Mai Vân - RFI
Đăng ngày: 27/07/2020 - 12:02
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/07/2020 chính
thức tuyên bố lập trường của Hoa Kỳ, xem các yêu sách trên biển của
Trung Quốc ở Biển Đông là "bất hợp pháp". Đây là một thay đổi quan
trọng trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, được cho là sẽ thúc đẩy
những nước khác, cho đến nay vẫn bất bình trước các hành vi bất
chấp luât lệ quốc tế của Bắc Kinh để thực hiện ý đồ chiếm trọn
Biển Đông nhưng lại tránh không muốn trực diện đối đầu với Trung
Quốc.
Hội nghị Thượng
Đỉnh ASEAN lần thứ 36 (trực tuyến). Ảnh chụp ngày
26/06/2020. REUTERS - POOL
Như để chứng minh cho
nhận định kể trên, ngày 23/07, đến lượt Úc gởi công hàm lên Liên Hiệp
Quốc, chính thức bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền trên biển của Trung
Quốc tại Biển Đông, bị Canberra cho là trái với Công Ước Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển năm 1982 và phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng
Tài Thường Trực La Haye năm 2016.
Tuy nhiên, ngay từ khi
ngoại trưởng Pompeo chính thức tuyên bố lập trường “mới” của Mỹ, một
câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là các nước bị Trung Quốc bắt nạt
ở Biển Đông và nhất là khối Đông Nam Á ASEAN mà các nước đó là
thành viên sẽ có phản ứng ra sao, vì dứt khoát là họ sẽ bị lôi cuốn
vào tâm bão Biển Đông.
Trong bài phân tích: “Đứng lên vì ASEAN ở Biển
Đông - Standing up for ASEAN in the South China Sea” đăng trên trang
thông tin East Asia Forum ngày 23/07, chuyên gia về Đông Nam Á Collin Koh, trường
Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, đã ghi nhận thái độ bước
đầu vẫn dè dặt của ASEAN, để cho rằng đã đến lúc khối Đông Nam Á
phải mạnh dạn đứng lên vì quyền lợi của chính mình, thay vì chạy
theo các cường quốc.
Philippines phản ứng rõ ràng
nhất
Theo chuyên gia Collin
Koh, trong số các nước bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông,
Philippines là nước đã có phản ứng rõ ràng nhất sau tuyên bố lập
trường mới của Mỹ.
Đây cũng là điều dễ
hiểu vì tuyên bố Biển Đông được Mỹ đưa ra vào đúng thời điểm
Philippines kỷ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra
phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016, bác bỏ cơ sở pháp lý của
các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa theo tấm bản đồ “lưỡi
bò”.
Trong diễn văn kỷ niệm
ngày Tòa Trọng Tài ra phán quyết, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin
Jr. đã nhấn mạnh tính chất bất hợp pháp của một số hoạt động của Trung Quốc
và sự cần thiết phải tuân thủ phán quyết.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết
quốc tế, nêu bật sự cần thiết của một trật tự dựa trên luật pháp ở Biển
Đông.
Chủ tịch Thượng Viện Philippines Vicente Sotto III còn tuyên bố mạnh mẽ hơn, cho rằng “những
gì bất hợp pháp không bao giờ có thể trở thành hợp pháp chỉ vì tính khí và
thái độ thất thường của một thế lực ngoại bang xem cả Biển Đông như lãnh thổ của
mình”.
Riêng phủ tổng thống
Philippines thì vẫn giữ giọng điệu cẩn trọng, cho rằng dù Trung Quốc không
tuân theo phán quyết của Tòa Trọng Tài, Manila vẫn tiếp tục giữ thái độ hòa
hoãn với Bắc Kinh. Phủ tổng thống còn nhấn mạnh là quan hệ song phương Trung
Quốc-Philippines không chỉ giới hạn ở tranh chấp Biển Đông mà mang tính
bao quát hơn, bao gồm cả hợp tác kinh tế.
Việt Nam ủng hộ Mỹ nhưng tránh
nêu tên cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc
Phản ứng của các
nước còn lại trong ASEAN, theo chuyên gia Singapore, còn thận trọng hơn, kể
cả những quốc gia bị Trung Quốc lấn lướt.
Indonesia, với thái độ từ
lâu nay luôn không xem mình là một bên tranh chấp ở Biển Đông, cho rằng
việc nước khác hậu thuẫn cho quyền của Indonesia ở vùng Biển Natuna là
điều “bình thường”.
Ngay cả Việt Nam, nước
vốn thường xuyên lên tiếng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, cũng phản ứng
dè dặt. Sau tuyên bố
của ông Mike Pompeo, Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 15/07 đã hoàn toàn
tránh né những lời lẽ chỉ trích Trung Quốc, thậm chí không nêu đích
danh cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc trong bản thông cáo về lập trường mới
của Mỹ. Đây cũng là cách thức để tránh khiêu khích Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ
Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ nói đơn giản rằng “Việt Nam hoan
nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế
và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội Nghị Cấp Cao ASEAN 36,
rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều
chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.”
Khối ASEAN sẽ tránh ra thông
cáo chung về lập trường của Mỹ
Về phản ứng chung của
ASEAN, nhà nghiên cứu Collin Koh cho rằng một thông cáo chung của toàn
khối ủng hộ tuyên bố của Mỹ khó có khả năng được đưa ra.
ASEAN hoàn toàn có
thể ra một tuyên bố nhấn mạnh trên tầm quan trọng của Công Ước Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển, mà không cần nêu rõ phán quyết năm 2016, hay tố cáo thái
độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng điều này có lẽ bị cho là không cần
thiết, vì ASEAN đã có quá nhiều thông cáo chung như thế rồi.
Giải thích về lý do
vì sao trong khối Đông Nam Á sẽ có nhiều nước phản đối việc ra một
thông cáo chung hậu thuẫn cho thông báo của ông Pompeo, chuyên gia Collin Koh
cho rằng một số chính phủ trong ASEAN không muốn quan hệ song phương với Trung
Quốc gặp nguy hiểm, đặc biệt vì các quan hệ kinh tế khắng khít.
Bên cạnh đó, một số
chính phủ khác có thể cho rằng tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo chỉ là
một sách lược của Mỹ nhằm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, vì
vậy, họ không muốn bị cuốn hút vào một cuộc tranh chấp giữa hai siêu
cường. Những nước này không đếm xỉa gì đến việc tuyên bố của Mỹ
nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng luật lệ quốc tế.
Một lý do thứ ba là một
số chính phủ trong khối cũng cân nhắc về những hệ quả và hành động của Mỹ sau
thông báo của Pompeo, đặc biệt là những trừng phạt nhắm vào các tập đoàn Trung
Quốc hoạt động ở Biển Đông, tham gia việc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các
đảo nhân tạo.
Đối với các nước
này, mọi trừng phạt của Mỹ đều có thể ảnh hưởng đến đầu tư của Trung Quốc
vào Đông Nam Á, nhất là vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới. Một công ty nhà nước
Trung Quốc đang lo việc trùng tu sân bay Sangley của Philippines chẳng hạn,
trước đây đã tham gia xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung biến
thành xung đột trên biển
Sau cùng, một số quốc gia có thể muốn ngồi bên lề để quan sát những
động thái tiếp theo của Mỹ. Dĩ
nhiên sẽ có những mối lo ngại trong các nước ASEAN là tuyên bố của ông
Pompeo làm tình hình căng thẳng thêm lên, nhất là nếu Bắc Kinh và Washington
không bên nào chịu lùi bước. Một hành động đáp trả cứng rắn hơn từ phía
Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp rất có khả năng diễn ra, làm dấy lên lo
ngại về những sự cố nghiêm trọng giữa các lực lượng hải quân hoạt động quá
gần nhau.
Một hệ quả được
chuyên gia Collin Koh nêu bật là chuyển biến lập trường của Mỹ và
tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông có thể thúc đẩy ASEAN đúc kết
nhanh chóng cuộc thảo luận về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).
Điều này có thể giúp
giảm bớt các cú sốc tác hại đến hòa bình và ổn định trong vùng, qua đó khẳng
định tính hữu ích và vai trò trung tâm của ASEAN.
Trung Quốc có lẽ cũng có
chủ trương tương tự, nhưng chỉ để phô trương rằng bộ Quy Tắc đó chứng
tỏ khả năng Bắc Kinh xử lý tốt tranh chấp mà không cần đến sự can thiệp của
người khác.
Cần đến COC nhưng không phải bằng
mọi giá
Vấn đề, theo chuyên gia
Singapore, là việc vội vã đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông
có thể dẫn đến một thỏa thuận không phải là tốt nhất, và đấy có thể là một lý
do để quan ngại.
Collin Koh kết luận: Đã đến lúc ASEAN phải tự mình đứng lên bảo
vệ lợi ích của chính mình, kể cả khi các thành viên chọn đứng xa cuộc
cạnh tranh Mỹ-Trung. Để tiến bước, ASEAN cần có một lập trường thuần
nhất hơn về Bộ Quy Tắc Ứng xử ở Biển Đông. Một ASEAN chủ động và năng
nổ hơn sẽ đứng ra gánh vác trách nhiệm giải quyết chứ không đi theo sự lãnh
đạo của những tác nhân lớn ở Biển Đông, dù đó là Trung Quốc hay Hoa Kỳ.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
.
.
No comments:
Post a Comment