“Anh ơi, công an đứng ngoài đập cửa đòi kiểm tra”-
Đây là lời nhắn của bạn trẻ đang tham gia chương trình đào tạo nhà hoạt động xã
hội trẻ do tôi quản lý. Ngay lập tức, tôi chạy đến gần khu vực các bạn ở để
theo dõi tình hình, vừa ngồi trong quán cà phê được 15 phút thì bất ngờ tôi bị
một nhóm hơn 10 người tấn công từ phía sau, tay tôi bị bẻ ngược ra sau cùng lúc
với những đòn đánh đá liên hồi vào đầu, ngực và lưng. Một kẻ cao lớn rút súng
ra chỉa vào màng tang bên phải đầu tôi, xoáy sâu khẩu súng trên tay và nói:
“Mày mà chống cự là tao bắn mày, ĐM mày dám đào tạo hả!”. Tiếp đó anh ta đập đầu
tôi vào mặt bàn và lôi ra, lấy một cái áo khoát trùm kín mặt tôi lại và đưa lên
xe chở đi. Đó là vào lúc 15h30 ngày 26/12/2016.
Họ đưa tôi đến một đồn công an phường, vì bị trùm
kín mặt nên tôi không biết là phường nào. Sau khi họ thả ra vào nửa đêm cùng
ngày thì tôi mới biết đó là công an phường Tân Mỹ, quận 7.
Nhân viên an ninh tên Bình, người luôn theo dõi tôi
từ năm 2011, kể từ những cuộc biểu tình chống sự bành trướng Trung Quốc mà tôi
tham gia, cũng là thời điểm khiến tôi thay đổi nhận thức của tôi về tình hình đất
nước. Bình nhận bàn giao tôi từ tay nhóm đã bắt cóc tôi về đây và đưa tôi lên lầu
2 cùng với hai thanh niên trong dáng vẻ côn đồ, lăm le cây gậy làm bằng nhựa dẻo,
loại hung khí đánh người gây nội thương mà không để lại nhiều vết tích bên
ngoài. Tôi đoán chắc đây cũng một trong nhóm hơn 10 người đánh hội đồng tôi lúc
nãy.
Bình ra vẻ quan tâm hỏi han về sức khỏe, gia đình
tôi. Theo phép lịch sự tôi cũng trả lời, khi tôi im lặng trước những câu hỏi
lãng xẹt thì tên côn đồ cầm cây nhựa dẻo đưa lên tỏ vẻ hăm họa sẽ đánh nếu tôi
không nói. Máu nóng trong người tôi trỗi dậy, tôi nhìn thẳng vào mặt tên côn đồ
đang hăm dọa và nhấn mạnh giọng nói theo ngôn ngữ của họ: “Tao thích thì tao
nói, còn đéo thích thì tao sẽ im lặng, mày ngon thì đánh tao đi, loại tụi mày
chỉ được cái ăn hôi đánh hội đồng. Nếu bản lĩnh thì mày với tao đánh tay đôi!”.
Sau đó, hai tên côn đồ bị đuổi ra ngoài, hai an ninh khác vào phòng tỏ vẻ xoa dịu.
Vậy là dùng tính cương trong những tình huống này là hợp lý, từ đây tôi giành lại
thế chủ động trong hoàn cảnh này, ít nhất là làm chủ cái miệng của mình.
Một nhân viên an ninh khác vào phòng, người này xưng
tên là Đại, có thể thuộc Bộ công an vì theo Bình nói thì vụ đào tạo này của tôi
Bộ trực tiếp chỉ đạo. Ngay từ đầu Đại đã phủ đầu bằng cách chụp mũ bằng giọng
điệu rằng tôi nhận tiền từ các “thế lực thù địch nước ngoài” nhằm âm mưu xây dựng
lực lượng để lật đổ chế độ. Đại nói liên hồi tầm 20 phút trong khi tôi vẫn giữ
quyền im lặng. Sau cùng Đại nài nỉ tôi nói về quan điểm của mình sau những gì Đại
trình bày về nhận định đối với tôi của Bộ công an qua lời diễn giải của Đại.
Lúc này, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc nói.
Tôi mở đầu bằng việc hỏi Đại có gia đình chưa?
Có rồi – Đại trả lời.
Vậy anh có con chưa? – Tôi hỏi tiếp
Có một đứa – Đại trả lời
Tôi cũng có một đứa con giống anh, và tôi không muốn
tương lai của con tôi phải sống trong tình trạng xã hội như tôi đang sống. Tôi
muốn tương lai của con tôi phải sống trong một môi trường bình đẳng và tự do,
nơi mà mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục và công việc bằng nhau mà
không phải bị phân biệt bởi sự giàu nghèo, bởi quan hệ, bởi lý lịch gia đình.
Tôi nghĩ anh cũng muốn như vậy mà phải không? Đại hơi lựng khựng một lúc và không
trả lời.
Đất nước này phải thay đổi tốt hơn, đó là điều chắc
chắn. Anh muốn sự thay đổi đó sẽ diễn ra trong hòa bình hay bạo động và hỗn loạn?
Tôi không chờ anh trả lời và tiếp tục nói, hơn ai hết tôi thực sự muốn sự thay
đổi của đất nước mình diễn ra trong hòa bình, không ai muốn đi chống phá đất nước
của tổ tiên, của nơi mình sinh ra như các anh thường quy chụp. Và đó là những
lý do chính khiến tôi muốn hoạt động, tôi muốn góp chút sức mình vào sự thay đổi
xã hội thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức mà tôi đã trải qua với
những người quan tâm và muốn hành động. Đây là việc đào tạo những kiến thức nền
tảng về lịch sử, hiến pháp, pháp luật và dân quyền chứ đâu phải huấn luyện bắn
súng hay ôm bom đâu mà mấy anh phải lo? Với lại, hạng tép riu thân thế không có
như tôi thì làm gì ảo tưởng đến mức có thể lật đổ được một chế độ với lực lượng
hùng hậu công an và quân đội với vũ khí bạo động trong tay? Các anh ảo tưởng về
tôi quá rồi!
Đại nói rằng đó không phải là bản chất vấn đề. Bản
chất vấn đề là tôi đã làm sai luật. Tôi nhấn mạnh rằng tôi không hề sai luật,
đó là quyền tự do hội họp và học tập được quy định trong phần Dân quyền được
ghi trong hiến pháp. Lỗi là do quốc hội của các anh đã không luật hóa và thi
hành. Nếu anh nói tôi sai thì tôi sai ở đâu, luật nào? Việc tôi âm thầm hoạt động
đào tạo chẳng qua là vì sợ các anh phá hoại thôi. Như tôi đã từng thực hiện
chương trình Khơi
Nguồn Tri Thức vào đầu năm 2012 bị các anh phá không thương tiếc.
Thấy không còn gì để nói với tôi nên Đại nói ngang rằng
mày không muốn sống đất nước này thì mày đi đi chứ đừng làm tay sai bán nước,
chống phá đất nước. Tôi nhìn thẳng mặt Đại và nói: Tại sao tôi phải đi? Đây là
nhà tôi, là đất nước tôi, và tôi sẽ sống chết ở đây, tôi phải được tự do trên đất
nước của mình!
Không khí trở nên căng thẳng thì tôi chốt lại một
câu cuối rằng đó là tất cả những quan điểm của tôi để các anh hiểu rõ, còn từ
giờ phút này trở đi tôi sẽ im lặng, nếu các anh muốn bắt giam, cầm tù thì cứ việc
lập hồ sơ rồi tự làm án.
Tôi bắt đầu ngồi thiền và thinh lặng.
Đến 11h30 tối thì Bình yêu cầu tôi đứng dậy đi, tôi
tưởng sẽ đưa về Bộ nhưng không phải, họ để tôi về nhà. Trước khi về thì một an
ninh cầm điện thoại quay phim và hỏi tôi tự về được không. Tôi trả lời được
nhưng trong lòng gợi lên một điều gì hơi bất an, vì tôi biết họ sẽ không đơn giản
thả ra như vậy.
Tôi đứng đón taxi hơn 30 phút, đúng 12h lên xe, định
lấy điện thoại liên lạc báo cho bạn bè biết để an tâm mới phát hiện là điện thoại
không mở nguồn được. Sáng hôm sau đi sửa thì mới biết là điện thoại tôi bị ngâm
nước rất lâu đến nổi pin nở phình ra. Có lẽ họ thù vặt vì không xâm nhập được
điện thoại tôi nên phá hoại cho bỏ tức.
Ngồi trên taxi tôi vẫn cảm nhận được điều xấu gì đó
đang đến. Xe đi đến đoạn đường Nguyễn Văn Linh, khu vực Phú Mỹ Hưng thì có một
thanh niên đi xe máy Air Black lên đánh võng trước đầu xe buộc xe phải chạy chậm
lại. Đến đoạn đèn đỏ thì một nhóm gần 20 người đi trên 10 xe máy áp sát vào
taxi, 5 xe máy dàn hàng ngang để chặn người đi đường từ xa, 5 xe còn lại đến gần
xe taxi đập cửa yêu cầu taxi mở cửa và lao vào tấn công tôi. Họ lôi tôi ra khỏi
xe và đánh đập hội đồng. Lúc này tôi chỉ kịp ôm đầu và mặt để bảo vệ phần chính
và đành chịu những đòn hiểm của họ vào phần ngực và lưng. Họ đánh tôi trong khoảng
10 phút đến khi tôi nằm giữa đường mới bỏ đi. Tôi ngồi dậy nhìn trong đoàn người
đi qua thì thấy hai công an sắc phục và dân phòng lướt ngang như không có chuyện
gì. Tôi đã rướm nước mắt, không phải vì đau, mà vì đây là thực trạng cai trị bằng
bạo lực của chế độ này mà cả ngày hôm nay tôi đã trực tiếp trải nghiệm.
Ngay lúc này, tôi biết tôi sẽ còn phải nổ lực nhiều
hơn để tương lai không còn những tình trạng tương tự với những người quan tâm đến
tình hình đất nước và mong muốn hoạt động để thay đổi xã hội như tôi.
Tôi đã định im lặng không viết về điều này vì ngại
nhiều người sẽ sợ hãi như điều mà nhà cầm quyền này muốn thông qua việc khủng bố
tinh thần tôi bằng bạo lực. Cũng như trường hợp đã im lặng khi nhóm chúng tôi bị
nhóm côn đồ có bảo kê của công an tấn công, đánh đập ở ga Nha Trang khi đi thăm
gia đình nhà hoạt động Mẹ Nấm với cảnh báo “đừng đến Nha Trang”. Nhưng tôi
nghĩ, tôi cần phải viết, phải nói về tình trạng dùng bạo lực để trấn áp nhằm
tiêu diệt những hy vọng tích cực nhất nhằm vào những người muốn hoạt động cho một
xã hội tự do hơn. Đây là thực trạng chúng ta cần nhìn rõ, chấp nhận trả giá để
phá lằn ranh do nhà cầm quyền này tạo ra nhằm nô lệ hóa con người. Và bạo lực,
chắc chắn sẽ không làm chúng ta khuất phục!
Sài Gòn ngày 28/12/2016
No comments:
Post a Comment