20
Đầu tháng Sáu vừa qua
(2020), Quốc hội Bồ Đào Nha đã đồng thanh bỏ phiếu để dựng một đài tưởng niệm
cho ông Aristides de Sousa Mendes, vị tổng lãnh sự đã từng cứu vớt hàng ngàn
người Do Thái khỏi cuộc diệt chủng do Đức quốc xã chủ xướng trong thời
Đệ nhị Thế chiến. Năm 1995, tổng thống Bồ Đào Nha lúc bấy giờ là ông Mario
Soares cũng đã tuyên bố : ông Sousa Mendes là "vị anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại
nhứt trong Thế kỷ 20". Vì không tuân hành lệnh của nhà độc tài Antonio
de Oliveira Salazar để cứu vớt người Do Thái, ông Sousa Mendes đã bị cách chức,
lâm cảnh nghèo đói và qua đời trong tăm tối.
Khi được hỏi : động lực
nào đã thúc đẩy ông sẵn sàng hy sinh sự nghiệp và mọi sự để cứu vớt người Do
Thái, ông Sousa Mendes đã trả lời : "Nếu hàng ngàn người Do
Thái đang đau khổ vì một tín hữu Kitô, thì chắc chắn một tín hữu Kitô
cũng có thể chịu đau khổ cho nhiều người Do Thái" (1).
Những đứa trẻ Do
Thái được ông Sousa Mendes giúp đưa sang Portugal trong thời Đệ
nhị Thế chiến - Ảnh minh họa
Người tín hữu Kitô làm
cho hàng ngàn người Do Thái phải đau khổ mà ông Sousa Mendes ám chỉ đến không
ai khác hơn là đồ tể Adolf Hitler.
Xuyên suốt dòng lịch sử
nhân loại, các chính trị gia thường sử dụng ngôn ngữ tôn giáo để kiếm lá phiếu
của cử tri. Một lãnh tụ hàng đầu thế giới đã tỏ ra rất hữu hiệu trong việc sử dụng
ngôn ngữ tôn giáo. Hãy lắng nghe ông nói : "Trong giờ phút này, tôi chỉ
muốn xin Thiên Chúa một điều duy nhứt là : xin Ngài chúc lành cho công việc của
chúng ta và ban cho chúng ta có đủ can đảm để làm điều ngay lẽ phải. Tôi xác
tín rằng được Thiên Chúa tạo dựng, con người phải sống phù hợp với ý muốn của Đấng
Toàn Năng. Không ai có thể kiến tạo thế giới nếu chương trình và sức mạnh của họ
không được Đấng Quan Phòng chúc phúc".
Nhà lãnh đạo đã từng đọc
tuyên ngôn trên đây không ai khác hơn là Hitler (1889-1945). Đây là một trích
đoạn trong bài diễn văn của ông năm 1937, tức 4 năm sau khi được bầu làm thủ tướng
Đức. Trong các bài diễn văn của ông, Hitler đã không ngừng kêu gọi người dân
yêu thương tha nhân, quan tâm đến những người nghèo khổ bệnh hoạn cũng như đứng
lên chống lại bạo lực. Trong quyển tiểu sử "Hitler, God and the
Bible" (Hitler, Thiên Chúa và Kinh Thánh), tác giả Ray Comfort viết rằng
"những bài diễn văn của Hitler tràn đầy hy vọng". Hitler luôn tuyên bố
: "Tôi tin rằng tôi hành động theo ý của Đấng Tạo Hóa Toàn Năng". Người
đã từng sát tế 6 triệu người Do Thái thường tự nhận mình là một "môn đệ"
của Chúa Kitô. Đây là niềm tin mà ông đã tuyên xưng ngay từ năm 1925 khi cho xuất
bản quyển tiểu sử tự thuật và đồng thời cũng là bản tuyên ngôn của ông có tựa đề
"Mein Kampf" (Cuộc chiến của tôi). Trong cuốn sách, Hitler tuyên bố
rõ ràng : "Kể từ hôm nay, tôi tin rằng tôi đang hành động phù hợp với ý muốn
của Đấng Tạo Hóa Toàn Năng : tự vệ chống lại người Do Thái là chiến đấu cho
công trình của Chúa".
Hitler, con người bị xem
là xấu xa, đồi bại và độc ác nhứt trong lịch sử nhân loại đã được rửa tội trong
Giáo hội Công giáo. Ông đã từng là một cậu bé giúp lễ và ngay cả cũng có lúc muốn
trở thành một linh mục công giáo. Để tỏ tình liên đới với Giáo hội Công giáo,
năm 1933, ông đã ký một thỏa ước với Tòa thánh Vatican. Theo tác giả Comfort, với
thỏa ước này, Giáo hội Công giáo bày tỏ sự ủng hộ dành cho Hitler và đối lại
Hitler cam kết bảo đảm tự do tôn giáo cho Giáo hội. Cũng với thỏa ước này,
Hitler đã bày tỏ nhiều mỹ cảm về Kitô Giáo. Ông nói rằng ông thù ghét chủ nghĩa
vô thần và cam kết sẽ tiêu diệt chủ nghĩa này tại Đức.
Vào năm 1933, khi Hitler
mới lên cầm quyền, kinh tế của Đức đang ở tình trạng rơi tự do, tỷ lệ thất nghiệp
lên đến mức trên 30 phần trăm. Đức đang cần một vị cứu tinh và Hitler đã cương
quyết trở thành vị cứu tinh ấy. Kinh tế Đức dần đần được khôi phục và dĩ nhiên
quyền lực của Hitler cũng ngày càng được củng cố. Nhưng đây cũng chính là lúc sự
khoan nhượng tôn giáo dần dần biến mất, Kitô giáo đã được thay thế bằng một tôn
giáo mới trong đó không có Chúa nào khác ngoài Hitler. Lớp lông cừu của một tín
hữu Kitô đã được cất đi, con chó sói Hitler đã hiện nguyên hình (2).
Sinh trước Hitler khoảng
12 năm, Joseph Stalin (1876-1953), một đồ tể khát máu không kém ông cũng đã từng
là một tín hữu Kitô. Như tên "Joseph" của ông đã có thể gợi lên,
Stalin đã được người mẹ rất đạo đức của ông đặt tên theo một trong những vị
thánh nổi tiếng nhứt trong Kitô Giáo là thánh Giuse (Joseph), phu quân của Đức
Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Như chính ông đã từng tiết lộ, cha ông là một linh mục
Chính thống giáo. Lúc trẻ, người thanh niên Stalin cũng đã từng thụ huấn năm
năm trong một chủng viện Chính thống giáo với ước vọng trở thành một linh mục
trong Giáo hội này.
Tên tuổi của người đã từng
muốn làm linh mục này lại gắn liền với chế độ lao tù khổ sai khủng khiếp nhứt
trong lịch sử nhân loại thường được biết đến với tên gọi "Gulag" (viết
tắt từ cụm từ Glavnoe Upravlenie Lagerei, nghĩa là Hệ thống Quản lý trại tù khổ
sai) và được vạch trần trong quyển tiểu thuyết "Quần đảo Gulag" của
văn hào Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008). Được thiết lập dưới thời Lenin,
nhưng hệ thống lao tù khổ sai này đã đạt đến cao điểm trong thời gian Stalin cầm
quyền tại Liên Xô, tức từ năm 1930 đến năm 1953, năm ông qua đời. Trong giai đoạn
này người ta tính có khoảng 18 triệu người bị giam giữ trong hàng trăm trại tù
trên toàn lãnh thổ Liên Xô, nhứt là tại Tây Bá Lợi Á (Siberia), mỗi trại
giam từ 2.000 đến 10.000 tù nhân. Họ phải lao động mỗi ngày suốt 14 tiếng đồng
hồ, trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhứt. Rất nhiều người chết vì
đói và kiệt sức, hoặc ngay cả bị xử tử. Theo ước tính, đã có khoảng trên dưới 2
triệu người chết trong các trại tù khổ sai dưới thời Stalin.
Ngoài ra, tên tuổi của
Stalin còn gợi lên nạn đói khủng khiếp tại Ukraine trong 2 năm 1932 và 1933.
Khác với những nạn đói khác trong lịch sử nhân loại mà nguyên nhân thường là
thiên tai, nạn đói tại Ukraine dưới thời Stalin do chính ông gây ra nhằm thay
thế các tiểu nông bằng những hợp tác xã quốc doanh cũng như để trừng trị người
dân Ukraine vì họ tranh đấu giành độc lập chống lại chế độ độc tài của ông.
Theo ước tính, nạn đói do Stalin tạo ra tại Ukraine đã cướp đi mạng sống của
khoảng 3,9 triệu người (3).
Hitler đã không ngừng "kêu tên Chúa" và
tuyên xưng mình là một tín hữu Kitô. Stalin đã được vinh danh như một vị ân
nhân của Giáo hội Chính thống dưới thời Liên Xô.
Cũng như Hitler đã từng
ký thỏa ước với tòa thánh Vatican để tìm kiếm sự hậu thuẫn của người công giáo,
vào năm 1943, Stalin đã quay 180 độ trong chính sách tôn giáo của Chế độ cộng
sản Liên Xô đối với Giáo hội Chính thống Nga. Trong 10 năm trước khi Stalin qua
đời, Giáo hội Chính thống Nga đã được phục hoạt và hưởng được mọi tự do. Ai bảo
Stalin là một người vô thần ?
Hitler đã không ngừng
"kêu tên Chúa" và tuyên xưng mình là một tín hữu Kitô. Stalin đã được
vinh danh như một vị ân nhân của Giáo hội Chính thống dưới thời Liên Xô. Một đồ
tể khét tiếng khác đã từng sát hại trên dưới 2 triệu đồng bào ruột thịt của
mình là Pol Pot có lẽ cũng không hẳn là một người vô thần. Theo tiến sĩ Ian
Harris, giáo sư về tôn giáo học tại Đại học St. Martin, Anh Quốc, trước khi
lãnh đạo Khmer Đỏ, Pol Pot đã từng viết rằng "chế độ dân chủ sẽ phục hồi nền
luân lý của Phật Giáo, bởi vì Vị Lãnh Đạo Vĩ Đại của chúng ta là Đức Phật là
người đầu tiên đã dạy về dân chủ". Cũng như Hitler và Stalin, Pol Pot đã từng
được nuôi dạy như một phật tử và ngay cả như một người công giáo (4).
Nói theo ngôn ngữ nhà đạo
của tôi, cả ba đồ tể khét tiếng nhứt trong lịch sử nhân loại trên đây đều đã từng
là những người "có đạo" hay đã có lúc muốn tỏ ra mình là người
"có đạo".
Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã
được nhồi nhét vào đầu danh xưng "có đạo" ấy. Nơi tôi sinh trưởng là
một ngôi làng nhỏ thuộc miền Trung. Về tôn giáo, một nửa dân số trong làng theo
Công giáo, một nửa theo Phật giáo hay Đạo ông bà. Từ lúc vừa có trí khôn, tôi
đã phải học bài giáo lý vỡ lòng của Công giáo là : "Hỏi : có mấy đàng lên
Thiên Đàng ? Thưa : chỉ có một đàng rất chính rất thật là Đạo thánh Đức Chúa Trời".
Chỉ có một đàng, tức một Đạo rất chính rất thật là Đạo Công giáo, cho nên người
ngoài công giáo bị xem là "kẻ ngoại", chết thì phải "sa hỏa ngục"
mà thôi !
Cũng may, bài học làm người
mà tôi phải học suốt đời lại là bài học về khoan nhượng và tôn trọng đối với những
người không có cùng niềm tin tôn giáo với tôi. Ngoài ra, lịch sử lại còn mở mắt
cho tôi thấy rằng có biết bao nhiêu người "có đạo" lại là những kẻ vô
đạo và có biết bao nhiêu hành động được xem là "có đạo" lại là những
hành động vô đạo. Không là vô đạo sao khi người ta giương cao Thập Giá để cầm
gươm đi xâm chiếm đất đai của các dân tộc khác, chém giết những người khác tôn
giáo, phá hủy văn hóa của họ và ngay cả bắt họ làm nô lệ ? Dĩ nhiên, đâu có
riêng gì Công giáo của tôi, trong tôn giáo nào mà chẳng có những kẻ vô đạo ? Miệng
hô to "Thượng Đế Vĩ Đại", mình mang bom tự sát để giết người vô tội vạ,
đó chẳng phải là vô đạo sao ? Để gọi là bảo vệ Đạo Pháp, người ta kỳ thị, xua
đuổi và ngay cả tàn sát những người không đồng tôn giáo với mình, đó chẳng phải
là vô đạo sao ?
Khi suy nghĩ về "có
đạo" và "vô đạo", tôi cũng không thể không liên tưởng đến chuyện
đang xảy ra trong thời đại này. Bên Nga, có lẽ không ai tỏ ra "có đạo"
cho bằng Tổng thống Vladimir Putin. Trong các bài diễn văn, ông luôn miệng đề
cao Giáo hội Chính thống Nga, tự nhận mình là người bảo vệ luân lý và những giá
trị truyền thống. Nhưng thành tích vi phạm nhân quyền của ông thì đã rõ như ban
ngày ! Bên Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây, bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Quốc và các
nước Tây Phương, lãnh tụ chuyên chế Recep Tayyip Erdogan đã tỏ ra rất "có
đạo" khi ông biến một di tích lịch sử của chung Kitô giáo và Hồi giáo
là bảo tàng viện Hagia Sofia thành một đền thờ Hồi giáo.
Chuyện xảy ra bên Mỹ cách đây không lâu có lẽ cũng là một hành động biểu
dương sự "có đạo" không kém. Ai đó, sau khi dùng bạo lực để đàn áp
một đoàn người biểu tình ôn hòa, tiến đến trước một ngôi thánh đường chỉ để chụp
hình với quyển Kinh Thánh cầm trên tay để chứng tỏ mình là người "có đạo"
và nhứt là luôn bảo vệ Giáo hội !
Suy nghĩ về "có đạo"
và "vô đạo", tôi lại nhớ đến lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong một
cuộc phỏng vấn dành cho một nhà thần học Châu Mỹ La Tinh, khi được hỏi :
"Đạo nào là Đạo tốt nhứt ?", nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng trả
lời : "Bất cứ điều gì làm cho bạn cảm thông hơn, nhạy cảm hơn, siêu thoát
hơn, yêu thương hơn, nhân đạo hơn, ân cần hơn, đạo đức hơn. Tôn giáo nào làm
cho bạn được như thế là tôn giáo tốt nhứt" (5)
Với tôi, Đạo nào cũng tốt
cả, bởi lẽ tự trong cốt lõi, Đạo nào cũng khuyên dạy con người ăn ngay ở lành.
Do đó, nếu "Đạo" là đường thì "có đạo" hay "đi đạo"
không chỉ là gia nhập vào một tôn giáo có tổ chức, thực hành các nghi lễ của
tôn giáo, miệng ê a kinh kệ, tuần chay nào cũng có nước mắt... mà thiết yếu
chính là cố gắng sống cho phải đạo làm người.
Chu Văn
(27/07/2020)
5.https://www.staradvertiser.com/2010/07/03/religion/best-religion-is-the-one-that-makes-one-better/
No comments:
Post a Comment