Friday, December 2, 2016

MAKE AMERICA HOME AGAIN (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 30/11/2016

Cô K.N. Pineda sinh viên năm thứ nhất New York University (N.Y.U.) viết một bài tiểu luận đăng báo với đề tài 'Phòng Nội Trú Bị Chia Cắt', kể chuyện bất đồng ý giữa những người bạn học của cô với nhau, và giữa họ với cô. Tôi lấy câu kết trong bài viết của Pineda làm cái tựa cho bài báo này, và để nguyên tiếng Anh vì không dịch thật sát nghĩa được. Make America Home Again là câu Pineda nhái lại câu Make America Great Again -khẩu hiệu tranh cử của tổng thống đắc cử Donald Trump.

Khẩu hiệu Make America Great Again có nghĩa là làm cho Hoa Kỳ trở lại vĩ đại như ngày trước, và Make America Home Again có nghĩa là làm cho Hoa Kỳ trở lại thành 'nhà' như ngày trước. Điểm khó dịch của câu này là chữ 'home', vì 'home' không chỉ là căn nhà, mà còn là căn nhà của mình, là chỗ con người cùng sống chung với gia đình mình; do đó chữ home chứa đựng một tình thương mà chữ nhà (house) không có.

Trở lại với bài viết của Pineda; cô sinh viên này thật thà thú nhận là cô đã không đi bầu; cô viết, 'tôi không quan tâm gì lắm đến cuộc bầu cử ngày mùng 8 tháng 11, vì bận bù đầu với những từ ngữ tiếng Ý đang phải học, những luận văn chưa viết xong. Dĩ nhiên tôi vẫn có đủ tin tức về bầu cử trong cái laptop, nhưng không rảnh để đọc, mặc dù -cũng như mọi người- tôi biết cuộc bầu cử lần này là một quả bom nổ chậm.

Là một sinh viên Đại học và là con gái một viên chức ngoại giao, tôi cũng ý thức được hậu quả của tình trạng bất ổn chính trị và những tác hại của nó khi nó nằm trong vòng tay của đần độn và cuồng loạn.

Tôi không có một lập trường nào dứt khoát về cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton, nhưng nếu đi bầu, tôi sẽ bầu cho Trump. Tôi chú trọng vào việc học, nhưng chỉ vài ngày sau đó, tôi bị liệt vào hàng ngũ những người ủng hộ Trump qua một bài viết của một người bạn học, cùng ở chung phòng nội trú với tôi. Bài chị viết cũng đăng trong nội san của trường -bài được nhiều sinh viên ưa thích và làm thay đổi cuộc sống của tôi.

Tôi cảm thấy mình không nên nói dối với các bạn đồng trường, nhất là tại trường NYU, nơi mà chúng tôi được giảng dạy thái độ phải sống cổi mở, đón nhận những quan điểm khác biệt với quan niệm của mình, và sẵn sàng gạt bỏ mọi thiên kiến để thảo luận.

Chưa lần nào tôi nỗ lực thuyết phục các bạn đồng phòng nội trú để họ chấp nhận quan điểm và sự lựa chọn của tôi. Không những không tìm cách thuyết phục họ, tôi lại còn đồng ý với những điều họ chỉ trích Trump vì những câu tuyên bố về người Hồi Giáo và người thiểu số.

Nói trắng ra, tôi không có một lập trường nào rõ rệt cả; tôi chỉ thấy là Hoa Kỳ cần tập trung vào những vấn đề nội bộ, những vấn đề của chính Hoa Kỳ, và trong địa hạt này, đảng Cộng Hòa sẵn sàng hơn đảng Dân Chủ.

Tác giả viết bài tiểu luận chỉ trích tôi cũng ở chung một phòng nội trú với tôi. Chị đã xin lỗi tôi, nhưng bài viết của chỉ khiến nhiều người bạn học khác nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm. Trên Facebook, họ gọi tôi là người kỳ thị chủng tộc, kỳ thị nam nữ, và là con bé bài ngoại. Họ chỉ trích tôi là một người Mỹ Trắng man rợ, thiếu ý thức, không biết dung hoà.

Thật ra tôi không phải là Mỹ Trắng, bố tôi là người Hispanic, đại gia đình tôi sống tại vùng Nam California và New Mexico; nhiều thân nhân của tôi không chào đời trên đất Mỹ. Bà ngoại tôi là người di dân gốc Ý, chỉ có thẻ xanh thường trú nhân. Bà cụ phải làm 2 jobs vì ông ngoại tôi chết sớm, chết vì rượu.

Bà cùng với ông chồng sau -một người Mỹ Đen- nuôi mẹ tôi; và tôi coi ổng như ông ngoại, vì tôi không biết mặt ông ngoại trước -ông bố ruột của mẹ tôi. Tôi thương yêu ông ngoại Mỹ Đen. Ổng sùng đạo và tốt bụng. Ý tôi muốn nói tôi không phải là người Mỹ Trắng như mọi người chỉ trích tôi.

Được theo học tại New York University là mơ ước của tôi; ngày còn nhỏ, bố tôi sống trong một cái trailer, mẹ tôi có một thời gian homeless -sống vô gia cư. Bố mẹ tôi là những người đầu tiên trong 2 gia đình của họ, được theo đuổi đại học; họ cố gắng lắm để tôi và ông anh tôi có điều kiện học hành.

Một phần học phí của tôi tại NYU là học bổng, phần còn lại là tiền nợ tôi ký vay của chính phủ. Tôi cũng là người thiểu số như bố tôi, mẹ tôi, như ông nội, ông ngoại, bà nội bà ngoại tôi, và tôi cũng đã chịu đựng cảnh bị kỳ thị chủng tộc. Tôi chỉ có nước da trắng, nhưng chính bản thân tôi đã là nạn nhân kỳ thị mầu da; tôi hiểu cái khổ bị kỳ thị.

Ông Trump đắc cử, tôi nói với chị bạn cùng phòng -người đã viết bài chỉ trích tôi là tôi thông cảm nỗi lo âu của chỉ. Tôi text cho chỉ, xin chỉ đừng ghét tôi. Tôi hiểu và thông cảm nỗi buồn lo của những người di dân như chị bạn cùng phòng với tôi. Tôi cũng hiểu là mỗi cử tri đều viết phiếu bầu, căn cứ trên hoàn cảnh riêng của mình. Điều tôi không hiểu là lý do khiến họ thù ghét nhau, chống báng nhau. Chỉ vì thiếu suy luận và vì xúc động quá đáng mà những người ủng hộ đảng này thù ghét những người ủng hộ đảng khác. Thái độ 'chúng ta chống chúng nó' quả là nguy hại; thù ghét đang chiếm địa vị quá lớn trong cuộc sống của mọi người. Xin hãy đối thoại, xin người này hãy tìm hiểu quan điểm của người khác.

Ông Trump hay bà Clinton vẫn chưa có gì đáng cho chúng ta sợ, nhưng chúng ta phải biết sợ thái độ nhắm mắt thù ghét lẫn nhau. Đừng vội xét đoán một người nào qua mầu da, qua tín ngưỡng, hoặc qua lập trường chính trị của họ.

Hãy quên đi việc họ bầu Clinton hay bầu Trump, để chỉ thấy họ là một con người như mọi người. Đó là góc nhìn giúp chúng ta tìm lại được sự đồng cảm trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Xin hay tương kính, hãy cởi mở để making America home again.

Có 'già' lắm thì cô K.N. Pineda cũng chỉ mới ngoài 20 một vài tuổi -cái tuổi học năm thứ nhất đại học. Nhưng lối giáo dục của NYU -khuyến khích sinh viên chấp nhận thái độ cổi mở, và cuộc sống cổi mở, đón nhận những quan điểm chống đối với quan niệm của mình, và sẵn sàng gạt bỏ mọi thiên kiến để thảo luận với nhau, đã giúp cô viết được một bài báo đáng được bố mẹ cô đọc, và những người trang lứa với tuổi bố mẹ cô đọc.

Making America home again là chính sách di dân đã tạo ra nước Mỹ, và cũng là lời giải thích tại sao 2 triệu người gốc Việt đang sống thoải mái trên lãnh thổ Mỹ.

Người viết bài báo nhỏ này cũng xin quý vị đồng hương đang tham dự những cuộc bầu cử địa phương, như cuộc bầu cử ban đại diện Cộng Đồng Người Việt, đang diễn ra tại Houston tôn trọng quan điểm của những cử tri khác.

Đừng chụp nón cối cho những người không bầu giống mình, và cũng đừng nặng lời với họ. 42 năm trước, chúng ta đã bỏ phiếu bằng chân, đã bỏ nước ra đi, cũng chỉ vì không chấp nhận phải bầu cử giống nhau, bầu theo lệnh của đảng cộng sản.

Xin hãy chấp nhận quan điểm của người khác.

Nguyễn Đạt Thịnh





No comments: