Hôm nay đây, kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến, họ
vẫn cố tình cắt bỏ cái tháng chiến đấu và hy sinh của các bạn mình. Những Tuyên
tồ Đê lùn, Khoát gà toi, Sủng con gái... những người đã hy sinh chiến đấu một
cách ngây thơ trong sáng đến tội nghiệp! Mình cũng nhớ đến cả trăm, ngàn bạn là
lính cũ cùng thời. Chẳng biết hôm nay ai còn ai mất để cùng mình thắp một nén
nhang, hướng lên Trời, chúc các bạn chiến đấu cũ tại Hải Phòng hãy cười vui to
lên ở “nơi ấy” vì hiện nay các bạn vẫn ở nguyên tuổi 18, 20, và linh hồn sẽ mãi
mãi sáng trong và không bị những nỗi buồn day dứt triền miên, như mình - một kẻ
sang tuổi 90 mà vẫn phải sống với cả núi u buồn vì trăm điều uất ức mà đành phải
nghiến răng bất lực thở dài!...
*
Trong một bài viết rất sâu sắc đăng trên trang
Bô-xít ngày 21/12/2016, Gs. Tương Lai đã đặc biệt vạch trần cái mà một bộ phận
cầm quyền đương thời “nhận vơ” và lớn tiếng hô hào một sự “phát huy lòng tự hào
tự tôn về truyền thống dân tộc” là hoàn toàn giả dối, vô nghĩa thậm chí là bịp
bợm so với những gì họ đã và đang làm mấy chục năm nay! Cuối bài Gs. Tương Lai
kết luận:
“...Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc Kháng chiến
19.12.1946 càng khơi dậy sự phẫn nộ trong lòng mỗi người Việt Nam có lương tri
đang ưu tư về vận nước khi truyền thống vẻ vang đang bị băng hoại vì một bộ phận
cầm quyền chóp bu đặt lợi ích của chúng, được khoác cho tấm áo “ý thức hệ” rách
nát lên trên Tổ quốc và dân tộc. Máu người không phải là nước lã. Một sự nghiệp
bị phản bội, thì gợi nhớ lại những trang hào hùng của sự nghiệp ấy sẽ càng làm
cho sự phẫn nộ dâng trào”.
Đọc xong bất cứ bài viết nào về kỷ niệm toàn quốc
kháng chiến, mình lại một lần nữa thấy... buồn! Không phải chỉ là vì thấy ba
ông trùm “tư bản đỏ” huy động bộ máy tuyên truyền khổng lồ huênh hoang, ba hoa
khoác lác về những chiến công, những thành tích “quyết tử cho tổ quốc quyết
sinh” một cách quá lố, thậm chí “phịa như thật”... Không phải chỉ là “những
nhân chứng lịch sử” không thiệt là “nhân chứng” mà chỉ là “thính chứng” nghĩa
là chỉ nghe người khác kể lại hoặc học được ở trường, lớp... Thử hỏi một đại tá
chưa về hưu, kể lại cho phóng viên về những gì “nghe được qua lời của thư ký của
cụ Hồ” (ông này cũng đã chết!) thì ai là “nhân chứng thứ thiệt” đây?
Theo mình, tất cả những lời “kể lại” của những “nhân
chứng dưới 80 tuổi” hôm nay, nếu không là “đọc lại từ sách báo thì cũng là chuyện...
“phịa” cốt để... “dây máu ăn phần”! Thử hỏi một cụ già 75 tuổi (tức là năm 46 mới
có 4 tuổi?) thì biết gì về cái trận nổ súng ở Pháo đài Láng, ở Chợ Đồng Xuân?
(ngoài chuyện “bắc nồi chõ nghe hơi” hoặc vì một động cơ nào đó mà... “phịa lấy
được”?) Thử hỏi đại diện cho dân Hà Nội gì mà nói lắp ba lắp bắp, ngọng níu, ngọng
nô trên màn hình làm nhân chứng cho trận ta pháo kích địch từ pháo đài Láng?
Tuy là một người sinh ra trên đất Hà Nội, nhưng vì,
ngay từ tháng 9/45 mình đã được Bộ Tư Lệnh Chiến Khu III điều về đóng quân tại
Hải Phòng nên không được tham dự gì vào những biến cố “mùa đông năm 46”. Tuy
nhiên, cứ mỗi lần họ kỷ niệm về cái ngày toàn quốc kháng chiến 19/12 và 22/12
là mình lại càng thấy buồn và khóc thầm cho bao đồng đội đã hy sinh cả tháng trời,
trước 19/12, tại mặt trận Hải Phòng mà không hề được nhắc tới. Và càng phẫn nộ
cho cái cách nói, cách viết xuyên tạc, xóa bỏ một số trang lịch sử có
thật với mục đích gì đây của họ mà mình chưa có thể đi sâu phân tích.
Riêng năm nay, kỷ niệm 70 năm, có nhiều bài viết nên
họ đã để lọt ra một vài câu chữ như:
"Trong cuộc găp mặt tối hôm đó (3/12/1946) hai
bên (giữa Hồ Chí Minh và Sainteny) đã thỏa thuận giải quyết một cách ổn thỏa những
xung đột xảy ra tại Hải Phòng và Lạng Sơn..." Và đây nữa:
Trích thư Hồ Chí Minh gửi Léon Blum, thủ tướng Pháp
viết ngay đêm hôm 3/12 đó: “Tôi tha thiết kêu gọi Quốc Hội và Chính Phủ
Pháp nghĩ đến quyền lợi chung tối cao của hai dân tộc Pháp-Việt mà hạ lệnh cho
đương cục Pháp ở Đông Dương khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946 để...” (T.Trẻ
ngày 22/12/2016).
Rõ ràng là: CÓ XUNG ĐỘT TRƯỚC ĐÓ Ở HAI ĐỊA
PHƯƠNG NÀY trước khi có lời kêu gọi “Toàn Quốc Kháng Chiến”.
Nhưng xung đột ra sao? Có hay không đình chiến sau
phái đoàn Hoàng Hữu Nam xuống Hải Phòng thương lượng tạm đình chiến bất thành?
Nếu Hải Phòng vẫn tiếp tục kháng chiến thì... ai với ai đánh nhau? Ai thắng? Ai
thua? Hay cứ “vừa đánh vừa đàm” hoặc hai bên đều “án binh bất động” cho tới
ngày đánh nhau chính thức: 19 tháng 12? Hay là Hải Phòng thực sự đã rơi vào tay
quân Pháp sau mấy ngày bọn này chiến đấu ngắn ngủi rồi rút về An Lão Kiến An
theo lệnh của các ông Hoàng Minh Thảo và Lê Quang Hòa?
Khúc lịch sử bi thương này đã bị người ta cúp bớt đi
vì những lý do gì đến nay chả cần giải thích, giải thú gì xất! “Kệ cha những
“nhân chứng lịch sử thứ thiệt” chúng mày chết dần đi... thế là... hết thắc mắc!”
Đường Cầu Đát, Hải Phòng ngày 19/11/1946
Thôi thì, những cá nhân con người như Phó Bá Hùng,
Nguyễn Sơn Lâm... những đơn vị “tự vệ tự phát” như “Tự vệ Đông Khê”, “Tự Vệ Khu
VII”... bị dìm trong quên lãng đi cũng chỉ như số phận những đơn vị thanh niên
xung phong trên đường Trường Sơn, những chiến sỹ công binh trên cua chữ A... Họ
có cả hàng ngàn hàng vạn, sức đâu mà kê khai ra cho hết... Nhưng:
Có
hai đơn vị bị tiêu diệt cùng lúc cùng ngày, cùng địa điểm do chiến đấu tới viên
đạn cuối cùng với kẻ thù là đội tuyên truyền xung phong 22 người của Nguyễn
Đình Đạo (*) và 13 người đội bảo vệ nhà hát lớn của trung đội trưởng Đặng Kim Nở...
tại sao, vì mục đích gì người ta cũng cho chìm vào quên lãng?
Đây là đơn vị mà mình sẽ cùng chết ngay với họ ở tuổi
19 nếu đồng ý về cái đoàn văn nghệ tuyên truyền này! Họ đang chuẩn bị và luyện
tập cho đêm biểu diễn trên sân khấu Nhà Hát Lớn vào tối 10/11 thì 10g30 phút
sáng, xe tăng quân Pháp ầm ầm kéo đến bao vây và yêu cầu cùng trung đội bảo vệ
hạ súng đầu hàng. Nhưng không một ai trong họ bị khuất phục nên quyết chiến đấu
đến cùng! Họ chấp nhận trận giáp lá cà với cả một đội quân tinh nhuệ, sát khí đằng
đằng và tất cả - xin nhắc là: TẤT CẢ - đã hy sinh, kể cả Trung đội Trưởng Nở đã
kiên quyết không trao súng đầu hàng. Và trước khi ngã xuống dưới làn đạn của kẻ
thù, Nở đã hô to (bằng tiếng Pháp) “Nous sommes des vainqueurs et non
des vaincus!” (Chúng tao là người chiến thắng chứ không phải là kẻ chiến bại”).
Có điều đáng nhớ nhất là: khi có lệnh “tạm đình chiến” (do có phái đoàn Hoàng Hữu
Nam xuống thương lượng), khi lấy xác của họ ra, cả đơn vị quân Pháp đã đứng xếp
hàng trước thềm nhà hát lớn bồng súng chào!
Nhà Hát lớn Hải Phòng, nơi 22 chiến sỹ tuyên truyền và
13 chiến sỹ bảo vệ đã hy sinh toàn bộ trước mũi súng của quân Pháp.
Chuyện
hy sinh anh dũng đầu tiên trong trận chiến đấu đầu tiên của toàn bộ hai đơn vị
đầu tiên của đất cảng này còn được lưu truyền mãi sau khi Báo “Quân
Bạch Đằng của Bộ Tư Lệnh Chiến Khu III tường thuật lại (ảnh 2). Riêng mình, những
năm 80 gì đó, dưới cái tít “Một nén hương cho những chiến sỹ văn nghệ đã bỏ
mình đầu tiên vì Tổ Quốc” được báo Sài Gòn Giải Phóng và một số báo khác đăng,
cốt khơi lại một trang huy hoàng của văn nghệ sỹ quân đội thứ thiệt. Nhưng sau
đó, chẳng có lấy một phản ứng tích cực nào!
Và nỗi buồn và ấm ức trong mình một “nhân chứng tại
chỗ” cứ thế mà nhân lên...
Hôm nay đây, kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến, họ
vẫn cố tình cắt bỏ cái tháng chiến đấu và hy sinh của các bạn mình. Những Tuyên
tồ Đê lùn, Khoát gà toi, Sủng con gái... những người đã hy sinh chiến đấu một
cách ngây thơ trong sáng đến tội nghiệp! Mình cũng nhớ đến cả trăm, ngàn bạn là
lính cũ cùng thời. Chẳng biết hôm nay ai còn ai mất để cùng mình thắp một nén
nhang, hướng lên Trời, chúc các bạn chiến đấu cũ tại Hải Phòng hãy cười vui to
lên ở “nơi ấy” vì hiện nay các bạn vẫn ở nguyên tuổi 18, 20, và linh hồn sẽ mãi
mãi sáng trong và không bị những nỗi buồn day dứt triền miên, như mình - một kẻ
sang tuổi 90 mà vẫn phải sống với cả núi u buồn vì trăm điều uất ức mà đành phải
nghiến răng bất lực thở dài!
Sài Gòn ngày 19/12 đến 22 tháng 12/2016
_____________________________________
(*) Tên Đạo thì chắc chắn nhưng họ có thể nhầm do
trí nhớ đã quá già cỗi nên có thể lầm lẫn,
--> --> -->
No comments:
Post a Comment