Phạm Trần
Posted by adminbasam on
23/12/2016
Nước Mỹ đã sang trang chiều ngày 19 tháng 12 năm
2016 khi Donald Trump được 304 Đại Cử Tri Đòan (Electoral Votes) Cộng Hòa bầu
làm Tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng lãnh đạo Việt Nam Cộng
sản lại cứ ì ra đấy để loay hoay trong mối bòng bong phá sản của tư tưởng Cộng
sản Hồ Chí Minh và tình trạng “tự diễn biến- tự chuyển hoá” trong cán bộ đảng
viên đang đe dọa sự sống còn của chế độ.
Trước hết hãy nói về chuyện nước Mỹ. Kết qủa cuộc bầu
chọn Donalds Trump đã vượt qúa số 270 phiếu cần thiết theo quy định của Hiến
pháp, trong tổng số 538 Cử Tri Đòan của 50 Tiểu bang và Quận hạt Thủ đô Hoa Thịnh
Đốn (District of Columbia).
Ứng cử viên Dân chủ Bà Hillary Clinton, mặc dù thắng
hơn Donald Trump gần 3 triệu phiếu cử tri trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2016
nhưng chỉ được 227 phiếu Cử Tri Đòan trong cuộc bỏ phiếu ngày 19/12/2016. Bà mất
5 phiếu Dân chủ khi những cử tri đòan này bầu cho người khác.
Nhưng con số 538 lấy ở đâu? Đó là tổng số Đại cử tri
đòan được 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ tại mỗi Tiểu bang và quân hạt Washington
D.C. bầu ra, trong số những đảng viên kỳ cựu và nổi tiếng trong sinh họat đảng
địa phương. Số này, theo hiến định, phải ngang bằng với 100 Nghị sỹ, 435 Dân biểu
của Quốc hội liên bang và 3 phiếu dành cho cử tri quân hạt Washington D.C.
(District of Columbia) đã được một Tu chính Hiến pháp cho phép.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 19/12/2016, ông Trump cũng
mất 2 phiếu Cộng hòa tại Tiểu bang Texas khi một Đại Cử tri bầu cho Thống đốc Cộng
hòa Ohio, John Kasick và người thứ hai bỏ cho Dân biểu Cộng hòa Ron Paul. Nếu
hai người này bỏ cho Donald Trump thì số phiếu sẽ là 306, bằng với số ông ta đã
dành được trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2016.
Một phiên họp khóang đại của lưỡng viện Quốc hội Mỹ
(Thượng và Hạ viện) sẽ được tổ chức ngày 6/1/2017, dưới quyền chủ tọa của đương
kim Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Jose Biden để kiểm phiếu bầu của Cử
tri đòan và hợp thức hoá chuyện thắng cử của liên danh Donald Trump- Mike Pence
trước khi họ tuyên thệ nhận chức ngày 20/01/2017.
ĐỐI
NỘI NGỘT NGẠT
Nhưng chiến thắng khá bất ngờ của nhà tỷ phú Donald
Trump, một người chưa bao giờ được coi là một chính trị gia chuyên nghiệp hay
có kinh nghiệm về ngọai giao, quốc phòng và chính quyền cũng đã đặt ra nhiều dấu
hỏi về khả năng lãnh đạo của ông ta.
Một trong những lý do khiến dân Mỹ chưa yên tâm vì
trong thời gian tranh cử, ông Trump đã có những lời nói và hành động tiền hậu bất
nhất, đôi khi không bình thường, xúc phạm cử tri phụ nữ và gây chia rẽ giữa các
sắc dân ở Hoa Kỳ. Vì vậy viễn ảnh một nước Mỹ phải đối đầu với tình trạng chia
rẽ trong dân dưới chính quyền Donald Trump là điều khó tránh khỏi.
Về đối nội, ông Trump sẽ gặp khó khăn trong lời hứa
sẽ dẹp Obama Care vì đảng Cộng hòa và chính quyền tương lai Trump chưa có kế họach
nào thay thế. Cộng hòa cũng chưa biết làm thế nào để ngăn chặn xáo trộn trong
dân khi gần 30 triệu người Mỹ sẽ mất ObamaCare khi họ chưa có lối thoát.
Ngoài ra Donald Trump cũng sẽ phải đương đầu với lời
hứa sẽ trục xuất ra khỏi nước Mỹ khỏang từ 6 đến 8 triệu di dân Nam Mỹ bất hợp
pháp đang sống ở Hoa Kỳ. Cũng khó khăn cho Donald Trump là lời hứa sẽ xây bức
tường ngăn chặn di dân xâm nhập nước Mỹ dọc theo biên giới Mexico vì khó thực
hiện và tốn phí cao.
Chính quyền Trump cũng khó tránh khỏi rắc rối khi áp
dụng những biện pháp “theo dõi” người Mỹ hay di dân hợp pháp gốc Hồi giáo đang
sống trên đất Mỹ, hoặc hạn chế tối đa hay cấm di dân Hồi giáo vào Hoa Kỳ.
THẾ
GIỚI VÀ TRUMP
Đối với thế giới, sau đây là những lo âu của nhiều
nước:
– Khối các nước đồng minh lâu đời NATO của Mỹ (North
Atlantic Treaty Organization, Liên phòng Bắc Đại Tây Dương) và Liên hiệp Châu
Âu (European Union, EU) rất hoang mang khi thấy ông Donald Trump tỏ ra thân thiện
với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bị chính quyền Obama và Châu Âu phong
tỏa kinh tế để trừng phạt Nga đã xâm lăng chiếm vùng đất Crimea của Ukraine năm
2014. Và trong khi cả Châu Âu lo ngại Putin sẽ xua quân tái chiếm các nước cựu
Cộng sản Đông Âu thì ông Trump lại khen ông Putin là nhà lãnh đạo giỏi.
– Ông Trump cũng đã thúc hối nhóm tin tặc Nga chui
vào hệ thống Computer của Đảng Dân Chủ để khui ra những tin bất lợi cho ứng cử
viên Hilarry Clinton. Nhưng ông ta lại không tin nước Nga hay Tổng thống Putin
đã nhúng tay gây xáo trộn cuộc bầu cử để giúp ông ta thắng cử, mặc dù cơ quan
tình báo Hoa Kỳ (CIA) nói là có nhiều dấu vết như thế.
– Cũng liên quan đến chuyện này, Tổng thống Barack
Obama đã ra lệnh cho CIA kiểm điểm và tập trung hồ sơ để báo cáo với Quốc hội
và công khai những tài liệu có thể công bố được cho dân biết.
Việc làm này sẽ diễn ra trước ngày ông Obama rời Bạch
Ốc và trước khi Dobnald Trump tuyên thệ nhận chức ngày 20/01/2017.
Sau ngày ông Trump nhận chức thì ông phải đối phó với
2 cuộc điều tra của các Ủy ban liên quan đến tình báo, an ninh, ngọai giao và
quốc phòng của cả Thượng và Hạ viện về vai trò của nước Nga và của ông Putin
trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Hai cuộc điều tra này sẽ kéo dài bao lâu chưa ai biết,
nhưng có thể cả năm trời nếu các chi tiết đòi hỏi phải điều tra thêm của Quốc hội.
– Đối với Trung Đông, chắc chắn ông Trump sẽ bị các
nước Ả Rập, đặc biệt là dân Palestine chống đối nếu ông ta thi hành lời tuyên bố
di dời Tòa Đại sứ Mỹ hiện nay ở Tel Aviv về Jerusalem theo ý muốn của Do Thái.
Bởi vì người Pakestine cũng có quyết tâm dành lại phần lãnh thổ phía đông
Jerusalem làm Thủ đô khi họ có thể lập quốc sống bên cạnh Do Thái.
Cuộc tranh chấp Jerusalem và vùng lãnh thổ West Bank
mà Do Thái chiếm và cai trị từ sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967 giữa Do Thái và
các nước Ả Rập đã đổ rất nhiều máu, trong đó có phần lớn của người Palestine ở
trên phần đất này.
– Ông Trump cũng sẽ nhức đầu với quân khủng bố nhà
nước Hồi giái, ISSIS, hãy còn đang hòanh hành ở Iraq và Syria cũng như đối với
lực lượng theo Al Qaida ở Phi Châu. Bởi vì lập trường chống ISSIS của ông Trump
không rõ rệt. Một mặt ông hứa sẽ thanh toán sạch bằng các viện pháp quân sự mạnh,
kể cả ném bom và đem quân tác chiến Hoa Kỳ vào Syria. Nhưng mặt khác, ông ta lại
khen nước Nga và Syria đang tấn công quân ISSIS trong khi các nhóm quân kháng
chiến chống chính quyền độc tài Bashar Hafez al- Assad đã tố cáo ông Putin cho
máy bay Nga đã ném bom và giúp vũ khí cho quân của Chính phủ tàn sát dân lành
và lực lượng đối lập với al- Assad.
– Đối với Iran (Ba Tư) thì ông Trump muốn duyệt lại
thỏa hiệp kiểm soát nguyên tử với nước này do chính phủ Obama, Liên hiệp Quốc
và Liên hiệp Châu Âu đạt được sau nhiều năm thương thuyết. Nhưng chính phủ Iran
đã đe dọa sẽ không dễ dàng hợp tác với Donald Trump.
– Đối với Á Châu, dư luận lo sợ ông Trump sẽ phát động
chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Các nước trung bình như
Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Việt Nam, Mã Lai Á v.v… cũng sẽ bị vạ lây nếu chính
quyền Donald Trump phát động cuộc tranh chấp với chủ trương “America first” (đặt
quyền lợi nước Mỹ trên hết) như ông ta nói khi tranh cử.
– Vế tình hình tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc
và các nước trong khu vực, kể cả Việt Nam thì ông Trump có vẻ như thờ ơ, không
quan tâm bằng quan hệ kinh tế giữa Mỹ và khu vực Á Châu và Thái Bình Dương.
Nhưng ông ta lại nói sẽ rút Mỹ ra khỏi nhóm 12 nước trong Hiệp định Đối
tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans- Pacific Strategic
Economic Partnership Agreement, gọi tắt là TPP), trong 100 ngày đầu bắt tay vào
việc.
Nếu Mỹ rút thi TPP còn lại 11 nước gồm Úc, Brunei,
Gia Nã Đại (Canada), Chí Lợi (Chile), Nhật (Japan), Mã Lai Á (Malaysia),
Mexico, Tân Gia Ba (Singapore), Tân Tây Lan (New Zealand), Peru và Việt Nam.
VIỆT
NAM CỨ Ì RA
Nhưng Việt Nam lại chưa biết phải xoay xở ra sao. Chỉ
mới thấy Tổng Thư Ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo chí ở Hà Nội ngày
23/11/2016 rằng:”Nếu Mỹ không tham gia thì các nước còn lại sẽ bàn với nhau.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam tham dự cũng rất tốt với các nước thành viên.”
Lời nói lạc quan tếu của ông Phúc đã lạc hậu so với
tuyên bố của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày
21/12/2016.
Ông Huệ nói: “Cho đến giờ khó có thể nói tương
lai TPP thế nào”.
Báo Kinh tế Sài Gòn Online (KTSG) viết:”Ông giải
thích, ngày 20- 1- 2017, Tổng thống mới của Mỹ sẽ nhậm chức. Lúc đó, mới có thể
nói chính sách thương mại, đối ngoại của Mỹ ra sao. Còn hiện nay, Nhật Bản đã
phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương. Tới đây, Thủ tướng Nhật sang
Việt Nam, một trong các mục tiêu là vận động Việt Nam sớm phê chuẩn TPP, để các
nước phê chuẩn, cùng gia tăng áp lực với Mỹ.”
Như vậy, TPP đối với Việt Nam là con đường đầy chông
gai trước mắt để định hướng nền kinh tế Quốc gia. Bởi vì khi không còn TPP thì
hàng xuất cảng của Việt Nam sẽ giảm và các nước đầu tư vào Việt Nam cũng không
nhiều. Thị trường bất động sản, đòn bẩy của kinh tế cũng bấp bênh. Nếu có TPP
thì 18,000 loại hàng hóa trao đổi trong khối sẽ được giảm thuế và nhiều công ty
nước ngoài sẽ vào Việt Nam làm ăn để hưởng giá lao động rẻ và chịu khó.
Khó khăn cho Việt Nam là khi không còn kinh tế đầu tầu
của Mỹ thì TPP rất khó tồn tại. Bởi vì, theo báo Kinh tế Sài Gòn Online phải có
“quốc hội của ít nhất 6 quốc gia thành viên thông qua TPP, và GDP của 6
thành viên này phải chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 thành viên, thì TPP mới
có hiệu lực.” (GDP, Gross Domestic Product, sản lượng quốc gia hay sức mạnh
kinh tế)
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế thì Mỹ chiếm
62% tổng GDP, và Nhật Bản chiếm chiếm 17% tổng GDP trong TPP. Như vậy nếu Mỹ
rút thì rất khó cho Nhật Bản có thể cứu TPP.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ thương thuyết “song
phương” với các nước để có một thỏa hiệp mậu dịch tạo công ăn việc làm cho dân
Mỹ, thay vì chỉ nhắm giúp cho các nước trong nhóm TPP giầu thêm mà quyền lợi Mỹ
thì thiệt thòi.
Don đó ông ta chống nhưng chưa ai biết Donald Trump
sẽ thương thuyết cái gì, ở đâu và khi nào.
Chính sách kinh tế và mậu dịch tương lai của chính
quyền Trump sẽ khó tránh làm cho kinh tdế thế giới, đặc biệt kinh tế nhỏ như Việt
Nam không bị chao đảo.
Từ viễn ảnh kinh tế không sáng sủa sẽ đưa đến những
khó khăn cho người dân và đội ngũ bảo vệ đảng và chế độ rường cột và quan trọng
nhất là quân đội.
Nhưng thay vì biết thức thời để cứu dân và cứu nước
thoát khỏi những hệ lụy sẽ đến với nhiều thay đổi của nước Mỹ thời chính quyền
Donald Trump thì lãnh đạo của đảng Cộng sàn Việt Nam từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng trở xuống chỉ biết hô hào tiếp tục kiên định Chủ nghĩa lạc hậu Mác- Lênin
và tư tưởng Cộng sản chậm tiến của ông Hồ Chí Minh.
Họ cũng gia tăng tuyên truyền để đổ lỗi cho điều được
gọi là “các thế lực thù đich” đang tìm mọi cách gây ra tình trạng “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong hàng ngũ cán bộ đảng viên để xóa vai trò lãnh đạo của đảng.
Nhưng lãnh đạo Việt Nam lại quên rằng, những điều ông
Hồ nói để cho đảng viên làm theo đã bị chính đảng viên phản bác bằng hành động
như không thèm kiên định chủ nghĩa Cộng sản đã gây thảm họa cho dân tộc.
Họ cũng thấy nếu cứ nghe theo đảng để kiên định thứ
chủ nghĩa phá sản thì giữ làm gì cho hại thân, nhất là khi thấy lãnh đạo không
làm gì mà cứ mỗi ngày một giầu sang phú qúy thì phải kiểm điểm để “sáng mắt
sáng lòng” mà tìm đường sống.
Trong khi đó thì đa số đảng viên, nhất là những kẻ
có chức có quyền và số không nhỏ lãnh đạo, lại tôn thờ tham nhũng, quan liêu, cửa
quyền và lợi ích nhóm là cứu cánh để được giầu sang phú qúy. Cán bộ, đảng viên
ngày nay cũng đã tự xóa đi lời thề tuyệt đối trung thành với đảng. Và thay vì
phải là đầy tớ và công bộc của dân như ông Hồ mong muốn thì đảng viên lại chỉ
muốn là những người chủ gian ác, tham lam và coi dân như tôi đòi bắt phải phục
vụ.
Hãy nghe ông Trọng loanh quanh với tập thể cán bộ Tổng
cục Tình báo, Bộ Quốc phòng ngày 19/12/2016:”Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy
mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình”, tăng cường sử dụng các biện pháp “mềm”, tập
trung làm chuyển hoá về chính trị tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển
hoá”, kích động, chia rẽ, đòi phi chính trị hoá quân đội, hạ thấp, phủ nhận vai
trò, uy tín lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, đối với quân đội; hòng xoá bỏ mục
tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân
ta đã lựa chọn.”
Ông nhấn mạnh:”Tất cả tình hình đó đòi hỏi chúng
ta phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác, không ngừng chăm lo, củng cố, tăng cường
sức mạnh quốc phòng, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo
vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.” (VOV, Voice of Vietnam –Đài Tiếng nói Việt
Nam)
Trong khi đó thì Lương Cường, Thượng tướng, Bí thư
Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính
trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã cảng cổ lên bảo :” Hệ tư tưởng
Mác – Lê- nin luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của Quân
đội.” (Tạp chí Cộng sản, 15/12/2016)
Ông tướng này còn nói như vòi nước chảy rằng:” Quan
điểm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng trong Văn kiện Đại
hội XII của Đảng là sự kế thừa và phát triển quan điểm xây dựng Quân đội cách mạng
trong quá trình xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của
Quân đội nhân dân Việt Nam trong hơn 70 năm qua, đồng thời dựa trên nguyên lý của
chủ nghĩa Mác – Lê- nin về xây dựng quân đội kiểu mới; xuất phát từ
quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội
cách mạng.”
Nhưng dù có vòng vo tam quốc chí diễn nghĩa đến đâu
chăng nữa, cuối cùng rồi cũng quay về chuyện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”
đang diễn ra trong hàng ngũ vẫn thường khoe khoang là “anh bộ đội cụ Hồ”.
Tướng “tuyên giáo” phóng loa của Quân đội hô hào:”Với
chức năng, nhiệm vụ của mình, Quân đội phải luôn nêu cao tinh thần cảnh
giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước,
nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống; góp phần
cùng toàn Đảng, toàn dân giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững định
hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh chống
“Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn
chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch…”
Nhưng nếu cứ ì ra để đi tìm những kẻ nội thù như thế
khi nước Mỹ đã sang trang với chính sách đối ngọai mới sẽ ảnh hưởng đến Việt
Nam và tình hình Biển Đông của chính quyền Cộng hòa Donald Trump thì ngồi đó có
ích gì cho dân?
No comments:
Post a Comment