Thursday, July 30, 2020

CÁC LÃNH TỤ DÂN TÚY TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG ĐẠI DỊCH (John Daniszewski - Associated Press)



Các lãnh tụ dân túy trong cuộc chiến chống Đại Dịch

John Daniszewski  -  Associated Press  

Chu Văn chuyển ngữ

30/07/2020

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/18280-cac-lanh-t-dan-tuy-trong-cu-c-chi-n-ch-ng-d-i-d-ch

 

Thành tích tồi tệ của các lãnh tụ dân túy trong cuộc chiến chống Đại dịch

John Daniszewski, AP, 23/07/2020

 

Những nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới không nhất thiết là những nước nghèo nhất, giàu nhất hay ngay cả có mật độ dân số cao nhất thế giới. Nhưng những nước đó đều có một mẫu số chung : đó là những nước được lãnh đạo bởi những lãnh tụ dân túy, lập dị.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50168586823_85eb87eb3d.jpg

Khi phải đương đầu với một dịch bệnh mới như Covid-19, những chính sách ngược ngạo của những nhà lãnh đạo dân túy tỏ ra quá tồi tệ so với những mô hình dân chủ tự do - Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mễ Andrés Manuel López Obrador và Tổng thống Brasil Jair Bolsonaro

 

Trong chính trị, dân túy có nghĩa là đề ra những chính sách được lòng "dân chúng", chứ không phải những nhà trí thức và các chuyên gia. Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ, Thủ tướng Boris Johnson của Anh Quốc và Tổng thống Jair Bolsonaro của Ba Tây cũng như Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và Tổng thống Andrés Manuel López Obrador của Mễ Tây Cơ đã lên cầm quyền tại những nước dân chủ ; họ thách thức trật tự cũ với lời hứa hẹn mang lại những lợi ích xã hội cho đám đông và chống lại cơ cấu chính phủ hiện hành.

 

Nhưng kết quả là khi phải đương đầu với một dịch bệnh mới như Covid-19, những chính sách ngược ngạo của những nhà lãnh đạo dân túy tỏ ra quá tồi tệ so với những mô hình dân chủ tự do tại những nước như Đức, Pháp và Băng Đảo tại Châu Âu, hay Nam Hàn và Nhật Bản tại Châu Á.

 

Dân chủ tự do là một hệ thống chính trị đã từng giúp đánh bại chủ nghĩa Phát xít trong thời Đệ nhị Thế chiến, thiết lập những cơ chế như Tổ chức Y tế Thế giới cũng như xem ra đã chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh cách đây 3 thập niên. Các nhà hàn lâm đang lo sợ và tự hỏi không biết hệ thống này có thể đương đầu với trào lưu dân túy mới và đối phó với những thách đố phức tạp của Thế kỷ 21 hay không.

 

Đại dịch Covid-19 đã nêu lên câu hỏi ấy.

 

Michael Shifter, chủ tịch của Tổ chức "Đối thoại Liên Châu Mỹ" (Inter American Dialogue), một cơ quan tư vấn có trụ sở tại Washington, nói rằng : "Đây là một cuộc khủng hoảng y tế công cộng đòi hỏi phải có khoa học và chuyên môn để giải quyết. Tự bản chất, các nhà lãnh đạo dân túy khinh thường các chuyên gia và khoa học mà họ xem như là một phần của cơ chế chính phủ". Ông Shifter đề cập đến Ba Tây là nơi đã có ít nhất 81.000 người chết (vì đại dịch Covid-19).

 

Theo ông Shifter, "Ba Tây cũng như Hoa Kỳ là những nước có một đội ngũ chuyên gia rất lớn. Nhưng vấn đề là các chính sách dân túy đang khiến cho việc thực hiện những chính sách hợp lý trở nên khó khăn. Đây (những chính sách này) mới thực sự là những chính sách có thể giải quyết vấn đề hay ít ra đương đầu với cuộc khủng hoảng một cách hữu hiệu hơn".

 

https://live.staticflickr.com/65535/50168586808_074f81f22a.jpg

"Đại dịch và khủng hoảng kinh tế là cái giá phải trả vì sự bất tài và đây là điều đáng lo ngại".

 

Hoa kỳ, Ba Tây, Vương quốc Anh và Mễ Tây Cơ là những nước đang được lãnh đạo bởi những người luôn tỏ ra nghi ngờ đối với các khoa học gia và ngay từ đầu đã xem thường dịch bệnh. Tính đến nay, theo các thống kê được Viện John Hopkins truy cập được, bốn nước này chiếm đến một nửa trong tổng số 618.000 người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới. Ấn Độ cũng đang tiến theo đà ấy. Quốc gia này đã vượt quá con số 1,2 triệu người bị nhiễm bệnh.

 

Thomas Wright, một chuyên gia về chính trị học thuộc Viện Brookings, nói : "Đại dịch và khủng hoảng kinh tế là cái giá phải trả vì sự bất tài và đây là điều đáng lo ngại".

 

Là người đang đứng đầu cơ quan tư vấn tại Trung tâm về Hoa Kỳ và Châu Âu, ông Wright nói rằng dịch bệnh "đánh vào mọi điểm yếu của các lãnh đạo dân túy" và làm suy giảm cái cốt lõi của những gì mà các nhà lãnh đạo dân túy đã hứa hẹn với các cử tri.

 

Theo ông Wright, "Họ (các lãnh tụ dân túy) kêu gọi đảo lộn mọi sự bằng cách tấn công vào chính phủ và khinh thường các cơ chế. Vì bạn cần có một guồng máy để cai trị, bạn phải đặt niềm tin nơi nhiều người và bạn phải ứng phó một cách có khoa học. Nếu không, ngày càng sẽ có nhiều người chết và bị nhiễm bệnh".

 

Tại Hoa Kỳ và Ba Tây, Trump và Bolsonaro đã nhiều lần xem thường dịch bệnh, đề ra những liều thuốc không được kiểm chứng và gạt bỏ các nhà khoa học và chuyên gia y tế qua một bên. Thay vì đề ra và thực thi một chiến lược nhất quán để chống lại đại dịch Covid-19 cho quốc gia của mình, họ thường chỉ để cho  chính quyền ở cấp tiểu bang và địa phương đứng ra lãnh đạo cuộc chiến.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50169405687_cf2985ea66.jpg

Tính đến ngày 23/07/2020, Hoa Kỳ có gần 4 triệu ca nhiễm Covid-19

 

Tại Anh Quốc, vào giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành khắp lục địa Châu Âu thì  Thủ tướng Johnson đã tỏ ra quá chậm chạp trong việc ra lệnh đóng cửa. Ông chỉ tỏ ra cương quyết hơn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh sau khi chính ông bị bệnh đến độ không còn thở nổi.

 

Tại Ấn Độ, thủ tướng Ấn Độ đã đối phó với dịch bệnh một cách quyết liệt khi ra lệnh đóng cửa, nhưng lại tranh cãi với các chuyên gia thống kê của chính phủ về các sự kiện liên quan đến dịch bệnh. Ông kiểm soát các thông tin về dịch bệnh và có lúc đề cao dược thảo và các phương pháp chữa bệnh dân gian.

 

Đặt nghi vấn về những sự kiện đã được chấp nhận là một trong những đặc điểm của các lãnh tụ dân túy. Một đặc điểm khác của họ là sợ mất sự ủng hộ của các cử tri nòng cốt cho nên không dám bảo dân chúng phải ở nhà hay đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

 

Đặc điểm thứ ba của các lãnh tụ dân túy là tạo ra chia rẽ để tránh sự hợp tác. Cuối cùng, một điểm nổi bật nơi các lãnh tụ dân túy là lối lãnh đạo dựa trên khoe mẽ và lấy lòng đám đông.

 

Sau khi đại dịch bùng phát tại Ba Tây, quốc gia có đông dân số đứng hàng thứ sáu trên thế giới, Tổng thống Bolsonaro vẫn xem thường đại dịch. Ông nói rằng chỉ có những cá nhân nào có nguy cơ bị nhiễm cao mới phải bị cách ly và đề ra những liều thuốc chống sốt rét vốn không được kiểm chứng. Trong khi đó, (tính đến nay, trong cuộc chiến chống đại dịch), Chính phủ Ba Tây đã phải tốn đến 22 tỷ Mỹ kim. Theo bộ dân số, đây là số tiền đủ để nuôi hơn một nửa dân số Ba Tây.

 

Cũng giống như Tổng thống Trump dùng tiền của Bộ Ngân khố để ký tên của mình vào tấm ngân phiếu 1.200 Mỹ kim để cứu trợ trong thời đại dịch, Chính phủ Bolsonaro cũng tìm cách làm thế nào để những người nhận tiền phải biết ai mà cám ơn. Theo Shifter, đây là một phần trong cái trò quen thuộc của một nhà lãnh đạo dân túy nhằm ve vãn người dân và củng cố quyền lực của mình. Ông Shifter nói : "Nếu họ (các lãnh tụ dân túy) có nại đến khoa học, thì họ lại tìm cách thuyết phục những cử tri nòng cốt của họ rằng khoa học là nguyên nhân chính của vấn đề đầu tiên mà quốc gia phải đương đầu".

 

Tại Mễ Tây Cơ, nơi hiện đã có 41.000 người chết, Tổng thống Lopez Obrador đã tái khởi động kinh tế trong khi số người bị nhiễm bệnh vẫn đang gia tăng. Nhiều thống đốc từ chối thực thi kế hoạch tái mở cửa của chính phủ liên bang. Sau khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Mễ Tây Cơ đã được xác nhận vào ngày 28 tháng Hai, ông Lopez Obrador vẫn tiếp tục đi lại khắp nơi và hòa mình vào các đám đông trong nhiều tuần lễ. Ông cho dân chúng xem lá bùa mà ông nói là đã gìn giữ ông được an toàn.

 

Trong khi con số người chết gia tăng trong những quốc gia được lãnh đạo bởi các lãnh tụ dân túy, thì tình hình lại khác hẳn tại hầu hết các nước Châu Âu, là nơi mà dịch bệnh nếu chưa bị loại trừ thì ít ra cũng giảm dần.Trong bài diễn văn đọc tại Nghị Viện Châu Âu trong tháng này, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng thành tích của Châu Âu cho thấy lợi ích của sự lãnh đạo nhất quán. Đức Quốc, quốc gia với diện tích bằng một phần tư Hoa Kỳ, chỉ có 9.000 người chết. Là người đang tìm cách ngăn chặn làn sóng dân túy tại Châu Âu, bà Merkel tuyên bố : "Khi phủ nhận các sự kiện, chủ nghĩa dân túy đang để lộ sự yếu kém của nó".

 

John Daniszewaki 

 

-------------------------------------

 

Nguyên tác :

In struggle against pandemic, populist leaders fare poorly

By JOHN DANISZEWSKI

July 23, 2020

Associated Press  

 

John Daniszewski là một thông tín viên kỳ cựu của hãng thông tấn AP. Ông hiện là phó chủ tịch của hãng thông tấn này.

 

 

 

 


No comments: