Hồi còn ở Việt Nam, ông Tư đã đọc và viết tiếng Anh
suôn sẻ, nhưng ít khi có dịp nói. Khi được đi Mỹ đoàn tụ với con, ông mừng lắm,
kỳ này ông sẽ tha hồ nói tiếng Anh. Nào ai ngờ, sau mấy năm ở Mỹ thì ông quên hết
tiếng Anh!
Vừa đặt chân đến Mỹ, ông có ngay cơ hội nói tiếng
Anh với đứa cháu ngoại theo mẹ ra phi trường đón ông: “Do you know who I am?”.
Cháu ông chưa kịp trả lời thì con ông đã ngắt lời: “Thôi ba đừng nói tiếng Anh
với nó! Ba nói tiếng Việt giúp con cho nó rành tiếng Việt.” Trời, đến Mỹ mà bị
cấm nói tiếng Anh là thế nào? Nhưng nghĩ lại, ông thấy con ông có lý, ông phải nói
tiếng Việt với các cháu cho nó giữ được nếp nói tiếng Việt trong nhà chứ, tụi
nhỏ suốt ngày liến láu tiếng Anh ở trường, ở ngoài đường rồi. Vậy là ông hết
nói tiếng Anh trong nhà.
Thế còn ngoài ngõ? Bước ra gặp hàng xóm, nếu không
nghe “bác mạnh giỏi?” thì cũng nghe câu “bác Việt Nam mới qua?”. Rảo quanh bốn
năm cái chợ, sáu bảy dãy phố, đâu cũng gặp người Việt và các tiệm mở nhạc Thuý
Nga “tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”... Ông tới chỗ nào mà buột miệng
thực hành câu chào "Hello, how are you?" là y như rằng được nghe ngưởi
ta hỏi lại “You Korean? (Ông người Hàn quốc à?)
Little Saigon cũng có người ngoại quốc chứ? Một hôm
vào tiệm phở gặp tay Mễ chạy bàn, ông nắm ngay cơ hội: “I’ll have a chicken
noodle soup?”. Nghe ngay câu này từ miệng anh Mễ: “Tô lớn hay tô nhỏ?” làm ông
lạnh xương sống. Dịp khác, từ xa ông thấy bà bạn cũ đang huyên thuyên với một
người Mỹ. Ông đến nơi tay bắt mặt mừng thì vỡ lẽ: người Mỹ kia nói tiếng Việt với
bà ấy!
Khi đến cửa hàng Mỹ, ông đinh ninh đây không nói tiếng
Việt. Ông đúng, đây không nói tiếng Việt, nhưng… cũng chẳng nói tiếng Anh. Chỉ
có lặng lẽ bỏ hàng vào xe đẩy rồi đẩy xe tới thâu ngân. Reng, reng, roạt! Ông
chỉ nghe bấy nhiêu khi ở chỗ cô bấm máy tính tiền. Những người như bác sĩ hay
thợ sửa xe, tuy rành Anh ngữ, vẫn nói tiếng Việt với ông. Ngay cả khi phải đến
công sở Mỹ, ông cũng được nhân viên tiếp với câu chân tình: “Bác cần gì vậy
bác?”
Không bao lâu, ông nhận ra là ở Little Saigon, nhu cầu
tiếng Anh không cấp bách đối với người già như ông, và cơ hội nói tiếng Anh
không đến một cách tự nhiên như ông tưởng. Phải tìm kiếm, hay đi học lại và hội
nhập dòng chính Mỹ. Nhưng sức ông không kham nổi. Vậy là dẫu không chủ ý, mối
quan tâm của ông đối với tiếng Anh giảm dần.
Quay về tiếng mẹ đẻ, ông loanh quanh trong nhà giải
khuây với hơn mười đài truyền hình Việt ông xem không xuể và mấy tờ nhật báo Việt
đọc không hết trong một ngày, để thấy rõ rằng nhờ có tự do tư tưởng và tự do
ngôn luận nên tiếng Việt ở Little Saigon phong phú và phóng khoáng hơn hẳn bên
Việt Nam, làm ông cảm thoải mái và thích thú khi nói và viết tiếng Việt theo lối
bên này.
Bây giờ thì ông đang ở đây, con cháu vào thăm ông đã
về, chỉ còn cô y tá Mỹ quanh quẩn điều chỉnh cái máy truyền thuốc và cái ống
truyền nước cho ông. Ông mỉm cười tự nhủ rồi ông cũng có cơ hội thực hành tiếng
Anh. Nhưng giờ ông không đủ sức nữa, chỉ cố nhớ lại những gì ngộ nghĩnh trong
câu chuyện qua Mỹ quên tiếng Anh, để ông vui lên đôi chút.
Những điều trải qua làm ông thấm thía vì sao người
Việt không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc và trăm năm Pháp thuộc. Little
Saigon không có triều đình hay chính phủ, nhưng đàn con Hồng cháu Lạc đang thầm
lặng giữ lấy bản sắc dân tộc. Ông thấy thương con ông nhắc nhở cháu ông nói tiếng
Việt, thương cháu ông ê a đánh vần, thương thầy cô các trung tâm Việt ngữ hết
lòng dạy dỗ, thương ca sĩ hát hùng ca sử Việt, thương ngôi nhà thờ có mái cong
và mái chùa ẩn hiện đây đó, thương lá cờ và thương tà áo dài tung bay trên những
con đường mang tên Mỹ, thương........rồi những xúc động trào dâng làm ông thấm
mệt. Khi cô y tá đến cầm tay ông dịu dàng hỏi xem ông có sao không, ông gắng gỏi
với hơi thở yếu dần rồi chỉ thì thầm: “I love Little Saigon!”.
Ông Tư nhắm mắt với vẻ toại nguyện trên gương mặt,
thế là ông cũng có dịp thực hành tiếng Anh với hơi thở cuối cùng ở Mỹ
---------------------
- Truyện ngắn của nhà văn Bảo Ngọc, do David Nguyen
giới thiệu. Kim Chi có hiệu đính cho vừa với status
No comments:
Post a Comment