Khủng
hoảng y tế tác động mạnh trên cuộc bầu cử Mỹ
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng ngày: 31/07/2020
- 15:33
Không hẹn mà gặp, các tờ báo lớn ra ở Pháp
vào hôm nay 31/07/2020 nói nhiều nói về tác hại của dịch Covid-19
trên bình diện chính trị và kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là
ở Mỹ và ở Pháp. Tại Mỹ, sự kiện được báo Pháp rất mực chú ý dĩ
nhiên là gợi ý hôm qua tổng thống Donald Trump, cho rằng nên hoãn cuộc bầu
cử tổng thống vào tháng 11, vì có nhiều nguy cơ gian lận xuất phát
từ hình thức bầu qua bưu điện.
Dân chúng vẫn thư
giãn trên bờ biển trong vịnh Miami Beach, bang Florida, nơi đã ghi nhận
những con số tử vong kỷ lục vì Covid-19 tại Hoa Kỳ. AFP
Trang nhất nhật báo
Công Giáo La Croix đã nêu bật tình hình nước Mỹ với hàng tựa lớn
ngắn gọn gồm hai vế: “Hoa Kỳ: Khủng hoảng y tế, bão tố chính trị”.
Tờ báo xác định ngay: “Con virus corona đã công khai đe dọa việc tổ
chức cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11”.
Florida bị “chìm trong
cuồng phong Covid”
Trong hồ sơ bên trong,
La Croix trước hết đề cập đến tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng
hoảng y tế trong bài phóng sự tại Miami mang tựa đề “Bang Florida bị trận cuồng
phong Covid đánh chìm”.
Trong vỏn vẹn một
tháng, bang này đã trở thành một trong những địa phương bị virus
corana tác hại nặng nề nhất nước Mỹ, với hai số liệu nổi cộm: Kỷ
lục đáng buồn về số ca nhiễm cao nhất được ghi nhận trong một ngày trên
toàn nước Mỹ (15.300 ca ngày 12 tháng 7), và bi thảm hơn là kỷ lục về số
người chết cao nhất trong hai mươi bốn giờ (216 ca ngày 29/07).
Tại chỗ, một lệnh
giới nghiêm đã được ban hành nhưng các tính toán chinh trị đã làm
tình hình xấu đi thêm, nhất là khi giới lãnh đạo bang, thuộc đảng
Cộng Hòa, đã coi trọng kinh tế và đã mau mắn giảm nhẹ các biện
pháp phong tỏa khi dịch bệnh vẫn hoành hành mạnh.
Ỷ tưởng hoãn bầu cử:
không mới
Còn về cơn bão chính
trị, La Croix đã nêu bật trong bài viết “Donald Trump đề nghị hoãn cuộc
bầu cử”.
Tờ báo đã phân tích
tuyên bố của tổng thống Mỹ về việc hoãn cuộc bầu cử tổng thống, nhấn mạnh
trên những rủi ro gian lận mà theo ông, gắn liền với khả năng gia tăng
việc bỏ phiếu qua đường bưu điện do dịch Covid-19.
Đối với La Croix, thực
ra ý định của ông Trump không có gì mới. Vào tháng Năm, con rể của ông
là Jared Kushner, đã không trả lời rõ ràng khi được hỏi về việc liệu
tổng thống có thể cam kết cho bầu cử theo đúng lịch trình hay không.
Trước đó, vào cuối
tháng 4, Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, đã tỏ ý tin
rằng ông Donald Trump sẽ cố gắng hoãn cuộc bỏ phiếu, bằng cách này hay cách
khác.
Libération: Khi Trump chơi
trò câu giờ
Có phần khác với
nhận định của La Croix, báo Libération cho rằng đây là lần đầu tiên ông
Trump gợi lên rõ ràng khả năng dời ngày bầu cử tổng thống.
Libération ghi nhận là
sau khi bắn đi tin nhắn về việc trên, tối hôm qua ông Trump đã cố cải
chính là ông không muốn dời lại cuộc bầu cử dự kiến vào 03/11. Thế nhưng
báo chí đã phớt lờ lời cải chính đó, để tiếp tục bình luận về tin
nhắn ra trước. Đối với Libération, phải nói là tổng thống Mỹ một lần nữa
đã thành công trong việc thu hút sự chú ý !
Tờ báo Pháp đã xem
tin nhắn Twitter đó là “vế đầu” của một chiến lược nhằm gây hoang mang về cuộc
bầu cử sắp tới. Giờ đây, khi đã phải chấp nhận là dịch Covid-19 vẫn lan
mạnh ở Mỹ, ông Trump nhấn mạnh lên việc dịch bệnh sẽ khiến việc đi bầu trở
nên khó khăn nguy hiểm ở các phòng phiếu.
Nhưng ông Trump đã nhiều
lần nói đến khả năng bỏ phiếu qua thư bưu điện - như thường thấy ở Mỹ -
là nguồn gian lận bầu cử, và đưa ra giải pháp dời cuộc bỏ phiếu đến khi nào
tình hình không còn nguy hiểm.
Theo Libération, rõ ràng
là ông Trump muốn đợi đến khi kinh tế vươn lên để ông có khả năng thắng cử.
Le Monde: Người chết vì
Covid-19 làm tăng sức ép lên Trump
Dĩ nhiên là Covid-19
không thể thiếu vắng trên Le Monde. Tờ báo chú ý đến một trong những hậu quả:
“Số người chết tăng lên ở Hoa Kỳ đặt Donald Trump dưới sức ép”, tựa bài
báo trang quốc tế.
Le Monde giải thích: Bản
tổng kết Covid-19 đã phản ánh sự di chuyển của dịch bênh xuất hiện ở vùng
ven biển rồi lan rộng sang các bang không mấy nghiêm khắc, chủ yếu do người
thuộc đảng Cộng Hòa lãnh đạo.
Nhìn bản tổng kết thì dịch
Covid-19 quả là không giảm sức ép lên tổng thống Mỹ. Theo số liệu của đại học
Johns-Hopkins, Mỹ đã vượt qua số 150.000 ca tử vong do virus corona vào ngày
29/07.
Cố vấn an ninh của tổng
thống, Robert O’Brien, đã bị cách ly vì nhiễm virus, đại diện đảng Cộng
Hòa, Louie Gohmert, đáng lý ra phải đi cùng ông đến Texas hôm 29/07, đã
bị xét nghiêm dương tính trong thời gian trước khi lên máy bay. Bấy nhiêu
sự kiện đã đủ che mờ hành động hỗ trợ mà tổng thống Trump muốn mang lại
cho bang Texas và ngành dầu hỏa tại đây, bị tác động nhiều do Covid-19 và vì
kinh tế thế giới hoạt động chậm lại.
Dịch bệnh vuột khỏi tầm
kiểm soát
Theo Le Monde, số ca tử
vong tăng phản ánh một nạn dịch đã kháng cự lại sự kiểm soát của chính quyền Mỹ.
Xuất phát từ hai bờ Thái
Bình Dương và Đại Tây Dương, nạn dịch đã đổ xuống New York và New Jersey vào
tháng 3. Những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm cho dịch giảm dần, nhưng
virus lại lan ra kể từ cuối tháng 5 ở các bang ít nghiêm túc, phần lớn trong
tay các thống đốc đảng Cộng Hòa: Arizona, Texas, Florida, nhưng cũng
bùng lên trở lại ở California.
Hơn một tháng rưỡi sau
đó, cơ sở y tế chịu sức ép. Ca tử vong tăng lên mạnh mẽ. Phải nói là ca lây nhiễm
bắt đầu khựng lại và giảm ở các bang trên, nhưng bây giờ lại tăng ở các
bang khác: Oklahoma, Arkansas, Tennessee hay Kentucky, đa số vẫn do người
thuộc đảng Cộng Hòa lãnh đạo.
Trả lời viện thăm dò dư
luận Gallup, 58% người ở các bang do người đảng Dân Chủ lãnh đạo, đánh giá là
thống đốc của họ có một kế hoạch rõ ràng để chống nạn dịch. Thế nhưng chỉ 43%
là có đánh giá tương tự ở các bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo.
Tại hai bang được cho là
then chốt trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11/2020 - Florida và Arizona -
các cuộc thăm dò cho thấy dân chúng đã ồ ạt không tán đồng việc thống đốc của
họ đã chậm trễ trong việc đưa ra những biện pháp gò bó để chống dịch bệnh.
Le Monde đã nhìn thấy
sức ép đối với chính quyền tổng thống Trump khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến bầu
cử tổng thống.
Le Monde: Airbus và Boeing
đều bị nhiễm Covid-19
Trong hàng tựa đập vào mắt
trên trang nhất hôm nay - “Airbus và Boeing lún sâu vào khủng hoảng” - Le Monde báo động về
một trong những hậu quả kinh tế nghiêm trọng bậc nhất mà Covid-19 gây ra.
Theo tờ báo, hai nhà chế
tạo máy bay đã công bố kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm: Thua lỗ và phải giảm
sản xuất. Đây là hiện tượng bình thường trong hoạt động kinh tế, nhưng ở tầm
vóc các tập đoàn này, thì hệ quả sẽ không bình thường chút nào.
Le Monde nhìn thấy là sau
một khoảng thời gian rất lâu cứ tưởng rằng tăng trưởng không bao giờ chấm dứt,
các tập đoàn hàng không không gian giờ phải chấp nhận đánh giá lại mô hình
này. Ba chàng khổng lồ trong lãnh vực này - Airbus, Boeing và Safran - vừa
công bố kết quả thảm hại.
Theo Le Monde, trước đây
các tâp đoàn còn đặt cược trên triển vọng phục hồi hoạt động nhanh chóng,
nhưng giờ họ thấy khủng hoảng còn sẽ kéo dài hơn là dự kiến. Theo đánh giá của
Hiệp Hội Hàng Không Quốc Tế, các tuyến bay sẽ không lấy lại mức độ của 2019 trước
năm 2024, phần lớn là vì những quy định mở hay đóng cửa đều dựa trên tình
hình dịch bênh rất khó lường, có nơi thì vẫn chưa qua “đợt 1”, nơi khác
thì lo ngại “đợt 2” trở lại.
Tuy nhiên, Boeing, theo
Le Monde, đã có thể gỡ gạc với nhánh quân sự của mình. Trước lúc công bố kết quả
thua lỗ, Boeing được Lầu Năm Góc đặt mua 23 tỷ đô la chiến đấu cơ cho Không
Quân Mỹ.
Libération: Vì Covid-19,
Air France sẽ bị quốc hữu hóa?
“Có nên quốc hữu
hóa Air France trở lại hay không?”, đây chính là câu hỏi được
đặt thành tựa lớn trên trang nhất báo Libération.
Theo tờ báo thiên tả,
dưới tác động kép của cuộc khủng hoảng Covid-19 và xu hướng xét lại
lợi ích của ngành chuyên chở hàng không, tập đoàn Pháp hôm qua
(30/07/2020) đã phải loan báo khoản lỗ 4 tỷ euro trong nửa đầu năm 2020
này.
Điều đáng nói, theo
Libération, là trong một khoảng thời gian dài sắp tới đây, Air France
sẽ không có khả năng bồi hoàn khoản vay 7 tỷ euro được nhà nước Pháp
đứng ra bảo đảm. Hệ quả của tình trạng này sẽ là tập đoàn hàng
không Pháp sẽ bị quốc hữu hóa trở lại trong thực tế.
No comments:
Post a Comment