Trưa ngày 26/12/2016, anh đang uống cafe thì bị rất
đông an ninh mặc thường phục lẫn cảnh phục lao vào quán, đánh và bắt anh đi.
Anh chỉ kịp nhắn được một tin ra ngoài là “anh bị bắt vô cớ” rồi điện thoại
không còn liên lạc được nữa. Đến nửa đêm tôi nhận được điện thoại từ số lạ và
người ở đầu dây là chồng mình.
Anh đã bị giữ đến nửa đêm, và trong quá trình làm việc
tại đồn công an, bị mạt sát, xúc phạm đủ kiểu vì anh im lặng không hợp tác với
cách hành xử vô luật của công an. 12h đêm, anh gọi taxi rời đồn. Đi được một
quãng thì hơn chục an ninh mặc thường phục chặn xe, lôi anh khỏi taxi và hành
hung anh trên đường về. Mười mấy người lao vào đấm đá vào đầu, vào gáy anh, tưởng
như có thù hằn sâu đậm. Hai chiếc điện thoại và máy đọc sách của anh trước đó
đã bị họ cố bẻ khóa để đăng nhập, không mở được, họ bèn đập nát, rồi ngâm vào
nước cho hỏng; anh phải mượn điện thoại gọi báo tôi biết mong tôi bình tâm.
Họ bắt giữ anh để hỏi về các lớp học của anh, họ
đánh anh cũng chỉ vì căm ghét các lớp học như thế.
Giáo dục giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự
hưng vong của một dân tộc. Một dân tộc chỉ có thể vững mạnh khi có nền giáo dục
lành mạnh. Nền chính trị coi thường giáo dục không thể và không bao giờ đem lại
tương lai nào cho người dân.
Ở Việt Nam hiện nay, giáo dục không những không được
đặt lên vị trí hàng đầu mà nó còn là một thảm trạng văn hóa với vô số những
tiêu cực. Một sinh viên, thậm chí một người thành đạt trong xã hội cũng không
biết về các giá trị của lịch sử xã hội, tầm quan trọng của quá khứ trong sự
hình thành và phát triển một đất nước. Từ đó dẫn đến nhận thức văn hóa và cách
hành xử trong xã hội mất đi tính nhân văn và dần đi xuống theo chiều hướng xấu,
chúng ta thường gọi là băng hoại đạo đức.
Công việc của chồng tôi, anh Nguyễn Hồ Nhật Thành –
một nhà hoạt động xã hội – là khơi nguồn lại tri thức, khai dân trí. Khởi đầu
anh không phải là học giả, anh cũng không có một nền tảng vững chắc trong nhận
thức như nhiều trí thức. Anh vốn là một doanh nhân tự học. Vươn lên từ vốn hiểu
biết ít ỏi, anh đã tự mình mày mò tìm hiểu, đọc và học để trau dồi kiến thức
cho bản thân. Cho đến ngày hôm nay anh đã có thể tự tin khẳng định những gì
mình học được và muốn chia sẻ những kinh nghiệm ấy với những người xung quanh.
Anh mở lớp học, truyền đạt lại những gì mình trải qua trên con đường học thuật,
những giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội mà anh trăn trở, tầm quan trọng của
tri thức trong bối cảnh xã hội hiện nay. Mong muốn của anh là nâng cao năng lực
cho những người muốn hoạt động vì xã hội, dựa vào mối quan hệ với các chuyên
gia trong nhiều lĩnh vực giáo dục, làm cầu nối để họ chia sẻ những kiến thức nền
tảng về hiến pháp, pháp luật, tiếng Anh, lịch sử dân tộc, giá trị nhân quyền và
đặc biệt là dân quyền cho các bạn trẻ.
Đây không phải lần đầu tiên anh Thành mở nhóm học tập.
Năm 2011, anh từng tổ chức nhiều buổi hội thảo "khơi nguồn tri thức"
cho các bạn sinh viên có môi trường trao đổi và chia sẻ kiến thức. Những buổi hội
thảo của anh đều bị phía an ninh cản trở, từ việc ép chủ nhà không cho thuê địa
điểm, đến cắt điện, đe dọa các bạn sinh viên. Rút kinh nghiệm, lần này anh mở
nhóm âm thầm, nhằm tránh những giằng co, xích mích không đáng có giữa mọi người
và phía an ninh.
Nhưng thật không ai nghĩ rằng việc khai dân trí, mở
mang giáo dục – một việc hết sức bình thường và được coi trọng ở một xã hội
nhân văn – lại bị coi là cái tội ở Việt Nam. Chồng tôi đã bị họ quy chụp, bôi
nhọ, với một tâm địa độc ác. Trong khi hành hung họ không quên dọa nạt, đòi bắt,
dí súng đòi giết anh nếu còn tiếp tục việc chia sẻ kiến thức nền tảng cho các bạn
trẻ.
Xưa nay tôi vẫn biết an ninh thích bắt là bắt, thích
đánh là đánh, nhưng dù sao thì cũng hơi sốc và bất ngờ trước hành vi của họ với
một người chỉ muốn chia sẻ học thuật, khai dân trí. Chúng tôi biết chúng tôi sẽ
không thể bắt phía công an chịu trách nhiệm về trận đòn và vụ bắt giữ tùy tiện
này. Nhà báo và luật sư bị họ hành hung giữa ban ngày còn không thể buộc họ chịu
chế tài trước pháp luật thì chúng tôi càng khó có thể.
Lúc này đây, dù rất bức xúc trước hành vi của ngành
công an, nhưng thay vì dành cho họ những lời lẽ không hay ho, tôi nghĩ mình nên
cảm ơn họ chăng? Cảm ơn vì họ đã không đánh chết chồng tôi trong đêm 26/12 vừa
qua như họ đã từng đánh chết bố tôi vì một lỗi hành chính.
No comments:
Post a Comment